Wednesday, August 21, 2024

Thần tích xã Liễu Châu


 Dịch theo thần tích xã Liễu Châu tổng Phú Xuyên huyện Tiên Phong tỉnh Sơn Tây.

 

Vào thời Hùng Vương thứ 18 vua Duệ Vương trị vì, đóng đô ở Việt Trì bên sông Bạch Hạc, lập nước Văn Lang, quốc đô là thành Phong Châu. Duệ Vương có hùng tài đại lược, tư chất thánh triết, trong sửa văn đức, ngoài phòng biên phương, dốc sức để hưng bình mà yên Trung Quốc. Than ôi, thế nước đến lúc cáo chung, cơ đồ họ Hùng vào lúc cuối. Vua tuy sinh nhiều hoàng tử nhưng đều theo nhau về với tổ tiên. Duệ Vương sinh được 20 hoàng tử, 6 công chúa, về sau chỉ còn hai vị nữ công chúa. Người thứ nhất là công chúa Tiên Dung, sau gả cho ông Chử Đồng Tử quê ở xã Đa Hòa, huyện Đông An, phủ Khoái Châu, xứ Sơn Nam. Còn người thứ hai là công chúa Ngọc Hoa, cung thiềm còn khóa, cành ngọc vẫn đóng, nhân duyên tốt lành còn chưa định kỳ. Vua muốn tìm người tài để gả, rồi sẽ nhường ngôi báu cho, bèn lập một tòa lầu ở cổng thành Việt Trì, đề là “lầu kén rể cầu hiền”, ban chiếu truyền đi trong thiên hạ ai là người anh tài đức độ, có thể nối được ngôi vị thì sẽ gả công chúa cho.

Ngày ấy có Tản Viên Sơn Tinh cùng với Động Đình Thủy Quân là hai tướng cùng thầy học cùng nhau đến thành dự thi. Vua xem thấy là kỳ tài bèn phán rằng:

  • Nay hai khanh đều là bậc anh hùng. Ánh trăng đèn sách chưa thể định được về tay ai. Ai có thể đem sính lễ đến trước thì Trẫm tất sẽ gả con gái cho.

Thế là Thủy Tinh trở về cung Động Đình, do cầu kỳ tìm vật lạ (nguyên có cuốn sách ước Sơn Tinh đã cầm giữ). Sơn Tinh đi thẳng ra dưới lầu, lấy ở trong túi ra, dùng sách thần mà ước. Bỗng thấy voi trắng chín ngà cùng các kỳ trân dị vật trong chốc lát đã đầy đủ hết. Sơn Tinh đến vâng nạp sính lễ trước. Vua bèn gọi Sơn Thánh đến gả con gái cho. Lễ cưới xong thì đón về động ở núi Tản Viên. Sau thấy Thủy Tinh đem sính lễ đến. Vua nói với Thủy Tinh rằng:

  • Sơn Tinh đã định đặt sính lễ, việc này theo như giao ước trước đây, hối hận cũng không kịp.

Thủy Tinh từ đó về sau oán hận, trở về tâu với Đế Quân, xin binh mã, thường tiến đánh Sơn Thánh, tích thù kết oán. Cho nên tới nay mỗi năm vào tháng 7 tháng 8 thường dâng nước đến đánh. Người dân ở dưới núi đều bị ngập lụt, mưa gió. Các nơi đều bị thiệt hại nặng, đều là do từ việc này mà ra vậy.

Lại nói, Duệ Vương từ khi có được rể hiền là Sơn Thánh thì hưởng nước thanh bình, nhàn du bốn biển, như con vua tiên ông nơi đất xưa quê lạ, sông núi Thần Phù, Yên Tử, cao thấp mặt trời hồng, đám mây trắng, trăng gió ở Hoa Quật, Long Biên, trên dưới non xanh nước biếc. Lúc thì dạo chơi trên sông tiểu hoành ngắm trăng, nhàn thưởng cái thú vị của người câu cá. Đi qua xã Đồng Bảng, huyện Ma Nghĩa mà xây dựng hành cung Bắc. Lại du xuân săn bắn, đi đến xã Tri Lai lại lập hành cung Tây. Đi qua các xã Vật Lại, Cổ Đằng bèn xây dựng hành cung Trung tại đó. Lại đi qua vùng đất huyện Phúc Lộc mà lập hành cung Nam ở Bể Cạn.

Đến xã Vân Già thì lập hành cung Đông. Một hôm (ngày mồng 3 tháng Giêng) thánh giá đi đến xã Liễu Châu phủ Tam Đái, có một ngôi đền thủy thần được người dân phụng thờ từ xưa (Miếu thủy thần này ở xã Liễu Châu đã được xây dựng từ thời Hùng Vương khi Lạc Long Quân sinh được một bầu trăm trứng, nở ra trăm người con trai, bèn phân làm trăm vương. Năm mươi người theo cha là Thủy thần. Năm mươi người theo mẹ là Sơn thần. Năm mươi vị Thủy thần này tùy đang còn tại thế nhưng được phong thần để bảo giữ các nơi. Do đó xã Liễu Châu thờ phụng ba vị như vậy, đều không có tên thần). Đến khi Duệ Vương và hai vị Tả Hữu kiên thần của Sơn Thánh đi qua ngôi đền (tức là đền Thủy thần được xã Liễu Châu phụng thờ), bèn hỏi người dân rằng:

  • Dân các ngươi ở đây thờ phụng đền nào vậy?

Người dân bèn tâu rằng:

  • Từ xưa tới nay tiểu dân ở đất này phụng thờ đền Thủy thần.

Vua cùng với Sơn Thánh nói với dân rằng:

  • Thủy thần ngày nay có thù với nước nhà. Dân các ngươi sao dám thờ vậy? Hôm tới sẽ sai binh sĩ cùng dân các ngươi trừ khứ ngôi đền này đi.

Dứt lời tới ban đêm bỗng thấy trên sông sóng dồn vạn nhẫn, khí mây đầy sông mù mịt nổi lên, dâng nước đập sóng, dẫn đến nơi cung đền. Một chiếc thuyền rồng bỗng nổi lên trên mặt nước. Lại thấy ba người đường đường từ trong thuyền đi tới, đâu đội mũ rồng rạng rỡ, mình mặc áo long bào, giáp lân. Phía trước có hai người ôm một bàn đầy vàng cùng với một thanh ngọc đem tới trước nhà vua. Ba người cùng dập đầu làm lễ. Duệ Vương hỏi rằng:

  • Chức danh các vị thế nào? Ở đâu đến đây?

Ba người tâu rằng:

  • Chúng thần vốn là quan của Thủy quốc. Nay thấy Thánh vương ngự giá đến nơi chúng thần quản trị nên Thủy quốc có tấc lòng đem đến yết diện Thánh vương làm lễ mừng. Xin được chiếu cố cho.

Duệ Vương lại phán rằng:

  • Thủy quốc từ khi xảy ra sự việc tranh hôn sai ước đến nay trong lòng chứa oán tích thù. Bất thường mà dẫn quân đến đánh Sơn Thánh. Ngày hôm nay sao lại có lòng với Trẫm như thế?

Thủy quan tâu rằng:

  • Hôn sự vốn là do Đông Long cung. Nguyên căn là do quan Long hầu gây việc ác, đem họa đến cá nước. Còn Thủy quốc cùng với Dương đình đều có oán. Vả lại việc vị quân đó phản lại nước đều chỉ là do người đó, lỗi này cũng do việc hôn nhân, không phải do chúng thần. Xin Bệ hạ xét tình đó vậy. Nay may mắn được gặp Bệ hạ đi đến địa phương nơi đóng của chúng thần, chúng thần cùng nhau lên tại đây. Tuy là núi sông không cùng, nhưng đều là từ một bầu trăm trứng tạo ra của Tiên hoàng đế (Lạc Long Quân sinh một bầu trăm trứng, nở ra trăm người con trai. Năm mươi người theo cha là Thủy thần. Năm mươi người theo mẹ là Sơn thần, tức là trăm vương). Tí Ngọ cùng chia, nhưng đều cùng chung một nguồn phân phái vậy. Đâu phải là người ngoài.

Vua nghe lời nói đó, hỏi Sơn Thánh rằng:

  • Lời nói này cũng có lý, cũng là người một nhà.

Sơn Thánh tâu rằng:

  • Việc này có thể giải quyết được. Lại có thể phong tặng thêm.

Dứt lời Sơn Thánh cho gọi đón ba vị thủy quan vào trong cung, cùng chầu hai bên nhà vua. Ngày hôm đó sai mổ trâu, mở yến hội lớn, ca hát hơn mười ngày. Mây mưa mù mịt, gió sấm nổi lên. Việc yến hội xong, ngày hôm đó (từ mùng 6 đến 15 tháng Giêng thì ngừng) ba vị thủy quan từ biệt, trở về Thủy quốc. Mưa gió ù ù mà lên. Bỗng thấy giữa sông có một tiếng sấm nổ, mưa gió đều yên tạnh.

Khi ấy Duệ Vương quay giá trở về thành. Còn Sơn Thánh cùng với Tả Hữu kiên thần vẫn đóng quân ở đất đó (tức là Liễu Châu). Đến đêm bỗng thấy gió lớn thổi đến, ở nơi đền Thủy thần có một cây lớn bị gãy. Sáng sớm nhân dân đến nơi xem, lại thấy có một con Giải nằm ở trên cành cây gãy đó. Nhân dân đến đánh đuổi đi thì tự nhiên biến mất. Từ đó nhân dân gặp nhiều bệnh tật. Dân bèn làm lễ tâu với Sơn Thánh. Sơn Thánh nói với dân rằng:

  • Tất là do Thủy quan tác quái.

Ngay hôm đó Sơn Thánh sai mổ trâu, truyền dân đến làm lễ. Sơn Thánh thỉnh rằng:

  • Thủy quốc, Dương đình đều cùng huyết mạch. Nhân dân ở đây đều là thần tử một nhà. Nay trót vô lễ, xin được tạ vậy.

Từ đó, nhân dân đều được yên ổn. Bèn sai sửa chữa đền miếu (tức đền Thủy thần). Khi công việc xong, Sơn Thánh nằm mộng thấy một người, mình mặc áo trắng, cưỡi một con ngựa trắng tiến thẳng vào sân mà bái. Sơn Thánh hỏi rằng:

  • Ở đâu đến đây? Danh chức như thế nào?

Người áo trắng trả lời rằng:

  • Vốn tôi là giang sứ, vâng mệnh Thủy quân đến tạ Thánh vương. Sau có một bài thơ sai thần mang đến, xin ngài hãy xem.

Thơ rằng:

Sơn thuỷ giai đồng hợp nhất nguyên

Hạnh phùng thánh giá vãng giang biên

Thuỷ cung đắc hội sơn tiên khách

Vạn cổ hưởng đồng nhất thốn tiên.

Dịch là:

Sông núi đều cùng hợp một dòng

May thời thánh giá đến bên sông

Thủy cung được hội sơn tiên khách

Vạn thế hưởng cùng một dải hồng.

Xem xong thì bỗng nhiên tỉnh lại, mới biết là mộng. Sơn Thánh lại truyền làm lễ tạ.

Việc xong, ngay hôm đó (tức mùng 6 tháng Hai), nhân dân làm lễ tạ Sơn Thành, đều xin được làm thần tử. Sơn Thánh đồng ý, bèn truyền cho Tả Hữu hai quan trị nhậm hai cung (một là cung Phú Thứ, một là cung Phong Nhẫm).

Một hôm Sơn Thánh lại đến xã Yên Tiết tổng Đường Xá huyện Yên lạc, lại đi qua Sơn Dương, Tam Dương, đi đến huyện Bình Tuyền xứ Thái Nguyên, bèn lập hành cung ở đất đó, gọi là cung Ngọc Lậu. Còn các địa phương mà đã đi qua sau này đều lập đền thờ phụng.

Lại nói, Sơn Thánh cùng với Tả Hữu kiên thần (tức Tả Hữu phán quan, vốn là người động Lăng Sương, cũng là cùng tông phái với Sơn Thánh. Người cha là Nguyễn Ban, mẹ là Tạ Thị Hoan, nằm mộng thấy hai ngôi sao bay lạc vào trong mồm mà nuốt đi, do đó sinh một bầu hai con. Đến tuổi trưởng thành cha mẹ đặt tên là Nguyễn Hiển, Nguyễn Sùng. Khi đó cùng với Sơn Thánh đi học với tiên sinh Lý Đường. Đang khi đi học Sơn Thánh cùng với hai ông đều rất thông minh. Sơn Thánh thường nói với hai ông rằng:

  • Ta nếu có được ngôi trời thì sẽ cho hai ông là phụ tá hai bên.

Về sau cha mẹ Sơn Thánh cùng với hai ông đều mất. Từ đó cùng không đi học nữa, thường lên núi Tản Viên đỉnh Ngọc Lĩnh. Tính cách cương cường dũng mãnh. Người người đều gọi là thiên thần giáng thế. Đến khi Sơn Thánh tạo thành nghiệp lớn, quản được núi thiêng Ngọc Tản thì cho hai ông làm Tả Hữu kiên thần, giữ gìn hai bên núi Tản, làm chủ quản chúng man các nơi động sở. Một người bái là Cao Sơn Đại vương, một người là Quý Minh Đại vương, lấy làm phù tá hai bên cho Sơn Thánh vậy) quay giá về triều. Đến mùa hè tháng Tư, Duệ Vương sai sứ thần ban thêm sắc chỉ về dân (tức xã Liễu Châu), phong thêm mỹ tự cùng với đền Thủy quan (tức ngày mùng 10 tháng Tư). Hôm đó dân ấp làm lễ ăn mừng. Khi ấy mưa gió nổi lên, bốn bề mù mịt bay thẳng đến nơi đền thờ. Người dân đều kinh sợ, phục xuống. Nước sông như vang như sấm, ba ngày thì dừng. Duệ Vương phong thêm mỹ tự là:

  • Phong Thủy phủ Phù Tang Châu Lâm Đại Long Quân
  • Phong Thủy phủ Vô Biên Trang Nghiêm Vân Hải Long Quân
  • Phong Thủy phủ Đại Thiên Long Chủ Bát Hải Long Vương.

Cả xã Liễu Châu đều thờ.

Lại nói, khi Duệ Vương tuổi thọ đã được trăm năm, đến năm Kỷ Mùi, Thục Vương nghe nói Duệ Vương sinh được 20 hoàng tử đều theo nhau về chốn tiên bồng, không có người nối dõi, nhân đó bèn khởi binh đến đánh để chiếm lấy nước. Duệ Vương lo lắng. Sơn Thánh tâu rằng:

  • Bệ hạ khoanh tay rủ áo mà trị thiên hạ, sao phải lo lắng. Như sự thế hiện nay, thần xin được thay công thánh giá, thần xin được tự tìm tướng tài cùng với ba vạn quân mạnh. Thiên hạ trong ít ngày sẽ được yên định vậy.

Vua đồng ý. Thế là Sơn Thánh dẫn hai vị kiên thần động Lăng Sương (tức là các vị phán quan Tả thánh và Hữu thánh, phụ giúp Sơn Thánh vậy). Lại cùng vị cao tăng người xã Vân NHưng huyện Lập Thạch tên là Điểu, phong làm Đô thống Điểu Sơn Đại Vương, cùng với trung quân là Thái phó Nghi Lĩnh hầu theo đường sông Lô mà ứng chiến. Khi việc bày bố đã định, Sơn Thánh bèn dẫn tướng sĩ bản bộ đến bái tạ. Ngay hôm đó tiến đến xã Vân Chương, trú tại đây. Đến đêm vào lúc giữa canh hai, Điểu Sơn tướng quân mộng thấy một người xưng là Đao Sơn tiểu thần, tự xin theo tòng chinh âm phù cho hoàng gia, bỗng nhiên kinh sợ mà tỉnh dậy, bèn đem mộng đó tâu với Sơn Thánh. Sơn Thánh sai mổ trâu để khao tế, cầu đảo bách thần âm phù cho thế nước, đến khi biên giới được dẹp yên tất sẽ tâu lên Vua mà phong tặng (về sau phong Sơn Thánh là Tản Viên Sơn Thánh Quốc Trụ Đại vương, phong Tả thánh là Tản Viên Sơn Tả Thánh Quốc chủ Phù Dực Đại vương, Hữu thánh là Cao Sơn Quốc chủ Quý Minh Đại vương, Điểu Sơn tướng quân là Điểu Sơn Đại vương, Đao Sơn thần là Đao Sơn Đại vương, còn những người khác cũng được phong thêm).

Từ hôm đó đại quân tiến thẳng đến quân Thục, dẫn quân mã của mình, chia quân đánh dẹp, thế như sấm sét, đánh một trận lớn, thu được dấu ấn của quân Thục. Sơn Thánh bèn cho viết một bức thư của Thục chúa gửi tướng Thục, báo rằng:

  • Nước Văn Lang có một thần tướng. Nay các ngươi vâng mệnh dẫn quân đến đánh nước người, thì chớ có khinh động. Hãy đợi đến khi có chiếu thư báo tới thì việc này mới định được.

Viết xong thì lấy dấu ấn của quân địch đóng vào thư, sai người mặc quần áo của quân địch (tức là vị cao tăng hóa hình), tư xưng là sứ giả Thục, cưỡi ngựa đến đồn chính, đưa thư cho tướng Thục. Tướng Thục từ khi nhận được thư bèn ra sức cố thủ, nếu nghe có biến cũng không kịp gửi thư báo gấp. Sơn Thánh bèn dẫn quân ngày đêm đi hơn năm ngàn dặm, thẳng đến thành đô Thục, đánh một trận lớn, bắt sống chính tướng quân địch cùng với tất cả binh mã. Ba nhánh quân thủy bộ tự nhiên phải lùi chạy. Thế là Sơn Thánh quay trở về khải hoàn, đuổi hết quân địch, binh mã về triều báo tin chiến thắng. Ngay hôm đó mà đi gấp, không kể ngày đêm mưa gió. Đại quân tiến đến địa phận xã Vĩnh Thái huyện Quảng Đức (sau đổi thành phường An Thái) thì ngừng nghỉ. Cho nên ngày sau ở đất đó nhân dân đều thờ phụng.

Lại nói, ngày hôm đó Duệ Vương nhường ngôi cho Sơn Thánh. Sơn Thánh cố từ chối không nhận, tâu với vua rằng:

  • Mười tám đời cơ đồ họ Hùng, lòng trời có hạn nên mới bày ra việc Thục Vương thừa cơ gây hấn với Trung Hoa. Vả lại Thục Vương vốn là bộ chủ Ai Lao, cũng là tông phái của Tiền hoàng đế. Thế nước tốt xấu đều do định trước. Vua sao vì yêu mến khung cảnh trời Nam mà chống lại đạo trời vậy? Tất đem đến thế cục chinh chiến chết chóc, hai đến sinh linh. Chi bằng hãy cho cầu hòa mới là bậc hiền quân vậy. Cho gọi Thục đến nhường ngôi, tất là Bệ hạ có đức của Thánh vương vậy.

Vua nói:

  • Lời của ông thật là thiện lành. Rất có lý, có lý. Trẫm sẽ nghe theo lời này.

Bèn cho gọi Thục Vương đến nhường ngôi. Khi đó ngày mùng 9 tháng Giêng năm Giáp Thìn, Thục An Dương Vương nhận cơ đồ họ Hùng, bèn lên ngôi nắm quyền chính thống. Việc xong Duệ Vương cùng với Sơn Thánh và Tả Hữu kiên thần (một quản Lãng Sơn, thuộc phía Đông là vai trái, một quản Nộn Sơn, thuộc phía Tây là vai phải), cùng với vị Cao tăng, công chúa Ngọc Hoa cùng ngày bay lên trời hóa sinh bất diệt, đi mây về gió, ra âm vào dương, hoặc cưỡi xe rồng, hoặc ngồi xe phượng, dạo chơi Lãng Uyển, Bồng Doanh, ngắm cảnh sông núi, thế tục, giữ nước giúp dân, thật có nhiều hiển ứng.

Khi đến trời thu ngày mùng 6 tháng Tám, nhân dân xã Liễu Châu bỗng thấy binh mã của hai ông trở về cung sở. Dân bèn làm lễ bái mừng. Hai ông nói với dân rằng:

  • Địa mạch dân nơi đây có biến bất thường, lại có nhiều nạn lũ lụt.

Bèn truyền nhân dân xây dựng ở hai bên sông hai cung (tức là hai đền ở thôn Thượng, Hạ) để trấn áp lũ lụt, để bảo vệ nếp sống thuần hậu cho dân. Dứt lời thì tự nhiên biến mất.

Lại nói, khi Thục Vượng trị vì, nhân dân thường gặp hạn nặng, hoa mày khô héo. Nhân dân đói khát, bèn cầu khấn bách thần giúp nước, cầu phong ở các đền thiêng có nhiều hiển ứng linh thông thì gia phong mỹ tự là Thượng đẳng phúc thần. Đến mùa đông ngày mùng 10 tháng Mười An Dương Vương lại phong thêm mỹ tự.

  • Phong Thuỷ phủ Phù Tang Châu Lâm Đại đế Động Đình Quân
  • Phong Thuỷ Phủ Vô Biên Trang nghiêm Vân Hải Động Đình Quân
  • Phong Cao Sơn Hữu thánh Quốc chủ Quý Minh đại vương
  • Phong Tản Viên Sơn Tả thánh Quốc chủ Đại vương.

Toàn xã Liễu Châu cùng phụng thờ. Đền thờ ba vị Thủy quan ở chỗ bãi dâu nằm ở giữa, cả xã cùng thờ. Còn hai đền thờ Tả Hữu của Sơn Thánh (một là nơi Đồng Bàn, một là ở nơi Bãi Di) do thôn Thượng, Hạ lập riêng để cúng tế, do các vị cùng sinh cùng hóa nên không phân ra tế cúng riêng được.

Lại nói, qua thời Đông Hán, Ngô, Tấn, Tống, Tề, Lương tổng cộng 340 năm cho tới khi nước Nam trải qua bốn họ Đinh, Lê, Lý Trần, Tiền Lê, Hậu Lê, Tiền Lý, Hậu Lý, khai mở cơ đồ, thường có công giúp nước cứu dân, nên đế vương các thời có phong thêm mỹ tự, vạn năm hưởng cúng tế, hương hỏa vô cùng (các triều Đinh, Lê, Lý, Trần truy phong mỹ tự).

  • Phong Thuỷ phủ Phù Tang Châu Lâm Đại đế Động Đình Quân
  • Phong Thuỷ Phủ Vô Biên Trang nghiêm Vân Hải Động Đình Quân
  • Phong Thuỷ phủ Đại Thiên Long chủ Bát Hải Long Vương
  • Phong Cao Sơn Hữu thánh Quốc chủ Quý Minh Đại vương
  • Phong Tản Viên Sơn Tả thánh Quốc chủ Đại vương.

Hai thôn xã Liễu Châu phụng thờ.

Các ngày sinh hóa, các tiết tiệc lệ cùng với chữ húy, màu sắc phục đều được khai như sau.

  • Ngày mùng 3 tháng Giêng là ngày các vị thánh vương đi đến xã nhà. Làm lễ bái mừng ở nơi thôn Thượng, bày lập ở sân ngoài nơi đền thờ (lợn đen mổ chia làm ba cỗ, gọi là cỗ sồng, rượu ngọt một vò lớn, lấy trúc trắng làm cần, ba cần cùng cắm vào vò rượu, bánh chay ba mâm, cơm ba nồi, xôi xanh và đỏ mỗi vị hai bát, ca hát một ngày đêm)
  • Ngày mùng 6 đến ngày 15 tháng Giêng là ngày chính lệ Sơn Thánh cùng các thủy thần hội yến du xuân (cỗ trâu, lợn đen, ca hát, đấu vật, các xã cùng đến phụ tế)
  • Ngày mùng 6 tháng Hai là chính lệ làm lễ bái tạ, hai đền đều cùng làm lễ (cỗ trâu, lợn đen, rượu ngọt, bánh trôi 30 viên, mâm chay các thứ).
  • Ngày mùng 10 tháng Tư là chính lệ khánh hạ khai sắc ba vị thủy quan, dân làm lễ (trâu trắng lấy da làm chả, trứng gà sống 3 quả đặt vào trong bồn nước cùng với rượu ngọt, ca hát, chèo thuyền 3 chiếc)
  • Ngày 12 tháng Năm là chính lệ ngày sinh hai thánh (lợn đen, rượu ngọt, cỗ trâu các thứ, ca hát). Hai đền Thượng Hạ, trái phải đều tế cùng ngày.
  • Ngày 15 tháng Bảy là ngày khánh hạ cả 3 đền (gà, lợn).
  • Ngày mùng 6 tháng Tám là ngày khánh hạ hai thánh Tả Hữu (lợn đen, xôi, rượu).
  • Ngày mùng 10 tháng Chín là chính lệ hóa thần của hai thánh Tả Hữu (cỗ trâu, lợn đen, rượu ngọt, mâm chay các thứ).
  • Ngày mùng 10 tháng Mười là ngày khánh hạ mở sắc đền Thủy thần (trâu trắng như kê ở trước, trứng gà, rượu ngọt, ca hát các thứ).
  • Các chữ húy Tang, Lâm, Trang, Hải, Long, Hiển, Sùng đều cấm dùng.
  • Lễ phục hai màu xanh và hồng cấm dùng.

Niên hiệu Hồng Phúc năm đầu mùa xuân ngày mùng 5 tháng Ba, Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính vâng soạn.

 

No comments:

Post a Comment