Saturday, April 11, 2020

Thiên Cang Bắc Đẩu Tinh quân ở Đồng Kỵ

 Nghi môn đình Đồng Kỵ.
Làng Đồng Kỵ ở Từ Sơn, Bắc Ninh từng nổi tiếng với hội thi pháo vào mồng 4 tháng Giêng hàng năm. Hội thi này có nguồn gốc cũng từ vị thần Thiên Cang là thành hoàng làng này như sau:
Thời Hùng Vương có ông Cang Công, con trai ông Kinh Bắc quận vương, có công dẹp giặc Xích Quỷ, được vua phong là Thiên Cang. Trên đường dẹp giặc, Thiên Cang đã về Đồng Kỵ tuyển quân chọn tướng. Vào ngày mồng 4 tháng Giêng, ông ra lệnh xuất quân đánh giặc. Thiên Cang chia quân làm 4 tốp và giao cho 4 tướng chỉ huy. Trong buổi xuất quân, mọi người tổ chức đốt pháo hò reo, tạo không khí náo nhiệt hào hùng để động viên quân sĩ. Khi dẹp xong giặc, Thiên Cang trở về Đồng Kỵ mở hội ăn mừng.
Để nhớ ơn Thiên Cang, làng Đồng Kỵ thờ đức Thiên Cang làm thành hoàng làng tại đình và hàng năm mở hội thi đốt pháo, tái hiện ngày Thiên Cang ra lệnh xuất quân đánh giặc.
Theo thần tích thì thần Thiên Cang đã có công dẹp quỷ Xích và sau đó là đánh giặc Ân.
Đình Đồng Kỵ.
Câu đối ở đền Đồng Kỵ:
前伐鬼後破殷恒恒維烈
古生祠今清廟濯濯厥靈
Tiền diệt quỷ, hậu phạt Ân, hằng hằng duy liệt
Cổ sinh từ, kim thanh miếu, trạc trạc quyết linh.
Dịch:
Trước diệt quỷ, sau phá Ân, mãi mãi còn rạng
Xưa đền sinh, nay miếu thanh, ngời ngời khí thiêng.
Câu đối khác ý tương tự ở đình Đồng Kỵ:
氣奪殷師殸名垂北地
力撑雄運巍巍功德配南天
Khí đoạt Ân sư, hách hách thanh danh thùy Bắc địa
Lực sanh Hùng vận, nguy nguy công đức phối Nam thiên.
Dịch:
Khí giành Ân binh, hiển hách tiếng danh trùm đất Bắc
Sức nâng Hùng vận, nguy nga công đức khắp trời Nam.
Cửa võng đình Đồng Kỵ.
Tuy nhiên, cũng có chỗ 2 công tích dẹp quỷ và phá giặc Ân này được gộp vào một, như trong câu đối ở đình:
神武掃清殷鬼賊
宗城永奠貉鴻基
Thần võ tảo thanh Ân quỷ tặc
Tông thành vĩnh điện Lạc Hồng cơ.
Dịch:
Võ thần quét sạch giặc Ân quỷ
Thành tổ lập dài nền Lạc Hồng.
Từ đó có thể nhận định, trong trận chiến với Hùng Vương, giặc Ân đã từng tạo ra dịch bệnh, hoặc cùng lúc đó đã xảy ra dịch bệnh. Đây là nạn dịch hạch hoặc đậu mùa, làm cho thân thể người mắc bệnh bị nổi đỏ. Vì thế các thần tích mới gọi là quỷ Xích.
Vị thánh Thiên Cang ở Đồng Kỵ như vậy vừa giúp chữa bệnh dịch cho dân, vừa đánh giặc Ân xâm lược. Trong sắc phong vị này được tôn làm Thiên Cang Đế:
Cao minh Bảo quốc Hộ dân Sóc giang Linh ứng Hiển hữu Thuần nhạ Thông triết Phù vận Tế thế Hộ quốc An dân Thiên Cang Đế Hiển linh Thông duệ Minh triết Trì đạt Anh mẫn Tế dân Đại vương.
Bản chụp sắc phong Thiên Cang Đế ở Đồng Kỵ.
Điều đáng chú ý là tên "Thiên Cang" 天罡 vốn là từ để chỉ sao Bắc Đẩu. Thiên Cang Đế do đó tương ứng với Bắc Đẩu Tinh quân.
Mặt khác, theo Nam Việt Hùng Thị sử ký (Ngọc phả Hùng Vương) thì Phù Đổng Thiên Vương được phong: Sau lại phong là Xung Thiên Thần Vương (ngày xưa thần Bắc Đẩu Tinh Quân giáng sinh làm Xung Thiên Thần Vương).
Như vậy, Thánh Dóng là Bắc Đẩu Tinh quân giáng sinh. Từ đây suy ra, Thiên Cang Đế ở Đồng Kỵ cũng chính là Phù Đổng Thiên Vương.
Trong truyện Phong Thần diễn nghĩa, Khương Thái Công khi lập bảng Phong Thần cũng có phong cho các vị thần Bắc Đẩu Tinh quân, mà vị thần đứng đầu tên cũng là Thiên Cang.
Một câu đối khác ở đình Đồng Kỵ:
天造英威弌陣成功光鐵馬
地鍾神秀千秋靈蹟在同江
Thiên tạo anh uy, nhất trận thành công quang thiết mã
Địa chung thần tú, thiên thu linh tích tại Đồng giang.
Dịch:
Trời tạo oai tài, một trận thành công bừng ngựa sắt
Đất hun nét thánh, ngàn thu dấu diệu ở sông Đồng.
Câu đối lại kể vị thần tướng nhà Trời ở Đồng Kỵ đã đánh trận bằng "ngựa sắt". Rõ ràng vị thần Thiên Cang này cũng chính là Thánh Dóng.
Các câu đối nói tới địa danh "Đồng giang", "Đồng thủy", cho thấy "Đồng" là tên riêng, chứ không phải Đồng Kỵ là cùng nhau làm giỗ. Rất có thể chữ "Đồng" ở đây là âm sai của Đổng trong Phù Đổng Thiên Vương.
Phù Đổng là tên phiên thiết. Phù ký âm cho âm "Ph", đổi với các âm "B" và "D". Do đó Phù Đổng đọc thiết có thể thành Bổng hoặc Dổng, từ đo cho tên Nôm là Dóng.
Đền Đồng Kỵ.
Câu đối khác ở đình Đồng Kỵ
持地廠神皋西望峰州天日近
斯民陶聖武南来桐水雨膏流
Trì địa xưởng thần cao, Tây vọng Phong Châu thiên nhật cận
Tư dân đào thánh võ, Nam lai Đồng thủy vũ cao lưu.
Dịch:
Đất đó chỗ ở thần, Phong Châu gần mặt trời Tây hướng
Dân đây đúc võ thánh, sông Đồng nước đẫm chảy bên Nam.
Hội pháo làng Đồng Kỵ trước đây làm những quả pháo lớn bằng tre, nứa, rơm, cót, giấy và được trang trí cầu kỳ bằng các hình tượng Tứ linh Long Ly Quy Phượng. Khi rước pháo trong lễ hội có 4 ông quan đám mặc quần áo đỏ, chít khăn đỏ, tượng trưng cho 4 tướng tiên phong. Có thể thấy việc chia quân làm 4 đội là theo mô hình Tứ tượng mà được biểu trưng bằng Tứ linh - 4 linh vật. Mô hình Tứ tượng còn được thể hiện bằng tên gọi khác là Nhật nguyệt tinh thần, tạo thành hình Thái cực đồ.
Trong hội Đồng Kỵ còn có trò "ôm cột Thái Bạch" khi 4 ông quan đám đua nhau ôm được cây cột chính. Tên "Thái Bạch" cũng là biểu tượng của Dịch học, có thể là hình tượng cho vua giặc (vua Ân).  4 ông đám đua nhau ôm cột Thái Bạch là 4 tướng tiên phong của Thánh Dóng đua nhau bắt tướng/vua giặc Ân.
Pháo lễ ở đình Đồng Kỵ với Tứ linh.
Với nhận định Thiên Cang Đế Đồng Kỵ là Phù Đổng Thiên Vương thì có thể tóm tắt diễn biến thời này như sau. Khi giặc Ân sang xâm chiếm nước của Hùng Vương, chúng còn gieo rắc dịch bệnh, làm người mắc bệnh nổi đỏ nên gọi là quỷ Xích. Khương Thái Công Lã Vọng (tức Thánh Dóng - Thiên Cang Đế) vừa cầm quân chống giặc Ân, vừa tìm cách chữa trị đẩy lùi bệnh dịch. Sau khi thắng được dịch bệnh, Khương Thái Công chuyển từ thế thủ sang thế công, xuất quân tấn công nhà Ân. Đội quân phạt Ân được chia làm 4 đạo tiên phong theo Tứ tượng Long Ly Quy Phượng. Dùng pháo làm hiệu lệnh.
Từ sự kiện lịch sử Khương Thái Công phát binh diệt Ân, làng Đồng Kỵ đã lưu thành phong tục, như câu đối ở đình làng:
聖澤流兮故里化成仁厚俗
神君至止斯民喧唱太平歌
Thánh trạch lưu hề, cố lý hóa thành nhân hậu tục
Thần quân chí chỉ, tư dân huyên xướng thái bình ca.
Dịch:
Ơn thánh truyền chừ, hóa nên làng cũ tục Nhân Hậu
Đức thần tới đó, vang hát dân đây khúc thái bình.
Nhân Hậu là tên làng Đồng Kỵ trước đây. Ở Bắc Ninh cũng từng có cả tổng Nhân Hậu.
Cửa đình với hoành phi: Thánh trạch lưu hề.
Câu đối khác ở đình Đồng Kỵ:
基圖千古壯前島山後常領俱降
俎豆億年香左祠宇右春臺並壽
Cơ đồ thiên cổ tráng, tiền Đảo sơn, hậu Thường lĩnh câu giáng
Trở đậu ức niên hương, tả từ vũ, hữu xuân đài tịnh thọ.
Dịch:
Cơ đồ ngàn đời vững bền, trước Tam Đảo, sau núi Thường cùng giáng
Mâm bàn muôn năm hương lửa, trái mái đền, phải đài xuân lâu dài.

No comments:

Post a Comment