Saturday, March 18, 2023

Nam Hải Triệu Việt Vương ở Chân Định

Sự tích mẫu tử A Dung và Thạch thần hộ quốc ở 2 xã Luật Nội và Luật Ngoại của đất Chân Định xưa chứa đựng những thông tin hết sức kỳ lạ, tưởng chừng như vô lý về thời kỳ Triệu Việt Vương. Chuyện kể bắt đầu từ một vị lệnh doãn huyện Chân Định thời Triệu Đà là dòng dõi Hùng Vương, tức là ở quãng thời gian ít nhất là thế kỷ 3 trước Công nguyên. Thế nhưng, vợ và con của ông lại đánh giặc Lương cho Triệu Việt Vương. Nếu theo sử sách chính thống ngày nay Triệu Việt Vương hay Triệu Quang Phục ở vào quãng thế kỷ thứ 6 sau Công nguyên, tức cách thời Triệu Đà ít nhất là 800 năm. Vậy Triệu Việt Vương ở Chân Định là ai, làm vua vào thời kỳ nào trong sử Việt?

Đình Luật Nội

Thần tích làng Luật Nội, nơi thờ Thạch Thần Đại tướng quân, nay thuộc xã Quang Lịch, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình chép:

Hùng Tuệ, Lệnh doãn huyện Trực Định nhân chuyến thăm thú hạt huyện, ông tới xã Luật Nội và quyết định xây một dinh sở để Phu nhân Thánh mẫu dưỡng nhàn. Bấy giờ, ông đã 50 tuổi, Phu nhân tuổi cũng ngoài 40. Sau một đêm nằm mộng gặp thần nhân, Phu nhân có thai sinh ra một người con trai khôi ngô tuấn tú, mệnh danh là Thạch Công. Năm lên 16 tuổi thân cao sáu thước, sức khỏe trăm người không địch nổi. Tuệ Công làm sớ tâu lên Triệu Việt Vương. Vương cả mừng, phong cho thân mẫu là Bà A Phương Dung Trinh Thục Quận Phu nhân, tặng 10 hốt vàng, sắc chỉ cho về quê Luật Ngoại viết tên tự hiệu, hưởng lộc trăm năm.

Nước ta bị họa giặc Lương, vua trao cho Thạch Công chức Tổng đốc Kinh lược đốc lĩnh thủy bộ chư quân vụ, kiêm tri Tiết chế bình Lương tặc Đại thần quan Thạch thần Đại tướng quân. Trên đường ra trận, Tướng quân ghé về thăm mẹ, thân mẫu đã chiêu tập được gần 600 tráng đinh trong hạt. Không may trong một trận đánh không cân sức, mẫu tử phải nhảy xuống sông tự vẫn để bảo tồn danh tiết. Nghe tin Triệu Việt Vương vô cùng thương tiếc phong cho Thánh mẫu Phu nhân, Thánh tử Thạch thần Hộ quốc Đại vương. 

Còn thần tích Luật Ngoại, là nơi thờ Thánh mẫu (Luật giang linh từ) kể: Thục chúa nghe vua Duệ không có con trai nối dõi, mới dẫn quân mã đến đánh, một trận lấy được nước Nam. Đóng đô ở thành Cổ Loa, huyện Đông Ngạn, phủ Từ Sơn, đạo Kinh Bắc. Giữ nước cộng được 50 năm thì có người Chân Định Bắc quốc, họ Triệu tên là Đà, dẫn mười vạn hùng binh tiến thẳng đến nước Nam đánh Thục Vương. Qua ngoài 3 năm, tất cả 105 trận thì Thục Dương Vương mất. Khi ấy Triệu Đà lên ngôi Hoàng đế, đóng đô ở An Quảng. 

Người phát động hàng chục vạn quân diệt Thục Vương mang họ Triệu thì phải là Tần Vương, vì nhà Tần vốn mang họ Triệu từ tổ tiên là Tạo Phụ được phong đất ở Triệu Thành. "Triệu Đà" trong thần tích này là chỉ vua Tần. Câu chuyện ở Chân Định như vậy bắt đầu dưới thời nhà Tần.

Thần tích Luật Ngoại kể tiếp: Lại nói, khi đó nước ta truyền rằng ở động Nghĩa Lĩnh, tổng Xuân Lũng, huyện Sơn Vi, phủ Lâm Thao (nay là tại Cổ Tích) có một vị phụ đạo quan lang, là dòng dõi thủy thần trong trăm trứng của Hùng Vương, họ Hùng, tên là ông Tuệ, trấn ở đầu sông (tức nay là sông Đà và sông Nhị Hà), lấy người con gái của vị tiến quan miền núi, tên là nàng A Dung, có nhan sắc tuyệt thế, mặt như kính ngọc không chút bụi, miệng cười như hoa nở...

Lại nói, khi ấy ông Tuệ tinh thông võ nghệ, lại có thuật lạ tài kỳ. Lúc đó Triệu Việt Vương nghe tin ông Tuệ mạnh sánh trăm người, thân dài chín thước, sức có thể bát núi, thường lên rừng đuổi hổ, được nhân dân địa phương đều xưng là thiên tướng giáng trần. Ngay hôm đó Vua mới lệnh cho sứ thần đem chiếu đến triệu Ông vào kinh, hỏi xem tài lạ thuật kỳ. Khi đó ông Tuệ tuân chiếu theo sứ thần đến yết kiến Đế, làm lễ bái tạ, trình tấu văn võ thao lược, binh pháp Thái Công, không việc gì không biết, không vật gì không hiểu. Đế bèn phong làm quan doãn huyện Chân Định, phủ Kiến Xương, đạo Sơn Nam Hạ. Ngày hôm đó ông Tuệ liền đi nhận chức.  

Người làm quan huyện Chân Định thời Tần chính là Triệu Úy Đà như được chép trong Sử ký Tư Mã Thiên. Úy Đà được kể là người Chân Định, thời Tần làm quan huyện lệnh huyện Long Xuyên, sau thay Nhâm Ngao làm Nam Hải úy, khi Tần Thủy Hoàng mất đã giết các quan lại nhà Tần mà xưng là Nam Việt Vương. 

Các bài văn tế và sớ tấu của đình Luật Ngoại đều gọi vị Hùng Tuệ Công là "Nam Hải Đại vương". Một nơi khác ở Kiến Xương thờ Hùng Tuệ Công là thôn Thượng xã Cao Mại (nay là xã Quang Hưng), cũng gọi ông là thần Nam Hải tạo lực.  Đồng thời, sắc phong ở đền Đồng Xâm (xã Hồng Thái, cùng huyện Kiến Xương) cho Triệu Vũ Hoàng Đế cho biết tên thờ của Triệu Vũ Đế là "Nam Hải Tôn ninh". Người làm chủ Nam Hải vào cuối thời Tần thì rõ ràng là Triệu Vũ Đế.

Bái sớ của đình Luật Ngoại.

Một mảnh sắc phong của đền Đồng Xâm có ghi: Gia phong Triệu Vũ Hoàng Đế Nam Hải Tôn ninh.

Chuyện lạ là khi Bà A, vợ của Hùng Tuệ Công sinh được người con trai Thạch Công có tướng lạ, Triệu Việt Vương cho gọi đến xem, khen Thạch Công. Nhưng thay vì phong tước cho Thạch Công, Triệu Việt Vương lại sắc phong cho bà mẹ là Quận Phu nhân, còn cho vàng để về làm nơi hưởng lộc trăm năm. Điều này chỉ có thể hiểu nếu Triệu Việt Vương chính là chồng của Bà A, tức ông Hùng Tuệ. Tước vị Quận phu nhân chỉ ra rằng đây là một trong những bà vợ của vua, mang họ Quận.

Quận phu nhân được Tuệ Công cho lưu lại ở Luật Ngoại, "giúp người già, trợ nhà nghèo, đem tài sản mà chiêu kết khách khứa. Những nơi như cầu chính, đường lớn đều được sửa chữa, không nơi nào là không làm". Hành động này thực chất là chuẩn bị cơ sở cho cuộc khởi nghĩa lâu dài của Tuệ Công. Bà A là một nữ tướng, chứ không phải chỉ là một vị phu thê sinh con đẻ cái bình thường. 

Trong thần tích Luật Ngoại, khi hai mẹ con Bà A và Thạch Công đánh giặc lại không hề thấy xuất hiện người cha Tuệ Công, vốn là người có hùng tài đại lược và là quan huyện của khu vực này. Thay vào đó chỉ thấy Triệu Việt Vương phát quân dẹp tan giặc Lương. Chỉ có thể hiểu là Tuệ Công sau khi để vợ và con ở đất Chân Định, gây dựng căn cứ tại đây, đã dẫn quân đi nơi khác, đánh chiếm các vùng đất của nhà Tần mà xưng Vương (Triệu Việt Vương). Điều này hoàn toàn trùng khớp với hành trạng của Triệu Úy Đà được kể trong Sử ký Tư Mã Thiên ở trên, từ việc dời huyện Long Xuyên đến Nam Hải làm quan rồi đánh dẹp nhà Tần.

Trong thời gian loạn lạc, khi Tuệ Công đang dẫn quân đi nơi khác, "giặc Lương" đã tiến đánh vùng căn cứ khởi nghĩa ban đầu của Triệu Việt Vương, nơi có Bà A và Thạch Công đang trấn giữ, dẫn tới việc cả 2 mẹ con đều cầm vũ khí, lên ngựa ra trận mà tử chiến bên sông Lịch Bài. 

Câu đối đình Luật Ngoại ca ngợi hình ảnh thánh mẫu cưỡi ngựa trắng, múa bảo kiếm diệt giặc rất đẹp: 

紅裙赴敵忠義最家兒戰壘時揮双宝劍

白馬朝天灵聲自終古怒濤猶咽大江流

Hồng quần phó địch, trung nghĩa tối gia nhi, chiến luỹ thì huy song bảo kiếm

Bạch mã triều thiên, linh thanh tự chung cổ, nộ đào do yết đại giang lưu.

Dịch nghĩa:

Hồng quần chống giặc, trung nghĩa thật nữ gia, chiến lũy còn rung hai kiếm báu

Ngựa trắng chầu trời, linh thiêng tự xưa nay, sóng giận bởi nghẹn dòng sông rộng.

Tuệ Công khi đã trở thành Triệu Việt Vương, bèn quay về dẹp tan giặc, nhưng vợ và con của vua đã tử tiết bên sông trên đất Chân Định.

Một điều nữa xác nhận vị trí của Quận Phu nhân là bà được truy phong là Quốc mẫu Vua Bà Đệ nhất Thiên Tiên. Chỉ có thể là vợ của một vị đế vương mới được nhận danh phong như vậy. Đình Luật Ngoại nay được xây dựng với 2 lầu gác cao ở 2 bên, đề Long lâu và Phượng các (Lầu rồng, Gác phượng). Chỉ có nơi thờ các bậc vương giả mới có thể dùng những chữ như vậy.

Qua thần tích và di tích thờ Bà A Thánh mẫu và Thạch Thần Đại tướng quân ở Kiến Xương có thể rút ra một số thông tin đặc biệt quan trọng về thời kỳ khởi nghĩa của Triệu Vũ Đế:

- Triệu Vũ Đế là dòng dõi họ Hùng, quê gốc ở vùng Phong Châu - Phú Thọ.

- Triệu Vũ Đế ở vùng Thái Bình được gọi là Triệu Việt Vương. Phân biệt với vị Triệu Quang Phục sau này, hy sinh ở cửa biển Đại Ác bên Nam Định. Rất có thể ở các nơi khác, nhất là vùng Long Biên hay Hưng Yên, tên gọi Triệu Việt Vương cũng là chỉ Triệu Vũ Đế.

- Vùng Chân Định (Thái Bình - Nam Định) xưa là khu vực ban đầu khởi nghĩa của Triệu Việt Vương - Triệu Vũ Đế. Sự tích Việt chép là vùng đầm Dạ Trạch. Khu vực này cách nay hơn 2000 năm đúng là một vùng đầm phá ven biển. Cái tên "Đầm" còn lưu ở ngay trong tên gọi địa phương Đồng Xâm hay Đường Thâm, đều là những từ phiên thiết của chữ Đầm.

- Người vợ ban đầu của Triệu Vũ Đế là Quận phu nhân, đã cùng chồng gây dựng căn cứ kháng chiến và tử trận cùng với người con trai trước khi ông thành nghiệp đế vương. Do đó bà không được gọi là Hoàng hậu, nhưng được tôn phong là Vua Bà.

Câu đối ở đình Luật Ngoại sánh Quốc mẫu Vua Bà A với Hai Bà Trưng:

浩氣塞滄渙節烈一門皇趙日

芳名傳國母頡頏千古二徵間

Hạo khí tắc thương hoàn, tiết liệt nhất môn Hoàng Triệu nhật

Phương danh truyền quốc mẫu, hiệt hàng thiên cổ Nhị Trưng gian.

Dịch nghĩa:

Chí lớn trùm sóng khơi, tiết liệt một nhà thời Vua Triệu

Danh thơm truyền quốc mẫu, vút bay ngàn thủa sánh Hai Trưng.

Bộ chấp kích trong đình Luật Ngoại thờ Quốc mẫu Vua Bà.

Đình Luật Ngoại với Lầu rồng Gác phượng.



No comments:

Post a Comment