Saturday, July 15, 2023

Ngọc phả chép về Triệu Việt Vương Hoàng Đế ở Độc Bộ - Kiên Lao

Dịch từ bản khai thần tích làng Độc Bộ, tổng Thanh Khê, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định và của làng Kiên Lao, tổng Kiên Lao, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.

Ngọc phả chép về Triệu Việt Vương Hoàng Đế (Chi Càn, Bộ thứ nhất, Thượng đẳng thần)

Phụ cùng với Hiếu túc Anh nghị Đại vương và Vĩ tích Hồng hy Đại vương (Chi Cấn, Bộ thứ hai, Trung đẳng thần)

Chính bản của bộ Lễ quốc triều

Xưa đất Việt ta trời Nam mở đất phân ngang núi sông theo sao Dực, sao Chẩn. Nước Bắc được phong thẳng hướng sao Đẩu, sao Ngưu làm chốn chia phân. Từ triều Hùng mở vận hơn hai ngàn năm, Dương Vương nắm quyền đến cuối được 50 năm, Triệu Đà có nước, năm đời làm vua. Từ đó đất Việt ta nội thuộc Tây Hán. Trải qua Đông Hán, Ngô, Tống, Tấn, Tề, Lương tổng cộng hơn ba trăm năm.

Đến thời Lương sai Tiêu Tư làm thái thú đất Việt ta. Tư là người tham lam, bạo ngược, xâm chiếm Trung Nguyên, sưu dịch nặng, cướp  bóc nhiều. Dân chúng chịu cảnh khổ cực ưu phiền kéo dài. May mà lòng người ghét loạn, ý trời cho bình an. Khi ấy có người đất Long Hưng, Thái Bình, họ Lý tên Bôn, khởi nghĩa lớn ở châu Thái Bình. Nhưng đang khi đó chưa có được người nào là nam nhi có tài thao lược để kết làm bạn cùng hưng vong. Cho nên gió thần khởi nghĩa còn chưa phát động. Tin thay! Đã có quân tất sẽ có thần. Rồng gầm bên suối không có ý tới mây, mà mây lại vì thế mà kéo đến.

Chính ở đất Việt ta tại huyện Châu Diên, phủ Tam Đới, đạo Sơn Tây có một người ở địa phương họ Triệu tên Túc, vợ là Lý Thị Đàm. Ông Triệu nhà vốn thường làm việc thiện đức, phát chẩn cứu người nghèo, ba đời hương khói đều là bậc phong lưu lâu dài, có dư giả vậy. Một hôm phu nhân nằm nghỉ ở hiên nhà phía Tây, mơ màng nằm mộng. Bỗng thấy thân cưỡi rồng vàng bay thẳng lên trời. Hoàng thiên ban cho một Tiên đồng. Đến khi trở về tới nửa đường thì gặp một người đầu đội mũ sao, tay cầm quả đào, cưỡi con lân đỏ theo phương Nam mà đến, chỉ phu nhân nói rằng:

  • Gia đình nhà ngươi có được phúc tốt sao, lấy được một tiên đồng về. Ngày sau sẽ giữ nước yên dân, lưu tiếng ngàn năm. Đáng tiếc là phúc này chưa vẹn. Người con này không thành được lâu dài.

Phu nhân nghe lời, bỗng nhiên tỉnh giấc, kể với ông Triệu. Ông rất mừng nói:

  • Phúc của nhà ta chính là điều này.

Từ đó lo chia tài sản tạo phúc, chu cấp cho khách khứa, giúp xây dựng hưng công. Qua khoảng một năm phu nhân quả nhiên có mang. Đến kỳ mãn nguyệt vào năm Giáp Dân mùa xuân ngày mồng 6 tháng Giêng sinh được một người con trai, diện mạo khác thường, quả đúng như hình tiên đồng đã thấy. Ông Triệu rất mừng, cho rằng người con này tất sẽ khôi phục làm rạng rỡ nghiệp nhà, bèn đặt tên là Quang Phục.

Năm thứ hai phu nhân lại sinh được một người con gái, mày chia lá liễu, má rạng hoa đào, đúng là bậc nữ sắc khuynh thành. Ông Triệu bèn đặt tên là Đào nương. Đến khi trưởng thành thường theo anh trai Quang Phục cùng đi học ở chỗ Dương Đường tiên sinh. Học được mấy năm thì Quang Phục đã đọc hết kinh sử, biết rộng chuyện xưa nay. Đào nương thì cầm kỳ thi họa, không gì là không biết, cũng là bậc kỳ lạ trong giới nữ.

Lại nói, khi đó ở xã Kiên Lao, huyện Giao Thủy, phủ Thiên Trường, đạo Sơn Nam, có một nhà họ Nguyễn tên Bình, cũng là bậc hiểu biết thơ sách, lấy hiếu thảo đối xử trong nhà, nhưng không may gặp cảnh gian truân. Bố mẹ (tức là bố mẹ của ông Nguyễn Bình) mất sớm. Ông bèn gói ghém gia tài, một mình một cảnh đi khắp núi sông. Khi đi đến xã Châu Diên, ông (Nguyễn Bình) thấy nhân dân còn sơ dã, phong tục thuần hậu. Ông bèn dừng ở lại ở nơi quán trọ trong xã, xin ăn ở nhờ mọi người, học đọc sách vở. Được quãng một tháng tầm nhìn cao xa thì có thừa mà bút giấy thì lại thiếu.

Một hôm, ông Triệu (tức ông Triệu Túc) đi dạo chơi, thấy Nguyễn Bình có văn chương ứng đối, hiểu biết sâu rộng. Ông bèn đến hỏi tên tuổi, quê quán. Ông Nguyễn kể lại tình cảnh cô độc, nghèo nàn nơi quán trọ. Ông Triệu liền cho về nhà để nuôi dưỡng, cho cùng với Quang Phục lên lớp cùng học. Từ đó Nguyễn Bình có chỗ để không lo cảnh đói rét, ra sức học tập. Vài tháng sau đã tiến bộ mọi mặt. Ông Triệu thấy vậy thì rất yêu mến, bèn cho lấy Đào nương làm vợ. Thế là ngày lành tháng tốt đã định lễ, duyên lứa đẹp đẽ. Ông Nguyễn dẫn Đào nương cùng trở về quê gốc ở xã Kiên Lao. Sự việc tiếp theo thế nào xin xem đoạn dưới phân giải.

Lại nói, khi Quang Phục khoảng 15 tuổi, đặc biệt đã có chí lớn. Ông (ông Phục) thường nói với các bạn bè rằng:

  • Làm người có mắt mũi râu tóc, được trời cho sinh ra trên đời, phải như các bậc thánh hiền thời xưa trước mà lập nên công nghiệp lớn, không thì lúc ở sa trường phải da ngựa bọc thây sao cho đúng khí tiết của bậc đại trượng phu. Sao có thể yên vui mãi với việc nghiên bút được?

Thế là kết thành một đảng hơn vài trăm người, nuôi hoài chí lớn. Năm đó cả cha mẹ của ông (ông Phục) đều mất. Ông làm lễ chôn cất. Sau ba năm chịu tang xong thì Quang Phục đã vào tuổi 18. Nghe tiếng ông Lý Bôn có đại lược hùng tài, võ ngang văn dọc, thật là có khí tượng lớn của bậc đế vương. Ông bèn đem theo binh thư tìm đến.

Ông Lý thấy người này văn võ kiêm toàn, thông minh hơn người, rất vui mừng nói:

  • Ông Trời đã vì ta mà sinh ra người hiền giúp sức, gặp được đâu đã muộn.

Ngay hôm đó bèn lập đàn bái Quang Phục làm Tả tướng, Phạm Tu làm Hữu tướng, lĩnh binh tiến đánh Tiêu Tư. Tư bỏ thành mà chạy. Ít lâu sau có Lâm Ấp vào cướp bóc, lại dẹp yên được.

Ông Lý lên ngôi Hoàng đế, là Tiền Lý Nam Đế, đóng đô ở thành Long Biên, xếp đặt trăm quan, yên định đô ấp, dựng nước hiệu là Vạn Xuân (ý muốn truyền nước cho tới vạn năm vậy). Thế rồi gia phong cho các công thần, tướng tá thêm các cấp, bèn bái Quang Phục là Tiết chế sứ đạo Sơn Nam. Ông Phục vâng mệnh đến quản lý ở Sơn Nam, lấy nhân nghĩa, lễ nhường nhịn mà giáo huấn cho nhân dân. Qua vài năm ở trong đạo được đầy đủ, ngày nào cũng cẩn thận trung chính. Tiếng vang đến triều, Nam Đế thường có thưởng thêm cho.

Lại nói, ông Nguyễn Bình dẫn Đào nương trở về sống ở quê tại xã Kiên Lao. Ông chuyên tâm lấy việc dạy học làm nghề. Được mấy năm, vợ chồng hòa hợp, cầm sắt sánh duyên. Một ngày, Đào nương nằm mơ thấy hai con gấu thoáng thoáng mờ mờ nhảy múa ở trước sân. Từ đó thấy chuyển dạ mà có mang. Vào năm Giáp Thân mùa xuân ngày mồng 10 tháng 2 sinh được một bọc, nở ra được hai người con trai, đều có dáng vẻ tuấn tú, khí phách hiên ngang, khác xa người thường lắm lắm. Ông Nguyễn rất mừng khi thấy phúc lại thêm phúc, bèn đặt tên người con trưởng là ông Phúc, người con thứ là ông Lộc.

Ngày qua tháng lại đã trải qua 7 năm. Thương thay, người xưa nói không sai, bất hạnh không bao giờ đến một mình. Ông Nguyễn bỗng nhiên bị bệnh mà mất. Đào nương đau thương đến mức quên ăn quên ngủ, phát thành bệnh nặng, thuốc uống không đỡ, cầu thần không nghiệm. Nương rồi cũng mất ở mộ chính. Từ đó anh em ông Phúc tuổi nhỏ đã mồ côi, nghèo túng, thiếu thốn đồ dùng hàng ngày, thường khóc than rằng:

  • Xưa nói con của lương y thì chết vì bệnh tật, mà ngay chúng ta rút cục lại khốn khổ vì bệnh nghèo túng vậy.

Một hôm anh em nghe là có bác ruột (tức ông Quang Phục) đến nhận trị Sơn Nam. Anh em dắt nhau cùng tới nơi phủ đường quỳ bái, xưng họ tên. Quang Phục biết chuyện rất đau lòng, cho hai người ở cùng với mình, dạy cho học văn. Đến năm hai ông (ông Phúc, ông Lộc) lên 10 tuổi, văn chương hiểu rộng, trí có thể cầm đầu đám đông, tinh thông võ bị, tài năng hơn người. Ông Phục rất yêu mến.

Khi Nam Đế ở ngôi được khoảng 7 năm, nhà Lương lại sai Trần Bá Tiên làm thứ sử đất Việt, Dương Sàn làm Tư mã, cất quân sang xâm lấn phương Nam. Đế cho gọi Quang Phục về triều định kế đánh dẹp. Ông Phục vâng mệnh cùng với hai người cháu (ông Phúc, ông Lộc) quay về triều. Hôm ấy, Đế bái Quang Phục là Đại tướng quân, cùng với Đế đóng đồn quân ở hồ Triệt. Quân Lương không dám tới gần. Một sớm nước hồ đột ngột dâng cao, chảy vào giữa hồ. Bá Tiên dẫn quân theo dòng nước tiến vào. Quân Đế thua to, Đế để quyền lại cho Đại tướng Triệu Quang Phục giữ nước. Còn Đế tự mình vào động Khuất Liêu mà mất.

Từ đó Quang Phục dẫn hai vạn quân, lấy đầm Nhất Dạ (Dạ Trạch thuộc huyện Đông An, phủ Khoái Châu, là nơi trước đây triều Hùng ông Chử Đồng Tử cùng với công chúa Phương Dung bay lên trời), bèn xưng là Dạ Trạch Vương. Trải qua 4 năm, ông (ông Phục) vì quân Lương không rút nên bèn lập đàn tràng cầu đảo trời đất. Sau thấy có thần nhân cưỡi rồng vàng từ trên trời hạ xuống, tháo móng rồng giao cho, lệnh để ở trên mũ đâu mâu, hướng vào đâu thì giặc đều tan vỡ hết. Khi ấy Bá Tiên trở về nước, giao lại cho tướng Dương Sàn chống cự, cùng với Quang Phục giao chiến một trận. Ông Phục đánh bại hết quân Lương, chém được tướng Dương Sàn. Quân Lương thua to, phải chạy về Bắc.

Ông Phục vào ở trong thành Long Biên, tự xưng là Triệu Việt Vương. Bèn ban cho hai người cháu (ông Phúc, ông Lộc) quan tước. Phong cho ông Phúc là Tả đô đài, ông Lộc là Hữu đô đài. Khi ấy hai ông tự xin được về quê  bái yết gia tiên. Vương đồng ý. Hai ông bái tạ trước Vương, rồi cùng đi xe trở về quê quán xã Kiên Lao. Nhân dân sợ hãi, đều làm lễ bái hạ. Hôm ấy hai ông truyền mổ trâu làm lễ tế gia đường tổ tiên, mở tiệc mừng lớn. Việc xong hai ông ban cho nhân dân mười nén vàng, truyền nhân dân lập một nơi hành cung cạnh dân để làm nơi hai ông đi về có nơi trú ngụ. Nhân dân vâng mệnh xây dựng (cung này ở tại khu vực đất cao trong dân, hình đất có chính cục dựa Quý hướng Đinh, phân châm Bính Tý, Bính Ngọ, bên phải có một dòng suối nhỏ chảy bao xung quanh bên ngoài).

Việc xong hai ông lại quay xe về triều nhận chức. Vua tôi cùng hợp đức, chính sự được cải thiện nâng cao. Không lâu sau, có người con của anh Nam Đế tên Lý Phật Tử (Phật Tử là con của Thiên Bảo. Khi Tiền Lý Nam Đế lánh nạn quân Lương mà mất, anh là Thiên Bảo dẫn đầu chúng đảng vào động Dã Năng ở, xưng là Đào Lang Vương. Đến khi Đào Lang mất, Phật Tử nhận thủ lĩnh quân chúng) từ động Dã Năng dẫn quân đến đánh. Tất cả 5 lần liên tiếp quân Phật Tử đều thua. Vương nghĩ Phật Tử là con cháu của Tiền Lý Nam Đế nên không nỡ tuyệt đường, mới chia nước thành 2 cùng trị, lấy cát giới là bãi Quân Thần. Phật Tử ở nước phía Tây, dời đô về thành Ô Diên. Việt Vương ở nước phía Đông, đóng đô ở thành Vũ Ninh.

Khi ấy Vương có một người con gái tên là Cảo Nương, tuổi độ 16, nhan sắc tuyệt trần. Vương rất yêu quý. Lúc đó Phật Tử lập kế cầu hôn giảng hòa. Vương đồng ý. Ông Phúc, ông Lộc nhiều lần can gián, nhưng Vương không nghe. Thế là Phật Tử sai con trai là Nhã Lang vào trong quân ở rể. Vương rất tin tưởng, gọi Nhã Lang là rể hiền. Từ đó Nhã Lang cùng với Cảo Nương tình cảm tốt đẹp. Một hôm Nhã Lương ngầm dụ Cảo Nương lấy mũ đâu mâu móng rồng mà đen giấu đổi móng rồng đi. Ngày hôm sau Nhã Lang lấy cớ về thăm nhà, báo lại cho cha (Lý Phật Tử), cất quân đến đánh Vương. Vương lấy mũ đâu mâu móng rồng ra cùng giao chiến, không có tác dụng. Vương mới biết là móng rồng đã mất. Bèn lên ngựa chạy dài về đến cửa biển Đại Nha. Khi ấy quân Lý tiến đến rất gấp. Vương biết khó thoát được mới than rằng:

  • Ta đã cùng rồi.

Vương nhảy xuống cửa biển mà hóa (lúc đó là ngày 14 tháng 8).

Ông Phúc, ông Lộc bèn quay về xã Kiên Lao, mổ trâu dê  làm lễ tế Triệu Việt Vương, truyền nhân dân viết thần hiệu là: Triệu Việt Vương Hoàng đế, để phụng thờ. Khi ấy hai ông nói với nhân dân rằng:

  • Chúng ta cùng với nhân dân đã thành nghĩa cũ, không phải ngày một mà quên được. Bởi chúng ta có nơi hành cung để phụng thờ vua ta, ví như chúng ta sau này trăm tuổi, nhân dân hãy tuân theo mệnh chúng ta, chớ có thay đổi.

Khi ấy nhân dân bái tạ nhận mệnh. Hai ông lại truyền binh sĩ cùng nhân dân thiết lập một cung hội đồng ở trong dân, ở trên đó. Lại răn nhân dân rằng:

  • Cứ mỗi năm ngày 10 tháng 2 là ngày sinh nhật hai anh em ta, phải nghi lễ vâng đón tên thần của chúng ta, cùng hai người chúng ta về cung hội đồng, ca hát vui vẻ. Đấy là tất cả việc cho hai anh em ta.

Nhân dân vâng mệnh xây dựng. Việc xong, hai ông ở lại nơi đó, dạy dân cày cấy. Dân được lợi nhiều.

Lại nói từ đó Phật Tử chiếm được nước, chính là Hậu Lý Nam Đế. Khi ấy Nam Đế biết rõ hai ông Phúc Lộc là những anh hùng trùm thế, muốn mời ra giúp việc triều chính. Bèn sai sứ thần về xã Kiên Lao dụ các ông phụ giúp vương thất. Gạ gẫm mấy lần, hai ông không theo. Một hôm hai ông tự nói rằng:

  • Trung thần không thờ hai vua, sao có thể cam chịu nhục mà phụ người được. Kinh Thi rằng: Minh triết (Sáng suốt). Kinh Dịch rằng: Kiến cơ (Xem chính). Không đi tất sẽ như người Kỷ giữ ở chợ vậy.

Dứt lời, hai anh em dẫn vài gia thần đến thẳng Ái Châu, tới xã Nam Trịnh, huyện Yên Định, phủ Thiệu Thiên. Hai ông thấy địa thế có sông núi hữu tình. Nhân xã đó có một ngôi chùa, là một danh lam rất cổ, trải qua năm tháng đã xuống cấp. Hai ông mới nói với người trong làng cho ở tại chùa đó. Người làng đồng ý. Từ đó hai ông đổi tên, một là ông Túc, một là ông Tục.

Hai ông ở lại trong chùa, thành tâm hương khói tiến cúng. Qua vài năm, quyên góp mười phương trùng tu lại chùa. Công đức xong, hai ông lại chu du bốn biển, ngắm thưởng danh sơn, thắng cảnh. Một hôm đi tới núi Tam Điệp, hai ông bỗng nhiên bị cảm phong hàn, cùng một lúc đều mất (lúc đó là ngày 12 tháng 11). Trong một chốc, mối đùn thành gò lớn (tới nay gọi là xứ Gò Đôi). Từ ấy nhân dân qua lại buôn bán có cúng tiến nhiều vàng bạc, cầu đảo có nhiều linh ứng.

Lại nói từ sau khi hai ông đã hóa ở xã Kiên Lao nhân dân đều mắc tật dịch, súc vật ốm chết. Nhân dân làm lễ cầu đảo ở nơi miếu Triệu Việt Vương để xua đuổi tai ương. Tối đó nhân dân đều nằm trong miếu, mơ thấy Triệu Việt Vương ngồi nghiêm trên điện. Trăm quan văn võ ngồi đầy các bên. Lại thấy hai ông đường đường cùng các quân hầu, cờ xí voi ngựa đều như lúc còn sống, tiến thẳng đến trước miếu, bái yết rồi ngồi vào. Nhân dân vô cùng sợ hãi, làm lễ kính bái. Thấy hai ông nói rằng:

  • Chúng ta cùng vâng mệnh trời nắm quyền ở dân, vì dân ta mà là phúc thần. Thế mà nay chúng ta còn chưa có miếu thờ riêng. Vậy có phải là rất vô lễ hay không? Không nhận mệnh của chúng ta thì đừng có lời cầu xin gì nữa.

Lời nói còn chưa hết, nhân dân bỗng nghe một tiếng trống đồng vang lên đập vào trong tai, đột nhiên tỉnh lại, mới biết sự việc này. Tất cả đều sợ hãi. Mới nhớ lại những lời ngày trước hai ông đã dặn, lập tức lập miếu ở bên cạnh đền Triệu Việt Vương, viết thần hiệu của hai vị. Một là Túc công Đại vương, một là Tích công Đại vương, cùng phụng thờ. Từ đó tật dịch đều yên ổn. Người vật đều mạnh khỏe.

Trải tới thời Đường Cao Biền làm An Nam đô hộ. Khi đó có giặc Nam Chiếu khởi binh ở ven biển, quấy nhiễu đất Sơn Nam. Cao Biền dẫn quân đến đánh. Một hôm, thuyền quân theo sông Tiểu Hoàng xuôi tới xã Kiên Lao, huyện Giao Thủy. Lúc ấy mặt trời đã khuất sau núi. Ông (Cao Biền) thấy trên bờ có hai người, thân cưỡi ngựa ô, tay cầm thương vàng, tiến thẳng đến miếu bên bờ sông thì mất bóng. Theo sau thấy sóng đào hung dũng, gió bụi dương oai. Ông lấy làm lạ bèn dừng thuyền lên bờ, gọi nhân dân đến hỏi tên thần. Nhân dân kể lại sự tích. Nghe xong ông liền truyền binh sĩ cùng nhân dân làm lễ tế. Ông thân khấn rằng:

  • Nếu như có linh thiêng xin nhận lễ hưởng của tôi và âm phù cho xã tắc, dẹp giặc yên loạn. Đến sau này khi thanh bình sẽ tặng phong sắc chỉ để tỏ rõ linh thiêng.

Khấn xong, ông nằm ở trong miếu. Đến cuối canh ba nằm mơ thấy hai người đến nhanh bái chào, xưng tên họ, tự xin theo quân diệt giặc. Ông tỉnh lại biết là thần mộng, cho ghi vào sách vàng để xem nghiệm về sau. Sáng ngày lại làm lễ tế ở đền Triệu Việt Vương. Sự việc xong cất quân thẳng tiến, đầu thuyền chiêng trống vang như tiếng sấm sét vạn dăm, trên đường cờ xí hai bên bờ như hình rồng rắn. Quân của Vương như thế có thuận trời, thế mạnh như chẻ tre, oai chấn động như bẻ củi khô gỗ mục.

Đến khi dẹp được Nam Chiếu, ông Biền cho quân khải hoàn, gia phong tướng sĩ. Nhân nhớ lại sự việc ở Kiên Lao, tặng phong sắc chỉ cho Triệu Việt Vương Hoàng đế Thượng đẳng thần, tặng phong Túc công vi Hiếu túc Anh nghị Đại vương, Tích công vi Vĩ tích Hồng hy Đại vương. Cho xã Kiên Lao nghênh đón sắc về dân, tu sửa miếu điện để phụng thờ.

Từ đó về sau cầu mưa cầu gió đều có nhiều linh ứng. Trải bốn họ Đinh, Lê, Lý Trần sáng lập cơ đồ, ba vị Đại vương đều có nhiều công âm phù xã tắc, nên các đời đế vương có gia phong sắc chỉ, hương khói không ngừng.

Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ, thần, Nguyễn Bính vâng soạn

Quản giám bách thần lễ điện Hùng lĩnh Thiếu khanh, thần, Nguyễn Hiền y chính bản vâng chép.

Hoàng triều năm Vĩnh Hữu thứ hai ngày tốt giữa thu.

No comments:

Post a Comment