Saturday, April 1, 2023

Nam Hải vĩ nhân

Học giả Phan Kế Bính có tác phẩm Nam Hải dị nhân liệt truyện, kể về các vị vua, các danh thần, danh tướng, các vị thần… nước Nam. Nhưng tại sao lại gọi nước ta là “Nam Hải” thì không thấy ai nói tới. Thực ra, khu vực miền Bắc nước ta từng có tên là Nam Hải, mà bằng chứng rõ ràng là việc nhà Tần chiếm đất Lĩnh Nam chia thành 3 quận Quế Lâm, Tượng Quận và Nam Hải. Một loạt những danh nhân đất Việt của thời kỳ trước Công nguyên lại càng xác thực tên gọi Nam Hải cho vùng nước Nam ta.

Nam Hải Quan Âm Diệu Thiện

Sự tích về công chúa Diệu Thiện con vua Trang Vương, chịu nhiều khổ nạn nhưng vẫn có lòng thiện tâm dùng tay mình làm thuốc cứu vua cha, cuối cùng tu thành Phật Bà Quan Âm được nhiều sách cổ ghi lại. Những tác phẩm Nam Hải Quan Âm Phật sự tích ca hay Nam Hải Quan Âm bản hạnh quốc ngữ diệu soạn trùng san đã gắn tên gọi Nam Hải với Phật Quan Âm. Nơi tu hành của Phật Quan Âm là núi Hương Sơn (Hà Tĩnh) ở “Nam Hải”. Vậy rõ ràng tên gọi Nam Hải chỉ vùng nước Nam ta ngày nay.

Quan Âm Diệu Thiện được thờ không chỉ ở núi Hương Sơn mà từ thời nhà Đường, Cao Vương Biền đã cho xây chùa Thiên Tôn ở Ninh Bình thờ công chúa Diệu Thiện cùng Trang Vương và Hoàng hậu. Chùa này đặc biệt không thờ Phật mà thờ Tam Thanh, tức là lối thời của Đạo giáo.

Chùa Thiên Tôn nằm trên núi Võ Đang ở Ninh Bình, nơi có động Thiên Tôn thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, với công tích là giúp An Dương Vương diệt yêu quỉ xây thành Cổ Loa. Đây không gì khác là nơi thờ Lão Tử, người đã được nhà Đường phong là Thái Thượng Huyền Nguyên Hoàng Đế và là vị Đại Đạo Thiên Tôn trong bộ Tam Thanh của Đạo giáo.

Công chúa Diệu Thiện luôn được thờ cùng với Lão Tử Lý Bá Dương nên có thể xác định đây là một vị công chúa ở vào cuối thời Tây Chu, chuyển sang Đông Chu. Trang Vương như vậy là một vị vua Chu, có thể là Chu U Vương, vị vua nổi tiếng bạo ngược cuối thời Tây Chu. Đất Nam Hải lúc này ứng với khu vực phía Đông nhà Chu, nơi trận động đất vùng Tam Xuyên đã báo hiệu sự sụp đổ của vương triều Chu và được Bá Dương Lão Tử đăng đàn cảnh báo vua về họa mất nước tại Cổ Loa.

Nếu Lão Tử được coi là người mở đầu cho Đạo giáo thì Diệu Thiện chính là người mở đầu Phật giáo ở nước ta. Giáo lý của Phật Bà Nam Hải là “Thiện”, cứu khổ cứu nạn, từ bệnh tật đến thủy hỏa đạo tặc.

Chùa Quan Âm ở núi Bổ Đà (Việt Yên, Bắc Giang).

Nam Hải An Dương Vương

Thục chủ vốn là người Ai Lao, dòng dõi họ Hùng. Sau khi được vua Hùng nhường ngôi, Thục chủ về đóng đô ở Cổ Loa, xưng là An Dương Vương. Đây là chuyện xảy ra vào quãng thời Chiến Quốc. Khi đó các con của Tây Chu Quân (bộ chủ Ai Lao) tranh chấp nhau, một người trong số đó đã chiếm vùng phía Đông của vua Chu (vua Hùng), lập thành Đông Chu Quân.

Nhà Tần thông hiếu với Đông Chu Quân, cử hoàng tôn là Trọng Thủy lấy con gái của Đông Chu Quân là Mỵ Châu. Mấy năm sau, Tần diệt Tây Chu rồi cũng tiến chiếm đất Đông Chu. Thục An Dương Vương cầm sừng văn tê bảy tấc đi vào biển, kết thúc 800 năm nước Văn Lang của vương triều Chu từ Văn Vương Cơ Xương (Âu Cơ).

An Dương Vương làm chủ vùng đất Bắc Việt, đóng đô ở Cổ Loa, tức là vùng đất Nam Hải, mà tên gọi có ít nhất từ đầu thời Đông Chu (thời của Nam Hải Quan Âm và Lão Tử Lý Bá Dương). Do đó, khi Cổ Loa thất thủ, An Dương Vương chạy ra biển, được nhân dân các nơi lập đền thờ Nam Hải Đại vương. Tên thờ này đã xác nhận vùng đất An Dương Vương trị vì là đất Nam Hải.

Tượng đồng An Dương Vương ở đền Thượng Cổ Loa.

Tư lệ hiệu úy Lý Ông Trọng

Sách Từ Nguyên ghi: Nguyễn Ông Trọng đời Tần, người Nam Hải, thân dài một trượng ba thước, khí chất đoan dũng, khác với người thường. Vua Thủy Hoàng sai cầm quân giữ đất Lâm Thao, thanh thế chấn động Hung Nô.

Lý Ông Trọng người làng Thụy Hương, có tài võ lược, vào Tần được Tần Thủy Hoàng gả con gái là Bạch Tĩnh Cung Công chúa, rồi cử về trấn giữ người Hồ ở đất Lâm Thao. Nơi Lý Thân trấn thủ không phải ở phương Bắc, mà ở chính phương Nam, nơi quê hương của ông. Phò mã Lý Thân đã làm tướng trấn giữ vùng đất quê hương Nam Hải, là một trong 3 quận mà Tần lập ra ở vùng Lĩnh Nam.

Lý Ông Trọng được thờ là một trong 4 vị thượng tướng ở đền Cổ Loa. Rất có thể, người xây thành Cổ Loa với quy mô to lớn 3 vòng thành chính là Lý Ông Trọng.

Thành Cổ Loa được biết là được xây dựng qua nhiều lần. Lần thứ nhất ở vào quãng thế kỷ 4 TCN, tương ứng với thời Thục An Dương Vương ở trên. Lần thứ hai là lần xây dựng quy mô nhất vào quãng thế kỷ thứ 3 TCN. Lần xây này sử dụng công nghệ tương đồng với các công trình thành đất phương Bắc lúc đó. Với quy mô xây dựng to lớn như vậy, ước chừng có tới hàng triệu sức lao động đã được huy động. Thời gian và quy mô như vậy chỉ có triều đại của Tần Thủy Hoàng mới có thể thực hiện được.

Đầu ống ngói Cổ Loa.

Nam Hải Tôn Ninh Triệu Vũ Đế

Sử ký Tư Mã Thiên kể, Nhâm Ngao làm quận úy Nam Hải, Triệu Đà làm Long Xuyên lệnh. Khi Tần Thủy Hoàng mất, loạn lạc nổi lên, Nhâm Ngao mời Triệu Đà đến bàn kế chống giữ đất Nam Hải. Thế rồi, Triệu Đà thay thế Nhâm Ngao lĩnh quản Nam Hải, đánh diệt các quan lại nhà Tần. Tới năm Tần Nhị Thế thứ ba thì Triệu Đà xưng Vương.

Triệu Vũ Đế được thờ ở vùng Thái Bình với sắc phong gọi là Nam Hải tôn ninh Hoàng đế. Một lần nữa cho thấy, đất Nam Hải không phải là vùng Quảng Đông, mà chính là vùng Bắc Việt, nơi nổ ra khởi nghĩa của Triệu Đà kháng Tần chống Sở.

Triệu Vũ Đế khởi nghĩa từ vùng đầm nước ven sông biển ở Thái Bình, rồi Dạ Trạch, chiếm được quận trị của quận Nam Hải, tức là thành Cổ Loa. Đây là lý do tại sao trên lớp thành đất Cổ Loa của lần xây thứ hai lại có một lớp ngói tương đương với ngói như ở Phiên Ngung. Và lò đúc mũi tên, cùng hàng vạn mũi tên đồng, trống đồng Cổ Loa, vũ khí hình lưỡi cày tìm thấy ở đây là có niên đại vào thế kỷ thứ 2 TCN, thời nhà Triệu.

Nam Hải Quan Âm, Thục An Dương Vương, Hiệu úy Lý Thân, Triệu Vũ Đế là những vĩ nhân Nam Hải, những con người có công lao và sự nghiệp to lớn trên vùng đất Bắc Việt ở giai đoạn chuyển tiếp các chế độ Chu – Tần – Hán.

Trống đồng Cổ Loa, thế kỷ 2 TCN (thời Hán – Triệu).

No comments:

Post a Comment