Monday, July 10, 2023

Nam Việt Úy Đà diễn nghĩa

Nam Việt Úy Đà liệt truyện trong Sử ký Tư Mã Thiên rõ ràng có nhiều “nỗi oan” của vua Triệu cần được xem xét, diễn giải lại, mà “nỗi oan” có thể thấy ngay được là thông tin Triệu Đà trị vì 70 năm, thọ 121 tuổi (!!!). Với tuổi thọ “không thể có” này của vua Triệu, có thể thấy những câu chuyện về vua nước Nam Việt sẽ không phải đơn thuần là chỉ kể về 1 nhân vật như truyện đã chép…

Triệu Vũ Đế khởi nghĩa kháng Tần

Các di tích hiện còn tới nay về nhà Triệu ở Việt Nam là nguồn bổ sung những dữ liệu quan trọng cho quá trình khởi nghĩa kháng Tần của Triệu Đà trên đất Việt. Thời Tần Triệu Đà làm quan huyện Long Xuyên (cũng là huyện Nam Hải, theo thần tích Đồng Sâm), lấy vợ Trình Thị ở Đồng Sâm, Thái Bình mà lưu cư tại đây. Trình Thị đọc thiết âm là Trĩ, chỉ ra sự liên quan của vị hoàng hậu này với Cao Hậu, người có tên cúng cơm là Lữ Trĩ. Lưu Bang xuất phát ban đầu cũng là một đình trưởng nhỏ ở đất Bái, lấy vợ là họ Lữ và sống tại đó. Khu vực Thái Bình còn là nơi có nhiều di tích khởi nghĩa của Lý Bôn, người đã kết duyên cùng Hoàng hậu Đỗ Thị Khương. Thái Bình đọc phản thiết là Bái, tên vùng đất nơi Lưu Bang làm đình trưởng và lấy bà Lữ Trĩ.
Ngoài di tích ở Đồng Sâm (Kiến Xương, Thái Bình), Triệu Đà còn được kể đến ở một số khu vực khác. Trước hết, đó là núi Vũ Ninh (Quế Võ, Bắc Ninh) nơi có tới 8 làng thờ Triệu Vũ Đế. Đây là căn cứ ban đầu khởi nghĩa của Triệu Đà chống lại nhà Tần. Di vật thời này còn tại đây là phần thân của con thần thú nửa rồng nửa phượng bằng đá lớn, hiện vẫn còn tại thôn Cựu Tự xã Ngọc Xá. Truyện Giếng Việt trong Lĩnh Nam chích quái kể ở núi này có con rắn lớn, trên trán có chữ Vương, chuyên ăn thạch nhũ. Còn Cao Tổ bản kỷ kể việc Lưu Bang khi ở núi Mang Đãng đã chém rắn trắng, là con Bạch Đế mà khởi nghĩa.
Không xa núi Vũ Ninh, ở xã Ngô Cương (Gia Bình, Bắc Ninh) có sự tích kể Triệu Đà khi lâm trận thất thế, được một đám mây đỏ hạ xuống che chở mà thoát nạn. Câu chuyện này khá giống với việc Lưu Bang khi bỏ vào rừng núi Mang Đãng kháng Tần thì bà Lữ Trĩ luôn thấy có đám mây lành trên nơi Lưu Bang trú ngụ.
Khi quan úy Nam Hải là Nhâm Hiêu thấy phản loạn các nơi nổi lên chống lại nhà Tần, Nhâm Hiêu bàn với Triệu Đà chặn con đường nhà Tần mới mở đến Việt để tự giữ. Nhâm Hiêu chết, Triệu Đà thay, “lập tức truyền hịch đến các cửa ải Hoành Bồ, Dương Sơn, Hoàng Khê” để chặn đường, tự phòng thủ. Chi tiết này trong thần tích Đồng Sâm đã cho thấy con đường mà nhà Tần mở ra trên đất Việt là chạy từ vùng Cao Bằng (Hoàng Khê?) qua Bắc Kạn (Dương Sơn) tới Quảng Ninh (Hoàng Bồ). Trên con đường này Tần Thủy Hoàng đã làm cuộc Đông du, ra biển Đông, gặp đạo sĩ Yên Kỳ Sinh nơi chân núi Yên Tử ở Đông Triều. Cửa ải cuối cùng của con đường Tần – Việt này là Hoành Bồ, thuộc Quảng Ninh, gần bãi biển Hạ Long ngày nay.
Di tích quan trọng khác là ở khu vực Long Biên, đặc biệt là đình Xuân Quan (Văn Giang, Hưng Yên). Đây là nơi Triệu Đà đã thấy rồng bay lên trên sông Nhị, bắt đầu “Long Hưng” lập nghiệp đế vương, tấn công vào trị sở của Tần lúc đó ở Cổ Loa. Thần tích Đồng Sâm cũng kể Triệu Đà đánh Thục, đóng quân ở Tiên Du, Bắc Ninh.
Sử ký Tư Mã Thiên ghi Triệu Đà giết các trưởng quan do Tần xếp đặt, dùng bè đảng của mình thay vào làm quận thủ. Nếu không phải là một cuộc “khởi nghĩa vũ trang” thì làm sao Triệu Đà có thể giết được các quan lại nhà Tần một cách dễ dàng như vậy? Long Hưng cũng là tên quê hương của Lý Bôn, người đã nổi lên đánh chiếm Long Biên, lập nước Vạn Xuân.
Thần thú ở núi Vũ Ninh.

Nam Việt lập quốc

Sử ký Tư Mã Thiên ghi, khi Tần bị diệt vong, Đà liền đánh chiếm Quế Lâm, Tượng Quận, tự lập làm Nam Việt Vũ Vương, Sau khi Cao Đế bình định thiên hạ, do Trung nguyên lao khổ nên bỏ qua không giết Đà. Nhà Hán năm thứ 11, sai Lục Giả nhân đó lập Đà làm Nam Việt Vương, cùng chẻ tín phù để thông sứ.
Đoạn sử hết sức quan trọng này về việc Triệu Đà xưng Vương, nhưng cũng lại hết sức khó hiểu, gây lầm lẫn. Nhà Tần diệt vong năm 206 TCN, còn Cao Đế năm thứ 11 là năm 196 TCN, ngay năm sau đó Lưu Bang mất. Hai sự kiện cách nhau tới 10 năm. Triệu Đà nếu đã xưng là Nam Việt Vũ Vương từ năm 206 TCN rồi thì sao mãi mười năm sau, đến cuối đời Lưu Bang mới cho người đến phong Vương cho Nam Việt? Người khởi nghĩa ở Chân Định chống Tần đã là Lưu Bang thì ai là người xưng Vũ Vương vào năm 206 TCN?
Vấn đề Nam Việt Vũ Vương được làm sáng tỏ nhờ nhận định: Triệu Đà khởi nghĩa ở miền Bắc Việt là Lý Nam Đế, cũng là Hiếu Cao Tổ Lưu Bang. Vì Lý Bôn – Lưu Bang đều xưng Đế của cả Thiên hạ Trung Hoa, nên người xưng Vương ở Nam Việt không phải là Triệu Đà.
Theo thần tích Hạ Mạo (Phú Thọ), Hậu Hùng Vương tên là Chàng Ánh, vốn là dòng dõi vua Hùng thứ 17 nước Văn Lang, được ban cho họ Lê, lấy vợ là con gái Đông Chu Quân (tức An Dương Vương). Khi Tần (Thục) chiếm được miền Bắc Việt, Chàng Ánh đã không khuất phục mà tự lập ở Việt Tây (Quảng Tây), xưng là Hậu Hùng Vương. Người con út của Hậu Hùng Vương đã được cử đem ba ngàn quân tham gia cuộc khởi nghĩa của Triệu Đà.
Triệu Đà lên ngôi là Vũ Đế, nhưng vẫn cắt Quảng Tây cho Việt. Sau 6 năm Hùng Ánh Vương lâm bệnh.... Đến khi Hùng Ánh Vương lâm chung... bèn ban tên Chàng Út Lôi Mao, cho tự cai quản. Ngày 15 tháng 8 Hùng Vương băng hà, Chàng Út phát tang, kế vị, xưng là Việt Tây Út Ngọ Lôi Mao Đại vương. Vũ Đế cho lệnh sách phong. Ba năm tang lễ xong, Vương cho hoàng hậu họ Triệu giám quản đất nước... Vũ Đế mới ban sắc: Cha truyền con nối là lễ thế tập...
Đối chiếu với Nam Việt Úy Đà liệt truyện thì:
  • Triệu Đà khởi nghĩa ở Đường Sâm, Vũ Ninh, Long Biên là Triệu Vũ Đế - Hán Cao Tổ - Lý Nam Đế.
  • Khi nhà Tần sụp đổ, thiên hạ phân chia, chư hầu tranh giành, người đã chiếm Quế Lâm, Tượng Quận, tự xưng Nam Việt Vũ Vương là Hậu Hùng Vương họ Lê.
  • Hơn 9 năm sau, tính từ khi Tần vong, tức đúng là quãng năm 196 TCN, Triệu Vũ Đế - Hán Cao Tổ sắc phong cho Út Ngọ Lôi Mao làm Nam Việt Vương. Vì Chàng Út là con rể Triệu Vũ Đế, nên từ đó Nam Việt Vương lấy Triệu làm họ.
Như vậy, người được Lưu Bang cử Lục Giả sang sắc phong ở Nam Việt không phải là Triệu Vũ Vương, mà là Triệu Văn Vương. Nhận định đột phá này cho phép giải quyết được vấn đề tuổi thọ 120 năm của Triệu Đà, vì trong 70 năm trị vì Nam Việt có tới 3 vị vua nối nhau: Triệu Vũ Đế - Lưu Bang, Triệu Vũ Vương - Lê Hùng Ánh và Triệu Văn Vương - Út Ngọ Lôi Mao.
Nhìn theo dòng sử khác của thời Tiền Lý Nam Đế, thì khi Lý Bôn chiếm Long Biên dựng nước Vạn Xuân, có Triệu Quang Phục tham gia khởi nghĩa, được phong là Tả tướng. Lý Nam Đế rút về hồ Điền Triệt là sự kiện Lưu Bang bị Hạng Vũ đuổi vào vùng Hán Trung. Triệu Quang Phục được Lý Bôn giao phó, ở lại giữ Long Biên, chống lại quân họ Hạng (truyền thuyết gọi là giặc Lương) không được, phải rút về vùng đầm Dạ Trạch ở Khoái Châu (Hưng Yên), dùng lối đánh du kích mà cầm cự trong nhiều năm. Cuối cùng Triệu Quang Phục cũng đuổi được quân Hạng ra khỏi Bắc Việt. Không lâu sau đó, Quang Phục dẫn quân dẹp loạn Lâm Ấp thắng lợi, thanh thế ngày càng lớn.
Tới khi Lưu Bang giết được Hạng Vũ, lên ngôi Hoàng đế thì vùng phía Nam đã nằm trong phạm vi cai quản của cha con Triệu Túc và Triệu Quang Phục. Triệu Túc là dòng quý tộc Lạc tướng Chu Diên, tức chính là Hậu Hùng Vương, người bắt đầu chiếm cứ quận Quế Lâm - Quảng Tây từ thời Tần. Quang Phục nhận sự ủy thác của Lý Nam Đế đóng quân ở quận Nam Hải (Long Biên) và rồi chiếm được cả vùng Lâm Ấp. Với địa bàn như vậy, không khó hiểu khi Triệu Túc tự xưng là Nam Việt Vũ Vương ngay khi Lưu Bang và Hạng Vũ còn đang tranh hùng thiên hạ.
6 năm sau, Lê Túc - Triệu Vũ Vương mất, khoảng năm 199 TCN. Quang Phục kế vương vị của cha, tiếp tục đánh chiếm mở rộng địa bàn và đi khắp nơi trong nước an định dân tình. Triệu hậu nắm giữ quyền triều chính khi Quang Phục không ở trong triều.
3 năm sau khi mãn tang cha, Triệu Quang Phục, tức Út Ngọ Lôi Mao, nhận sắc phong và phẫu phù của Hiếu Cao Tổ, trở thành Triệu Văn Vương. Đây mới là lý do chính việc Nam Việt Vương đã tiếp đãi sứ giả của Hán là Lục Giả một cách hậu hĩ, lưu giữ trong cung mấy tháng, tặng tơ lụa, trang sức, ngàn vàng. Nam Việt chính thức ra nhập nước Vạn Xuân của Lý Nam Đế Lưu Bang dưới dạng một phiên vương nội thuộc.
Lý Nam Đế và Hoàng hậu Đỗ Thị Khương ở Thái Bình.

Triệu Văn Đế Hưng Quốc

Phần lớn các chư hầu là công thần được Lưu Bang phong vương khi tranh hùng cùng Hạng Vũ đều nhanh chóng bị Lưu Bang tìm cách loại bỏ sau khi lên ngôi. Tề Vương Hàn Tín, Lương Vương Bành Việt, Cửu Giang Vương Anh Bố, Triệu Vương Trương Ngao, Yên Vương Lư Quán lần lượt theo nhau ra đi. Danh hiệu phong vương chỉ còn đối với những người con của Lưu Bang.
Trong bối cảnh đó thì mới thấy Nam Việt Vương ngang nhiên tồn tại, lại còn được chính Lưu Bang phong vương, phải là một thế lực mạnh như thế nào. Chắc chắn Nam Việt Vương là đại công thần và có quan hệ thân thích với Hiếu Cao Lưu Bang.
Thời Cao Hậu, nhà Hiếu không bán đồ sắt cho Nam Việt. Nam Việt Vương cho rằng đây là âm mưu của Trường Sa Vương muốn phế bỏ tước vương của Nam Việt. Một lần nữa thông tin trên lại cho thấy sự tranh giành vương vị thời kỳ này khốc liệt như thế nào. Trong số các chư hầu nhà Hiếu, Nam Việt Vương là vị vương có thế lực mạnh nhất, uy hiếp trực tiếp đến Đế vị của nhà Hiếu.
Cao Hậu cử Long Lự Hầu Chu Táo xuất quân đánh Nam Việt nhưng đã nhận thất bại thảm hại. Cao Hậu mất. Triệu Việt Vương lúc này không còn phải kiêng dè gì nữa, công khai xưng chế, tức là xưng Đế toàn thiên hạ. Nhân đà binh uy đó, Triệu Văn Đế chiêu dụ luôn 2 vùng đất Mân Việt ở phía Đông và Tây Âu Lạc trở thành nước chư hầu của nhà Triệu. Trung Hoa lúc này chia thành 2 đế quốc. Nhà Hiếu làm Đế ở phương Bắc. Nhà Triệu xưng Đế ngang hàng với nhà Hiếu, đi xe mui vàng, cắm cờ tả đạo, ở phương Nam. Đất đai nhà Triệu Đông Tây dài vạn dặm.
Bằng chứng xác đáng về hiệu xưng Đế của Triệu Văn Đế là ngôi mộ Triệu Mạt đã phát hiện ở Quảng Tây. Trong mộ đã tìm được bộ ấn vàng, đặc biệt nhất là ấn "Văn Đế hành tỉ", xác nhận chắc chắn rằng người xưng Đế Nam Việt là Triệu Văn Vương. Quy mô, mức độ phong phú và quý giá của các hiện vật trong mộ cho thấy nó không kém gì mộ của các vị Đế của nhà Hiếu cùng thời. Ngoài ấn Văn Đế hành tỉ trong mộ còn có "ấn Đế", khẳng định ngôi Đế của nhà Triệu.
Cao Hậu mất, các trung thần nhà Hiếu đã tôn người con của Lưu Bang là Đại Vương Lưu Hằng (vị Vương ở đất Đại) lên ngôi, là Hiếu Văn Đế. Ngay trong năm đầu tiên khi lên ngôi, Hiếu Văn Đế đã phải vội vã giải quyết quan hệ với nhà Triệu. Lục Giả, người từng đi sứ phong Vương cho vua Triệu, một lần nữa được cử đi sứ Nam Việt.
Lý do Lục Giả đưa ra để thuyết phục Triệu Văn Đế bỏ xưng chế là chuyện mồ mả người thân và con em ở Chân Định đang thuộc nhà Hiếu. Lý do này thực là "lãng xẹt" vì xét ra vua Triệu đã hơn nửa thế kỷ không về quê, mồ mả với người thân đâu có quan trọng so với ngôi Đế nữa. Hợp lý hơn như theo truyền thuyết Việt cho biết, Triệu Việt Vương nghĩ đến ân tình cũ với Lý Nam Đế (Lưu Bang) từ khi khởi nghĩa kháng Tần nên mới đồng ý giảng hòa với Lý Phật Tử - con cháu họ Lưu.
Triệu Văn Đế là con của Triệu Túc, dòng dõi nhà Chu, nên mồ mả và người thân ở đây phải chăng là chỉ tông miếu và con cháu của Chu Vương? Chỉ khi vua Triệu thực sự xuất thân là quý tộc từ thời Chiến Quốc thì mới có mồ mả và dòng dõi ở phương Bắc.
Sau chuyến đi sứ của Lục Giả, Triệu Văn Đế đồng ý bỏ xưng chế và xưng là phiên vương khi thông sứ. Nhưng trong nước ông vẫn dùng ấn và nghi lễ Đế vị như thường, mà bằng chứng là những chiếc ấn vàng trong lăng mộ của ông ở Quảng Tây.
Một chi tiết mà Nam Việt Úy Đà liệt truyện chép không rõ ràng là về Triệu Hồ. Sử ký chép Hồ là cháu Triệu Vũ Đế nhưng không rõ thời gian mất, tựa hồ như chuyện của Triệu Hồ được ghép vào dòng sử nước Nam Việt vậy. Lăng mộ tìm được ở Quảng Tây cho thấy Văn Đế có tên là Triệu Mạt. Và Văn Đế là người đã xưng Đế, chứ không phải ở thời kỳ đã bỏ Đế hiệu như Sử ký chép.
Chuyện Triệu Hồ là cháu của Triệu Đà có lẽ là chép theo truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy. Sự thực thì Trọng Thủy là con của nhà Tần họ Triệu, chứ không phải nhà Triệu nước Nam Việt. Triệu Hồ phải chăng tương đương với công tử Hồ Hợi, tức Tần Nhị Thế?
Cuối thời Triệu Văn Đế đã xảy ra chuyện Mân Việt Vương đánh phá biên giới với Nam Việt. Triệu Văn Đế muốn lợi dụng quân đội nhà Hiếu nên báo cho nhà Hiếu xin giúp binh. Không ngờ quân Mân Việt tự mâu thuẫn nội bộ mà tan. Triệu Văn Đế đành phải tạ ơn nhà Hiếu bằng cách cho thái tử Anh Tề vào chầu làm con tin.
Văn Đế hành tỉ.

 
Đế ấn trong mộ Văn Đế Triệu Mạt ở Quảng Tây.

Nam Việt vong quốc

Như vậy Triệu Văn Đế mất năm Kiến Nguyên thứ 4 (137 TCN), là năm mà Sử ký chép Triệu Vũ Đế băng hà. Anh Tề làm con tin ở Trường An hơn chục năm, quay về kế vị. Anh Tề lập tức dấu đi Đế ấn.
Hành động dấu ấn này khá khó hiểu. Anh Tề dấu ấn để làm gì? Trong cách nhìn mới thì hành động này có thể hiểu là Anh Tề đã bỏ việc dùng Đế hiệu mà Triệu Văn Đế vẫn duy trì ở trong nước. Anh Tề trở thành Triệu Minh Vương, thần phục nhà Hiếu.
Rất có thể Đế ấn này là chiếc móng rồng mà thần nhân đã trao cho Triệu Quang Phục ở đầm Dạ Trạch. Anh Tề là Nhã Lang trong truyền thuyết Việt, đã dấu móng rồng thần đi, dẫn đến việc Nam Việc mất nước.
Những diễn biến tiếp theo của nhà Triệu Nam Việt thì đã khá rõ ràng. Minh Vương mất, con thái tử Hưng lên nối ngôi, là Triệu Ai Vương. Mẹ là Cù hậu làm Thái hậu, truyền thuyết Việt gọi là Cảo Nương.
Do đã đánh mất Đế hiệu, thần phục nhà Hiếu nên mẹ con Cù hậu đã bị thừa tướng họ Lữ giết. Kiến Đức được Lữ Gia lập làm vua Triệu Vệ Dương Vương.
Nguyên Đỉnh năm thứ 5, Hậu Lý Nam Đế cho Lâu thuyền tướng quân Dương Bộc và Phục Ba tướng quân Lộ Bác Đức tấn công, Phiên Ngung thất thủ. Vua Triệu cùng Lữ Gia lên thuyền chạy về đến cửa Đại Nha ở Nam Định thì bị bắt. Nhà Triệu nước Nam Việt chấm dứt từ đây.

Niên biểu nhà Hiếu và nhà Triệu.









No comments:

Post a Comment