Friday, March 24, 2023

Triệu Vũ bản kỷ

 

Tượng Triệu Vũ Đế ở đình Xuân Quan.

Năm 257 TCN Tần Vương phát động 50 vạn quân đánh chiếm đất Lục Lương của An Dương Vương, lập làm ba quận Quế Lâm, Nam Hải và Tượng Quận. Tượng Quận là vùng đất Vân Nam, hay vùng đất Tây Âu, nơi Tần đã giết được quân trưởng của Tây Âu là Dịch Hu Tống. Nam Hải là vùng đất của Thục An Dương Vương đời cuối ở miền Bắc Việt ngày nay. An Dương Vương thất cơ, cầm sừng văn tê bảy tấc mà đi ra biển theo thần Kim Quy, sau được các nơi tôn thờ là Nam Hải Đại Vương.

Chiếm được vùng đất căn cơ cố tổ của họ Hùng, tới thời Tần Thủy Hoàng, phò mã hiệu úy Lý Thân được cử trấn giữ quận Nam Hải, tiếp tục mở rộng thành Cổ Loa, tòa thành có từ thời Thục Vương, thành một công trình đồ sộ quy mô lớn nhất vùng Đông Nam Á. Thủy Hoàng còn cho mở một con đường từ kinh đô nhà Tần thông ra biển Nam Hải, tức biển Đông ngày nay và vài lần theo con đường đó Đông du ra biển, nêu dương công đức của nhà Tần.

Thủy Hoàng cử đạo sĩ người nước Yên là Lư Sinh vượt biển Nam Hải đi tìm thuốc trường sinh. Yên Lư Sinh hẹn gặp Thủy Hoàng ở đình Phụ Hương bên bờ biển, rồi không từ mà giã, lên ngọn núi Yên Tử hóa tiên không trở lại. Vị Nam Hải Thiên Tuế Ông này chỉ còn lưu lại trên đỉnh Yên Tử mờ sương một tảng đá có hình người.

Những cuộc Đông du của đại đế Tần Thủy Hoàng và công trình thiên niên kỷ thành Cổ Loa đã tiêu tốn hàng triệu sức lao động của nhân dân. Để đáp ứng được nhu cầu này nhà Tần cho cho bắt tất cả các thanh niên đến tuổi đều phải đi dân phu, ai không tuân theo sẽ bị xử theo pháp luật nhà Tần, tức là chỉ có con đường chết.

Các quận phía Nam nhà Tần và các địa danh khởi nghĩa của Triệu Vũ Đế.

Phò mã Lý Ông Trọng mất, vị quận thủ thay thế ở đất Nam Hải là Nhâm Ngao. Trong khi đó, vùng Chân Định, hay Long Xuyên xưa, được giao cho một viên quan lệnh là Triệu Đà. Triệu Đà từng nhìn thấy Tần Thủy Hoàng đi tuần du ven biển Đông và rất ngưỡng mộ một đại trượng phu như vậy.

Là một viên quan lệnh địa phương, Triệu Đà có trách nhiệm bắt các dân phu phục vụ công trình xây dựng ở Cổ Loa cũng như cho các chuyến đi của Tần Thủy Hoàng. Một lần khi áp giải dân phu, dọc đường dân phu bỏ trốn nhiều, lại gặp trời mưa nên đoàn người bị lạc đường. Triệu Đà biết theo luật nhà Tần nếu đưa dân phu đến muộn và thiếu chắc chắn người đầu tiên bị xử tội chính là vị quan áp giải, nên khi đến vùng đầm nước Dạ Trạch, Triệu Đà cho thả hết dân phu rồi dẫn nhau lên núi ẩn náu, trốn tránh sự truy sát của nhà Tần.

Toàn bộ đám dân phu tử tội tôn người tuấn kiệt là Triệu Đà lên làm thủ lĩnh, bắt đầu cuộc “khởi nghĩa” kháng Tần. Quân khởi nghĩa ngày thì ẩn náu trong đầm lầy hay rừng rú, đêm thì ra cướp bóc, vì tất nhiên, không cướp bóc thì lấy gì mà ăn. Quân Tần gặp phải chiến tranh du kích của người Việt do vậy thường xuyên bị quấy phá, không cách nào dẹp được. Thế lực của Triệu Đà ngày càng lớn, hình thành nhiều vùng căn cứ khác nhau.

Trong quá trình khởi nghĩa ban đầu, tương truyền rằng Triệu Đà đã thấy rồng vàng bay lên bên bờ sông Hồng mà lập đồn quân ở Long Hưng (Xuân Quan), cạnh đầm Dạ Trạch. Cũng truyền thuyết Việt kể, Triệu Việt Vương khi ở đầm Dạ Trạch đã được một thần nhân cho một chiếc móng rồng để làm mũ đâu mâu, đánh đâu thắng đó.

Con Rồng đá ở núi Vũ Ninh.

Triệu Đà là người quê gốc ở đất Phong Châu, đất tổ Hùng Vương, làm quan ở huyện Chân Định, tức vùng Thái Bình – Nam Định ngày nay. Tại đây ông đã kết duyên với bà Trình Thị Lan Nương, con gái một gia đình khá giả ở trong vùng. Trước đó, ông còn có quan hệ tình cảm với một vị gọi là Quận Phu nhân, cho sống cùng với con trai là Thạch công ở xã Luật Ngoại, đất Chân Định xưa (nay là huyện Kiến Xương, Thái Bình).

Khi Triệu Đà bất đắc dĩ cầm đầu dân phu khởi nghĩa ở đầm Dạ Trạch, 2 vị phu nhân tích cực tham gia tích trữ lương thực, chiêu mộ dân binh, trở thành 2 căn cứ kháng chiến phục vụ cho quân khởi nghĩa. Cứ như vậy trong vòng mười năm.

Khi Tần Thủy Hoàng mất, loạn lạc các nơi nổi lên. Ở vùng nước Sở tại Hồ Nam có nhà họ Hạng, dòng dõi vương tôn quý tộc Sở khởi nghĩa. Ở vùng Quế Lâm và Phiên Ngung, lúc này có họ Lê, là một hậu duệ Hùng Vương, tức là dòng dõi Thục An Dương Vương chiếm giữ. Thế cục thiên hạ uy hiếp trực tiếp đến vùng đất Nam Hải, nên buộc vị quận thủ Nam Hải lúc này là Nhâm Ngao phải tính kế tìm cách tự bảo vệ mình.

Nhâm Ngao bèn phải giảng hòa với quân khởi nghĩa của Triệu Đà, mà lúc này đã lan rộng với các căn cứ từ Thái Bình (Chân Định), Dạ Trạch (Khoái Châu, Hưng Yên) và núi Vũ Ninh (Quế Võ, Bắc Ninh). Triệu Đà nhân lúc Nhâm Ngao thất thế đã chiếm luôn quận Nam Hải mà tự xưng là Chúa công, mà sau được các thần tích và sắc phong ở Thái Bình gọi là Nam Hải Đại vương.

Từ bàn đạp là quận Nam Hải, quân Triệu đã tích cực chuẩn bị cho cuộc tranh hùng thiên hạ, mở lò rèn, đúc nên hàng vạn mũi tên đồng trong thành Cổ Loa, với lẫy nỏ đồng được cải tiến, có sức mạnh vượt trội, cùng với hàng loạt những rìu hình “lưỡi cày” cất trong trống đồng Cổ Loa.

Vũ khí hình lưỡi cày ở Cổ Loa.

Từ Nam Hải Triệu Đà đã hợp quân với Sở tấn công Ung Châu, thủ phủ của quận Quế Lâm. Con trai của thừa tướng Tần Lý Tư là Lý Do trấn thủ tại Ung Châu đã thất thủ, tử trận trong trận này.

Có thể, trong việc chiếm Quế Lâm còn có sự tham gia của đội quân Hậu Hùng Vương họ Lê là Chàng Út Ngọ Lôi Mao, nên sau đó họ Lê được phong đất tại Quảng Tây và lấy con gái của Triệu Đà. Đội quân họ Lê này sau đó tiếp tục tấn công chiếm được vùng Quảng Đông, chuyển về lập căn cứ ở Phiên Ngung.

Quân khởi nghĩa kháng Tần chia làm 2 hướng tấn công vào Tần đô. Quân Sở đi theo hướng Bắc, gặp nhiều khó khăn vì phải đương đầu với quân chủ lực của nhà Tần do đại tướng Chương Hàm chỉ huy. Quân của Triệu Đà vòng theo hướng Nam, dễ dàng lấy lại được vùng Tượng quận xưa của Tây Âu, rồi tấn công vào đất Ba Thục.

Năm 206 TCN, sử ghi nhà Tần sụp đổ, Triệu Đà giết các trưởng lại nhà Tần, lập tức chiếm Quế Lâm và Tượng Quận rồi xưng là Nam Việt Vương. Cái tên Triệu Việt Vương bắt đầu có từ đây.

Cuộc phân tranh thiên hạ giữa Sở và Triệu còn kéo dài trong nhiều năm. Đã có lúc quân Sở tấn công vào quê hương bản quán của quân Triệu là đất Nam Hải, được các thần tích Việt gọi là giặc Lương. Quân Triệu thiệt hại nặng nề trong trận này. Quận phu nhân và con trai Thạch công của Triệu Việt Vương tử trận trên sông Lịch Bài ở Kiến Xương. Trình phu nhân may mắn hơn, trốn thoát khỏi vòng vây để về hội ngộ với vua Triệu.

Cuối cùng thì thiên hạ được định đoạt về tay họ Triệu. Triệu Đà xưng là Hoàng đế, tức Triệu Vũ Đế, phong Trình Thị là Hoàng hậu. Vị con rể họ Lê ở Phiên Ngung thì được phong là Triệu Vương.

Khi Triệu Đà mất, rồi Trình Hoàng hậu nhiếp chính cũng không được lâu. Năm 190 TCN Trình Hoàng hậu qua đời. Triệu Vương ở Phiên Ngung bèn tự lập mình là Đế, dựng cờ tả đạo, đi xe hoàng ốc, sánh ngang với vua Hán. Ngôi mộ Triệu Mạt cùng với ấn Văn Đế hành tỷ tìm thấy ở Quảng Châu là minh chứng cho sự biệt tách Nam Bắc này.

Gương đồng thời Tây Hán tìm thấy trên đất Việt.

Cuộc đời của Triệu Đà xuất thân là một thường dân áo vải đất Phong Châu, lưu lạc làm quan lệnh Chân Định, khởi nghĩa kháng Tần ở Dạ Trạch và Vũ Ninh, chiếm được quận đô Nam Hải là Cổ Loa, tiêu diệt các quan lại nhà Tần ở Quế Lâm, Tượng Quận, thuần phục được Tây Âu, Mân Việt, mà xưng Vũ Đế. Hành trình lang ba lang bang nhưng đã thống nhất, ổn định được thiên hạ sau nhà Tần, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong sử Việt, chuyển từ thời phong kiến phân quyền cho các chư hầu sang phong kiến tập quyền trung ương thống nhất.

Câu đối về Triệu Vũ Đế ở đình Xuân Quan (Long Hưng điện):

Nhất chỉ dĩ vô Tần, vạn lý khai tiên Mân Lạc tuyệt

Lưỡng lập hà nan Hán, ức niên xương thủy đế vương cơ.

Dịch nghĩa:

Một lệnh dẹp không Tần, mở ra vạn dặm vời Mân Lạc

Hai ngôi sánh cùng Hán, nền móng muôn năm khởi đế vương.

Phủ việt của Nam Hải đại vương Triệu Vũ Hoàng đế ở đền Đồng Xâm.

 

No comments:

Post a Comment