Sunday, January 3, 2021

Thần tích phường Hồ Khẩu về 3 vị thủy thần


Thần tích phường Hồ Khẩu, huyện Hoàn Long, nay thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội. Bản dịch chép theo sách Thần tích Hà Nội do TS. Nguyễn Thị Oanh chủ biên.

Nghi môn đền Vệ Quốc

Hai vị dương thần (nam thần) và một vị âm thần (nữ thần).

Vị thứ nhất được sắc phong là Dực Thánh Đại vương.

Vị thứ hai được sắc phong là Vệ Quốc Đại vương.

Vị thứ ba được sắc phong là Thái Ngọc Quỳnh Dung Công chúa.

SỰ TÍCH NAM THẦN

Xưa, vào đời Hùng Vương, ở động Đản Thánh, châu Bố Chính có ông Lê Quốc Công húy là Tín Phệ, làm quan trong triều, vâng mệnh quản lãnh công việc trong lục bộ, được gả cho cháu gái trong hoàng tộc là công chúa Cẩn Nương. Sau công chúa mất sớm mà chưa có điềm mộng gấu (chưa có con trai), ông dâng sớ xin được đi du lãm phong thủy, chọn được đất lành thuộc địa phận ấp ta (tức phường Hồ Khẩu, huyện Hoàn Long, phủ Hoài Đức), dựng nhà để ở. Sau lại lấy thánh mẫu Thục Nương phu nhân làm vợ kế.

Ông cùng với phu nhân cầu tự ở đền Đông Hải Vương. Đêm nằm mơ thấy có ông lão đầu bạc đọc thơ rằng:

Lòng thành đã thấu tới trời xanh

Cho ứng rồng thần xuống thế gian

Họ Lê một bọc hai quý tử

Phù hộ quốc gia, giúp dân lành.

Một hôm phu nhân du chơi Hồ Tây, thấy một con cá chép vẩy đỏ lấp lánh, đùa rỡn sóng nước. Trong lòng cảm động mà có thai. Đến khi mang thai đủ tháng, nằm mơ thấy có hai người mũ áo chỉnh tề, tới chắp tay nói rằng:

-  Chúng thần là ở bộ Lễ Long cung, vâng sắc mệnh đầu thai.

Phu nhân giật mình tỉnh giấc, bỗng thấy trời đất mù mịt, mưa gió ập tới, trong phòng hương thơm tỏa khắp, mây lành rực rỡ, sinh hạ được một bọc hai người con trai.

Ông liền theo giấc mộng đặt tên cho người con trưởng là Cống Lễ, người con thứ là Cá Lễ. Cống Lễ sinh ra đã cao 9 thước, tướng mạo đường hoàng. Cá Lễ sinh ra hàm én râu hổ, tay dài quá gối. Đều là bậc anh hùng cái thế, dũng lược hơn người, tài năng xuất chúng, sức nâng đỉnh bạt núi.

Duệ Vương lên ngôi, xuống chiếu tìm người có học vấn quảng bác, văn võ toàn tài. Hai ông liền ra ứng tuyển. Vua thấy nơi gần hai ông đứng có gió mát thổi quanh người. Vua biết là thủy thần xuất thế, bèn cùng cho nhận chức thị tòng.

Bấy giờ Vua mới gả Mỵ Nương cho Tản Viên Sơn Thánh và muốn nhường ngôi báu cho Sơn Thánh. Thục Vương bèn đem quân sang xâm chiếm. Vua bèn lệnh cho hai ông chỉ huy thủy quân (ông Cống Lễ làm Tả chưởng quản, ông Cá Lễ làm Hữu chưởng quản), lãnh ấn đại tướng quân ra sông Bạch Đằng nghênh địch. Ở đồn lớn Mộc Châu lệnh cho Tản Viên Sơn Thánh thống lãnh lục quân nghênh chiến. Thủy bộ cùng tiến. Đại phá được quân Thục, bắt sống không biết bao nhiêu tên.

Sau 2 năm Thục Vương lại tập hợp 100 vạn hùng binh, chia làm 5 đạo tiến vào làm loạn. Vua phong hai ông làm Thủy Tề hầu, lệnh thống lãnh thủy quân đến hợp lực cùng với Tản Viên Sơn Thánh đến đánh dẹp một trận. Quân Thục bỏ chạy tán loạn. Quan quân truy đuổi đến tận biên giới mới trở về. 

Ngày khải hoàn, thuyền đến bên sông Tô Lịch (tức nay là đoạn sông trước cửa đền Vệ Quốc), chợt trời đất tối sầm, gió thổi sóng cuồn cuộn, ánh cầu vồng đỏ như thép luyện từ trên trời chiếu thẳng vào thuyền. Hai ông bèn buộc lại mũ đai, hướng về cửa thành bái mệnh. Trong chốc lát, bay lên trời mà hóa.

Các tướng trong quân thuyền về triều tâu lên. Vua ban cho mũ áo, sắc phong làm Thượng đẳng phúc thần, cho phép phường Hồ Khẩu phụng thờ (giáp Bắc thờ Cống Lễ Đại vương, giáp Đông thờ Cá Lễ Đại vương). Xuân thu hai kỳ sai quan đến tế lễ mãi làm thường lệ.

Sau vua Lý Thái Tổ đi đánh Chiêm có mật đảo ở đền. Khi bình được Chiêm, gia phong thêm 2 chữ Linh ứng.

Thời vua Trần Thái Tông, Hưng Đạo Vương đánh Ô Mã có cầu đảo ở miếu Triệu Vũ Đế, mộng thấy Vũ Đế lệnh cho hai thần Hồ Khẩu theo hướng Tây Bắc nghênh địch, hai tướng họ Trương theo hướng Đông Nam nghênh địch. Trong chốc lát, giặc tan. Một đạo về Hồ Tây hóa thành đôi rồng. Một đạo ra sông Lục Đầu hóa thành hổ đen, rồi đều bay lên trời mà biến mất. Vương lấy làm lạ. Đến khi đánh giặc, quả được thần trợ giúp, một trận đã thành công. Vương bèn tâu lên triều tặng thêm hai chữ Phụ quốc Tế thế.

Vào những năm Vĩnh Thọ triều nhà Lê, vỡ đê phường Yên Phụ. Cứ đắp lại đến đâu lại bị nước đánh trôi đến đó. Triều đình sai quan đến đền của hai vương cầu đảo. Lũ lụt mới tạm dừng. Bèn gia phong hai chữ Hiển ứng Uy linh

SỰ TÍCH NỮ THẦN 

Thánh phụ là Bộ trưởng quân La Thành Lý Quốc Công, húy là Thành. Thánh mẫu họ Hồ, một hôm nằm mộng thấy mình đến bệ kiến ở điện Long cung, được Hoàng hậu Long cung cho ngọc quỳnh dao. Đến khi tỉnh lại thấy mình có thai, sinh hạ một cô con gái, môi đỏ như phấn, mắt phượng mày ngài, gọi là Quỳnh Nương.

Năm Quỳnh Nương 19 tuổi xuất giá lấy ông Cá Lễ. Mới được nửa năm Nương đi thuyền trở về thăm nhà (Đại La ở bên trái sông Tô Lịch). Đi đến giữa dòng thì gió to sóng lớn nổi lên, trời đất tối sầm. Trong chốc lát trời tạnh hửng thì Công chúa đã bay lên trời.

Ông Cá Lễ bèn lập đàn tế ở bên sông cầu khấn trong 7 ngày. Đến đêm bỗng nằm mơ thấy thuyền rồng bơi trên mặt nước. Phu nhân đoan trang ngồi trong thuyền, vái ông mà thưa rằng:

- Thiếp là con gái của vua Thủy Tinh. Còn chàng vốn ở thủy cung Đông Hải. Gặp nhau chỉ có hạn, chẳng dám trù trừ lưu lại. Nhưng nguyện cùng chàng như hình với bóng, âm phù cho đất nước, để tỏ rõ lòng trung trinh.

Dứt lời, không thấy đâu nữa. Ông bèn dâng tấu lên triều đình. Vua liền cho xây đền thờ ở nơi nàng hóa (nay là đền Chính Đức) để phụng thờ. Lại ban cho gỗ trầm hương để tạo tượng. Bao phong cho mỹ tự là Thái Ngọc Quỳnh Dung Công chúa Thủy Tinh Phu nhân.

Sau đến đời Lý Thái Tông đi đánh Chiêm, thuyền đi qua đền, thần hiển linh trợ giúp. Vua làm bài thơ rằng:

Ngọc Nương ơi hỡi Ngọc Nương

Nước sông Tô chảy mãi lưu hương

Thần tiên bất từ cùng non nước

Đền miếu huy hoàng vạn cổ trường.

 

No comments:

Post a Comment