Tuesday, December 29, 2020

Sự tích Cao Vương Biền

Bản khai thần tích năm 1938 của làng Phương Nhị, tổng Ninh Xá, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông.

Đình Phương Nhị

Ngài hiệu là Cao Vương, tự là Thiên Lý thần, tên húy là Cao Biền.

Ngài là Nhân thần.

Ngài là người Châu U, về đời nhà Đường bên Tầu, cháu nội ông Cao Sùng Văn. Ông Sùng Văn vốn là bực tướng tài đời nhà Đường. Đức Cao Vương, lúc còn bé đã có tài lạ. Ngài hấy 2 con chim điêu đang bay lưng chừng giời (trời). Ngài dương cung khấn rằng:

"Nếu ngày sau được vẻ vang thì xin bắn một phát tên này, tin (trúng) cả hai con".

Quả nhiên một phát tên, tin (trúng) cả hai con chim diều rơi xuống. Người đời bấy giờ điều (đều) khen là tài giỏi.

Sau, ngài càng lưu trí đến việc mở mang, cố sức học hành, nào là Kinh, Chuyện, Từ, Sử; nào là Thiên văn địa lý, các sách binh thư và lục thao tam lược, chẳng sách nào là ngài chẳng nghiên cứu. Ngài lại hay xem xét việc đời xưa đời nay. Ngài là một bực can thành vỹ khí, mà khí độ lại nhân yêu rộng rãi, không khá siết kể.

Ngài đỗ Tiến sỹ, làm quan thị ngự. Trong chiều (triều) đều gọi là "Lạc điêu thị ngự". Sau ngài lại đánh giặc Đẳng, giặc Hạng, làm quan Thú châu Tần, nhiều công giẹp (dẹp) giặc, các tướng sỹ ai ai cũng điều (đều) khen ngợi.

Khi bấy giờ, nước Nam ta, gọi là Châu Giao, chính trị vẫn còn nội thuộc bên Tầu; có giặc Vân Chiếu nổi lên, thường hay quấy rối. Chúng kéo đến vây phủ Đô hộ, cướp bóc mọi nơi, trước sau bắt mất mười lăm vạn người, chúng nhiễu loạn tới gần 10 năm.

Khi bấy giờ, vua Ý Tôn nhà Đường, thấy ngài là bực văn võ toàn tài, thì các chiều (triều) thần điều (đều) tâu vua:

"Ngài là bực tài rỏi (giỏi), nên sai sang trấn Châu Giao ta".

Khi ngài mới sang làm quan Đô hộ, lại phải quan Chung Sứ đem lòng ghen ghét, ngăn trở các công việc, chỉ chia cho ngài có năm ngàn quân, ngài phải hợp với 7 ngàn quân của quan Giám trân Sứ. Ngài thật là một người thao lược, chỉ có một số quân ít ỏi, mà phá tan được giặcVân Chiếu vừa nhiều quân, vừa thế mạnh. Ngài lại bắt sống được hơn 3 vạn người và chém được chủ súy của giặc.

Vua nhà Đường, thấy ngài có công giẹp (dẹp) giặc, phong tước: "Kiểm hiệu công bộ thượng thư Tĩnh Hải quân tiết độ, An Nam đô hộ kiêm chư hành doanh chiêu thảo sứ"

Khi ngài đã bình song (xong) giặc Vân Chiếu, thì nhân dân trong các quận nước Nam ta, mới được yên ổn. Ngài lại đi xem xét các cửa bể, để tiện đường vận tải lương. Thấy một cửa bể, có khối đá to ngăn lấp, ngang dọc và (vài) trượng; thuyền tải lương thường nhiều khi va phải bị đắm. Ngài bèn sai quân đào phá, thì thuổng đào không chuyển, búa đập không tan, không thể làm gì được. Ngài làm lễ Thiên địa thần minh. Ngài khấn rằng:

"Đạo giời giúp người thẳng, thần minh chứng lòng ngay, xin mở rộng cửa bể, để cứu giúp sinh dân, soi xét lòng rất công, mở rộng có khó gì".

Tự nhiên, giời (trời) sầm tối, gió mưa mờ mịt, sấm sét vang lừng, ở nơi tảng đá ấy, nổ luôn và (vài) chăm (trăm) tiếng; vút (phút) chốc giời quang mưa tạnh, thì thấy những khối đá điều (đều) vỡ tan, thuyền bè đi lại, không bị chìm đắm, vì thế mới gọi là cửa bể Thiên Uy. Ngài lại sửa sang đường bộ để tiện vận lương, đường ấy cũng lại nhiều đá sanh (xanh) nổi lên, mà xưa kia, về đời nhà Hán, có quan Phục Ba tướng quân họ Mã, cũng đã sửa sang, những không thể được. Ngài lại lấy lòng thành khấn nguyện trời đất, tự nhiên lại thấy gió mưa sấm sét như bận trước, thì những khối đá xanh ấy cũng điều vỡ tan, vì thế mà đường bộ lại được bằng phẳng rộng rãi.

Ngài có công mở mang đường xá, vua nhà Đường lại phong chức "Kiểm hiệu thượng thư hữu bộc sạ". Ngài xem xét các địa thế núi sông, để đắp thành Đại La, bên tả có sông Nhị Hà, bên hữu có sông lầy nghìn dặm, phía Bắc có Hồ Tây, phía Nam có sông Tô Lịch. Sau này nhà Lý mới đổi là thành Thăng Long, tức là dinh quan Đô hộ đời bấy giờ.

Sự tích ngài chép ở trong quốc sử, ngài lưu trấn ở Châu Giao ta 7 năm; dảm (giảm) sưu thuế, bớt tạp dịch, yêu dân như con, cho nên người trong nước điều (đều) kính trọng, mà tôn người là Cao Vương, cũng ví như ông Sĩ Vương về đời Đông Hán, sang làm quan thú Châu Giao ta thuở xưa. Mà dân điều (đều) tôn ngài là Vương. Sau ngài lại đổi về trấn đất Thiên Bình. Ngài có người cháu là ông Cao Tầm, từng theo ngài có công giẹp (dẹp) giặc. Ngài dưng (dâng) sớ về tâu vua, để lấy ông Cao Tầm thay ngài, 10 năm.

Ngài về Tầu, trấn đất Kiếm Nam, đất Tây Suyên (Xuyên), người nhà Đường rất lấy làm trọng, lại phong ngài tước Bột Hải quận Vương. Sau ngài yếu rồi mất.

Sau này, nước Nam ta, tưởng nhớ công đức ngài, có tới 3,4 chăm (trăm) xã lập đền thờ ngài; ở hạt tỉnh Bắc Ninh có hơn chăm (trăm) xã thờ ngài, cờ (cầu) đảo việc gì điều (đều) linh nghiệm cả. Chải (Trải) các chiều (triều) vua điều (đều) có sắc phong tặng là Thượng đẳng phúc thần.

Xem như sách sử đời nhà Lý có chép rằng: đức Cao Vương ngài đóng đô ở thành Đại La, dân trong nước nêu một chữ Vương, để tỏ lòng tôn trọng, suốt đời ấy đời khác không quên.

Ngài rất tinh thông về địa đạo, có vẽ các kiểu đất nước Nam ta để lưu chuyền (truyền) về sau. Cách và (vài) chăm (trăm) năm về sau này, có quan Thượng Thư nhà Minh là ông Hoàng Phúc, thầy Tả Ao nhà Lê là Nguyễn Huyền, lần lượt giấy (dấy) lên. Địa đạo của Ngài càng ngày càng rộng, tự đấy trở về sau này, nước Nam ta mới biết địa lý mà tôn địa đạo.

Kể từ khi ngài mất về cuối đời nhà Đường đến nhà Tống cách nhau độ 50 năm, thì vua Đinh Tiên Hoàng dấy lên, mới nhất thống được. Chải (Trải) qua nhà Lý, nhà Lê đến bây giờ không phải nội thuộc nước Tầu nữa. Bờ cõi nước ta, mỗi ngày càng rộng, các quan văn võ, đời nào cũng có người rỏi (giỏi), so sánh với nước Tầu, không khác nhau mấy. Kể từ đấy đến nay có tới nghìn năm, mà muôn đời về sau, không biết thế nào là cùng.

Suy từ nguyên đến gốc, việc địa học nước Nam ta, người đời sau mới biết xem cơ trời, xét nhẽ đất, điều (đều) là nhờ ơn Ngài mở mang trước nhất, để mà gây dựng những người anh kiệt.

Xem như sách Kiến văn lục của quan Bảng Nhợn (Nhãn) đất Duyên Hà là ông Lê Quý Đôn, có chép và (vài) mười bài thơ của Ngài ở tập Đường thi, nhời nhẽ (lời lẽ) rất là Thanh tao trung hậu, có phong chí giống đời xưa. Lúc nào Ngài cũng săn sóc về việc quốc dân, để làm gương cho các biên thần đời ấy.

Những công việc của Ngài làm, trước sau điều (đều) đã chép ở Đường sử và Việt sử, công lao rất nhiều, ơn trạch rất rộng, nói ra không siết.

Nay chỉ lược chép mấy nhời (lời), trong lịch sử sự tích của Ngài mà thôi.

Thừa phụng sao sự tích. Chánh hương hội Nguyễn Châu Tuệ.

Bình phong đình Phương Nhị

 

No comments:

Post a Comment