Wednesday, July 10, 2024

Ngũ đế thiên hoàng

Trong Đạo Giáo thời Hán - Tam quốc có 5 vị thần cai quản 5 hướng gọi là Ngũ đế Thiên hoàng. Sách Lão Tử trung kinh viết:

- Thần phương Đông tên là Câu Mang Tử, hiệu là Văn Thuỷ Hồng Nhai Tiên Sinh, là Đông phương Thương đế, Đông Hải quân;
- Thần phương Nam tên là
Chúc Dung Tử, hiệu là Xích Tinh Thành Tử, là Nam phương Xích đế, Nam Hải quân;
- Thần phương Tây phương tên là
Nhục Thu Tử, hiệu là Hạ Lý Hoàng Công; là Tây phương Bạch đế, Tây Hải quân;
- Thần phương Bắc tên là
Ngu Cường Tử, hiệu là Huyền Minh Tử Xương, là Bắc phương Hắc đế, Bắc Hải quân.
- Thần Trung ương tên là
Hoàng Thường Tử, hiệu là Hoàng Thần Bành Tổ, là Trung ương Hoàng đế quân.

Như vậy Ngũ đế ứng với 5 phương Đông Tây Nam Bắc và Trung tâm, ứng với 5 màu Xanh Đỏ Trắng Đen Vàng. Đặc biệt đây cũng là các vị "thủy thần" mà được gọi là "Hải quân" của 4 biển Đông Tây Nam Bắc.

Ngũ đế Thiên hoàng và Ngũ phương, Ngũ sắc.

Trong Sơn hải kinh, các vị thần bốn phương cũng đều dùng rồng là vật cưỡi. “Phương Nam Chúc Dung, thân thú mặt người, cưỡi hai rồng”, “Phương Tây Nhục Thu, tai trái có rắn, cưỡi hai rồng”, “Phương Đông có Câu Mang, thân chim mặt người, cưỡi hai rồng”, “Phương Bắc Ngu Cường, thân đen có tay chân, cưỡi hai rồng”. Việc các thần linh tứ phương cưỡi rồng cho thấy tính chất Thủy thần của các vị này.

Về Ngũ hành và các vị thần trấn phương trong Lã Thị xuân thu của Lã Bất Vi ghi:

Mạnh Xuân Kỷ: Tháng đầu xuân: Mặt trời ở vị trí sao Doanh Thất. Buổi chiều hôm, sao Sâm ở phương chính Nam, mặt trời tháng này ở Giáp Ất (phương Đông). Vị đế vương tương ứng với tháng này là Thái Cao Thị, dựa vào Mộc Đức mà xưng vương, vị thần đối giúp với tháng này là Mộc thần Câu Mang. Động vật tiêu biểu tháng này là loài có vảy... con số đối ứng với tháng này là số 8, số của Thiếu Dương, … Thiên tử ngồi xe có cờ xanh, mặc áo xanh, đeo ngọc xanh (thuận ứng với Mộc sắc).

Mạnh Hạ Kỷ: Tháng đầu mùa hạ: Mặt trời ở vị trí sao Tất. Buổi chiều hôm, sao Dực ở phương chính Nam, sáng sớm sao Vụ Nữ ở phương Bính Đinh (phương Nam). Vị đế vương tương ứng với tháng này là Viêm Đế, dựa vào Hỏa đức mà xưng vương. Vị thần đối giúp tháng này là Hỏa thần Chúc Dung. Động vật tiêu biểu tháng này là loài có lông vũ…, con số đối ứng với tháng này là số 7… Thiên tử ngồi xe màu đỏ, … trên xe có cờ đỏ, mặc áo đỏ, đeo ngọc đỏ.

Mạnh Thu Kỷ: Tháng đầu mùa thu: Mặt trời ở vị trí sao Dực. Buổi chiều hôm, sao Đẩu ở phương chính Nam, mặt trời tháng này ở phương Canh Tân (phương Tây). Vị đế vương tương ứng với tháng này là Thiếu Hạo, lấy đức Kim mà xưng vương thiên hạ. Vị thần đối giúp của tháng này là Kim thần Nhục Thu, tên là Cai. Động vật tiêu biểu tháng này là loài có lông mao,... con số đối ứng với tháng này là số 9 số của Thiếu Âm, … Thiên tử ngồi xe có cờ trắng, mặc áo trắng, đeo ngọc trắng làm đồ trang sức (thuận ứng với sắc Kim).

Mạnh Đông Kỷ: Tháng đầu mùa đông: Mặt trời ở vị trí sao Vĩ, buổi chiều hôm sao Ngụy ở phương chính Nam, mặt trời tháng này ở phương Nhâm Quý (phương Bắc). Vị đế vương tháng này là Chuyên Húc, lấy đức Thủy mà xưng vương thiên hạ. Vị thần đối giúp của tháng này là Huyền Minh Thủy thần. Động vật tiêu biểu tháng này là loài giáp giới (loài rùa),... Con số của tháng này là số 6… Thiên tử ở trong phòng đầu tây của nhà hướng bắc, ngồi xe đen, trên xe có cờ đen, ngựa kéo xe là ngựa đen, trên xe có cờ đen, đeo ngọc đen.

Đây là bảng kê khá đầy đủ của sự vận dụng Ngũ hành.

1. Thái Cao – Mộc đức – mùa xuân - phương Đông - loài có vảy (rồng) - số 8 – màu xanh - Mộc thần Câu Mang.
2. Viêm Đế – Hỏa đức – mùa hạ – phương Nam (tức phương Bắc của Dịch lý) - loài có lông vũ (chim phượng)- số 7 – màu đỏ - Hỏa thần Chúc Dung.
3. Thiếu Hạo – đức Kim – mùa thu – phương Tây - loài có lông mao (kỳ lân) – số 9 – màu trắng - Kim thần Nhục Thu.
4. Chuyên Húc – Thủy đức – mùa đông – phương Bắc (tức phương Nam của Dịch lý) - loài có giáp giới (rùa) – số 6 – màu đen - Thủy thần Huyền Minh.

So sánh với đạo Tam Tứ phủ ở Việt Nam, một tín ngưỡng rất gần với Đạo Giáo, thì Ngũ đế Thiên hoàng của Đạo Giáo chính là Ngũ vị Tôn quan trong ban Công đồng Tứ phủ. Cũng là 5 vị thủy thần trấn trị 5 phương, ứng đúng với 5 màu của Ngũ sắc.

Trên những gương đồng thời Hán Tam quốc thường gặp loại gương có đúc hình các vị thần và dòng chữ:

Ngô tác minh kính, u luyện tam thương. Chu duyên dung tượng, Ngũ đế Thiên hoàng. Bá Nha đan cầm, Hoàng Đế trừ hung. Chu điểu Huyền vũ, Bạch hổ Thanh long. Quân nghi cao quan, tử tôn phiên xương. 

Nghĩa là: Tôi tạo gương sáng, phối luyện ba loại. Quanh viền tạc tượng, Ngũ đế Thiên hoàng. Bá Nha đánh đàn, Hoàng Đế trừ hung. Chu điểu Huyền vũ, Bạch hổ Thanh long. Phong chức quan cao, con cháu vững yên.

Chữ Quân nghi cao quan, thể hiện phép tắc về thứ bậc quan chức, hay tương đương với khái niệm "Công đồng" trong Tứ phủ. Chính chữ "quan" này là trong tên của Ngũ vị tôn quan.

Không có mô tả ảnh.
Mẫu gương Trùng liệt thần thời Hán.

Điển hình của các vị thủy thần trấn các phương theo màu sắc của Ngũ hành là tại Nhật Tân (Hà Nội), nơi thời Uy Linh Lang và Lục bộ thủy phủ hay Đoài hồ Thất giáp: Đại vương là giống giao long, là trưởng của Xích Giáp, hiệu là Uy Linh Lang, cùng với 6 người được nhận phong ở đó là Bạch Giáp, Hoàng Giáp, Hắc Giáp, Thanh Giáp, Chu Giáp, Tử Giáp. Ngũ phương ở đây là phương Trung ương màu Vàng – Hoàng giáp, phương Nam Đỏ - Xích và Chu giáp, phương Bắc màu Đen – Hắc và Tử giáp, phương Đông màu Xanh – Thanh giáp, phương Tây màu Trắng – Bạch giáp.

Làng Mai Xá, xã Song Mai, Kim Động, Hưng Yên thờ 5 vị thủy thần thời Hùng Vương với sự tích khá giống như truyện về Bạch Hạc Tam Giang. Xưa người đời truyền rằng: Ở quận Động Hải, xứ Hải Dương có người họ Hải tên Bột, tên chữ Văn Tử, lấy vợ người cùng quận, phường Thủy Cơ, tên húy là Trương Thị Đoan... Bà thấy mặt nước có rồng vàng đẻ được năm quả trứng... tự nhiên nứt ra, làn nước biển ngào ngạt hương thơm, hương nước như tan biến vào người... Bà thấy mình có thai... sinh ra một bọc, nở ra 5 người con trai... Đặt tên người con thứ nhất là Cự Lân, người thứ hai là Hống Lý, tên hiệu Cao Minh, người con thứ bà là Thổ Linh, người con thứ tư là Long Hầu, tên hiệu Cao Mang, người con thứ năm là Túc Linh...

Sau đó thần tích kể rằng ở Mai Xá có 2 gia đình là Đổng Công và Nhân Công, hai bà vợ nằm mộng thấy rồng vàng và gặp một sứ giả Thượng đế đến báo tặng cho Đổng Công một vị Thiên thần, cho Nhân Công hai vị Sơn thần. Hai bà vợ mang thai, sinh được 3 người con là Vĩnh Công, Mộc Công và Lại Công. Tới khi vua Hùng mở khoa thi chọn người tài thì Thành Công (Thổ Linh), Mang Công (Cao Mang) được làm Thủy tào Đại phán quan, kiêm quản 50 bộ đứng đầu Thủy thần. Vĩnh Công, Mộc Công và Lại Công được phong kiêm quản 50 bộ đứng đầu Sơn thần.

Khi trong nước có nạn lũ lụt, 5 ông được cử đi tuần hành các nơi, đắp đê, đuổi lui thủy binh phá hoại. Khi có giặc Thục, các ông cùng Sơn Thánh dẫn các đạo quân thủy bộ chống giặc. Thắng giặc, Thành Công và Mang Công hóa ở cung Đa Chất, Vĩnh Công hóa ở huyện Thượng Phúc. Còn Mộc Công và Lại Công hóa ở quê Mai Xá.

Đến đời Đinh Tiên Hoàng phong là:

- Thổ Linh Trung Thành Phụ quốc Đại vương;
- Cao Mang Tế thế Đại vương;
- Đổng Vĩnh Hộ quốc Đại vương;
- Mộc Phàm Phù quốc Đại vương;
- Trấn Lại Trợ quốc Đại vương.


Thần tích làng Mai Xá vừa có bóng dáng của sự tích Bạch Hạc Tam Giang trong tên Thổ Linh Trung Thành Đại vương, vừa có sự tích của đền Đồng Bằng hay ở phủ Ứng Thiên với tên thần Đổng Vĩnh. Đặc biệt là 1 trong năm vị ở đây có tên Cao Mang (cũng như Câu Mang), trùng với tên của vị Đông phương Thương đế trong bộ Ngũ đế Thiên hoàng của Đạo Giáo.

Thật bất ngờ khi nhận ra hình tượng các vị thần Đạo Giáo trên đồng kính thời Hán lại là tiền thân của Ngũ vị Tôn quan trong Công đồng Tứ phủ Việt Nam ngày nay.

Thần Cao Mang (Câu Mang) là vị thủy thần được thờ phổ biến ở các tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình. Thần tích thường kể đây là vị tướng thời Hùng Vương, chống giặc Thục cùng với những vị tướng khác. Câu Mang còn là vị thần được làm tượng trong lễ tế Xuân ngưu ở kinh thành Thăng Long thời Lê, bởi phương Đông là phương đại diện cho mùa xuân sinh sôi nảy nở.

Khu vực Thuận Thành, Bắc Ninh cũng có tục thờ Ngũ phương yết đế. Đình làng Nghĩa Vi ở xã Hoài Thượng thờ 3 vị thần:

- Tây phương Bạch đế;
- Bắc phương Hắc đế;
- Nam phương Xích đế.

Trong đình do đó có 3 con ngựa gỗ cùng màu với mỗi vị Yết đế. Ba vị thần này đã hiển linh khi Trưng Vương lập đàn cầu khấn Tản Viên Sơn Thánh ở Hát Môn và phù trợ Trưng Vương dẹp giặc.

Cạnh làng Nghĩa Vi là làng Bình Cầu thờ vị thần là Đông Hải Đại vương, tức là vị trí phía Đông còn thiếu trong 3 hướng đã có thờ ở đình Nghĩa Vi.

Làng Thiên Lộc, Trung Chính, Lương Tài, Bắc Ninh xưa thờ 5 vị thần hiển ứng phù giúp Tô Hiến Thành phá Tống thời Lý Anh Tông. 5 vị thần hiển mộng, tự xưng là:

- Anh em chúng ta vốn là dòng dõi Lạc Long Quân họ Hùng, vâng mệnh thiêng của Thiên đình, núi sông cùng nhau, âm dương hợp đức ở tại miếu trang khu Nhuế Đông, tên gọi thứ nhất là Bản cảnh Thành hoàng Sàng Hoàng Hiển Ứng Đại vương, một là Bản cảnh Thành hoàng Uy Vũ Linh ứng Đại vương, một là Bản cảnh Thành hoàng Đô Thiên Đương Đình Đại vương, một là Bản cảnh Thành hoàng Tam Lang Thuỷ Tế Đại vương, một là Bản cảnh Thành hoàng Thái Ất Linh Thông Đại vương.

5 vị thủy thần dòng dõi Lạc Long Quân như thế tương ứng với Ngũ vị tôn quan. Xét theo Ngũ hành thì vị Sàng Hoàng Hiển Ứng là ở vị trí Trung tâm, màu Vàng (Hoàng). Vị Tam Lang Thủy Tế trong sắc phong được gọi là Linh Lang, chiếm vị trí hướng biển Đông, số 3. Vị Thái Ất còn có tên là Đắc Thủy Thái Ất, chiếm hướng Bắc bởi số 1 (Thái Ất) và hành Thủy (đức Thủy). Còn lại hai vị Uy Vũ Linh ỨngĐô Thiên Đương Đình sẽ ứng với 2 phương vị còn lại là hướng Nam và hướng Tây.

Các biến thể của Ngũ đế Thiên hoàng hay Ngũ vị tôn quan trong các sự tích và di tích ở miền Bắc Việt còn gặp ở nhiều nơi. Như Tứ vị Lôi Oanh hiển ứng giúp Cao Biền đánh giặc Nam Chiếu ở Hưng Hà, Thái Bình, hay Năm anh em chàng Vịt cầm nghĩa kỳ thời Trưng Vương ở Thanh Lãng, Vĩnh Phúc...

No comments:

Post a Comment