Wednesday, April 5, 2023

Thần tích làng Tiên Cát, tổng Minh Nông, huyện Hạc Trì, Phú Thọ

Chính ban thờ lục vị thần ở đền Tiên Cát.

Xưa Kinh Dương Vương vâng lệnh dẫn các tướng dời đến núi Nam Miên trấn giữ, chọn nơi hình thế thắng địa có để lập đô ấp, mới tới đất Hoan Châu (nay là xứ Nghệ An). Vua ngắm xem hình thế, thấy được một vùng có quý cuộc như lâu đài muôn nhẫn, tên là núi Hùng Bảo Thứu Lĩnh, tất cả có 199 núi, tụ họp ở cửa Hội Thống ven giáp biển. Núi chạy quanh co, sông chảy uốn khúc, địa thế rồng cuộn hổ ngồi, bốn hướng cùng trông. Vua bèn xây dựng đô thành làm nơi cho bốn phương triều cống Nam Bang.

Bấy giờ khí xuân ấm áp, vô vàn cảnh sắc. Vua bản tính thích phong thuỷ bèn lên thuyền ngự tuần du ngoài biển, đi xem núi sông, trải xem hình đất nước, lạc ra ngoài biển. Bất giác thấy thuyền rồng đã thẳng đến xứ hồ Động Đình. Vua sai dừng thuyền, đứng lên xem, chợt thấy một người con gái lưng eo xinh đẹp, dung nhan tuyệt sắc, từ dưới đáy nước đi đến. Thật là một cuộc hội ngộ hiếm có xưa nay. Vua bèn sai chèo thuyền đến gần. Vua nói:

- Tiên nữ đẹp quá, từ đâu đến đây?

Thiếu nữ đáp:

- Thiếp tên là Thần Long, chính là con gái Động Đình Quân, ở trong thâm cung cửa ngọc, từ lâu đợi bậc anh hùng. Nay trời cho được gặp gỡ, nguyện được theo phụng hầu khăn túi.

Vua vui mừng đẹp ý, bèn dắt vào trong thuyền rồng. Vua cùng người con gái quay giá trở về thành đô, lập Thần Long làm chính cung.

Ngày sau Vua lại đi tuần thú, rong ruổi xem khắp các nơi sông núi, đến xứ Sơn Tây thấy một nơi địa hình trùng điệp, sông chung núi đúc. Vua bèn thân ngự giá lên núi, tìm mạch đất, nhận thấy khí mạch từ núi Côn Lôn xuất ra, qua Ải Môn rốn nước thoát mạch, rồng dẫn đi xa, thế rõ từ núi Tụ Long liền tới châu Thu Vật xứ Tuyên Quang, biến ra toà kim tinh cao muôn nhẫn. Mạch đất chạy tới phủ Lâm Thao, Hạ Hòa, Thanh Ba, Sơn Vi, Tây Lan, Phù Khang, đến chùa Hoa Long, thôn Việt Trì ở ngã ba sông Bạch Hạc.

Đầu mạch đất này bên trái từ sông Lôi núi chạy sông theo, tới các huyện Đông Lan, Sơn Dương, Đương Đạo, Tam Dương, bỗng dựng lập núi Tam Đảo. Cung tiên bên trái là rồng xanh, chạy tới hóa ở xứ Hải Dương thành các núi Đông Triều, Yên Tử. Mạch tới ngoài biển tám xã Đồ Sơn, là đầu rồng chầu án.

Bên phải mạch đất Hán Giang, Nhị Hà, Lô Thao Giang, núi dẫn sông theo, tới mười châu Tuyên Quang, Hưng Hóa, Thanh Nguyên, Bạn Hà, Đà Giang, đến huyện Bất Bạt thì nổi lên núi Tản Viên. Cung tiên bên phải là hổ trắng, đầu Sơn Nam, Ái Châu, núi Chính Đại cửa biển Thần Phù, thoát ra ngoài biển ở núi Chích Trợ, cửa Trà Lý, làm đầu hổ chầu án.

Lấy sông Bạch Hạc làm Nội minh đường. Lấy sông Cả ở huyện Nam Xương làm Trung minh đường. Nam Hải, Tượng Sơn làm Ngoại minh đường. Nghìn non cúi phục, vạn thuỷ chầu nguồn, đều hướng về núi tổ Nghĩa Lĩnh.

Nhìn thấy tất cả hình thế ấy, Vua nhận ra thế cục của đất quý đẹp hơn đô thành cũ Hoan Châu, bèn lập chính điện ở núi Nghĩa Lĩnh. Vua thường ngự giá đến ở. Bên ngoài lại lập dựng đô thành Phong Châu, lập nước tên là Văn Lang (phía Đông tới Nam Hải, phía Tây đến Ba Thục, phía Bắc tới Động Đình, phía Nam giáp Hồ Tôn).

Vua rời giá về cựu đô Hoan Châu. Việc dựng đô thành của Vua trước bắt đầu ở núi Thứu Lĩnh, sau lại ở núi Nghĩa Lĩnh. Nay lấy núi Nghĩa Lĩnh làm chốn đô ấp của Cổ Việt Thường Thị.

Lại nói, đương thời Dương Vương ở châu Đại Man, huyện Yên Bình, xứ Tuyên Quang có một gia đình Trưởng ông (họ Mã tên Sùng), lấy vợ người trong châu (họ Trương tên Man). Khi ông tuổi ngoài 50, bà Trương tuổi hơn 40, một hôm bà Trương lên núi lấy củi. Trên núi có một ngôi đền cổ, đều đã đổ nát. Bên trong có tượng nữ, cũng đã hư hỏng. Bà Trương lại gần xem xét. Bà Trương mới đùa rằng thần linh ở đây ngày đêm nhàn nhã, lấy ai là người cúng tế. Xin hãy về gia đình thiếp để phụng dưỡng cơ huyền.

Tự nhiên bỗng thấy có một con rắn trắng từ trong tượng bò ra. Bà Trương kinh sợ, bỏ chạy về nhà. Ngay hôm đó bà Trương mơ thấy mặt trăng rơi vào trong miệng. Bà Trương bèn nuốt lấy, bỗng nhiên tỉnh lại mới biết là nằm mộng. Từ đó thấy có ý động mà có mang thai. Đến khi đầy tháng sinh được một nương tử, phong tư yểu điệu, mẵn phượng lung linh, mặt ngọc đầy đặn sánh với Hằng Nga trên cung trăng, không phải là người có thể có ở trên phàm trần, môi son má phấn, thân người tự có mùi thơm. Cha mẹ rất yêu quý.

Đến khi lên ba tuổi mới đặt tên là nàng Ngọc Hương. Khi tuổi 15 cung thiềm còn khóa, nhị ngọc đương thì, đức nữ nhi trinh hiền, nữ công tinh khéo, đàn cờ thơ phú không gì là không biết. Có lòng hiếu hiền hoà thảo, thật hiếm có trên đời. Khi 19 tuổi như trăng rằm chính độ, hoa xuân vườn thượng uyển.

Khi ấy Dương Vương ngự giá đi thăm các khu tôn lăng, đi qua Man Châu. Ngọc nương ra xem. Dương Vương thấy, thích thú sắc đẹp đó, mới triệu đến cưới, lập làm Cung phi thứ tư. Vua rất sủng ái, mới cho ở thành Phong Châu (nay tức là đất Bạch Hạc, Phù Khang, Việt Trì). Vua cho xây dựng cung dinh, để nàng sống ở cung đó, gọi tên là cung Tiên Cát (sau tức là trang Tiên Cát).

Lại nói, khi ấy Vua đi tuần thú quay về thành Hoan Châu (nay là Nghệ An). Chính cung Thần Long có mang, khí lành đỏ rạng trong nhà, trong màn trướng có hương thơm. Qua tuần Thần Long sinh Lạc Long Quân, có tư chất phi thường, tự có khí tượng của bậc đế vương.  Vua bèn lập làm Hoàng thái tử. Khi ấy có con gái của Đế Lai là Âu Cơ về ở quê mẹ tại động Lăng Sương, đi ra bãi Trường Sa chơi. Long Quân bắt gặp, rất yêu quý sắc đẹp đó mới cưới về lập làm Hoàng phi.

Do đó Kinh Dương Vương sai Lạc Long Quân đến núi Nghĩa Lĩnh ở thành Phong Châu để giúp việc lớn nước nhà, lại cùng tiện cho việc thăm hỏi Thứ phi. Lạc Long Quân tuân theo mệnh chỉ, đến thành Phong Châu nhận việc vua, thiên hạ thái bình, đất nước vô sự. Quân thần đều sùng ngưỡng tiên phật, tin kính quỷ thần trời đất. Vua và dân cùng hội hợp, trăm họ vui ca lạc nghiệp. Bốn dân vinh đủ yên bình, đều là ơn đức lớn vậy.

Lại nói, Thứ phi sống ở nơi đất đó, cứ mỗi năm hai lần xa giá về chầu chính cung cửa đế. Chầu xong lại quay về đất cung dinh cũ (tức cung Tiên Cát), ngày tháng đàn thơ, hội nhạc, cờ vây ở bãi đá bên bờ sông. Khi ấy có hai nàng tiên nữ là con vua thủy cung  thường thường đi thuyền rồng lên du ngoạm nơi trần thế, cùng với Thứ phi kết làm nghĩa chị em, tưởng như con cùng bọc mà thân tình như chị em ruột thịt, nguyện cùng với trời cao không đổi (một tên là công chúa Thủy Tinh, một là công chúa Bạch Hoa). Hàng ngày thường xe rồng kiệu phượng lên chơi với Thứ phi cùng đánh cờ, đàn hát làm thơ ở nơi bờ đá bên sông.

Một hôm, Thứ phi nói với hai nàng rằng:

-          Ta thấy hai nàng tuy sông núi không cùng, nhưng đều bậc ở cửa vua, dự vào hàng tiên cung thánh nữ, không phải tầm thường. Tục nữ nguyện ước được tình tâm phúc, xin chớ coi nhẹ ý đẹp này.

Hai vị thủy nương đáp rằng:

-          Có trời chứng giám, nguyện cùng đồng sinh đồng hóa, cho dù cơ huyền trước đây như thế nào.

Đời sau có thơ rằng:

Hùng triều Tiên Cát sở cung phi

Thạch xứ tiên nương hợp dụng kỳ

Sơn thuỷ tương đồng do tích tại

Tà tiên chi xứ hữu thuỳ tri.

Lại nói, Dương Vương ở ngôi được 215 năm, thọ 260 năm thì băng. Con là Lạc Long Quân kế vị. Long Quân mới lập, cải hiệu là Hùng Hiền Vương. Khi đó Âu Cơ có mang, mang thai 3 năm 30 tháng, đầu núi Nghĩa Lĩnh có mây lành năm sắc sáng rạng, đến khi sinh được một bầu trăm trứng, nở ra trăm con trai, đều có tư chất hơn người, anh hùng vượt thế. Đến khi trưởng thành Vua mới dựng hầu lập bình phong, chia nước làm 15 bộ (Một là Sơn Tây, hai là Sơn Nam, ba là Hải Dương, bốn là Kinh Bắc, năm là Ái Châu, sáu là Hoan Châu, bảy là Bố Chính, tám là Ô Châu, chín là Ai Lao, mười là Hưng Hóa, mười một là Tuyên Quang, mười hai là Cao Bằng, mười ba là Lạng Sơn, mười bốn Quảng Đông, mười lăm là Quảng Tây). Khi đó Long Quân nói với Âu Cơ rằng:

-     Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, giống loài không hợp nhau, chung sống với nhau thực cũng khó. Vì thế ta phải chia tách riêng.  Phân 50 con theo cha về biển, làm Thuỷ tinh. 50 con theo mẹ về núi, làm Sơn tinh, làm hiển rạng cho các vương tử, trấn ngự khắp các vùng núi biển, đều là với danh nghĩa thần thuộc.

Vua bèn đặt quan văn gọi là Lạc hầu, đặt tướng võ gọi là Lạc tướng. Các vương tử gọi là Quan Lang. Các vương nữ gọi là Mị Nương. Các quan hữu ti gọi là Bồ Chính. Là thời sung túc, trên chính nhân luân, dưới hậu phong hoá, những người làm được cử theo việc, tùy theo khả năng. Vua vì thế được rũ áo khoanh tay, hòa mục trong chốn cửu trùng. Dân nhờ thế được đào giếng cấy ruộng, vui sống ở nơi thôn dã. Không một người dân nào bị xua đuổi không chốn sinh cư, không một vật nào không được yên bề nuôi dưỡng. Công thành trị định, vượt hơn các vua trước, dẫu là thời thái cổ cũng không bằng.

Lại nói khi ấy Thứ phi dưới triều Tiên đế Dương Vương không có con, dòng tiên trên trần thế không còn vương vấn. Lạc Long Quân tuân theo mệnh vua cha, ngày đêm phụng dưỡng, không dám nhạt lòng. Ngày thường đến cung Tiên Cát xem ngắm địa thế, tu bổ cung lầu. Vua thấy địa hình nơi đây là nơi rất tốt, quang cảnh đất đẹp anh linh. Phía trước có sông Thao án dựa. Phía sau là núi Nghĩa Lĩnh có lân đá, voi đá, ngựa đá, trống đá, người đá, quân đá tùy vị trí mà án dựa, thị tòng hội ở xứ ấy, phong tinh năm ngọn trái phải phụ tá, củng phục chầu ở trước. Vua nhớ đến việc Tiên hoàng tìm đất, xây dựng cung cho Thứ phi ở đây, tên gọi cung Tiên Cát. Cung đó tất có phong cảnh thần tiên, mạch đất linh thiêng, không phải là khu đất thường tình.

Cho đến một năm sau, một hôm Thứ phi bỗng thấy hai nàng công chúa thủy tiên, theo sao là các nàng hầu, thuyền rồng kiệu phượng, tiến vào trong cung, nói với Thứ phi rằng:

-        Hôm nay (tức ngày 9 tháng 10) đã đến lúc được như nguyện. Chị phải vào chầu cửa đế, xin chớ trì hoãn. Chị với chúng em tuy âm dương hai ngả, sông núi tách vùng, nhưng lại cùng một nhà lầu mây gác phượng, khí huyết cùng nhau mà hội hợp, dám xin có trước sau, chị cùng với hai em về nơi Thủy quốc.

Nói xong, Thứ phi rời đi xuống thủy phủ. Thứ phi lại sai nội thần tâu lên vua trước sau như sau:

-       Hôm nay có hai vị con gái vua Thủy Tinh, là người kết nghĩa với Thứ phi, trước sau đã có hẹn ước, chị em như ruột thịt, nguyện cùng đồng sinh đồng hóa. Nay thấy hai nương cưỡi xe loan đến triệu Thứ phi về chầu cửa đế. Do đó tiểu thần tuân mệnh vào tâu trước bệ, nguyên cớ là như vậy.

Vua nghe lời tâu bèn ngự giá đến cung (tức cung Tiên Cát, do Tiên hoàng dựng nên, đến cuối triều Hùng đổi thành trang ấp). Vua mới đi được nửa đường bỗng thấy mây mưa đổ xuống, gió sấm nổi lên, một lúc thì tự nhiên hết.

Vua nói Thứ phi đã đi vào cõi trường mộng vậy (tuổi Giáp Tý sinh ngày mồng 5 tháng 5, đến ngày mồng 10 tháng 10 thì hóa), bèn lệnh cho quan đến làm lễ tế khi còn chưa đến lúc an táng. Khi ấy Vua ở lại trong cung đó, mơ màng ngủ thiếp đi bỗng thấy Thứ phi xe loan kiệu phượng huy hoàng đẹp đẽ, tả hữu hai bên là hai vị tiên nương cưỡi xe loan cùng đi vào khu bãi đá bên bờ sông. Tiếp phía sau theo hầu trăm người nữ trinh đồng, khăn hồng đai tía, xe rồng kiệu phượng, theo đến nơi gặp Vua ở xứ đó. Thứ phi nói với Vua rằng:

-      Thiếp vốn là thần nữ ở tiên cung, lầu mây gác phượng giáng xuống ở nơi trần thế, năm đó vào hầu Tiên hoàng, được ơn thâm trạch hậu, hưởng lộc đã nhiều. Nhưng hận là trần duyên chưa thỏa, không mảy may chút nào ở trần thế, tất cả đều hư vô. Nay vui vì có được hai vị nương tử cùng là con gái vua thủy cung, trên dương trần hàng ngày có giao du với nhau, nguyện là chị em ruột thịt. Một vị là nàng Thủy Tinh, một là nàng Bạch Hoa, cùng như tay chân gắn bó vậy, đồng lòng kết làm chị em. Nay lầu mây quê trước quay về nơi cảnh cũ, mưa gió ra vào nơi đất tốt.

Lời chưa dứt thì Vua tỉnh lại, mới biết là nằm mơ. Đến khi làm lễ đưa đám, liền trong 3 ngày mưa to gió lớn, một vùng mờ tỏ, cửa nhà tối mịt. Vua chôn cất bà phi ở nơi đất đó (tức xứ Gò Đá, nơi có lân đá, voi đá, ngựa đá, cờ đá, trống đá, thuyền đá, quân đá, bàn đá theo ở phía sau, hai bên trái phải hướng vào trước huyệt, có năm ngọn phong tinh chầu về hai bên, bên phải có sông Thao làm minh đường).

Nơi đó xưa khi Thứ phi còn sống, tuy Tiên đế lập cung trên vùng đất bên trong, bố trí cho Thứ phi ở đó gọi là cung Tiên Cát, nhưng Thứ phi ngày thường thích ra chơi ở đất đó (tức xứ Ghềnh Đá), cùng với hai vị thủy tiên gặp nhau đánh cờ, làm thơ, chơi nhạc, cũng như quang cảnh chốn Bồng Hồ Lãng Uyển, Đào Nguyên Trúc Lĩnh vậy. Ngày trước Vua ngự giá đến đây xem xét địa hình. Vua từng nói là vùng đất này đều rất linh anh, thật là nơi tốt. Nhân đó Vua cho an táng lăng tại nơi này. Vua nhớ lại giấc mộng khi chưa an táng. Hôm đó bèn truyền cho địa phương lập miếu ở trên khu lăng cùng thờ phụng ba vị, cùng phong là các thần nữ.

-          Phong Thứ phi là Đệ nhất A Nương Thần nữ Ngọc Tinh nương Cả Đại vương.

Phong hai vị Tả hữu Thủy tiên Công chúa:

-          Phong làm Đệ nhị Thuỷ Tinh Thần nữ Nương Hai Đại vương.

-          Phong là Đệ tam Bạch Hoa Thần nữ Nương Ba Đại vương.

Vua lại truyền cho các gia thần ở cung sở địa phương ngày trước đã theo hầu Thứ phi, cộng được ngoài trăm nhà ở đó. Vua cho ở tại đó sớm hôm hương khói để phụng thờ.

Lại nói, khi đó Vua có trăm con cùng một bọc, đều là những vị anh hùng cái thế, sức dũng động trời, làm thần thánh xuất thế, không phải thường nhân trên đời. Vua tuy còn ở tại thế cai trị trần gian nhưng cũng chia trăm con làm hai bộ. Một bộ cai quản sông hồ cửa biển. Một bộ trị các đầu núi non, cùng có chức phong làm thần tử, bố trí các nơi để trị hưởng lộc một phương.

Một hôm, Vua ngự ở cung Phượng Lâu (tức nay là trang Phượng Lâu). Khí đó mùa xuân ôn hòa, khí lành, vạn dặm trăng thanh gió mát, một trời phong cảnh an hòa. Vua mới nằm ở chính cung (tức cung Phượng Lâu), bỗng nhiên mơ màng, đi vào thẳng thành Hoan Châu (tức Nghệ An), mới gặp Kinh Dương Vương ngự ở chính điện, hai bên có quan văn võ đứng chầu.

Dương Vương nói với Vua rằng:

-        Ta từng xem được địa hình Sơn Tây có một chỗ ở núi Nghĩa Lĩnh, ngàn núi quy phục, vạn sông chầu tôn, tất có trăm đời đế vương, sau có thần tiên bất tử, do đó đã thiết lập thành đô quý Phong Châu, lại tạo cung Tiên Cát để bố trí nàng Thứ phi tại đó, cũng biết Ngọc nương có tiên cốt, không phải trần phàm. Đất đó tuy là khu nhỏ ở bên sông nhưng do trời đất an bài, núi sông thông đường, cũng đều là đất quý, không phải tầm thường, để làm quốc bảo (tức cung Tiên Cát, sau đổi thành trang Tiên Cát). Con cháu hãy gìn giữ, làm cảnh thủy phủ tiên cung. Chớ làm sai rời đất đó. Để giúp mạch nước được bền lâu.

Lời nói vừa dứt thì gió xuân thổi vào áo long bào, Vua tỉnh dậy biết là nằm mộng. Vương nhớ lại lời căn dặn của Tiên hoàng trong mộng, tuy âm dương hai ngả nhưng đâu dám trái mệnh.  Hôm ấy (mùng 10 tháng Giêng) Vua lệnh cho ba vị quan lang một là Cự Linh Thần tướng, hai là Ất Linh, ba là Linh Lang Thông Thủy, đều cùng là những hoàng tử từ bọc trăm trứng nguyên phân làm hai bộ (Cự Linh, Ất Linh, Linh Lang Thông Thuỷ đều thuộc thuỷ bộ), ban cho quản lý đầu sông (tức sông Thao), giữ gìn cung sở của Thứ phi (tức cung Tiên Cát). Ba vị tuân theo ngọc chỉ, quản trị ở đầu sông (tức sông Bạch Hạc ba dòng nước từ ranh giới sông Thao), giữ gìn cung miếu (tức tiên cung Thứ phi của Tiên đế Dương Vương).

Qua hai năm, khi đó Vua đã trị quốc dài lâu, đời đời cha truyền con nối, đều xưng là Hùng, ngọc lụa xe sách núi sông thống nhất, chính là thủy tổ Bách Việt.

Hiền Vương ở ngôi 400 năm, sau về biển hóa sinh bất diệt làm Động Đình Long Quân Đế chủ. Quốc Vương tuân thừa nối đại quyền. Quốc Vương lên ngôi mới được 1 năm thì khi đó mùa xuân ngày 12 tháng 3 bỗng thấy trên trời một tiếng sấm nổ vang rền, giữa trùng sóng nước đều trở nên mờ mịt. Trăm vương tự nhiên cùng hóa (trước cùng sinh một bầu trăm trứng, nở ra trăm người, sau cũng cùng hóa, đều tại đầu núi Nghĩa Lĩnh vậy. 50 người con theo mẹ lên núi làm sơn thần. 50 người con theo cha xuống nước làm thủy thần, đều tại đây).

Lại nói, Quốc Vương nối ngôi chính thống, chuyên lo giáo hóa đạo đức, khuyến khích nông tang, khiến dân không lo nghèo thiếu, cung vua có tích luỹ của dư. Bốn biển yên bình, không ai gian xảo giả dối, phong tục hồn thuần chất phác. Xét xem xuyên suốt cho đến bấy giờ,vua là bậc có nhiều công hưng trị, càng sáng tỏ hơn các đời trước, được người đời tôn xưng là bậc hiền quân.

Bấy giờ vua truy ơn các bậc thánh trước, bèn thực hiện việc chia đất phân cõi, lập các bộ Sơn tinh Thuỷ tinh, định làm trăm vương, đổi làm trăm họ, phân chia đầu núi góc biển, hùng cứ mỗi phương. 50 tên tộc trấn ở các đầu núi, cùng gọi là quan lang, phiên thần, thổ tù phụ đạo. 50 tên tộc trấn ở các góc biển, cùng là các thần linh trên nước, tiện để bảo hộ dân sinh, giúp phù tông xã.

Một ngày (15 tháng 3) Vua đến ngự ở cung Tiên Cát (sau đổi thành trang Tiên Cát). Nhàn xem phong cảnh, thăm thú cung lăng, tu bổ các tòa cung sở miếu điện. Vua lại mở một chợ ở bên sông, trước khu cung lăng, gọi là chợ Tiên, cho các phi nhân của vương cung cùng với các nội thần của các phu nhân, vương nữ đến hội sớm tối, những người đánh cá  trước sông  cũng cùng ở trên chợ, là nơi đô hội của thần tiên. Hôm đó (mồng 3 tháng 3) Vua lại phong cho ba vị hoàng đệ đều là Thuỷ thượng linh thần, cùng với Tiên phi vào cùng một nơi, cùng phối thờ phụng.

-          Phong Đệ nhất Cự Linh Chàng Cả Long Vương Đại vương.

-          Phong Đệ nhị Ất Linh Chàng Hai Long vương Đại vương.

-          Phong Đệ tam Thông Thuỷ Chàng Ba Long Vương Đại vương.

Hôm đó (mồng 3 tháng 2) Vua sai quan đế tế, làm lễ bái tạ. Làm lễ chưa dứt thì bỗng thấy gió sấm bỗng nổi lên, mây mù u ám, trên sông sóng đổi vạn nhận, cung đền bốn bên mây phủ. Lại thấy 3 con rắn từ trên đường phân nước tiến thẳng vào trong đền, bò lên giữa gác trái phải. Bên trong đền sáng huy hoàng, mùi hương thơm bao phủ. Trước sông hàng trăm đàn cá hùng dũng nối nhau. Vua lấy làm lạ bèn nói rằng:

-          Nay tuy thủy phủ và dương gian khác biệt, nhưng có tương thân khí huyết, sơn thủy một mạch, cảm được sự linh thiêng, cùng đã biết vậy.

Vua vừa dứt lời thì [ba con rắn] tự nhiên biến mất . Mưa gió tự yên, mây tan trời sáng. Làm lễ xong Vua lại tặng phong là Thượng đẳng Phúc thần, bố trí quan cùng với các gia nhân địa phương ở nơi đó bốn mùa hương khói phụng thờ.

Lại nói, Quốc Vương tên Bảo từ lúc lên ngôi được 300 năm, thọ 643 tuổi, mệnh Tân Mùi sinh giờ Mão ngày 16 tháng Giêng, mất giờ Ngọ ngày mồng 5 tháng 5, hóa sinh sinh không thành, kim tiên thượng quán cư ở cửa ngọc mà cai quản. Tiên chủ sinh trưởng tử là Huy Vương, kế vị, truyền 8 vua tiếp sau.

Sau này Lý tiên sinh có bài tán:   

Sinh vi thánh đế hoá lai tiên

Duy hữu  Hùng đồ thập bát truyền

Thánh tử thần tôn cung miếu tại

Đức đồng nhật nguyệt hưởng trường miên.

Lại nói, thời lịch truyền 18 nhánh (từ  Kinh Dương Vương chí Hùng Hiền Vương, Quốc Vương, Hy Vương, [Hi Vương], Diệp Vương, Huy Vương, Ninh Vương, Hùng Chiêu Vương, Uy Vương, Trinh Vương, Võ Vương, Việt Vương, Định Vương, Triêu Vương, Tạo Vương, Ninh [Nghị?] Vương, Duệ Vương, cộng 18 đời thánh chủ, hưởng nước cộng 2655 năm). Truyền đến Duệ Vương nối ngôi. Duệ Vương có chất thánh triết, tài lớn anh hùng, nối cơ nghiệp tổ tông khai đắp 17 đời thịnh trị, trong lo võ lược, ngoài ngự biên cương, gắng sức hưng bình để yên Trung Quốc. Lại noi gương tiền vương trị vì, sùng trọng đạo trời, kính sự quỷ thần, trời giáng điềm lành, mến giúp quốc sự. Vì thế Vua ngày càng gia tăng sùng chuộng, kính tín thần nhân, truyền hịch cho thiên hạ c sửa thêm đền miếu, vẽ tô nghi vệ trang nghiêm. Khi đó Vua đến cung Tiên Cát (sau đổi thành trang Tiên Cát), thăm thú lăng mộ, tăng thêm việc tu sửa đền miếu, ngày ngày hiến tế, một tháng hai lần sai quan đến làm lễ.

Than ôi, đạo vốn thịnh nhiều thì sẽ suy, đầy rồi thì sẽ tắc. Cơ đồ họ Hùng trị nước vốn đã lâu dài, ý trời tất có hạn. 20 hoàng tử và 4 công chúa đều phiêu du về nơi Bồng Lãng, thoát gót trần gian, không có ai để trông mong việc nối truyền. Chỉ còn hai người con gái, đều là bậc thần tiên đời (một nàng được gả cho Chử Đồng Tử, một nàng gả cho Tản Viên Quân).

Vua bèn nhường ngôi cho Tản Viên Sơn Thánh, là con rể mà truyền đại bảo. Nhưng Sơn Thánh vốn có phẩm chất thần tiên, không muốn nhận ngôi cai quản quốc gia. Bèn lại truyền cho Thục chúa, cũng là cháu họ Hùng ở Ai Lao. Từ khi Thục chúa (tức An Dương Vương) nối thừa ngôi báu, đóng đô ở thành Cổ Loa. Còn Phong Châu thành đất của họ Hùng, cùng các cung sở lâu đài được nhân dân các xã động chia nhau ở (đất thành Phong Châu đến Thục Dương Vương rời về ở thành Cổ Loa, từ đó thành Phong Châu đổi thành các xã trang động của người dân).

Trong thời kỳ Thục Vương, đất ngoài cung Tiên Cát có hai trăm nhà ở đó đã di cư. Chỉ còn 17 người ở lại cố giữ đất đó. Lòng người thay đổi, xưa nay là thường. Cảnh tiên cung vua đó đều theo năm tháng mà yên nhàn trôi qua, tích xưa khó thấy dấu tiên còn đọng, chỉ còn nghe tiếng chim chóc hót ca.

Khi Thục Dương Vương ở ngôi được 80 năm mới truyền vị cho Triệu Đà, cha truyền con nối trải 5 đời thánh vương. Đến khi Vệ Vương kế truyền chính thống thì có quân Tô gây loạn. Trưng nữ lại hưng (cũng là cháu gái của Hùng Vương), ở ngôi được 5 năm, tiếng thơm ngàn thủa, cũng là bậc nữ anh hùng.

Từ đó triều Hùng chấm dứt. Tới Đông Hán, Ngô, Tấn, Tống, Tề, Lương cộng 350 năm cho tới khi nước Nam có bốn họ Đinh, Lê, Lý, Trần khai sáng cơ đồ, đều có giúp nước hộ dân, nên các đời đế vương đề có gia phong mỹ tự, vạn đời hưởng lễ, hương khói vô cùng.

Lại nói, tới thời mạt Trần, họ Hồ tranh quyền. Một hôm quân Hồ giáo mác tiến đến ở vùng đất này (tức là vùng đất trang Tiên Cát), vào trú ở trong đền (tức đền cung Tiên Cát). Lại thấy địa hình có quý cục, voi đá, ngựa đá đều hướng chầu lên núi Nghĩa Lĩnh. Hôm đó (mồng 6 tháng 6) quân Hồ sĩ tốt bắt dân phu cùng binh sĩ lấy cưa sắt cắt ngựa đá, voi đá ra thành các đoạn, lấy đá đó xếp thành lũy, đồn sở. Đang khi cắt đá chưa được một lúc, bỗng thấy mây gió lớn nổi lên, bốn bề trở nên mờ mịt, mưa dội sương mù, sấm sét vang gầm. Trên sông nổi sóng cuồn cuộn vạn nhận, sấm vang làm rụng rời phách kinh nghê, vạn dặm cuồng phong dữ dội, cá rùa hồn kinh nhảy loạn, giao long nổi đầy sông, đào thông một đường thủy tiến thẳng vào trước cung, trùng trùng hàng ngàn con. Từ trên núi xuống hàng đàn hổ chạy tới, tiếng gầm chấn động, chạy thẳng về nơi đền thờ ở địa phương (tức trang Tiên Cát), vây kín bốn phương xung quanh. Quân Hồ kinh hồn chạy tán loạn. Nhân dân đều mất vía, tất cả đều bỏ chạy khỏi cửa nhà. Nơi đó (tức đất Tiên Cát) đều bị gió lớn thổi đỏ, nước ngập tràn lan ở bên trong, tất cả đều hư hỏng. Rắn hổ tập trung ở đất đó, đuổi hết mọi người, thật là một nơi bị hại lớn, có vào mà không có thoát, chết chóc rất nhiều.

Chỉ còn có 8 người tránh ở nơi đất gần đó (tức là ở đất nội thành), thường thường buổi tối mới dám quay về ẩn phục xem xét nghe ngóng nơi đền. Thấy sáu vị thánh ở chính trong đền (tức xứ Gồ Đá có chính lăng). Ba vị nữ quan ngồi ở trên, truyền lập hai hàng trái phải các thị nữ khăn áo hơn trăm người, huy hoàng đẹp đẽ, áo quần rực rỡ, vẻ rồng mắt phượng, má phấn môi son, tai cầm phiến ngọc, đầu đeo thoa vàng, đi hài lông phượng, lưng thắt khăn hồng. Bên dưới có ba vị quan nam ngồi đó, trái phải đứng hầu hơn ngàn người, áo lân giáp rồng, bào phục huy hoàng, đứng hầu uy lẫm. Cờ xí la liệt, ngựa voi chỉnh tề, xe loan kiệu phương cùng đi, thuyền rồng phân đội.

Tám người đang nấp nghe, thì thấy ba vị nữ quan nói:

-          Thật đáng trách bọn cuồng khấu chim chó quân Hồ không biết đất này là nơi Tiên đế mở nền, tạo nên nước Nam. Đất có linh thiêng, khí lành đều do tạo an bài. Do vậy mà các nơi đều hận quân Hồ, nhưng không nên trách dân ta mà gây họa. Nay quân thủy phủ của ta đã trả hận quân Hồ. Còn nhân dân thì không được quấy nhiễu. Quân tôm cá hãy quay về thủy phủ để dân được yên.

Lời nói chưa dứt thì tám người đều phục trước sân mà bái tạ. Bỗng thấy một tiếng động rất lớn tựa như sấm sét giáng xuống mặt đất, rồi dần dần tự biến mất. Từ đó một vùng địa giới đều yên. Tám người quay về đất cũ (tức chợ Tiên Cát), gìn giữ nơi đất đó, năm tháng cùng phụng thờ.

Cho đến khi ở sách Lam Sơn, huyện Lương Giang, phủ Thiệu Thiên, Ái Châu có người họ Lê tên Lợi khởi nghĩa, ba ngàn thần hổ Lam Sơn tiễu trừ họ Hồ, bình định người Ngô. Lên ngôi vua ở Lam Sơn, niên hiệu Thuận Thiên (tức Thái tổ Cao Hoàng đế). Khi đó đất trang Tiên Cát chỉ có 8 nhà ở đó, mới làm bài tấu lên vua về việc quân Hồ đục phá ngựa đá, voi đá ở đền, lại thấy việc linh thiêng như thế. Vua nghe lời tâu đó, lệnh cho quan đến nơi làm lễ cầu đảo (làm lễ năm Kỷ Mùi, mồng 9 đến mồng 10 tháng 10). Nhân dân đều đến ở Gò Đá mà tế lễ. Bèn mổ lợn đen, rượu ngọt, bánh dày cùng với trăm trứng. Từ mồng 9 đến mồng 10 làm lễ thì gió sấm nổi lên, mây mưa mù mịt. Trước sông (tức sông Thao) mây nổi bay trên mặt nước, hơn ngàn đám mây bay ngang dọc trên sông, rồi tiến thẳng vào trong cung đền. làm lễ tế xong thì mây mưa tự nhiên ngừng hết. Bốn phương thanh bình, quang đãng. Nhân dân đều sợ phục. Tới ngày 11 lại tế tạ. Ca múa tới ngày 15 làm lễ. Tạ xong thì mưa gió nổi lên một hồi rồi ngừng. Quan quay về tâu lên. Vua bèn gia phong mỹ tự:

-          Phong Đệ nhị Thuỷ Tinh nương Hai Uy linh Đại vương

-          Phong Đệ nhất Ngọc Tinh nương Cả Linh ứng Đại vương

-          Phong Đệ tam Bạch Hoa nương Ba Hiển linh Đại vương

-          Phong Đệ nhị Ất Linh Chàng Hai Long vương An dân Đại vương

-          Phong Đệ nhất Cự Linh Chàng Cả Long vương Hùng tài Đại vương

-          Phong Đệ tam Thông Thuỷ Chàng Ba Long vương Đại vương.

Trang Tiên Cát phụng thờ 6 vị.

Lại nói, từ khi Lê Thái tổ Hoàng đế truyền qua Thái Tông, Nhân Tông, Thánh Tông, Hiến Tông, Túc Tông, qua Minh Tông đến Chiêu Tông lên nắm quyền. Khi đó họ Mạc tiếm ngôi xưng vương, đại xá thiên hạ, lấy niên hiệu là Minh Đức, kế thế con cháu 5 đời làm vua.

Tới Lê Trang Tông cùng với đại thần là Thái úy lại khởi nghĩa binh. Niên hiệu Nguyên Hòa năm Quý tỵ quan Thái úy tôn phù nhà vua, dời đến cảnh Ái Châu, truyền các tì tướng gửi hịch chiêu dụ các xứ ở Bắc thành, lại đi thuyền đến đạo Sơn Tây, giả làm thuyền buôn. Đi tới sông Thao, thuyền qua trước đền (tức đền Tiên Cát) gặp ghềnh chặn, thuyền không thể đi được. Gió lớn thổi đến, sóng to trên sông, làm cho thuyền gần bị lật. Tướng cầm quân ngẩng lên nhìn bỗng thấy đền thờ rực rỡ. Ngay hôm đó (mồng 3 tháng 8) bèn đậu thuyền làm lễ, cầu đảo khấn rằng:

-          Gia thần tuân theo mệnh lớn, chiêu dụ người tài, tiễu trừ giặc mạc. nếu phục hồi được nhà Lê Nguyễn, nguyện xin âm phù cho thông đường thủy và bảo toàn quân đội.

Khấn xong tự nhiên yên bình. Các thuyền tự thoát, thuyền đi như bay. Thuyền lên đến trang Tằng Động huyện Thanh Ba thì thấy mưa gió tập trung chỗ dân địa phương. Bèn đóng quân trong ba ngày. Hôm ấy (mồng 6 tháng Giêng) nhân dân ở đó với quân Lê cùng mơ thấy hai cánh binh mã tiến vào trong dân, nói rằng:

-          Ta là  Chàng Út Long vương Thuỷ thú cùng với Chấn cung Thần quan tuân theo mệnh vua âm phù cho mệnh nước, bảo hộ nhà Lê. Nay đến nơi dân đây còn chưa định làm lễ sao?

Bỗng nhiên tỉnh lại mới biết là nằm mơ. Quân sĩ và nhân dân địa phương đều sợ hãi. Hôm đó (mồng 10 tháng Giêng), lập đàn cầu tế (ngày sau ở đất này đều lập miếu phụng thờ).

Một hôm quân Lê lại quay về huyện Tam Nông xứ Hưng hóa, vào ở tại đất trang Thọ Xuyên, bị quân Mạc vây hãm. Ba ngày sau quân Lê trước khi xuất hành mới cầu đảo bách thần phù hộ. Tự nhiên gió Tây lớn nổi lên, mây mưa bao phủ theo dòng nước mà vào cả khoảnh nơi đó, tất cả thành một dòng suối lớn chảy phá vào. Quân Mạc đại bại, chạy tán loạn. Quân Lê cùng xuất toàn quân, quay về Ái Châu (sau trang Thọ Xuyên lập miếu phụng thờ Thủy thần Đại vương, cùng với 5 vị và một vị công thần nhà Lê cúng tế).

Lại nói khi đó vạn dân quản chặt, bốn phương khói bụi, nước có 2 vua trị vì, dân không có ngày nào là yên nhàn, gọi là thời một nước hai vua. Hơn 60 năm sau, Trang Tông lệnh cho Thái úy thống lĩnh hai quân thủy bộ đi dẹp giặc Mạc. Thái úy bái tạ, xuất quân thẳng đến đóng ở các huyện Phù Khang, Bạch Hạc, Phúc Lộc của đạo Sơn Tây, lập các đồn lớn ở châu Trường Sa, vân Thủy, dựng đàn dâng hương cầu đảo trăm thần âm phù trừ Mạc, giúp nước cứu dân. Sau này được thanh bình sẽ tâu lên vua tăng phong mỹ tự Thượng đẳng phúc thần, vạn năm hưởng thờ.

Khấn xong tự nhân mây mù nổi lên, mờ mịt trong ba ngày. Thái úy ngồi ở nơi đàn thiếp đi mộng thấy trăm thần nam nữ cùng đến, sơn thủy cùng về, qua giáp khắp trời, cờ xí rợp đất, đến trước Thái úy, hoặc chào hoặc bái, xưng họ xưng tên. Thái uy trong mộng không ghi nhớ hết được. Bỗng nghe ở hướng Đông Nam có một tiếng sét động. Thái úy giật mình tỉnh lại mới biết là mộng. Lại thấy mây mờ bay tản đi, trời ban ngày rạng sáng. Thái úy cho rằng đó là điềm trung hưng, bèn lệnh lấy đồ văn phòng tứ bảo cứ theo trong mộng mà ghi lại tên hiệu các thần lên lụa để chép lại việc này. Hôm đó lệnh cho quân sĩ mổ trâu, khấn tạ trăm thần, khao hưởng tướng sĩ.

Ngày sau chia binh đến dẹp giặc Mạc, đại chiến một trận ở đất Phấn Thượng, huyện Phúc Lộc, máu chảy thành sông, xác chất thành núi. Giặc Mạc thua to, chạy lên mạn Bắc, đến nơi mở trường chọn kẻ sĩ, chặn giữ biên phương, không thể dẹp hết được. Thái úy về thành Thăng Long, giải giáp ngừng binh, làm biểu tâu thắng trận, xin vua về thành. Trang Tông hôm đó xa giá đến thành Thăng Long, thưởng cho ba quân, gia phong tướng sĩ. Phong cho ông là Thái úy Hưng Quốc Công thần. Ông tuổi đã già, có ý muốn nghỉ ngơi, bèn dâng biểu tấu với vua xin các việc quốc gia lớn nhỏ giao cho con rể họ Trịnh. Trang Tông đồng ý.

Trang Tông bèn lập Thái tử, sau là Trung Tông Vũ Hoàng đế, niên hiệu Thuận Bình, sau đổi thành Thiên Hựu, là con trai của Trang Tông. Trung Tông kế truyền ngôi cho Tuấn Hoàng đế, húy Hàn trác, ở xã Bố Vệ, huyện Đông Sơn, niên hiệu Chính Trị. Khi đó có đại thần họ Trịnh phò tá, lập kỷ cương đất nước, bày chế trong ngoài. Sau Thế Tông truyền ngôi cho Nghị Tông, niên hiệu Hồng Phúc, sau đổi là Gia Thái, lại đổi là Quang Hưng, chính là con trai của vua Chính Trị. Khi ấy giặc Mạc trong nước đã diệt. Nhà Lê lại bắt đầu ngôi chính thống.

Từ đó thiên hạ thái bình, triều đình vô sự. Nhà Lê là chủ, họ Trịnh là vương, ban bố hai bộ Công và bộ Lễ đốc lệnh cho huyện doãn cùng các dân phu các xã xây dựng lại điện đình ở địa phương nơi xã Phấn Thượng, cung phụng thờ các vị vua chủ cùng các vị chư thần, lấy xã đó làm trưởng tạo lệ. Lại tiến phong các mĩ tự cho trăm thần sơn thủy nam nữ đã âm phù giúp nước, cùng luận công mà thưởng tước lộc, ban thêm cho những người có công. Công mãi mãi là thức lệ cùng với nước trường tồn. Thật thịnh thay!

Lại nói, khi đó lại phong mỹ tự cho trang Tiên Cát. Lúc ấy chỉ có 8 người về ở đó từ khi cuối họ Hồ, cho đến khi Lê Thái Tổ lên ngôi các đời sau của 8 người đó đều sinh con cháu cùng với vợ chồng. Những người sau đều ở phụ đó, phong tục nhân dân chất phác đôn hậu, giàu mạnh, đinh dân khỏe mạnh. Bèn chia đều thành 8 giáp cùng phụng thờ nơi tiền cung khi thần còn sống (tức cung Tiên Cát, nơi Thứ phi ngày trước ở đó, sau đổi thành làng), hậu cung là chính nơi hóa của thần  (tức xứ Gò Đá, là lăng của Thứ phi, gọi là đất thủy phủ hội đồng). Sau Lê Trang Tông lại tiến phong nhiều mỹ tự.

Vâng ơn chính triều nay có phong tặng là Đương cảnh thành hoàng Linh phù Thượng thần, gia tặng là Thục diệu Tối linh thần, gia tặng là Hoằng hợp Tối linh thần, gia tặng là Dực bảo Trung hưng chi thần.

Nhất thiết húy cấm các chữ Cả, Hai, Ba, Ngọc, Hương, Bạch, Anh, Cự, Linh, Ất, Thông, Thuỷ, Chàng.

Bảo Đại năm thứ 13 ngày tháng 3 tuân sao chính bản.

Vâng sao đệ trình bởi Lý trưởng làng Tiên Cát Nguyễn Văn Tản.

Cộng tất cả 14 trang.


No comments:

Post a Comment