Wednesday, December 30, 2020

AI VỀ BÊN BẾN SỐNG TƯƠNG - Mà nghe chuyện cũ Tiên Rồng ngàn năm

Truyện Họ Hồng Bàng
kể rằng, Kinh Dương Vương có tài đi dưới thủy phủ, lấy Long Nữ là con gái Long Vương ở hồ Động Đình, sinh ra Lạc Long Quân, cho nối ngôi trị nước. Lạc Long Quân gặp được nàng Âu Cơ bên bãi Trường Sa, sinh ra bọc trăm trứng, nở thành trăm con trai. Khi các con trưởng thành Âu Cơ và Lạc Long Quân hội ngộ ở cánh đồng Tương rồi phân 50 người con theo cha về Thủy phủ chia trị các xứ, 50 người con theo mẹ lên núi, lập nước Văn Lang. Khi có việc thì cùng nhau tương trợ. Là thủy tổ của Bách Việt vậy.
1. Bãi Trường Sa bên hồ Động Đình nơi hai dòng Tiên và Rồng gặp nhau là ở đâu? Cánh đồng Tương, nơi trăm trai Bách Việt phân trị đất nước là ở đâu?
Thật hết sức sai lầm khi cho rằng cánh đồng Tương và hồ Động Đình trong truyền thuyết khởi sử Việt lại ở bên tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc ngày nay. Bởi vì, đây là những địa danh nằm ngay trên đất Việt từ thủa cha sinh mẹ đẻ và những câu chuyện về các cuộc gặp gỡ rồi chia ly thời dựng nước vẫn còn lưu dấu đậm nét trong lòng nhân dân ở những nơi này.
Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả chép: “Khi ấy con gái của Đế Lai tên là Âu Cơ, là một thiếu nữ hiền đức, quay về sống ở quê mẹ tại huyện Thanh Nguyên châu Đà Bắc của Giao Chỉ (xưa là huyện Thanh Nguyên, động Lăng Sương, sau đổi thành huyện Bất Bạt, sách Lăng Sương). Một hôm nàng trinh nữ Âu Cơ đi chơi ở bãi Trường Sa, gặp khi Vua đi tuần thú ở sông Đà. Vua thấy Âu Cơ dung nhan xinh đẹp, tư chất kiều diễm, rất vừa ý, bèn lấy làm vợ, lập làm chính phi hoàng hậu.”
Bãi Trường Sa nằm ở bên sông Đà, gần động Lăng Sương, nay thuộc huyện Thanh Thủy của tỉnh Phú Thọ. Đây cũng là nơi có cuộc hội ngộ giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh trong truyền thuyết về đức thánh Tản Viên. Tản Viên Sơn Thánh khi lên núi chặt cây đã thụ nhận được cây gậy thần đầu sinh đầu tử từ Thái Bạch Tử Vi Thần tướng, từ đó xưng là Thần sư. Thần sư xuống núi, thu phục voi hổ ở sách Thủ Pháp, rẽ nước sông Đà quay về quê mẹ Lăng Sương. Trên đường đi qua bãi Trường Sa đã dùng gậy thần cứu sống một con rắn đen, trên đầu có chữ Vương. Con rắn đó là con vua thủy quốc Động Đình Đế Quân. Đế Quân đã mời Tản Viên Sơn Thánh xuống thăm thủy phủ, tiếp đãi linh đình trong cung rồng tòa ngọc và tạ ơn bằng một cuốn sách ước diệu kỳ. Khi ra về, Thủy Tinh (tức con rắn con của Long Vương) tiễn Sơn Thánh tới tận bãi sông Trường Sa, lưu luyến chia tay. Có thơ rằng:
Không gặp làm sao có kiếp sinh
Khi đi là nghĩa, về là tình
Quay lên đỉnh Thứu, người còn vọng
Trở lại cung Rồng, khách chẳng đành
Một dải âm dương đôi tách ngả
Chín trời mây nước mộng ba canh
Tạm biệt cửa sông hai mắt dõi
Tương tư chốn ấy bởi xa tình.

Bãi Trường Sa, nơi gặp gỡ và chia tay của Sơn Thánh và Thủy Tinh xưa thuộc trang Ma Xá châu Trung Độ bên bờ sông Đà. Nơi này còn có tên là bãi Tang Ma, nay thuộc xã La Phù, Thanh Thủy, Phú Thọ. Tại vùng đất Thanh Thủy còn có một câu chuyện về sự xuất hiện và gặp gỡ của Động Đình Thủy Tinh như sau. Ở xã La Phù có một gia đình họ Phan. Một hôm tiết xuân ông bà Phan lên núi Tản Viên lễ Phật, lúc quay về đến bên sông thấy một con rắn gió bị con rết cắn chết. Ông bà thương xót, bèn lo việc chôn cất con rắn đó. Rắn đã cảm ơn này mà đầu thai thành con gái nhà họ Phan. Năm 22 tuổi, Phan Nương gặp Thủy Đế Long Quân đi tuần du ở sông Đà tại động Tang Ma, kết duyên mà sinh ra một bầu trứng, nở thành năm người con, 2 nữ 3 nam. Long Quân hiện hình phân giao cho 5 người con thành 5 vị thủy quan, trấn nhậm các vùng sông nước Tam Giang. Phan Bà hóa ở La Phù, được lập đền thờ là “Động Đình Tang Ma Uy Linh Thánh Mẫu”.
Động Đình Thánh mẫu tức là vị Long Nữ, người đã lấy Kinh Dương Vương sinh ra Lạc Long Quân trong huyền sử Việt. Mẫu Thần Long được tôn thờ ở ngã ba sông Bạch Hạc tại đền Tiên Cát, Việt Trì, cách không xa xã La Phù. Sự tích đền Tiên Cát kể rằng Lạc Long Quân tưởng nhớ công ơn của mẹ, truyền cho dân lập đền tại cung Tiên Cát thờ Ngọc Nữ Thần Long cùng 2 chị em kết nghĩa của bà là Thủy Tinh Ngọc Nữ và Bạch Hoa Ngọc Nữ. Long Quân lại sai ba vị hoàng tử trong bọc trăm trứng là Cự Linh Lang, Ất Linh Lang và Linh Thông Thủy cai quản đầu sông và gìn giữ lăng miếu. Như vậy, chuyện về mẫu Thần Long Động Đình trùng khớp với sự tích Thánh mẫu Phan Bà và 5 người con trấn nhậm sông nước ở bãi Trường Sa động Tang Ma.
2. Truyện Họ Hồng Bàng kể Lạc Long Quân sau khi gặp gỡ Âu Cơ đã đón về ở “Long Trang Nham”. Hang Rồng Long Nham cũng là nơi Thánh mẫu Phan Bà gặp Thủy Đế Long Quân. Thần tích xã La Phù chép: “Nơi đó đất trang Tang Ma có một hang rồng đá hướng trăng, tên là cửa động Thạch Long. Trong động rồng có một cửa giếng thông tới Thủy phủ. Phía trên thân hang rồng có một ngôi chùa nhỏ, có tên là chùa Long Linh.”
Động Thạch Long ở trang Tang Ma được chép vào Truyện Họ Hồng Bàng với tên là Long Trang Nham, chính là nơi cha Rồng mẹ Tiên gặp nhau. Ngôi chùa Long Linh xưa giờ là chùa Tăng Má, thuộc xã Thanh Lâm của huyện Thanh Thủy, Phú Thọ. Cửa hang rồng vẫn còn trong chùa và trước hang có ngôi miếu thờ Động Đình Thánh mẫu cùng với người con trai thứ hai là Hồng Xuyên Đại vương.
Còn cánh đồng Tương, nơi Lạc Long Quân và Âu Cơ phân chia trăm trai lên núi xuống biển không ở đâu xa, mà cũng tại chính vùng đất Thanh Thủy này. Tương và Tang là 2 âm hoán đổi cho nhau nên bãi dâu gai Tang Ma ở La Phù chính là cánh đồng Tương trong huyền sử Việt. Theo thần tích La Phù thì tại bãi Tang Ma bên dòng sông Đà dưới chân núi Tản Viên, Long Quân đã chia 5 người con đi trị nhậm các vùng sông nước, trở thành Ngũ Vị Tôn Quan của Động Đình Thủy phủ.
Tên gọi Động Đình Thánh mẫu của Phan Bà ở La Phù đã cho thấy, địa danh hồ Động Đình xưa thực ra là chỉ vùng biển Đông, nơi ngự trị của Long tộc Thủy phủ. Cách đây 4.000 năm thì biển Đông đang còn ăn sâu vào tới gần ngã ba Việt Trì. Đồng bằng Bắc Bộ khi đó đang là một vùng nước ngập mênh mang. Do đó Động Đình hồ tức là cái hồ lớn ở phía Đông, thời lập quốc chính là Vịnh Bắc Bộ.
Lạc Long Quân là con của Kinh Dương Vương và Thần Long Động Đình, đã nối sự nghiệp của cha Lạc và mẹ Long, trở thành vị quân chủ đứng đầu đất nước và cai quản miền duyên hải Thủy phủ Động Đình. Khi lên nối ngôi, Lạc Long Quân đã phải trải qua một cuộc tranh giành ngôi vị với chính dòng bên cha mà được huyền sử Việt kể là cuộc chiến giữa Lạc Long Quân với Đế Lai để giành nàng Âu Cơ. Cuộc chiến này dẫn đến sự phân ly 2 dòng tộc, người lên rừng, kẻ xuống biển trong thiên hạ họ Hùng. Đây cũng là cốt lõi của truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh năm năm báo oán, đời đời đánh ghen được lưu truyền.
3. Trong cuộc phân ly Bách Việt, dòng Tiên theo mẹ Âu Cơ lên núi làm Sơn Tinh, còn được truyền thuyết Việt gọi là dòng Thục. Dòng Rồng theo cha Lạc Long xuống biển làm Linh Lang Thủy Tinh, truyền thuyết gọi là dòng Hùng. Lạc Long Quân nối ngôi cha là Kinh Dương Vương, bắt đầu thời kỳ cha truyền con nối hay khởi đầu chế độ công xã thị tộc. Thời kỳ này, do nước biển bắt đầu rút nên những vị Thủy Tinh theo cha Lạc Long đã xuống khai phá vùng đồng bằng ven biển Đông mới lộ ra, huyền sử gọi là vùng đầm Vân Mộng bên hồ Động Đình.
Thời lập quốc, 2 dòng Hùng - Thục hay Rồng - Tiên đều xuất phát từ cuộc gặp gỡ và chia ly nơi cánh đồng Tương - bãi Trường Sa bên bờ sông Đà, gần ngã ba Bạch Hạc Việt Trì. Lịch sử dựng nước của người Việt có thể kể bắt đầu từ 3 vị Hùng Vương Thánh tổ khai sáng hồng đồ, nối tiếp là Tản Viên Sơn Thánh – Kinh Dương Vương hợp nhất các tộc người ở 4 phương, đến Thủy Tinh Động Đình - Lạc Long Quân phân 2 dòng Tiên - Rồng, lên núi xuống biển, nối đời cha con thế tập. Sang thời Hùng Quốc Vương, người con trưởng theo mẹ Âu Cơ lên núi, lập ra nước Văn Lang, Bắc giáp Hồ Nam, Tây giáp Ba Thục, Đông giáp biển Động Đình, Nam giáp nước Hồ Tôn Tinh. Quốc Vương xưng lập công hầu, đặt ra trăm họ. Thiên hạ họ Hùng chia thành trăm nơi đầu núi góc biển. Hùng Vương là thủy tổ của Bách Việt vậy.
Lịch sử người Việt còn in đậm trong từng di tích, từng ngọn núi, con sông trên đất Việt. Núi Tản sông Đà, nơi Sơn - Thủy gặp nhau, mãi là chứng tích buổi khởi đầu gian nan của trời Đông.


No comments:

Post a Comment