Saturday, July 8, 2023

Thần tích xã Thượng Gia, tổng Đồng Sâm, huyện Trực Định, tỉnh Thái Bình

 Xã Đường Sâm huyện Chân Định phủ Kiến Xương theo trước đây phụng thờ Triệu Vũ Hoàng Đế và Hoàng hậu Trình Thị, trải qua các triều đại đều đã được phong tặng. Đến Hoàng triều hiện nay (thời những năm Gia Long, Minh Mệnh) sắc phong cho phụng thờ theo như cũ, vâng khai sự tích các tuần tiết. Sự thần ở trong quốc sử, từ tế xuân độ hè, nhập tịch đầu thu, cúng thành giữa thu, cùng ruộng đó là ruộng dành riêng cho phụng sự thần, chỉ biết vốn là như vậy. Còn tại sao như vậy thì mờ mịt không biết gì thêm. Là những người lo việc thờ phụng, phàm là người có suy nghĩ, đều cảm thấy không thoải mái trong lòng. Nên nếu thấy có dã sử thế gia, thiế biên, thế ký, đều  tìm tòi, tham khảo, kê cứu tỉ mỉ để xác định được sự tích. Hồi tháng giữa thu năm Canh Thân, nghe nói ở xã Bằng Đắng huyện Bạch Hạc, Sơn Tây có người là hậu duệ của Lễ bộ Thượng thư thời niên hiệu Vĩnh Hựu, gia đình có cất giữ Ghi chép ngọc phả cổ của chi Càn, bậc Thượng đẳng quốc tế. Bèn soạn lễ đến để xin sao chép vậy. Ngọc phả này được vâng soạn bởi lời của Hàn lâm Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính, vâng chép bởi chữ của Bát phẩm Thư lại Nguyễn Hiền. Trong số những lời kể đó có thể thời gian tương đối lệch trước sau, sự việc có thể sai khác, hãy cứ chép để đó mà không sợ rườm rà. Còn những lời hợp lý, sự việc tương đồng thì nên trích lấy tham khảo trong các bộ quốc sử để so sánh cho đầy đủ.

Phả lục cổ này chép rằng:

Xưa Bắc quốc, quận Linh Sơn có người quê Chân Định, họ Triệu, tên Đức công, vợ là Đào Thị Hoan, do trời tác hợp hơn 20 năm, cầm sắt tuy hài hòa mà giấc mộng điềm gấu sinh trai chưa đến. Từ đó ra sức tạo phúc. Một đêm đẹp trời Đức công và Thái bà ngắm trăng ở trước sân, đến giữa canh Hai, dựa lan can mà mông lung thiếp đi. Bỗng thấy có một người đến đứng trước mặt, tay cầm chiếc râu rồng nói:

  • Ta là Thiên sứ, vâng thừa mệnh của Thượng đế sai ta xuống đây cho vợ chồng các ngươi chiếc râu rồng này, ngày sau sẽ sinh ra một người con trai là thánh đồng xuất thế, dựng nước cứu dân.

Nói xong bèn bay lên không mà đi. Thái bà vì thế mà có mang thai, đến năm Ất Tỵ (Chu Noãn Vương năm thứ 59, Đông Chu Quân năm đầu), ngày mồng 1 tháng 4 Thái bà ở trong nhà nhìn ra thấy mây lành năm sắc như từ trên trời hạ thẳng xuống. Ngày hôm đó sinh Đế, râu rồng mắt phượng, tay dài quá gối. Khi lên 5 tuổi (Đông Chu Quân năm thứ 5) đã hiểu âm luật. Cha mẹ rất vui mừng cho đó là được phúc trời ban, nhân đấy đặt tên là Đà (nói đến khả năng hiểu biết khác người vậy). Bèn tìm thầy cho đi học với Dương Đường tiên sinh. Được 5-6 năm trên từ thiên văn dưới đến địa lý, không gì là không thông hiểu. Mọi người gặp ngài đều cho rằng đúng là một đấng nam nhi tốt, tất sẽ là người con làm rạng rỡ nghiệp nhà vậy. Chẳng được bao lâu, Đức công và Thái bà đều bị bệnh đau đầu mà cùng qua đời (tương truyền là ngày mồng 5 tháng 5). Đế làm lễ an táng ở bãi núi Linh Sơn. Hàng ngày ngài thương khóc thảm thiết không nguôi, thường than rằng:

  •  Phận làm con khi cha mẹ còn sống không phụng dưỡng, khi cha mẹ mất đi không chôn cất, thì sau này dẫu có nghìn chuông vạn xe đem đến cũng không thể báo đáp được.

Mỗi khi ngồi nhàn nói chuyện bàn luận cùng bạn bè, không ai là không sợ phục. Ngài nói rằng:

  • Bậc trượng phu có khí khái đích thực, sao lại chỉ vùi đầu vào nghiên bút mãi được? Chi bằng học thêm thuật cung tên, nghiền ngẫm binh thư.

Đến khi trưởng thành ngài làm quan cho nhà Tần. Khi ấy là thời nhà Thục, An Dương Vương năm thứ 44 (Tần Thủy Hoàng năm thứ 33), Tần sai hiệu úy Sử Lộc dẫn quân sĩ đi thuyền nhẹ đào kênh chở lương thực, thâm nhập Lĩnh Nam, chiếm lấy đất Lục Lương, đặt thành Quế Lâm, Nam Hải, Tượng quận. Lấy Nhâm Hiêu làm quan úy Nam Hải, Đế làm quan lệnh Long Xuyên (tức huyện Nam Hải), dẫn những người đi đày đến đóng ở Ngũ Lĩnh (năm đó Đế 33 tuổi). Đế đi du hành đến trang Đường Sâm, phụ lão nhân dân mổ trâu chúc mừng. Đế thấy nơi đây có địa thế phong quang thắng cảnh. Hôm đó lệnh dựng hành cung ở bên sông để làm nơi dạo chơi ngắm cảnh.

Một hôm Đế đi chơi trên đường gặp một người con gái có nhan sắc đẹp khác thường, trong lòng rất ưa thích, nên cho gọi người trong trang đến hỏi. Người đó đáp rằng đó là con gái nhà họ Trình, tên Lan Nương, chưa lấy chồng (Trước đây ở trang Đường Sâm có người họ Trình, tên là ông Liên. Vợ người bản trang là Đinh Thị Ngoạn, tuổi ngoài 40, nằm mơ tìm được một chiếc gương ngọc, tự nhiên có mang. Đến ngày mãn thai mùa thu ngày 15 tháng 7 sinh hạ một người con gái, mặt ngư gương ngọc, sắc tựa hoa mai. Đến năm 18 tuổi tứ đức công dung ngôn hạnh đều vẹn toàn, bèn đặt tên là Lan Nương). Đế bèn sai người mang đồ sính lễ đến nhà họ Trình. Nhà họ Trình rất vui mừng, gả con gái cho Đế.

Thế là Đế chọn ngày đón dâu, đón về cung sở. Từ đó Đế lưu lại sống ở cung ấp, giáo hóa nhân dân thành phong tục lễ nghĩa. Khi phu nhân mang thai (mùa đông ngày 10 tháng 10) sinh hạ được một người con trai, đặt tên là Trọng Thủy. Đến khi tròn 1 tuổi Đế mời phụ lão, hào mục đến cùng ăn uống, nhân đó nói rằng:

  • Người dân trong trang với vợ chồng ta thật là tình quê ngoại, đâu chỉ là nghĩa một ngày. Ta có 30 nén vàng giao cho phụ lão nhân dân để mua thêm ruộng ao, lưu để ngày sau xây dựng đền miếu, làm chỗ phụng sự vợ chồng ta thành dấu tích không mất vậy.

Vào năm Thục An Dương Vương thứ 48 (Tần Thủy Hoàng năm thứ 37, năm này Thủy Hoàng mất), Nhâm Hiêu cùng với Đế nhân đó mưu đồ xâm chiếm Thục, bèn dẫn quân đến đánh. Đế đóng quân ở núi Tiên Du, Bắc Giang, cùng với An Dương Vương đánh lớn. An Dương Vương lấy nỏ thiêng đem bắn. Đế thua chạy. Khi ấy Nhâm Hiêu dẫn thủy quân đến tại sông Tiểu giang, nay là bến Đông Hồ, phạm vào thổ thần mà mắc bệnh, quay về nói với Đế rằng:

  • Nhà Tần vong rồi, hãy dùng mưu đánh Phán (tên của An Dương Vương) có thể dựng nước được.

Đế biết An Dương có nỏ thần không thể chống được, bèn lùi về giữ núi Vũ Ninh, cử sứ sang giảng hòa. Bèn chia sông Bình giang về phía Bắc do Đế cai quản, về phía Nam An Dương Vương cai quản. Đế sai Trọng Thủy vào làm thị vệ, cầu hôn với con gái Vương là Mị Châu. Vương đồng ý. Trọng Thủy cùng với công chúa ở lại Thục. Qua được 3 năm, Trọng Thủy mới dụ Mị Nương lấy nỏ thần cho xem, giấu hủy tráo lẫy nỏ đó. Rồi Trọng Thủy lấy cớ về Bắc để thăm thân, nói với Mị Châu rằng:

  • Ân tình vợ chồng không thể nào quên. Nếu như hai nước trở nên bất hòa, Nam Bắc cách trở, ta đến đâu để gặp được nhau đây?

Mị Châu nói:

  • Thiếp có một chiếc đệm gối lông ngỗng, thường mang theo mình. Đi đến đâu thì sẽ nhổ lông để ở nơi ngả đường mà đánh dấu.

Trọng Thủy về báo việc lên Đế. Đến năm Quý Tỵ [An Dương Vương] năm thứ 50 (Tần Nhị Thế năm thứ 2) Nhâm Hiêu bệnh sắp mất, nói với Đế rằng:

  • Nghe nói bọn Trần Thắng tác loạn, lòng người không biết dựa vào ai. Nơi đất này hẻo lánh, ta sợ nhiều đạo tặc xâm phạm. Do đó muốn chặn đường mà tự giữ (nơi Tần mở đường vào Việt vậy), đợi xem các chư hầu biến động ra sao.

Nhâm Hiêu bệnh nguy kịch, nói:

  • Phiên Ngung là nơi dựa núi cách sông, Đông Tây mỗi chiều dài ngàn dặm, lại có người Tần trợ giúp, nên cũng đủ để dựng nước hưng vương, làm chủ một phương. Trưởng lại trong quận không có ai đủ chí mưu, nên mời riêng ông đến để bàn.

Nhân đó cho Đế thay mình. Nhâm Hiêu chết, Đế lập tức truyền hịch đến các cửa ải Hoành Bồ, Dương Sơn, Hoàng Khê rằng:

  • Giặc loạn đã đến. Phải nhanh chóng chặn đường, tập hợp quân lính để tự giữ.

Hịch truyền đến, các châu huyện đều hưởng ứng. Thế rồi Đế giết hết các trưởng sử do Tần cắt đặt, lấy các thân thuộc bạn bè của mình cho thay thế để quản. Sau ít lâu Đế phát binh đánh Thục Vương. Vương không biết nỏ thần đã mất, vẫn đánh cờ, cười nói rằng:

  • Bọn chúng không sợ nỏ thần của ta sao?

Quân của Đế tiến sát đến. Thục Vương giương nỏ bắn thì nỏ đã gẫy, nên thua chạy, đặt Mị Châu ở trên ngựa cùng với Vương chạy về phía Nam. Trọng Thủy nhận dấu lông ngỗng mà truy đuổi theo. Thục Vương chạy đến bờ biển, đường cùng không thuyền chở tiếp, bèn hô:

  • Rùa vàng mau đến cứu ta.

Rùa vàng nhảy vọt trên mặt nước hô rằng:

  • Kẻ ngồi sau ngựa là giặc đó. Sao không giết đi?

Vương rút kiếm định chém Mị Nương. Mị Châu khấn rằng:

  • Con một lòng trung tín, vì bị người lừa dối, xin hóa thành châu ngọc mong rửa sạch mối thù này.

Vương cuối cùng cũng chém Mị Châu, máu chảy trên mặt nước. Trai sò nuốt vào bụng hóa thành châu ngọc. Thục Vương cầm sừng văn tê bảy tấc mà đi vào biển (tê giác rẽ nước tương truyền nay chính là vùng núi Dạ xã Cao Xá, Diễn Châu).

Trọng Thủy đuổi tới nơi thấy Mị Châu đã chết, thương khóc ôm lấy xác mang về an táng ở Loa thành, xác hóa thành đá ngọc. Trọng Thủy thương nhớ Mị Châu, trở về về nơi nàng thường trang điểm tắm gội, đau buồn không chịu nổi, cuối cùng nhảy xuống giếng mà chết. Người đời sau có được ngọc minh châu ở biển Đông lấy nước giếng này rửa thì sắc màu sẽ càng sáng bóng. Năm đó nhà Thục mất, nhà Triệu khởi hưng vậy.

Kỷ nhà Triệu năm đầu Giáp Ngọ (Đế 50 tuổi, Tần Nhị Thế năm thứ 3) Đế thắng được nhà Thục, chiếm được đất Lâm Ấp, Tượng quận, tự lập là Nam Việt Vương, đóng đô ở Phiên Ngung (nay chính là Quảng Đông). Khi đó Hoàng hậu vẫn còn đang ở nơi hành cung trước đây, bỗng có một trận cuồng phong từ phía Đông thổi tới, quấn quanh lấy thân. Rồi trong chốc lát Hoàng hậu tự hóa (tương truyền là ngày 20 tháng 12). Hôm đó các phụ lão và nhân dân sở tại dâng biểu tấu lên Đế. Đế nghe tấu rất đau lòng, liền lệnh sứ thần đến nơi hành cung làm lễ an táng. Sứ thần đến chưa kịp làm lễ thì thấy mối đùn lên thành mộ phần. Bèn dựng thành miếu ở trên lăng để phụng thờ (tại thôn Thượng Hòa). Gia phong Hoàng hậu Phương dung Trình Thị Đại vương, chuẩn cho các thôn Đường Sâm, Thượng Gia, Thượng Hòa cùng phụng thờ.

Quý Mão năm thứ 10 Đế lệnh cho 2 quan sứ làm chủ hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân. Ất Tỵ năm thứ 12 nhà Hán đã định được thiên hạ, nghe tiếng Đế đã là vua Việt nên sai Lục Giả đến bái Đế là Nam Việt Vương, giao cho tỷ phù tín vật để thông sứ, hòa hợp cùng với Bách Việt để không gây nạn cướp phá. Lục Giả đến Việt, Đế cùng với Lục Giả bàn luận so sánh Hán Việt. Sự thể xong, Đế bèn giữ Lục Giả ở lại vài tháng, tặng cho Lục Giả tơ lụa, trang phục đáng giá ngàn vàng. Đến khi Lục Giả trở về lại tặng ngàn vàng.

Đinh Tỵ năm thứ 24, Hán Cao Hậu xưng chế, cấm buôn bán đồ sắt với Nam Việt. Đế cho rằng đây là kế của Trường Sa Vương muốn dựa vào uy đức của nhà Hán mưu tính nước Việt phải bỏ xưng vương. Mùa xuân năm Mậu Ngọ, Đế lên ngôi Hoàng đế, phát binh đánh Trường Sa, đánh bại được mấy quận rồi trở về.

Canh Thân năm thứ 27 Hán cử Long Lự hầu Chu Táo đến đánh nước Việt ta để báo thù sự việc Trường Sa. Đế nhân đó lấy binh uy và tài vật chiêu phủ Mân Việt, Âu Lạc (tức Cửu Chân, Giao Chỉ) đều về theo phụ thuộc. Đất đai khi đó Đông Tây hơn vạn dặm. Đế đi xe mui vàng, cắm cờ tả đạo, xưng chế, sánh ngang với Hán.

Nhâm Tuất năm thứ 29 (Hán Văn Đế năm đầu), Hán Văn Đế vì mồ mả người thân của Đế ở tại Chân Định mà cắt đặt người phụ trách trông coi, ngày tháng phụng thờ, lại cho gọi con em của Đế đến cho chức quan quyền quý, ban tặng rất hậu. Văn Đế cho Lục Giả làm Thái trung đại phu, đến đưa thư cho Đế (có trong sử Hán và sử Việt).

Đế bèn vâng chiếu làm phiên vương, giữ lệ nạp cống hàng năm. Theo đó phàm là khi Đế giao sứ với Hán thì xưng vương triều, gọi như chư hầu của phương Bắc. Còn trong nước vẫn theo tên hiệu cũ. Cho nên Nam Bắc giao hảo, quân dân hai bên được nghỉ ngơi. Qua hơn 30 năm người Bắc không dám xem thường.

Canh Tý năm thứ 67 (Cảnh Đế năm thứ 9) tháng 12 , mặt trời như màu tía, ngũ tinh chuyển động ngược chiếm vào cung Thái vi, trùm suốt trong thiên đình.

Giáp Thìn năm thứ 71 ngày mồng 6 tháng 8 Đế không bệnh mà mất (thọ 120 tuổi), chôn cất ở cửa Tây trong nội thành. Sau đó ít lâu có lệnh truyền các hành cung nơi ở cũ lập miếu. Miếu cũ ở trang Đường Sâm là đền chính. Có một đôi búa nguyệt tại đây là tích việc dựng nước này. Đến triều nhà Trần tặng phong Đế là Khai thiên Thể đạo Thánh võ Thần triết Hoàng đế. Hoàng hậu Trình Thị cũng được phối thờ.

Đến hoàng triều Gia Long năm thứ 3 ngày 13 tháng 12, bộ Lễ vâng soát lễ đế vương các triều đại, xét rằng:

Triệu Vũ Hoàng đế họ Triệu tên Đà, người Chân Định nước phương Bắc, cuối thời Tần làm chức quan lệnh Long Xuyên, Nhâm Hiêu chết, thay Hiêu làm quan úy Nam Hải, diệt An Dương Vương mà có được nước, xưng là Nam Việt Vương, lại xưng Triệu Vũ Đế, chống lại nhà Hán, là người khởi đầu đế vương nước Việt ta. Sử  chép mở nước vạn dặm, truyền quốc trăm năm, đáng là vị vua danh tiếng, ở ngôi 71 năm, truyền vị 4 đời. Hoàng hậu Trình Thị, người Đường Sâm, con trai Trọng Thủy, nhân lấy tên làng thủa tắm gội mà đặt tên cho huyện. Nay dân huyện Chân Định còn thờ phụng nhiều.

Tế mùa xuân vào tháng 2 là ngày quốc tế các triều đại, quan phủ huyện đều đến làm lễ tế lớn. Thôn dân cúng lễ, phục dịch rất tốn kém, không đủ sức lực và của cải để làm. Đến triều Lê Cảnh Hưng năm thứ 24 dân xã trình lên xin được cho về tự lo việc tế lễ. Vua đồng ý cho phép miễn việc mổ trâu làm lễ. Chỉ có lệ cúng đầu trâu và tiền lệ phí là còn trong sổ giao việc.

Hội tế độ tháng 4, là ngày sinh Thánh đế.

Lễ cúng thành tháng 8, là ngày giỗ Thánh đế.

Tế thành ngày 20 tháng 12 là ngày giỗ Thánh hậu.

Phó lý Nguyễn Hữu Tính đã vâng nhận thực.

Lý trưởng Nguyễn Đức Thao vâng nhận thực.

No comments:

Post a Comment