Sunday, August 16, 2020

Ngọc phả cổ chép về Nam Việt Vương Hoàng Thái hậu

Thần tích thôn Nhự Nương, làng Phương Để, tổng Phương Để, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Dịch theo bản khai năm 1938 lưu tại Thư viện Khoa học xã hội.

Ngọc phả cổ chép về Nam Việt Vương Hoàng Thái hậu 

Nước Việt xưa trời Nam mở vận, thánh tổ trị đồ hơn 2000 năm, lập tên Hùng Vương là tổ của Bách Việt. Cho tới khi triều Hùng suy mạt, thế nước kết thúc, thời tới vua thứ 18 là Duệ Vương không có con trai, sau nhường ngôi vị cho Thục An Dương Vương, được thêm 60 năm, có đế Triệu tên Úy Đà ở quận Hải Nam khởi binh hùng, lập đô thành ở quận Hải Nam, tự xưng là Triệu Vũ Đế, đến đánh Thục Vương để chiếm nước. 

Khi đó nước ta tương truyền có khu Nhị Nương, trang Phương Để, huyện Thượng Nguyên, phủ Thiên Trường, quận Hải Nam. Lúc ấy ở trang Hoa Xá, huyện Lương Giang, phủ Thiệu Thiên, châu Ái có một vị tiên sinh họ Tình tên là Quang, vợ là Võ Thị Mỹ. Ông Tình vốn là gia đình có truyền thống thi thư, năm đời làm quan trong triều. Đến đời tiên sinh thì tinh thông Nho Y, hay tạo phúc, làm việc nhân nghĩa. 

Khi Ông có tuổi đã năm mươi, Thái bà tuổi gần bốn mươi thì có nằm mộng thấy một ông lão xưng là thần núi Bán Nguyệt My, cho biết một hốc huyệt ở núi My để chuyển mộ của gia tiên táng tại đó. Sau được trăm ngày Thái bà nằm mộng thấy có một ngôi sao Thái âm rơi vào miệng. Thái bà bỗng nhiên có thai.Vì cảnh nghèo nàn bức bách nên mới dắt díu vợ con đến ở khu Nhị Nương, trang Phương Để, huyện Tây Chân, phủ Thiên Trường, quận Nam Hải. 

Một tối nhân dân các họ ở trong khu cùng nằm mơ thấy có một vị quan áo mũ chỉnh tề, thân cưỡi ngựa hồng, theo sau hơn chục người, tiếp thẳng vào trong khi báo với các họ tộc rằng:

- Ta là chúa tể của Long Châu, cai quản ngôi chùa của dân chúng, đến báo cho nhân dân được hay. Nay có cha mẹ của Hoàng hậu họ Tình đang ở ngoài chùa. Hoàng hậu là chính theo mệnh Thiên đình, là phúc thần của dân chúng ở đây. Rạng ngày các ngươi mau ra nghênh đón về phụng dưỡng. Sau này dân chúng sẽ có được phúc dày. Nếu bỏ qua thì Hoàng Thiên sẽ trách, dân chúng không được yên.

Nhân dân các họ bỗng nhiên tỉnh giấc mộng kỳ lạ đó. Đến sáng ngày mọi người dân ra ngoài quán sở, cùng nói về giấc mộng giống nhau. Lập tức cùng vào trong chùa, thấy ông Quang và vợ con đang nằm đó. Mọi người các họ tộc mới hỏi:

- Ông từ đâu đến đây? Vì sao mà lại dẫn dắt vợ con ở đó?

Ông đáp rằng:

- Tôi vốn họ Tình tên Quang, vợ Võ Thị, vì cảnh nghèo bức bách nên phải đi tìm đất lành để nương tựa tấm thân.

Mọi người nghe vậy thấy ứng nghiệm với giấc mộng. Lại nhìn mà không thấy Hoàng hậu đâu cả. Khi nhìn kỹ hơn thấy Thái bà họ Võ đang có mang, ngầm nhận ra tất nhiên Hoàng hậu đang ở trong bụng đó. Các họ tộc nghênh đón vợ chồng họ Tình về ở trong ấp dân mà nuôi nấng. 

Tới năm Quý sửu ngày 10 tháng 3 Thái bà đi ra chỗ bãi ngoài cửa ngã ba sông để tắm gội. Tắm gội xong Thái bà vừa mới đi lên bờ thì bỗng nhiên thấy trời đất mờ mịt, gió gào rung động như sấm, xung quanh mùi hương thơm ngát, khí lành sáng rạng. Đến ngày 12 tháng đó Thái bà sinh được một con gái, mặt như gương ngọc không chút bụi, tựa như bình bạc khinh trăng, mắt phượng mày ngài, mặt phấn môi hồng, nhan sắc tuyệt trần. Mọi người đến xem, lấy làm kinh sợ, nhớ tới điềm mộng quả nhiên đã ứng nghiệm. Được trăm ngày, cha mẹ mới đặt tên là Trang Nương.

Từ đó xuân qua hè đến, năm tháng như con thoi, tuổi đã 28, nhà khuê khóa ngọc, trong lưu chính nhụy, dung nhan chim sa cá lặn, trăng nhường hoa thẹn, tài văn bảy bước thành thơ, nghệ võ chính dùng cung tên, các việc nữ công không gì là không biết, trí tuệ nam giới cũng khó bằng.

Khi đó nhân dân bỗng nhiên mắc bệnh tật, người vật không yên. Cầu đảo nhiều lần mà không thấy khỏi. Nhân dân lại làm lễ chay ở trong chùa của ấp. Đêm đó mọi người nằm mơ thấy Long thần đến báo ứng:

- Các người đã được Hoàng Thiên giáng hạ cho thần nữ, sinh ta ở chỗ cửa sông đầu rồng. Dân chúng thấy chỗ đất giáng sinh mà vẫn cứ điềm nhiên, không chịu sửa lập. Vì thế mà Trời mới trách phạt. Nay các người mau mau tu dựng một đền thờ sống thì dân chúng sẽ tự được yên.

Nhân dân các họ bỗng nhiên tỉnh giấc, cùng nói thấy mơ giống nhau nên lập tức dựng một đền thờ sống tại nơi đó. Từ đó tật bệnh trong nhân dân tự nhiên khỏi.

Một ngày Trang Nương theo mẫu thân đi thăm với dì ruột ở đất quận Cửu Chân. Khi đó vua Triệu Úy Đà đang khởi binh đánh Thục. Lúc ấy người địa phương thấy Trang Nương có tài sắc lạ thường đã báo với vua Triệu. Vua bèn mời Thái bà cùng với Trang Nương vào trong phủ gặp mặt. Vua thấy dung mạo nhan sắc tưởng như tiên nữ Bồng Doanh, Lãnh Uyển, lòng đầy thích thú. Lập tức cho vào điện làm lễ cưới. Ban thưởng cho cha mẹ các đồ sính lễ. Lập làm chính cung.

Khi đó Triệu Vương và Thục Vương đanh giao tranh, chinh Đông dẹp Tây, chinh chiến bất thường. Nên đã cho dẫn Chính cung về ở khu Nhị Nương, trang Phương Để, truyền cho nhân dân trong ấp xây dựng cung phủ để Chính cung ở đó. Tự Chính cung về khu Nhị Nương tiếp quản dinh phủ, tích trữ quân lương, chiêu dụ anh hùng bốn biển đến tụ hội.

Thế rồi, Thục Vương nghe tin Triệu Vương có Chính cung đã xây dựng phủ ở khu Nhị Nương, tích trữ quân lương, chiêu dụ các tướng tài, liền sai quân đến vây bắt. Chính cung thấy quân Thục tiến tới, liền xuất quân cùng chiến đấu, phá vỡ vòng vây của quân Thục. Cung phi mới về thẳng quận Nam Hải cùng với Triệu Vương. 

Sau đó Triệu Vương diệt Thục, lên ngôi Hoàng đế, lập Trang nương làm Hoàng hậu quản chính. Đồng ý cho khu Nhị Nương trang Phương Để làm con dân phụng thờ đền khi sống của Hoàng hậu, cấp thưởng cho 3000 quan tiền, lại miễn việc quân lương.

Đến khi Hoàng hậu tuổi ngoài bảy mươi, một ngày khi không có bệnh mà tắm gội, bỗng thấy trời đất mờ mịt, ban ngày giống như đêm. Khi đó Hoàng hậu tự nhiên mà hóa (ngày 6 tháng 11). Trăm quan trong triều làm lễ an táng ở đất trang Cao Bạt, quận Hải Nam. 

Khi việc đã xong liền sai quan về đến khu Nhị Nương, trang Phương Để nơi sinh để sửa chữa đền thờ, nơi cung dinh tế lễ, lập việc thờ phụng. Vua lại phong các mỹ tự, vạn cổ hưởng hương lửa lễ lạt không cùng, cùng với quốc gia trường tồn, mãi mãi là phép tắc không đổi. 

Từ Đinh, Lê, Lý, các triều đại đế vương đều có phong Cung túc Từ liêm Cẩn tiết Đôn thiện Mục thận Anh linh Bảo quốc An dân Chiêu đức Đoan trang bà Hoàng Thái hậu Tôn thần Thượng đẳng tối linh. Cùng với việc phong các chữ này là việc làm lễ tế quốc gia.

Năm Hồng Phúc thứ nhất, ngày 10 tháng 1. Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ, thần là Nguyễn Bính phụng soạn.

Hoàng triều hiệu Vĩnh Hựu năm thứ ba, ngày tốt đầu tháng 2, Quản giám bách thần Tri điện Hùng lĩnh thiếu khanh, thần là Nguyễn Hiền, tuân theo đúng như triều trước mà sao chép.

Phụng kê, các sắc văn cho Thần đương cảnh Trình Thái hậu gồm 12 đạo như sau:

- Cảnh Hưng năm 44, ngày 16 tháng 5, một đạo sắc cho Thần đương cảnh Trình Thái hậu là Cảm ứng Thánh huệ Ngọc bảo Phương diễm Từ hoà Linh nghi Trinh thục Thuần ý Nhu gia Trang tĩnh Trung hiến Ôn lương Hoàng quân.

- Cảnh Hưng năm 44, ngày 26 tháng 7, một đạo gia phong là Phong tư Chính trực Ôn lương Yểu điệu Huy khiết Dung hành Khuê chương Văn vọng Anh dục Tú chung Thông minh Mẫu nghi Khôn thuận Quế cách Hoàng quân.

- Cảnh Hưng năm 44, ngày 26 tháng 7, lại một đạo gia phong Mậu công Thuần đức Tuý phạm Hoàng quân.

Ba đạo sắc trên được ban nhân khi Quốc vương trị vì khi đó khi tiến phong ngôi vua.

- Gia Long năm thứ 9, ngày 21 tháng 8, một đạo sắc chỉ qua các triều đại đã gia tôn mỹ tự nên đồng ý theo cũ phụng thờ.

- Minh Mệnh năm thứ 2, ngày 15 tháng 7, một đạo.

- Thiệu Trị năm thứ 2, ngày 7 tháng 8, một đạo.

- Thiệu Trị năm thứ 2, ngày 9 tháng 9, một đạo.

- Tự Đức năm thứ 3, ngày 3 tháng 7, một đạo.

- Tự Đức năm thứ 33, ngày 24 tháng 11, một đạo.

- Đồng Khánh năm thứ 2, ngày 1 tháng 7, một đạo.

- Duy Tân năm thứ 3, ngày 11 tháng 8, một đạo.

- Khải Định năm thứ 9, ngày 15 tháng 7, một đạo đồng ý riêng cho theo cũ phụng thờ (nhân ngày quốc khánh lần thứ 40 của vua khi đó).

Thừa sao theo bản chính bởi phó lý trưởng là Võ Thích đã ký.

Lý Trưởng đồng ý đóng dấu.

No comments:

Post a Comment