Monday, August 17, 2020

Nhự Nương Trình Thị, vị Đế Hậu của Cao Tổ Lưu Bang

Thôn Nhự Nương xã Phương Định, Trực Ninh, Nam Định thờ một vị nữ thần đặc biệt là Hoàng Thái hậu, vợ của vua Triệu Vũ Đế. Đặc biệt vì ở đây bà được tôn sùng hết mức, được gọi là Đế Hậu, với đầy đủ các đức tính của một nữ trung: Cung túc Từ liêm Cẩn tiết Đôn thiện Mục thận Anh linh Bảo quốc An dân Chiêu đức Đoan trang bà Hoàng Thái hậu Tôn thần Thượng đẳng tối linh. Theo thần tích, bà là sao Thái Âm giáng thế vào gia đình họ Tình, lưu lạc đến khu Nhị Nương mà sinh ra ở đó.

Câu đối ở đình Nhự Nương:

瑞應太陰星明明在上

恩流湯沐浥濯濯厥靈 

Thụy khí Thái âm tinh, minh minh tại thượng

Ân lưu Thang mộc ấp, trạc trạc quyết linh.

 
Đình Nhự Nương.

Đặc biệt hơn nữa, truyện kể về vị Hoàng Thái hậu này đặc biệt giống y chuyện của vị Hoàng Thái hậu cùng thời là Lữ Hậu, vợ của vua Cao Tổ Lưu Bang. Thần tích Nhự Nương chép:

Một ngày Trang Nương theo mẫu thân đi thăm với dì ruột ở đất quận Cửu Chân. Khi đó vua Triệu Úy Đà đang khởi binh đánh Thục. Lúc ấy người địa phương thấy Trang Nương có tài sắc lạ thường đã báo với vua Triệu. Vua bèn mời Thái bà cùng với Trang Nương vào trong phủ gặp mặt. Vua thấy dung mạo nhan sắc tưởng như tiên nữ Bồng Doanh, Lãnh Uyển, lòng đầy thích thú. Lập tức cho vào điện làm lễ cưới. Ban thưởng cho cha mẹ các đồ sính lễ. Lập làm chính cung.

Triệu Đà khởi nghĩa ở quận Cửu Chân. Thông tin tưởng như sai mà lại rất đúng. Cửu Chân, chỗ khác trong thần tích gọi là Tây Chân rõ ràng tương đương với đất Chân Định, nơi chính thức được ghi là quê của Triệu Đà. So sánh từ ngữ ta thấy:

- Cửu là số 9, chỉ hướng Tây trong Hà thư.

- Định là tính chất tĩnh lặng của phương Tây.

Như thế 3 từ Chân Định - Cửu Chân - Tây Chân cùng một nghĩa.

Đoạn chép về việc Trang Nương lấy Triệu Đà ở trên tương tự như việc Lưu Bang gặp và lấy Lữ Hậu.  Sử ký Tư Mã Thiên, Cao Tổ bản kỷ chép:

Lữ Công người Đan Phụ, quen thân với quan lệnh huyện Bái, đến ở làm khách ở Bái để tránh người thù nhân đó làm nhà ở luôn tại Bái. Những người háo mục và quan lại ở Bái nghe nói quan huyện có người khách quý đều đến mừng. Tiêu Hà làm chủ lại,nhận đồ mừng của khách ra lệnh cho các tân khách...

Rượu uống gần tàn, Lữ Công nhân lấy mắt ra hiệu cố giữ Cao Tổ lại. Sau khi Cao Tổ uống rượu xong, Lữ Công nói: 

- Tôi từ nhỏ thích xem tướng người ta, đã xem tướng rất nhiều, nhưng chẳng người nào bằng ông Quý cả. Xin ông Quý lo gìn giữ thân mình. Tôi có cháu gái muốn gả làm kẻ nâng khăn sửa túi cho ông Quý. 

 Tiệc rượu tan, bà Lữ giận Lữ Công nói: 

- Ông vẫn thường muốn con mình có số khác thường, muốn gả cho người sang, ông huyện lệnh đất Bái là chỗ thân tình hỏi ông không gả, sao lại hứa gả bừa cho Lưu Quý. 

 Lữ Công nói: 

- Cái đó không phải là cái đàn bà con trẻ biết được. 

Rốt cục gả con gái cho Lưu Quý. Con gái Lữ Công chính là Lữ Hậu, sinh Hiếu Huệ và công chúa Lữ Nguyên.

Tiếp theo, thần tích Nhự Nương kể:

Khi đó Triệu Vương và Thục Vương đanh giao tranh, chinh Đông dẹp Tây, chinh chiến bất thường. Nên đã cho dẫn Chính cung về ở khu Nhị Nương, trang Phương Để, truyền cho nhân dân trong ấp xây dựng cung phủ để Chính cung ở đó. Tự Chính cung về khu Nhị Nương tiếp quản dinh phủ, tích trữ quân lương, chiêu dụ anh hùng bốn biển đến tụ hội.  

Chuyện Triệu Đà chinh Đông dẹp Tây phải để vợ về quê cũng giống như chuyện Lưu Bang tranh hùng cùng Hạng Võ, Lữ Hậu bỏ gia sản ra giúp chồng chiêu binh mãi mã ở quê nhà. Những vị quan tướng trung thành và tài ba nhất của Lưu Bang như Tiêu Hà, Trương Lương đều có một công Lữ Hậu chiêu dụ.

Thế rồi, Thục Vương nghe tin Triệu Vương có Chính cung đã xây dựng phủ ở khu Nhị Nương, tích trữ quân lương, chiêu dụ các tướng tài, liền sai quân đến vây bắt. Chính cung thấy quân Thục tiến tới, liền xuất quân cùng chiến đấu, phá vỡ vòng vây của quân Thục. Cung phi mới về thẳng quận Nam Hải cùng với Triệu Vương. 

Đọc đoạn này không khỏi giật mình vì cũng Lữ Hậu khi ở quê đã bị Hạng Vũ vây bắt làm con tin, mãi sau này tới hiệp ước Hồng Câu mới được thả về lại với Lưu Bang.

Thần tích không hề nhắc tới Trọng Thủy là con của Hoàng Thái hậu Trang Nương nên cuộc chiến Triệu Vương - Thục Vương ở đây không phải việc Trong Thủy gửi rể mà gạt Mỵ Châu. Trái lại, Trang Nương đã ra trận như một nữ tướng, phá vây về hội quân với Triệu Vương. Không có chuyện sau đó lại có Trọng Thủy đi cầu hòa.

Bia đề: Đế Hậu chính vị. 
Tấm bia lưu ở văn chỉ của thôn Nhự Nương gọi bà Trang Nương là "Đế hậu". Còn câu đối ở trong đình Nhự Nương ghi:
淑慎閨儀七郡山河資內治
清高廟貌千秋香火顯英靈

Thục thận khuê nghi, thất quận sơn hà tư nội trị
Thanh cao miếu mạo, thiên thu hương hỏa hiển anh linh.

Dịch nghĩa:

Vẻ ngọc thục hiền, non sông bảy quận riêng nội trị
Miếu mạo cao sáng, hương lửa nghìn thu tỏ anh linh.

Hoàng Thái hậu Trang Nương đã là Đế hậu, nội trị non sông nước Việt. Điều này cũng giống như Lữ Hậu đã từng lâm triều xưng đế, được Tư Mã Thiên dành hẳn một phần "Bản kỷ" tương đương với các bậc đế vương.

Nếu chuyện của Triệu Vũ Đế kháng Tần đã rất giống chuyện của Lưu Bang chém rắn khởi nghĩa thì nay lại có chuyện bà Trang Nương giúp chồng binh lực, cùng ra trận không khác chuyện của Lữ Hậu. Chính xác hơn nữa, xét tên của bà Trang Nương:

- Ở khu vực Nam Định - Thái Bình bà được gọi với tên là Trình Thị. Thần tích thời Lê thì đề là họ Tình, nhưng sắc phong lại là Trình Thái hậu. Trình Thị đọc thiết âm là Trĩ.

- Thôn Nhự Nương (thần tích thời Lê chép là Nhị Nương) trong bản khai của thôn thời Bảo Đại lại dùng là Nhự Lang 茹郎. Nhự Nương do đó đọc thiết âm là Lữ, chính là họ của Lữ Hậu.

Nhự Nương Trình Thị chỉ đích danh Lữ Trĩ, là tên cúng cơm của Lữ Hậu.

 Triệu Hoàng Thái hậu Trình Thị thần vị

Câu đối ở cột trước đình:

始帝炎邦湞淑二南起化

生神故地樓臺一簇重新

Thủy đế Viêm Bang, trinh thục Nhị Nam khởi hóa

Sinh thần cố địa, lâu đài nhất thốc trùng tân.

Câu đối này gọi bà Trang Nương là Đế khởi thủy Viêm Bang. Địa danh thôn ở đây ghi là Nhị Nam, nếu đọc phiên thiết thì cũng như chữ Nhự Nương sẽ cho ra họ Lữ.

 
Hoành phi: Thiên Hạ Mẫu.

Đình Nhự Nương vốn là "sinh từ" (đền thờ lập lúc thần còn sống) thờ Lữ Hậu, hoàn toàn ăn khớp với các tư liệu lịch sử. Vùng đất Tây Chân - Cửu Chân - Chân Định chính là Bái huyện, nơi khởi sự của Lưu Bang. Di tích, thần tích vẫn còn. Lữ Hậu, vị nữ Hoàng đế Trung Hoa đầu tiên của thời kỳ phong kiến tập quyền, thiên hạ thống nhất, hoàn toàn xứng đáng để lập sinh từ, tôn là bậc Thái Âm giáng thế, đời đời phụng sự.

 


No comments:

Post a Comment