Sunday, June 30, 2024

Quý Minh Đại vương ở đất Hồng - Lạc

Trong số các vị thượng đẳng thần được thờ phổ biến ở miền Bắc nước ta thì Quý Minh là một trong những vị thần có số nơi thờ cúng rất lớn. Thống kê theo danh mục thần tích thần sắc trong Viện thông tin khoa học xã hội cho con số 502 nơi có thờ thần Quý Minh. Sự tích về vị thần này ở các nơi thờ xem ra có vẻ tương đối thống nhất, rằng Quý Minh là người em họ của Tản Viên Sơn Thánh, đã cùng Tản Viên và Cao Sơn đánh giặc Thục giúp vua Hùng Duệ Vương. Danh tướng Quý Minh được phong là Hữu kiên thần của Sơn Thánh. Tuy nhiên, cũng nan giải như chuyện về Tản Viên Sơn Thánh, hay sự đa dạng phức tạp các nhân vật có tên Cao Sơn Đại vương, trong cái tên Quý Minh Đại vương không phải chỉ có một nhân vật lịch sử duy nhất được thờ phụng.

Ở một số nơi như ở Bình Lục hay Lý Nhân, Hà Nam, Quý Minh được kể là người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ, tương tự như trường hợp của Cao Sơn. Điều này cũng khó giải thích như việc Tản Viên Sơn Thánh chỗ là con của Lạc Long Quân, chỗ lại là ở thời Hùng Duệ Vương đời cuối. Cách hiểu rõ ràng là trong tên gọi Quý Minh Đại vương phải có ít nhất 2 nhân vật sống và lập công nghiệp ở 2 thời điểm khác nhau, một vào đầu thời kỳ Hùng Vương và một vào cuối thời kỳ này.

Rắc rối hơn là ngoài vị Quý Minh Đại vương thuộc dòng Sơn thần (theo Tản Viên Sơn Thánh), thì có khá nhiều nơi Quý Minh được thờ như một vị Thủy thần. Tên hiệu thường được tôn phong của Quý Minh là Đông Hải Đại vương, là dẫn chứng cho bản chất Thủy thần của thần Quý Minh.

Tấm bia Tôn thần sự tích bi chí của đền Nam Lạng ở Trực Tuấn, Trực Ninh, Nam Định ghi: Đại vương húy là Tuấn, tên tự là Quý Minh, là em của thần núi Tản Viên. Vương cùng với Tản Viên Quân từ biển đi từ cửa khẩu Thần Phù mà về qua đất xã ta thì có dừng xe nghỉ. Tiếp đó lại đi đến bến Đông Hải Long Đỗ, rồi yêu thích nơi cao ráo đó nên nghỉ ngơi mà hiển thánh rạng rỡ. Đời sau rất linh dị nên phong là Thượng đẳng thần. Thiên hạ chúng sinh rất sùng kính phụng thờ. Đền chính ở tại hai giáp Đông Đoài, phường Đông Hà, huyện Thọ Xương. Triều trước mỗi năm vào mùa xuân đều sai quan đến tế lễ.

Đền thờ Quý Minh Đại vương ở Hà Nội trước đây là đình Đông Hà ở số 46 phố Hàng Gai. Đây là ngôi đền tham gia vào lễ tế xuân ngưu hàng năm dưới thời nhà Lê (theo Phạm Đình Hổ).

Câu đối đền Nam Lạng nói về tích Quý Minh đi từ cửa khẩu Thần Phù và hiển linh dẹp yên hổ báo ở núi Chúc:

神符海口鴻留趣
玉燭山頭虎变移

Thần Phù hải khẩu hồng lưu thú
Ngọc Chúc sơn đầu hổ biến di.

Dịch là:

Cửa biển Thần Phù chim bay đến
Đầu non Ngọc Chúc hổ chạy xa.

Chi tiết đáng chú ý trong sự tích đền Nam Lạng là việc thần Quý Minh đi từ cửa biển Thần Phù lên bến Đông Hải ở Long Đỗ, rồi hiển hóa tại đó. Chi tiết này cho thấy rất rõ Quý Minh là một vị Thủy thần sông biển, đồng thời cũng giải thích tên gọi Đông Hải Quý Minh và chỉ ra mối liên hệ giữa Quý Minh và vùng Long Đỗ (tức là vùng hồ Tây ngày nay). Di tích thờ Quý Minh ở vùng ven hồ Tây là đình Đông Xã nay nằm trên đường Thụy Khuê ở Hà Nội.

Vị Hữu kiên thần Quý Minh còn có tên là Lãng Nhạc. Chữ Lãng nghĩa là sóng nước, đối lập với tên Nộn Nhạc (Nộn hay non, chỉ núi) của Tả kiên thần Cao Sơn. Như thế trong cặp Cao Sơn – Quý Minh thì Cao Sơn là Sơn thần, còn Quý Minh là Thủy thần.

Câu đối khác ở đền Nam Lạng:

肩神協力平蜀建鴻勳溯自雄朝數千載迄今岳府威聲猶赫赫
西郡回師騰雲飛鶴駕屹然天南第一峯之右朗山靈跡自依依

Kiên thần hiệp lực bình Thục kiến hồng huân, tố tự Hùng triều sổ thiên tải hất kim, Nhạc phủ uy thanh do hách hách.
Tây quận hồi sư đằng vân phi hạc giá, ngật nhiên Thiên Nam đệ nhất phong chi hữu, Lãng sơn linh tích tự y y.

Dịch là:

Kiên thần chung sức dẹp Thục dựng cơ đồ, chính từ triều Hùng mấy ngàn năm đến nay, tiếng uy Nhạc phủ còn vang dội
Quận Tây rút quân đi mây cưỡi xe hạc, tự nhiên trời Nam một ngọn đầu bên phải, tích thiêng núi Lãng vẫn như nguyên.

Trong Tản Lĩnh ngọc ký kể tới 2 lần Tản Viên dẫn các tướng và quân của Hùng Vương chống Thục. Lần thứ nhất Tản Viên Sơn Thánh chặn quân Thục ở Mộc Châu, được một thiên tướng cầm ốc tù và giáng xuống giúp mà phá tan giặc. Lần thứ hai quân Thục tổng tấn công, chia làm 5 đạo, theo các đường thủy bộ tiến vào. Sơn Thánh chia các tướng ra chống cự theo từng đạo quân. Quý Minh Đại vương thường là phụ trách chống đạo quân thủy của quân Thục tiến vào theo đường cửa Hội Thống ở Hoan Châu. Sau lần chống giặc thứ hai thì Hùng Vương được Sơn Thánh khuyên nhường ngôi cho Thục Vương, chấm dứt 18 đời Hùng Vương.

Điểm qua các sự tích về Quý Minh Đại vương và so sánh với lịch sử của thời kỳ Hùng Vương (Lạc Vương) thì có thể nhận thấy, thực ra có 2 nhân vật Quý Minh ở 2 giai đoạn Hùng Vương khác nhau. Vào đầu thời Hùng Vương, bộ ba Tản Viên Sơn Thánh là đại diện cho 3 dòng tộc. Dòng Tản Viên đứng đầu là Kinh Dương Vương làm chủ toàn bộ thiên hạ sau khi nhận ngôi từ vua Hùng theo cách truyền hiền (truyền ngôi cho con rể). Tả kiên thần Nộn Nhạc Cao Sơn, đại diện cho nhóm người ở vùng miền núi, được gọi là Sơn thần. Hữu kiên thần Lãng Nhạc Quý Minh đại diện cho nhóm người ở vùng sông nước ven biển, được coi là Thủy thần.

Ở giai đoạn đầu, sau khi Kinh Dương Vương Tản Viên Sơn mất, đã xảy ra một cuộc xung đột giữa con của Kinh Dương Vương là Lạc Long Quân với chính dòng vua Hùng (Đế Nghi) để giành vị trí làm chủ thiên hạ. Lạc Long Quân là nhờ vào sự giúp đỡ của bên mẹ là tộc người vùng sông biển (Long Nữ Động Đình) đã đánh đuổi Đế Lai mà lên ngôi Vua cha, làm chủ cả thiên hạ. Đây là cuộc chiến Hùng Thục lần thứ nhất, với thắng lợi của dòng Hùng Vương (Lạc Long Quân).

Trong cuộc chiến lần thứ nhất này Quý Minh là đại diện của nhóm người vùng sông nước nên đã theo phe của Long Quân chống lại quân Thục, đuổi nhóm tộc người miền núi Đế Lai – Âu Cơ phải di rời, chạy đi xa hơn về phía Tây. Thần tích Việt gọi nhóm Thục này là Hồ (Hồ Tôn, Tây Hồ), Di (Tử Di), hay có khi là Chiêm vì chính gốc ban đầu của nhóm trên núi này ở phía Tây Nam nước ta. Sự tích kể thành Hữu kiên thần Quý Minh dẫn thủy quân đánh giặc Chiêm, Hồ ở cửa Hội Thống.

Chú ý là Quý Minh trong giai đoạn này không phải là một trong số những anh em cùng mẹ sinh cùng bọc của Lạc Long Quân, bởi Quý Minh đứng ở bậc cha chú so với Lạc Long Quân, ngang hàng với Kinh Dương Vương (Tản Viên Sơn Thánh). Ngũ vị tôn quan hay Lục bộ thủy phủ cùng sinh với Lạc Long Quân trở thành các vị quan trấn trị các nơi trong Thủy phủ. Còn Quý Minh Đại vương là đại diện chung cho dòng Thủy phủ Động Đình, không đi trấn trị các nơi như các vị tôn quan Thoải phủ. Cao Sơn – Quý Minh là cặp lưỡng nghi Âm – Dương, lên rừng xuống biển, hay bộ Tam Tài – Tam vị Tản Viên. Đây là giai đoạn trước khi phân chia lần nữa thành Tứ tượng hay Ngũ hành như trong bộ Ngũ vị tôn quan.

Khu vực thờ Quý Minh dưới hình thức là Thủy thần, tức là Quý Minh của thời kỳ đầu Hùng Vương, là các vùng sông nước ở Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương. Điển hình, Thủy thần Quý Minh trở thành một trong Hoa Lư tứ trấn, thờ tại đền Trần trong cụm di tích danh thắng Tràng An. Chữ “Trần” ở đây không phải là họ, mà hàm nghĩa là phía Đông (chiết tự chữ Trần là Đông A), tương tự tên gọi Đông Hải Đại vương của Thủy thần Quý Minh.

Ở giai đoạn cuối thời Hùng Vương, trận chiến giữa Hùng và Thục lần thứ 2 là cuộc tấn công của dòng lên núi theo Đế Lai - Âu Cơ đã bị đuổi đi trước đây, quay lại chiếm vùng đất Lạc xưa. Thủ lĩnh vùng đất Lạc lúc này là một trong Tứ bá hầu của nhà Ân Thương, được biết với tên là Bắc Bá hầu Sùng Hầu Hổ. Sùng Hầu Hổ cùng với những người anh em của mình đã đánh chặn cuộc tấn công của Thục Vương Cơ Xương (Âu Cơ), nhưng cuối cùng thất trận. Vua Hùng cuối cùng là Ân Trụ Vương đã buộc phải “nhường ngôi”, trả lại vùng đất Lạc cho dòng Âu lên núi. Thục Vương về lại Phong Châu, lập nên nước Âu - Lạc.

Sùng Hầu Hổ được sử Việt gọi là Sùng Lãm, hay cũng là Sùng Công Cao Sơn, bởi chữ Cao cũng có nghĩa là Sùng. Như thế người anh em họ Sùng của Cao Sơn lúc này là Quý Minh. Có thể thấy vị Quý Minh ở thời điểm sau không có tính chất Thủy thần như thời kỳ đầu, mà là Sơn thần cùng với Cao Sơn. Khu vực các di tích thờ các sơn thần Cao Sơn Quý Minh chủ yếu ở các tỉnh vùng trung du như Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Yên Bái, Lạng Sơn, một phần Hưng Yên, Quảng Ninh.

Một dẫn chứng cho nhận định trên là việc thờ Quý Minh ở đền Phú Mẫn trên núi Hàm Sơn ở thị trấn Chờ, Yên Phong, Bắc Ninh. Đền Phú Mẫn còn có mộ Quý Minh Đại vương, tương truyền do ngài đi đánh giặc đã về hy sinh ở đây. Không xa thị trấn Chờ là núi Thất Diệu, nơi có đền Bạch Kê cùng với những “quỷ núi” hiện hình phá Thục An Dương Vương xây thành Cổ Loa. Truyện Rùa Vàng trong Lĩnh Nam chích quái nói: Cái tinh khí ở núi này là con vua đời trước, muốn báo thù cho nước. Lại có con gà trắng sống lâu ngàn năm, hóa thành yêu tinh ẩn ở núi Thất Diệu. Trong núi có ma, đó là hồn người nhạc công triều trước chôn ở đây. “Tinh khí ở núi” là con vua đời trước, cùng với “Nhạc công triều trước” rõ ràng tương ứng với Cao Sơn, Quý Minh thờ ở đền Chờ gần đó.

Tất nhiên việc phân định Quý Minh nào là Thủy thần thời Kinh Dương Vương, Quý Minh nào là Sơn thần thời Hùng Duệ Vương không phải lúc nào cũng rõ ràng ở các di tích. Vị Quý Minh trong bộ ba vị Tản Viên là cổ thần từ thời dựng nước nên thường được thờ rộng rãi hơn, cả dưới hình thức là Sơn thần lẫn Thủy thần, hay là Nhiên thần nói chung. Vị Quý Minh cuối thời Hùng Vương có phạm vi thờ hẹp hơn, chủ yếu ở những nơi xảy ra cuộc chiến giữa nhà Chu (Âu Thục) với nhà Ân (Hùng Lạc) dưới dạng là Nhân thần.

Nhận định Quý Minh là thủy thần trong Tam vị Tản Viên, từng đi từ Thần Phù về Long Đỗ (hay Long Biên) còn có thể giải mã được vị thần quan trọng khác của miền Bắc Trung Bộ. Đền Nhân Phẩm ở xã Yên Lâm, Yên Mô, Ninh Bình là đền Thần Phù Hải Khẩu, thờ Áp Lãng Chân Nhân, Triệu Việt Vương. Ở vùng ven biển Ninh Bình - Nam Định Quý Minh là vị thần đã báo mộng và trao móng rồng cho Triệu Việt Vương trong sự tích đầm Dạ Trạch. Ở đền Nhân Phẩm vị thần này được gọi là Cao Các Quý Minh Đại vương. Đây là bằng chứng rõ ràng cho thấy vị thần Cao Các được thờ phổ biến ở vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và cả các tỉnh miền trong chính là Quý Minh, vị thần đại diện cho nhóm người miền sông nước trong bộ ba Tản Viên.

Thần Cao Sơn, Cao Các ở miền Thanh Nghệ như vậy tương ứng là hai vị thần Cao Sơn, Quý Minh như tục thờ ở miền Bắc. Cao Sơn – Cao Các hay Cao Sơn – Quý Minh là cặp đôi lên rừng xuống biển, đại diện cho các nhóm người sinh sống trên đất nước thời dựng nước. Bởi vậy mà các vị thần này trở thành Thượng đẳng thần, được thờ rất phổ biến ở nhiều nơi. Quý Minh đã dẫn quân thủy chống giặc tiến vào ở cửa Hội Thống, Hoan Châu, nên việc Nghệ Tĩnh thờ Quý Minh dưới tên Cao Các là hoàn toàn dễ hiểu.

Ngoài ra, tín ngưỡng ở miền Trung còn có bộ ba Cao Sơn, Cao Các, Mạc Sơn. Bộ ba này tương ứng với ba vị Tản Viên: Cao Sơn, Quý Minh và Tản Viên. Mạc Sơn hay Mạch Sơn, cũng là Lạc Sơn, chỉ Lộc Tục Kinh Dương Vương như trường hợp của đền Hội ở Nghi Lộc, Nghệ An.

Vào thời lập quốc họ Hồng Bàng, 3 nhóm tộc người đã hợp nhất, tôn Tản Viên Sơn Thánh là Kinh Dương Vương, cùng với đại diện của 2 vùng sông - núi là Cao Sơn và Quý Minh Đại vương. Cao Sơn, Quý Minh hay Cao Sơn, Cao Các đã trở thành biểu tượng thần thánh, tổ tiên của người Việt, mãi được tôn kính phụng thờ trên cả vùng đất Lạc ở miền Bắc và đất Hồng ở miền Trung.

Đình Nhân Phẩm, Yên Lâm, Yên Mô, Ninh Bình.

Tôn thần sự tích bi chí ở đền Nam Lạng, Trực Ninh, Nam Định.

Bia trên mộ Quý Minh Đại vương ở đền Phú Mẫn, Chờ, Yên Phong, Bắc Ninh.

Đền Bàu Lối, Cửa Lò, Nghệ An, một trong những nơi thờ Cao Sơn Cao Các.

No comments:

Post a Comment