Tuesday, March 24, 2020

Hùng Vương Thánh tổ Ngọc phả sưu khảo

"Vạn phái nguồn gốc sâu xa như biển lớn chảy mãi. Tiên vương ân nghĩa đắp bồi vạn thế, đức trạch cao dày khắp chốn, sự lành còn đó muôn năm, đất nước yên bình, quốc gia thịnh vượng sao!
Nên Ta tuân theo Trời, nối tiếp đức lớn, ngưỡng tổ tông tích đức qua các đời, sáng lòng nhân, yên trời đất núi sông khắp chốn vậy. Ấy là gây dựng nước Nam Việt ta cơ đồ bao la, công nghiệp đế vương to lớn. Trời theo cùng, người quy về, các chư hầu cùng phục, lập thứ tự trăm quan trong triều đình, yên định vạn dân, xưng tên nước, đặt trăm quan, chia trăm họ, phân các quan lập các xứ, dựng nước xây thành, vững mạnh 15 bộ giữ mỗi phương phân định, thiết lập các chức vị, phủ huyện, xã, châu, trang, động, sách.
Sự trọng yếu của quốc gia, căn bản gốc rễ của thiên hạ là giúp thành cho người dân cày ruộng, đào giếng, làm nghề trồng dâu nuôi tằm, nước giàu quân mạnh, trị vạn dân, biết lấy trọng dưỡng sức dân làm nền tảng.
Cho nên quốc triều mới tiến hành soạn sách Nam Thiên bảo lục, để mãi ban cho hậu thế, con cháu dòng dõi lưu truyền muôn đời. Chỉ truyền cho người hiền, không truyền cho người thiếu phép tắc. Sự tích này không thể đem cho người ngoài. Còn nếu kém nhận thức mà coi thường sự tiết lộ định ước của Sách trời thì cũng không thể là người được trao truyền.
Xưa Tiền Hoàng đế Thánh tổ Cõi lớn trời Nam, Hùng Vương Sơn Nguyên, đã gây dựng cơ đồ, thủy tổ Việt Nam, mở nước Cổ Việt Hùng Thị, mười tám đời thánh vương ngự trị Cõi lớn trời Nam, mở mang hùng đồ nước Việt, nước biếc một dòng, bắt đầu vận vua sáng đế thánh. Núi xanh vạn dặm, lập nền đô thành điện báu, mở vật giúp người, thống trị mười lăm bộ, giữ thế mạnh trước phiên thần, nối tiếp phát huy cõi đất lớn thành Viêm Hồng, do vua trị nước hơn ba ngàn năm, mãi giúp cho dòng giống vững như bàn đá. Hiển ứng linh thiêng ở Nghĩa Lĩnh, truyền trăm đời đế vương ngự ở Việt thành, muôn năm thánh điện núi Hùng, đất tổ trời Nam, gốc nước cơ đồ, vạn xuân tôn kính, ngàn xưa chảy mãi."
Bài tựa trong Hùng Vương Thánh tổ Ngọc phả 

Lời mở đầu

Nước Nam ta có sử từ bao giờ? Câu trả lời tưởng như đơn giản, lịch sử nước Nam bắt đầu bằng các vua Hùng dựng nước. Lịch sử đó được ghi chép một cách chính thống dưới tên gọi “Ngọc phả Hùng Vương” và lưu giữ ở nơi đền thờ quốc tổ Hùng Vương tại miền đất tổ Vĩnh Phú.
Thế nhưng, thời gian qua đi, không mấy người Việt ngày nay có thể tiếp xúc và đọc được những ghi chép quý báu của cha ông về thời kỳ hình thành đất nước, hình thành dân tộc. Không đọc tộc phả làm sao biết cha ông là ai? Không đọc ngọc phả làm sao biết tổ tiên là ai?
Lớp bụi mờ của thời gian, sự khốc liệt của các cuộc chiến tranh trong quá khứ, cùng những biến động của xã hội qua hàng ngàn năm đã làm cho lịch sử xa xưa của cha ông người Việt bị khuất lấp. Vì thế việc đọc Ngọc phả Hùng Vương nguyên bản, đúng nghĩa là điều nhất thiết phải làm với bất kỳ con dân Việt nào khi muốn tìm về nguồn cội, để hiểu quá khứ, để tự tin vững bước trong tương lai.
Theo ghi chép của Ngọc phả Hùng Vương, từ thời Thục An Dương đã giao cho thôn Cổ Tích, nay ở xã Hy Cương, Việt Trì, làm “trưởng tạo lệ”, lo việc hương hỏa, phụng sự cho đền thờ Hùng Vương thánh tổ trên núi Nghĩa Lĩnh. Các huyện, các châu khác có trách nhiệm đóng góp công điền, sưu thuế hàng năm phục vụ việc thờ các vua Hùng. Ngọc phả về Hùng Vương thánh tổ đã được các vị học sĩ Hàn lâm viện của nhà nước phong kiến biên soạn qua một số lần và được lưu giữ tại thôn Cổ Tích và đền Hùng. Các cuốn Ngọc phả của đền Hùng cũng đã được các thôn xã khác của vùng đất tổ Phong Châu sao chép, lưu giữ và thờ cúng. Thôn Vân Luông nay ở phường Vân Phú, thành phố Việt Trì là một trong những nơi thờ Hùng Vương như vậy và rất may mắn là ở đây còn lưu giữ được đầy đủ các bản văn về Hùng Vương thánh tổ.
Tập sách này cung cấp các tư liệu ngọc phả về Hùng Vương được lưu truyền ở ngôi đền cổ “Hùng Vương từ” tại thôn Vân Luông của thành phố Việt Trì. Các tư liệu được nghiên cứu khảo sát trên các bản gốc chép tay trên giấy dó lưu giữ tại ban quản lý di tích đền Vân Luông, kết hợp đối chiếu với bản sao năm Bảo Đại thứ 33 (1938) được lưu trong Thư viện Khoa học xã hội Việt Nam. Bộ tư liệu đầy đủ của đền Vân Luông bao gồm các phần sau:
1.        Nam Việt Hùng Vương ngọc phả vĩnh truyền tự điển. Soạn năm Thiên Phúc nguyên niên thuộc Lê Đại Hành. Bản chép tay chữ Nho gồm 13 trang ghi về 18 chi Hùng Vương gồm đầy đủ từ tên hiệu, tên truy phong, ngày sinh, ngày mất, số đời vua kế truyền, số cung phi, con trai, con gái, hoàng tôn và cháu chắt. Đồng thời cũng ghi chép mức thuế mỗi suất đinh phải đóng vào thời này.
2.        Ghi chép về các huyệt mộ và lệ thờ Hùng Vương, tạm gọi là Hùng Vương tự lệ. Bản chép tay chữ Nho dài 13 trang, có một bài tựa về lý do soạn sách Nam Thiên bảo lục. Bản này được chép và có niên đại cùng với phần Nam Việt Hùng Thị sử ký dưới đây.
3.        Nam Việt Hùng Thị sử ký. Bản chép tay chữ Nho dài 75 trang, được ghi soạn năm 32 đời Hùng Vương, do Hàn lâm học sĩ Quốc tử giám Nguyễn Đình Chấn soạn. Đây là một tập hợp các câu chuyện xảy ra dưới thời Hùng Vương, đã được sắp xếp vào những thời Hùng Vương nhất định, từ Đế Minh thống trị vạn bang chư hầu thiên hạ tới khi Hùng Duệ Vương nhường ngôi và Thục An Dương Vương lập cột đá thề trên núi Nghĩa Lĩnh.
4.        Văn chào, dùng để cúng ở lăng thờ Sơn Tinh trước đền. Bản chữ Nôm kèm phiên âm chữ quốc ngữ.
5.        Các sắc phong của đền Vân Luông.
Trong cuốn sách này chúng tôi đã tiến hành dịch và giới thiệu với bạn đọc nội dung các ngọc phả trên. Đặc biệt bản dịch này được làm trên cơ sở tôn trọng văn bản gốc nên các tên địa danh, nhân danh được đề cập đến đều được ghi đúng nguyên gốc. Những chỗ cần thiết chúng tôi có chú thích thêm cho các tên riêng này, do cách đọc và cách hiểu nhân danh, địa danh trước đây khi soạn ngọc phả có thể không tương đồng với quan niệm chung hiện nay.
Để tiện cho việc theo dõi và tìm hiểu, khi dịch cuốn Nam Việt Hùng Thị sử ký chúng tôi chia văn bản thành từng truyện và đặt tên mỗi truyện, nhưng vẫn giữ nguyên thứ tự của mỗi truyện như trong nguyên bản. Trong quá trình dịch, chúng tôi có tham khảo bản dịch đã công bố của GS. Ngô Đức Thọ cho bản Hùng đồ thập bát diệp thánh vương ngọc phả cổ truyền của thôn Hy Cương, Việt Trì, Phú Thọ. Bản Ngọc phả của thôn Hy Cương do Hàn lâm viện trực học sĩ Nguyễn Cố phụng soạn vào năm Hồng Đức nguyên niên (1470). Nội dung của cuốn Nam Việt Hùng Thị sử ký về căn bản giống như cuốn Ngọc phả thời Hồng Đức, nhưng đã có bổ sung thêm một số phần và chỉnh sửa tên hiệu của các vua Hùng cho phù hợp với bản Nam Việt Hùng Vương ngọc phả vĩnh truyền tự điển.
Theo thông tin từ trang của Lưu tộc Việt Nam, một bộ ngọc phả tương tự mang tên Hùng Vương Kim ngọc Bảo giám thực lục cũng đã được sao lưu ở thôn Cá Đốc, xã An Đạo, huyện Phù Ninh, Phú Thọ. Bản Ngọc phả này được ghi: Khâm tặng theo sắc chỉ cho Lễ bộ Tả thị lang Nguyễn Hanh, Binh bộ Tả thị lang Trương Quốc Hoa, Binh bộ Hữu thị lang Phạm Quỹ, Hình bộ Tả Thị lang Vũ Hồn, Quang lộc tự khanh Biện lý Lễ bộ sự vụ Phan Huy Biện, Thông chính Phó sứ Biện lý Hình bộ sự vụ kiêm quản Thông chính ấn triện Lê Thiện, Hồng lô tự khanh Biện lý Hộ bộ sự vụ Mai Đức Thường, Lễ bộ Lang trung Biện lý bộ vụ Lý Văn Phức, Công bộ Lang trung Biện lý bộ vụ Nguyễn Đình Tân.
Trong số đó có Mai Đức Thường là một trong những sứ thần Việt Nam đi sang nhà Thanh cùng với Nguyễn Văn Siêu năm 1848. Vì thế, cuốn Nam Việt Hùng Thị sử ký được biên soạn quãng thời kì những năm đầu triều Nguyễn
Có thể thấy ở thời này các vua Nguyễn chính thức coi mình là dòng dõi Hùng Vương. Do đó dòng lạc khoản "đời Hùng Vương" ở đây là chỉ triều đại nhà Nguyễn. Cách xưng này tương tự cách xưng "Long Phi" hay gặp trong các hoành phi câu đối và văn bản thời Nguyễn, là cụm từ chỉ chung một đời vua đương triều, chứ không theo niên hiệu thông thường. Nhà Nguyễn bắt đầu từ khi vua Gia Long lên ngôi năm 1806. Như thế năm 32 đời Hùng Vương của nhà Nguyễn sẽ là năm 1837. Tương ứng đây là năm Minh Mạng thứ 18.
Bản Văn chào được dùng để đọc tế lễ tại miếu Sơn Tinh trước sân đền Vân Luông trong ngày lễ hội cướp bông ném chài (ngày mồng 3 tháng Giêng hàng năm). Mặc dù bản văn này đã được phiên âm bởi người địa phương nhưng có nhiều âm đọc không sát, nên ở đây bản văn này đã được phiên chú lại âm Nôm bởi tác giả Thuận Hóa Phan Anh Dũng. Theo các từ cổ và các chữ Nôm viết dạng cổ thì bản cúng này chép lại một bản gốc xưa hơn khoảng thế kỷ 15, đầu đời Hậu Lê.
Qua khảo sát thực tế trong các kho tư liệu của Viện Hán Nôm và Thư viện Khoa học xã hội Việt Nam thì những bản ngọc phả của các di tích thờ Hùng Vương tại Phú Thọ về nội dung đều là các bản sao chép từ 3 phần ngọc phả như ở đền Vân Luông. Thời san sao chép có thể khác nhau, nhưng nội dung cơ bản đều đồng nhất. Vì thế các tư liệu ở đền Vân Luông đã bao gồm được hết các thông tin ngọc phả về Hùng Vương còn lưu lại được qua các di tích tại Phú Thọ. Ngọc phả của đền Vân Luông do vậy có thể dùng cho việc thờ cúng cũng như tìm hiểu về Hùng Vương một cách đầy đủ trên vùng đất tổ Phong Châu.
Đền Vân Luông cũng là ngôi đền thờ Hùng Vương còn lưu được kiến trúc cổ từ thời Nguyễn, chưa trùng tu, xây mới. Cách bài trí ban thờ trong cấm cung ở đây gồm ban chính thờ 3 vị vua Hùng là Đột Ngột Cao Sơn, Viễn Sơn và Ất Sơn. Ban bên phải thờ 2 ngai vị, tuy cùng ghi là Bản thổ đại vương, nhưng có thể đây là bài vị cho 2 công chúa Ngọc Hoa, Tiên Dung tương tự như cách thờ ở đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh và nhiều nơi khác thờ Hùng Vương ở Phú Thọ.
Cuốn sách là một sự gửi gắm của các tác giả Nhóm Nghiên cứu Di sản Văn hóa Đền Miếu Việt tới bạn đọc, như một nén hương thành kính dâng lên anh linh các vị tiên tổ vua Hùng, nhắc lại câu Uống nước nhớ nguồn, khắc ghi công cha nghĩa mẹ, những bậc tiền nhân đã làm nên dân tộc Việt, quốc gia Việt ngàn đời bền vững.  


Mục lục sách

Lời giới thiệu
Lời mở đầu 
  
NAM VIỆT HÙNG VƯƠNG NGỌC PHẢ VĨNH TRUYỀN
  • Kỷ Hồng Bàng Thị
    Đế Minh, thống trị vạn bang chư hầu thiên hạ  
  • Sử ký Việt Nam   
  • Kinh Dương Vương   
  • Hùng Hiền Vương   
  • Hùng Quốc Vương   
  • Hùng Hy Vương   
  • Hùng Hi Vương   
  • Hùng Diệp Vương   
  • Hùng Huy Vương   
  • Hùng Ninh Vương  
  • Hùng Chiêu Vương  
  • Hùng Uy Vương  
  • Hùng Trinh Vương  
  • Hùng Võ Vương  
  • Hùng Việt Vương  
  • Hùng Định Vương  
  • Hùng Triều Vương  
  • Hùng Tạo Vương   Hùng Nghị Vương  
  • Hùng Duệ Vương  
HÙNG VƯƠNG TỰ LỆ   
 
NAM VIỆT HÙNG THỊ SỬ KÝ  
  • Đế Minh, thống trị vạn bang chư hầu thiên hạ  
  • Kinh Dương Vương lấy Động Đình Quân nữ và chọn đất đóng đô ở Nghĩa Lĩnh  
  • Lạc Long Quân lấy Âu Cơ, sinh bào ngọc, nở trăm trai  
  • Lạc Long Quân đặt tên, phân định thứ vị cho trăm hoàng tử  
  • Hùng Quốc Vương phân chư hầu, chia thiên hạ, đặt trăm quan, định trăm họ, phong trăm thần  
  • Hùng Hy Vương  
  • Hùng Hi Vương  
  • Hùng Diệp Vương dùng lễ dối tế trời  
  • Phù Đổng Thiên Vương đánh giặc Ân  
  • Hùng Huy Vương gặp Phật, có được linh bảo  
  • Hùng Huy Vương cầu Tiên ở Tam Đảo  
  • Các đời Hùng Trị Bình Kiến Phu  
  • Hùng Nghị Vương kết hòa với Thục Vương, bộ chủ Ai Lao  
  • Hùng Duệ Vương kén rể Sơn Tinh – Thủy Tinh  
  • Hùng Duệ Vương xây thành Cổ Loa   
  • Hùng Duệ Vương nhường ngôi cho Thục Vương 
  • Thục An Dương Vương dựng cột đá thề ở Nghĩa Lĩnh  
  • Lịch kỷ Hùng Vương từ thời Thái cổ  
VĂN CHÀO, SẮC PHONG, HOÀNH PHI, CÂU ĐỐI ĐỀN VÂN LUÔNG  
  • Văn chào  
  • Sắc phong  
  • Hoành phi, câu đối  
KHẢO LUẬN NGỌC PHẢ VÀ TỤC THỜ HÙNG VƯƠNG TRÊN MIỀN ĐẤT TỔ  
  • Tục thờ Hùng Vương qua các di tích trên miền đất tổ  
  • Khái luận lịch sử qua Ngọc phả Hùng Vương
  • Mốc lịch sử Việt thứ nhất: Thủ lĩnh cộng đồng
  • Mốc lịch sử Việt thứ hai: Chế độ thế tập
  • Mốc lịch sử Việt thứ ba: Chế độ phong kiến
  • Mốc lịch sử Việt thứ tư: Quốc gia thống nhất   
BẢN CHỤP TƯ LIỆU HÁN NÔM VỀ HÙNG VƯƠNG Ở ĐỀN VÂN LUÔNG   
  • Bản chụp Văn chào  
  • Bản chụp Nam Việt Hùng Thị sử ký và Hùng Vương tự lệ  
  • Bản chụp Nam Việt Hùng Vương ngọc phả vĩnh truyền  
Tổng số 240 trang, khổ 15x23 cm, in 4 màu toàn bộ.

2 comments:

  1. Chào anh Bách Việt Trùng Cửu,
    Em là tín đồ của Sử Thuyết Hùng Việt từ lâu.
    Em muốn mua hai quyển sách Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc Phả và Sử Thuyết Hùng Việt. Em có thể thanh toán trực tuyến không? Sau này em muốn được tham gia các hội thảo do Nhóm Nghiên cứu i sản Văn hóa Đền Miếu Việt thì phải làm sao? Rất mong anh và anh Vân Nhân chỉ giáo.
    Trân trọng.
    Hộp thư điện tử: haituanguyen@gmail.com
    Số điện thoại i động: 0913633108

    ReplyDelete
    Replies
    1. Xin lỗi đã không xem ý kiến này.
      Bạn đã mua được sách chưa? Nếu chưa xin liên hệ trên trang Hùng Việt sử quán.
      https://www.facebook.com/hungvietsuquan

      Delete