Saturday, April 8, 2023

Kinh Dương Vương mở nước kỷ Hồng Bàng

Thần tích làng Tiên Cát, Việt Trì, Phú Thọ là một bản thần tích đặc biệt, khác với những thần tích hay gặp khác vì nó không phải được biên soạn bởi các vị quan của triều đình, mà là tư liệu được ghi chép và lưu giữ bởi những người dân ở địa phương tại vùng đất tổ Phong Châu. Trong thần tích Tiên Cát có rất nhiều chi tiết về thời kỳ Kinh Dương Vương - Hùng Vương và có lẽ đây chính là tư liệu gốc cho việc biên soạn các bản ngọc phả Hùng Vương sau này. Đây cũng là một bằng chứng rõ ràng cho việc các truyền tích Hùng Vương đã được lưu truyền rất lâu từ trước thời Lê.

Thần tích Tiên Cát mở đầu: Xưa Kinh Dương Vương vâng lệnh dẫn các tướng dời đến núi Nam Miên trấn giữ, chọn nơi hình thế thắng địa có để lập đô ấp, mới tới đất Hoan Châu (nay là xứ Nghệ An). Vua ngắm xem hình thế, thấy được một vùng có quý cuộc như lâu đài muôn nhẫn, tên là núi Hùng Bảo Thứu Lĩnh, tất cả có 199 núi, tụ họp ở cửa Hội Thống ven giáp biển. Núi chạy quanh co, sông chảy uốn khúc, địa thế rồng cuộn hổ ngồi, bốn hướng cùng trông. Vua bèn xây dựng đô thành làm nơi cho bốn phương triều cống Nam Bang.

Nước ta bắt đầu được dựng nước từ vùng Nghệ Tĩnh, nơi có núi Hồng Lĩnh, được truyền thuyết gọi là Thứu Lĩnh, gần cửa biển Hội Thống. Vị Kinh Dương Vương đầu tiên đã mở nước và đóng đô tại đây.

Thần tích Tiên Cát kể tiếp: Ngày sau Vua lại đi tuần thú, rong ruổi xem khắp các nơi sông núi, đến xứ Sơn Tây thấy một nơi địa hình trùng điệp, sông chung núi đúc. Vua bèn thân ngự giá lên núi, tìm mạch đất, nhận thấy khí mạch từ núi Côn Lôn xuất ra, qua Ải Môn rốn nước thoát mạch, rồng dẫn đi xa, thế rõ từ núi Tụ Long liền tới châu Thu Vật xứ Tuyên Quang, biến ra toà kim tinh cao muôn nhẫn. Mạch đất chạy tới phủ Lâm Thao, Hạ Hòa, Thanh Ba, Sơn Vi, Tây Lan, Phù Khang, đến chùa Hoa Long, thôn Việt Trì ở ngã ba sông Bạch Hạc....

Nhìn thấy tất cả hình thế ấy, Vua nhận ra thế cục của đất quý đẹp hơn đô thành cũ Hoan Châu, bèn lập chính điện ở núi Nghĩa Lĩnh. Vua thường ngự giá đến ở. Bên ngoài lại lập dựng đô thành Phong Châu, lập nước tên là Văn Lang.

Vị Kinh Dương Vương đi tuần thú rồi mở kinh đô tại Phong Châu trên núi Nghĩa Lĩnh thì phải là Đế Minh. Truyện Họ Hồng Bàng cho biết: Đế Minh cháu ba đời Viêm Đế Thần Nông sinh ra Đế Nghi, nhân đi tuần về phía Nam đến núi Ngũ Lĩnh mừng gặp và lấy được con gái bà Vụ Tiên rồi trở về, sinh ra Lộc Tục. Lộc Tục mặt mày sáng sủa, thông minh phúc hậu, Đế Minh rất lấy làm lạ, muốn cho nối ngôi mình. Lộc Tục cố từ, xin nhường cho anh là Đế Nghi. Đế Minh liền lập Đế Nghi làm người nối ngôi cai trị đất phương Bắc, phong cho Lộc Tục làm Kinh Dương Vương để cai trị đất phương Nam, lấy hiệu nước là Xích Quỷ.

Ý nghĩa của đoạn truyện mở nước này là Đế Minh đã hình thành nên một vùng thiên hạ vạn bang với kinh đô đóng ở 2 đầu Nam Bắc. Thời kỳ mở nước Hồng Bàng có 2 phần là Lạc và Hồng (tức Nam và Bắc) với 2 kinh đô là Nghĩa Lĩnh và Thứu Lĩnh, do 2 vị vua chủ trị là Lộc Tục ở đất Lạc và Đế Nghi ở đất Hồng. Đất nước ban đầu được mở theo trục Bắc Nam.

Trong thần tích Tiên Cát, Kinh Dương Vương đã căn dặn con cháu: Ta từng xem được địa hình Sơn Tây có một chỗ ở núi Nghĩa Lĩnh, ngàn núi quy phục, vạn sông chầu tôn, tất có trăm đời đế vương, sau có thần tiên bất tử, do đó đã thiết lập thành đô quý Phong Châu, lại tạo cung Tiên Cát để bố trí nàng Thứ phi tại đó, cũng biết Ngọc nương có tiên cốt, không phải trần phàm. Đất đó tuy là khu nhỏ ở bên sông nhưng do trời đất an bài, núi sông thông đường, cũng đều là đất quý, không phải tầm thường, để làm quốc bảo (tức cung Tiên Cát, sau đổi thành trang Tiên Cát). Con cháu hãy gìn giữ, làm cảnh thủy phủ tiên cung. Chớ làm sai rời đất đó. Để giúp mạch nước được bền lâu.

Đế Nghi là dòng chính thống của Đế Minh, nên tiếp nối cai quản ở vùng Cựu đô Ngàn Hống trên núi Thứu Lĩnh (dãy Hồng Lĩnh - vùng đất Hồng). Lộc Tục (Lạc tộc) là dòng bà Vụ Tiên, được thần tích Tiên Cát kể là bà Thứ phi của Kinh Dương Vương (Đế Minh), xuất xứ từ vùng miền núi châu Đại Man. Bà Thứ phi là dòng Tiên tộc (tức là dòng trên núi, chữ Tiên là người ở trên núi) nên nơi bà ở và được thờ mang tên là đền Tiên.

Câu kể thường gặp trong các thần tích: "Hoan Châu thắng địa kiến lập kinh đô. Nghĩa Lĩnh hình cường trùng tu miếu điện" diễn tả đúng quá trình mở nước theo hướng Nam Bắc của họ Hồng Bàng.

Thần tích Tiên Cát kể:

Bấy giờ khí xuân ấm áp, vô vàn cảnh sắc. Vua bản tính thích phong thuỷ bèn lên thuyền ngự tuần du ngoài biển, đi xem núi sông, trải xem hình đất nước, lạc ra ngoài biển. Bất giác thấy thuyền rồng đã thẳng đến xứ hồ Động Đình. Vua sai dừng thuyền, đứng lên xem, chợt thấy một người con gái lưng eo xinh đẹp, dung nhan tuyệt sắc, từ dưới đáy nước đi đến. Thật là một cuộc hội ngộ hiếm có xưa nay. Vua bèn sai chèo thuyền đến gần. Vua nói:
- Tiên nữ đẹp quá, từ đâu đến đây?
Thiếu nữ đáp:
- Thiếp tên là Thần Long, chính là con gái Động Đình Quân, ở trong thâm cung cửa ngọc, từ lâu đợi bậc anh hùng. Nay trời cho được gặp gỡ, nguyện được theo phụng hầu khăn túi.
Vua vui mừng đẹp ý, bèn dắt vào trong thuyền rồng. Vua cùng người con gái quay giá trở về thành đô, lập Thần Long làm chính cung.

Nước Hồng Lạc sau khi phát triển theo trục Nam Bắc thì chuyển sang giai đoạn mở rộng theo hướng Đông Tây, mà được đánh dấu bằng sự kiện Kinh Dương Vương lấy Thần Long Động Đình. Động Đình là vùng sông nước ven biển phía Đông, do một bộ tộc cư trú gọi là Long tộc. Kinh Dương Vương lúc này là Tản Viên Sơn Thánh đã kết duyên cùng với Thủy Tinh Động Đình, mở rộng dòng giống Lạc Hồng theo hướng tiến về phía Đông.

Tản Viên Sơn Thánh là vị chủ trị vùng Sơn Tây thì đã rõ. Bản thân chữ Tản là tính chất của quẻ Tốn, chỉ hướng Tây. Còn vị vua cai quản miền sông nước phía Đông chính là Lạc Long Quân, người con của Kinh Dương Vương và Thần Long Động Đình. Long Quân được ghi là hóa sinh về biển làm Động Đình Đế Quân.

Đền Tiên Cát cũng thể hiện sự kết hợp của 2 dòng sông và núi, thể hiện ở việc Ngọc Tiên nương (Thứ phi của Kinh Dương Vương) kết nghĩa với 2 người con gái thủy phủ Long cung là Thủy Tinh và Bạch Hoa nương. Lạc Long Quân sau này còn cử thêm 3 hoàng tử trong dòng thủy phủ là Cự Linh, Ất Linh và Thông Thủy Long vương đến hộ giá các vị tiên nương ở cung Tiên Cát.

Như thế, cho tới Lạc Long Quân, người Việt họ Hồng Bàng đã hoàn thành thời mở nước họ Hùng về 4 hướng qua các triều đại Kinh Dương Vương ban đầu là:

  • Đế Minh, vị Hùng Vương đầu tiên, được thờ ở đền Hùng là Đột Ngột Cao Sơn Thánh Vương, là vị Thái tổ khai sinh họ Hồng Bàng.
  • Đế Nghi, vị vua Hùng thứ hai, được thờ ở đền Hùng là Viễn Sơn Thánh Vương. Kinh đô chính ở Thứu Lĩnh trên đất Hồng phương Bắc xưa.
  • Lộc Tục, vị vua Hùng thứ ba, được thờ ở đền Hùng là Ất Sơn Thánh Vương. Lộc Tục là dòng Tiên tộc ở phương Nam xưa, kinh đô đóng tại núi Nghĩa Lĩnh, vùng đất Lạc.
  • Tản Viên Sơn Thánh, vị vua Hùng thứ tư, thường được gọi là Kinh Dương Vương, chủ trị miền rừng núi phía Tây.
  • Lạc Long Quân, vị vua Hùng thứ năm, chủ trị miền sông nước Động Đình ở phía Đông.

Thần tích Tiên Cát cho biết, Hùng Vương từ Kinh Dương Vương trải 18 đời tới Hùng Duệ Vương thì nhường ngôi cho Thục Vương. Thục Vương khi đó đã rời đô về Cổ Loa, còn đất Phong Châu trở thành nơi sinh sống của nhân dân. Tới thời mạt Trần, họ Hồ tranh quyền, kéo đến bãi đá bên sông cạnh đền Tiên Cát, cho cưa phá những voi đá, ngựa đá chầu về núi tổ tại đây, chạm vào địa mạch linh thiêng từ thời Kinh Dương Vương. Hổ báo, kinh nghê đều nổi giận, tiến vào đất Tiên Cát mà giết đuổi quân nhà Hồ... Chi tiết này cho thấy những di tích bằng đá về Kinh Dương Vương và Hùng Vương đã hiện hữu ít nhất là trước thời nhà Hồ. Chắc chắn các tư liệu ghi chép và di tích thờ phụng Hùng Vương đã có từ rất sớm.

5 vị Kinh Dương Vương mở nước họ Hùng đầu tiên ở 5 phương, khởi đầu cho các nhóm tộc người Bách Việt sau này. Tản Viên Sơn Thánh là Nam Thiên Thánh tổ của Lạc tộc, tức là nhóm người Kinh Mường. Long Quân là Vua cha của Long tộc, sau này là nhóm Tày Thái. Đế Nghi là tổ của Viêm tộc phương Bắc xưa (Nam nay), sau là người La Lồi hay người Chiêm Hồ. Lộc Tục dòng bà Vụ Tiên là tổ của nhóm Miêu tộc, tức người Miêu Dao sau này. Một nhánh dòng Đế Minh là Đế Lai do cuộc tranh chấp với Lạc Long Quân đã phải chạy về phía Tây, sau là người Di Lão hay người Âu (trong Âu Cơ, Âu Lạc).

Ngũ tộc thời lập quốc họ Hùng đã bao trùm đầy đủ các nhóm tộc người của vùng Đông Nam Á. Cho nên vua Hùng là tổ của Bách Việt là chính xác. Thần tích chép: "Đời đời cha truyền con nối, đều xưng là Hùng, ngọc lụa xe sách núi sông thống nhất, chính là thủy tổ Bách Việt".

Thần tích Tiên Cát cũng cho biết ý nghĩa của ngày giỗ tổ Hùng Vương vào tháng 3 âm lịch. Mùa xuân ngày 12 tháng 3 bỗng thấy trên trời một tiếng sấm nổ vang rền, giữa trùng sóng nước đều trở nên mờ mịt. Trăm vương tự nhiên cùng hóa (trước cùng sinh một bầu trăm trứng, nở ra trăm người, sau cũng cùng hóa, đều tại đầu núi Nghĩa Lĩnh vậy. 50 người con theo mẹ lên núi làm sơn thần. 50 người con theo cha xuống nước làm thủy thần, đều tại đây).

Trăm người con trai họ Hùng đã đồng sinh cùng bọc đồng bào và đồng hóa vào ngày 12 tháng 3. Ngày tháng 3 này chính là ngày giỗ tổ của trăm họ Bách Việt, gồm cả 5 nhóm tộc người đã nói ở trên. Giỗ tổ Hùng Vương không phải chỉ là giỗ tổ người Kinh hay người Mường, mà của trăm tộc người trên mảnh đất Việt, Đông Nam Á và Nam Trung Hoa.



No comments:

Post a Comment