Wednesday, December 30, 2020

Về gốc tích tổ tiên Bố cái Đại vương Phùng Hưng

Thần tích làng Quảng Bá, nơi thờ Bố Cái Đại vương Phùng Hưng ghi:

Đường Lâm Phùng Đại Vương phổ lục

Vương tính Phùng, danh Công Phấn, Giao Châu Đường Lâm nhân dã. Kỳ tiên tổ Phùng Trí Cái ư Đường Võ Đức gian phụng chỉ nhập triều, thị Cao Tổ yến. Cao Tổ sử ngâm thi vịnh dữ Đột Quyết Khả Hãn, ca vũ đắc dự ngự tịch, hữu Hồ Việt nhất gia tán. Hậu ban hồi nguyên tịch thế tập Châu bổ sử Đường Lâm thổ tù, tục hiệu Lang Quan thị dã.

唐林馮大王譜籙

王姓馮名公奮交州唐林人也其先祖馮智盖於唐武德間奉旨入朝侍高祖宴高祖使吟詩詠與突厥可汗歌舞得預御席有胡越一家贊後班回原籍世襲州庯史唐林土酋俗號郎官是也

Nghi môn đình Quảng Bá
 
Đoạn nói về vị tổ họ Phùng là Phùng Trí Cái này thường hay được dịch như sau (ví dụ từ trang của dòng họ Phùng Việt Nam):

Vua họ Phùng tự Công Phấn, người đất Đường Lâm thuộc Châu Giao. Tổ tiên vua là Phùng Trí Cái trong thời Vũ Đức nhà Đường, vâng chiếu chỉ vào chầu, hầu yến tiệc vua Đường Cao Tổ. Vua Cao Tổ sai vịnh thơ cùng với sứ Đột Quyết hầu tiệc để cho tiếng nói của người Hồi người Việt họp lại một nhà. Sau vua khen thưởng và ban lệnh cho trở về hưởng quyền thế tập, đời đời làm chức Lại ở phủ Đô Hộ trong bản châu, cũng là chức Thổ Tù đất Đường Lâm mà tục gọi là Quan lang. 

Tuy nhiên, đoạn phả lục trên về Phùng Trí Cái có mấy điểm phải bàn thêm.

1. "Đột Quyết Khả Hãn" không phải là sứ giả nước Đột Quyết. Khả Hãn là chỉ thủ lĩnh của người Đột Quyết. Như vậy Phùng Trí Cái được ngự yến và ngâm vịnh đối đáp với vua Đột Quyết trong triều Đường vào thời kỳ nhà Đường mới thành lập, tức là thời Đường Cao Tổ Lý Uyên.

2. Phùng Trí Cái có bài tán vịnh "Hồ Việt nhất gia". Trong bối cảnh này thì "Hồ" rõ ràng là chỉ người Đột Quyết. Vậy tên "Việt" còn lại chỉ có thể là chỉ nhà Đường. Lúc đó không hề có nước "Việt" khác nào cả. Đây là một chỉ dẫn quan trọng, rằng triều Đường bắt đầu từ Lý Uyên là một triều đại của người Việt.

Dẫn chứng khác sau đó không lâu, Võ Tắc Thiên cũng lấy tên là Từ Thị Cổ Việt Kim Luân Thánh Thần Hoàng Đế, chỉ rõ ràng rằng thời Đường, người Việt đang làm chủ thiên hạ Trung Hoa. Những dân tộc khác bên ngoài như Đột Quyết, và Đường Lâm (nơi Phùng Trí Cái làm Quan Lang) được gọi là Hồ.

3. Sau yến tiệc Phùng Trí Cái được ban chức "Châu bổ sử Đường Lâm thổ tù, tục hiệu Lang Quan". Như trang dòng họ Phùng dịch ở trên thì "Châu bổ sử" là một chức quan, chứ không phải là "người chép sử". Chức quan này khá lớn, được quyền thế tập, tức là được phân phong một vùng đất riêng (Đường Lâm). Đường Lâm do vậy không thể là 1 cái làng như ở Sơn Tây hiện nay. "Lý trưởng" một làng Đường Lâm thì không thể có chuyện "phụng chỉ nhập triều" lại còn đối ẩm với Khả hãn của nước Đột Quyết.

Hộp xá lị vàng tìm thấy ở Nhạn Tháp. Ảnh Bảo tàng tỉnh Nghệ An.

4. Chức quan của Phùng Trí Cái đã ghi rõ ông ta là "Châu bổ sử", tức là quan cấp "Châu". Châu Đường Lâm đúng phải là vùng Tây Nghệ An, sau gọi thành Nam Đường, rồi Nam Đàn. Đây cũng chính là nơi mà sau đó dòng dõi Phùng Trí Cái là Phùng Hạp Khanh khởi nghĩa cùng với Mai Hắc Đế. Khởi nghĩa thất bại, Phùng Hạp Khanh quay về châu Đường Lâm nuôi dưỡng quân binh, để đến đời con là Phùng Hưng cùng với các anh em họ Phùng làm cuộc Tây tiến, xưng là Bố Cái Đại Vương.

Khu vực Nam Đàn có di tích Lam thành và Nhạn Tháp. Tại Nhạn Tháp đã tìm thấy một hộp xá lị vàng. Hộp xá lị này nay đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Tại Nhạn Tháp cũng đã thu thập được những viên gạch, trong đó có viên ghi "Trinh Quán lục niên". Trinh Quán là niên hiệu của Đường Thái Tông Lý Thế Dân, người kế tục ngôi vị của Đường Cao Tổ Lý Uyên. Tức là di chỉ này khớp đúng với thời kỳ của Phùng Trí Cái đang là Châu bổ sử thổ tù Đường Lâm. Như thế Lam thành chính là trị sở của châu Đường Lâm thời sơ Đường, do Phùng Trí Cái làm Quan Lang cầm đầu.

Gạch thời Đường ở Nhạn Tháp Nam Đàn. Ảnh Bảo tàng tỉnh Nghệ An.

Đoạn phả lục làng Quảng Bá có thể được dịch lại là:

Vương họ Phùng, tên Công Phấn, người Đường Lâm – Giao Châu (nay là Nam Đàn, Nghệ An). Tổ tiên của Vương là Phùng Trí Cái, thời Đường Võ Đức vâng chỉ vào triều hầu tiệc với Cao Tổ. Cao Tổ sai ngâm thơ vịnh cùng với khả hãn Đột Quyết. Những người ca múa cũng được dự vào tiệc ngự. Phùng Trí Cái có bài tán "Hồ Việt một nhà". Sau trở về nguyên quán được nối đời làm Châu Bổ Sử - Thổ tù Đường Lâm, tục gọi chính là Quan Lang.

Như vậy Phùng Hưng vốn là dòng dõi thế tập Quan Lang một châu lớn Đường Lâm của người Hồ tại Nghệ An. Chỉ có như vậy, cuộc khởi nghĩa của Phùng Hưng mới có nền tảng đủ chống lại một triều đại thịnh trị như nhà Đường. Họ Phùng nên nhìn nhận lại tầm vóc của thế tổ họ Phùng và quê gốc dòng họ của mình.


No comments:

Post a Comment