Sunday, December 27, 2020

Ngọc phả Quốc mẫu Vua Bà của tổng Bằng Lộ, châu Lương Sơn

Xã Đào Lãng, tổng Bằng Lộ, châu Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, vâng tuyển thừa sao sự tích thần hoàng như sau.

Ngọc phả cổ chép về Tản Viên Thánh mẫu Quốc mẫu Vua Bà Tam vị Đại vương triều Hùng Nam Việt

Chính bản bộ Lễ quốc triều, Đệ nhất âm thần thượng đẳng

Nước Việt xưa trời Nam khởi thánh tổ, trải hơn hai ngàn năm, lấy tên là Hùng Vương, là thủy tổ của Bách Việt vậy. Nho sĩ đời sau là Trần tiên sinh có thơ khen rằng:

Trời Nam khai mở từ triều Kinh

Đế đức nguy nga công tối linh

Chính thống nối truyền mười tám nhánh

Trị nước hơn nghìn năm thái bình.

Lại kể rằng nước ta tương truyền ở động Lăng Sương, huyện Thanh Xuyên, phủ Gia Hưng, đạo Hưng Hóa, xứ Sơn Tây có một một Bộ chủ họ Đinh, quyền trị đất đai một châu, tên là Cán Công, lấy trưởng nữ của một gia đình địa phương ở động Đào Lãng, huyện Mỹ Lương, phủ Quảng Oai, tên là Châu Nương, làm phu nhân chính thất. Một hôm phu nhân đang dạo chơi, bỗng nhiên thấy có một người con gái áo xanh đến nói:

- Tôi vốn là con gái vua trên thiên đình, nay vâng mệnh Thượng đế xuống nhập làm con của phu nhân.

Phu nhân trong lòng rất vui mừng, liền trở về nhà. Được trăm ngày sau thấy tự nhiên có thai. Mang thai được 12 tháng tới năm Bính Thìn ngày 18 tháng 1 Phu nhân trở về quê mẹ. Khi đi đến Gò Đảng bỗng thấy gió thơm tràn ngập, khí lành rạng trời. Lúc đó Phu nhân sinh hạ được một người con gái, thật là tiên nữ Bồng Doanh, hoa kiều Lãng Uyển, người thường trên đời không thể có sắc vẻ ấy được. Lên ba tuổi cha mẹ đặt tên là Điên Nương. Năm ấy ngày 12 tháng 8 Bộ chủ ông không bệnh mà mất. Khi lên 15 tuổi, Nương có vẻ hoa đào lá trầu tuyệt sắc, mọi người đều thán phục. Tuổi 20 lời nói ra như có thần. Năm 22 tuổi có Bộ trưởng ông là Nguyễn Cao Hành, vốn là con cháu dòng dõi miêu duệ họ Hùng, nghe tiếng Điên Nương, mới trầu cau mối mai đến đưa sính lễ, loan phượng kết tình nồng, duyên ý hòa hợp, hương hỏa ba sinh, một bức phong lưu vậy. Qua hơn mười năm mà chưa thấy có thai. Đến năm Đinh Tỵ ngày 7 tháng 1 sinh được một người con trai, khác xa người thường... Nhận từ sơn thần cây gậy thiêng, lấy sách ước từ Vua thủy, bèn xưng là Tản Viên Sơn Thánh. Rồi lấy công chúa con vua Duệ Vương, từ đó cùng giúp việc trị nước.

Lại nói, vua Duệ Vương phong cho Điên Nương làm Quốc mẫu Phu nhân, ban cho hưởng các xứ nhân dân cộng là 180 nơi. Quốc mẫu Điên Nương tuổi thọ được 89 năm. Đến giờ Mão ngày 18 tháng 11 Quốc mẫu Điên Nương mắc bệnh, rồi hóa. Nhân dân bèn tâu lên triều đình, cho chôn cất ở động Lăng Sương. Truyền cho 2 quê lập miếu đền, xuân thu hai kỳ quốc tế. Lại ban thêm cho mỗi nơi 3000 quan tiền để phụng thờ. Việc binh lương đều được miễn. Vua còn phong tặng mỹ tự Thương đẳng Quốc mẫu Vua Bà, vạn năm hưởng lộc cùng hưởng với đất nước, mãi mãi theo lễ điển vậy. Theo mệnh Duệ Vương phong mỹ tự như vậy.

Khi đó Vua cùng phong tôn Sơn Trụ, Sơn Giai làm tả hữu Ba vị.

Phong Quốc mẫu Vua Bà Đinh Thị Điên Tam vị Thượng đẳng Tôn thần Đại vương (đồng ý cho quê ngoại ở động Đào Lãng nơi sinh phụng thờ. Miễn hết việc binh lương. Xuân thu có mệnh quan đến tế)

Lại nói, trải các đời Đông Hán, Ngô, Tấn, Tống, Tề Lương cộng 349 năm, tới nước Nam có 4 họ Đinh, Lê, Lý, Trần mở dựng cơ đồ, thường có công giúp nước cứu dân, cầu gió được gió, cầu mưa được mưa. Thật có linh thiêng hiển ứng lớn. Nên các triều đại đều phong thêm mỹ tự Thượng đẳng Tôn thần Nhụ nhân, vạn năm hưởng lộc, cùng vui với đất nước, mãi theo lệ vậy.

Phong Quốc mẫu Vua Bà Đinh Thị Điên Tam vị Đại vương. Phong thêm Tuyên đức Huệ hòa Từ hạnh Anh linh Phương dung ? ? Thánh mẫu, Phù vận Hiển ứng Ý đức Đoan trang Chỉnh túc Hoằng nhân Tế thế Phong tư Yểu điệu Thượng đẳng Tôn thần Nhụ nhân Đại vương.

Ngày sinh thần là 18 tháng 1, làm lễ trước một ngày, quét dọn từ nơi sinh thần Gò Đảng đến nơi chỗ đình sở, làm việc quét dọn nghênh đón thần về đình làm lễ. Cùng với tế lợn đen, xôi, rượu. Rượu dùng là rượu ngọt. Bánh dày trăm chiếc. Ngày chính trên dùng mâm chay hoa quả, tế lợn hoặc trâu, xôi, rượu ngọt, hát ca, đấu vật, chọi gà 3 ngày.

Ngày hóa thần là 18 tháng 11 (làm lễ ngày hôm trước cáo tế bằng lợn, xôi, rượu. Ngày chính trên dùng mâm chay, lợn, xôi, rượu, cơm, ?)

Ngày đại khánh hạ là 18 tháng 4 (làm lễ đón thần cáo tế giống như lệ ngày sinh thần, ca hát 10 ngày, làm lễ tạ)

 Ngày khánh hạ 12 tháng 8 (làm lễ ngày trước đó cáo tế, gà hoặc lơn. Ngày chính dùng lợn, xôi, rượu, ca hát 3 ngày)

Ngày khánh hạ ngày 10 tháng 10 (làm lễ tế cáo hôm trước dùng lợn, xôi, rượu. Ngày chính dùng lợn hoặc trâu, ca hát 1 ngày. Đến ngày hôm sau thì mở tiệc cơm rượu, làm lễ với bộ hạ hổ thần)

Ngày khánh hạ 15 tháng 12 (làm lễ ca hát tùy nghi)

Các chữ húy Điên, Tôn, Trụ, Viễn, Tùng đều cấm. Ba màu vàng, tím, đen khi làm lế đều cấm.

Tên của thánh phụ, thánh mẫu trong các ngày hóa, ngày xem sự tích và khi làm lễ đều cấm.

Niên hiệu Hồng Phúc năm thứ nhất, ngày 10 tháng 1.

Niên hiệu Tự Đức năm thứ 19, ngày 10 tháng 10 xã Đào Lãng vâng sao.

No comments:

Post a Comment