Friday, July 26, 2024

Tên gọi của trống đồng, thạp đồng, bình đồng trong văn hóa Đông Sơn

Những vật dụng tiêu biểu của nền văn hóa đồ đồng Đông Sơn được biết là trống đồng, thạp đồng, bình đồng... Tuy nhiên, tên gọi những vật dụng này thực sự là gì ở thời kỳ trước Công nguyên thì có thể biết qua những dòng minh văn khắc ngay trên những hiện vật đó.

Theo TS. Nguyễn Việt, Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á chiếc trống đồng tìm thấy ở thôn Trạch Bái, xã Hòa Lâm huyện Ứng Hòa có dòng chữ được đọc là: “Cửu Chân trọng lục quân, ngũ cân, bát lạng, danh viết Phú, đệ vị thập nhất". Tạm dịch: “ trống Cửu Chân nặng sáu quân, năm cân, tám lạng, tên gọi là Phú, thứ bậc số mười một”. 

Tuy vậy, TS. Đinh Khắc Thuân, Viện nghiên cứu Hán Nôm, lại đọc 2 chữ đầu không phải là địa danh "Cửu Chân", mà là "Kim nghiễn" 金甗, tức là cái nồi (chõ) đồng. Chiếc trống đồng Trạch Bái được gọi là "chõ đồng" rất có lý, vì trống đồng được biết có công dụng làm nồi để nấu ăn. Sau chữ Nghiễn còn chữ Nhất, nên dòng chữ trên trống đọc đầy đủ là: Kim nghiễn nhất trọng quân ngũ cân bát lạng, danh viết Phú, đệ vị thập nhất. Nghĩa là: Một chiếc chõ đồng nặng 6 quân 5 cân 8 lạng, tên là Phú, thứ 11.

Trống đồng Trạch Bái (ảnh TS. Nguyễn Việt)

Hai chữ đầu trong minh văn trên trống đồng Trạch Bái (ảnh TS. Nguyễn Việt)

Một hiện vật khác có minh văn nổi tiếng là trống đồng Cổ Loa. Dòng chữ trên trống đồng Cổ Loa được TS. Nguyễn Việt đọc là: “Việt tập (tứ thập) bát cổ, trọng lưỡng cá bách bát thập nhất cân”, Dịch nghĩa: Chiếc trống đồng thứ 48 của Việt tộc, nặng hai trăm tám mươi mốt cân. Chữ đầu tiên là chữ Vu 雩có thể dòng thông với chữ Việt 粵 trong Kim văn, nên cách hiểu như trên là có khả năng. Chữ Vu nguyên nghĩa như một từ đệm mở đầu câu, ở đây có thể hiểu tương đương với chữ Đệ, với nghĩa là "Thứ". Nếu hiểu như vậy thì dòng chữ trên trống Cổ Loa có nghĩa là: Chiếc trống đồng thứ 48, nặng hai trăm tám mươi mốt cân.

Ở trường hợp trống Cổ Loa, minh văn gọi đúng đây là trống qua chữ Cổ 鼓 (hoặc Trú 壴, cũng có nghĩa tương đương là loại nhạc khí dạng trống).

Minh văn trên trống đồng Cổ Loa (ảnh TS. Nguyễn Việt)

Đối với thạp đồng, TS. Nguyễn Việt có giới thiệu một chiếc thạp thuộc Bảo tàng Barbier-Mueller (Geneva - Thuỵ Sĩ). Trên thạp có dòng 22 chữ, mà được TS. Nguyễn Việt đọc là "Long Xoang trọng lục hoành danh viết quả đệ vị ngũ thập nhị dung nhất trấp nhất đấu thất thăng bán thăng". Dịch nghĩa: Thạp Long Xuyên, cân nặng sáu hoành, là đồ vật thứ 52, tên gọi là "Quả", chứa được 21 đấu bảy thăng rưỡi. 

Tuy nhiên, chữ thứ 2 trong dòng chữ này có thể thấy rõ có bộ Kim 金, chỉ một vật đồ đồng, chứ không phải chữ Xoang 腔 mang bộ Nhục (thịt). Chữ thứ 2 này đúng ra phải đọc là Bàn 鎜, dạng khác của chữ Bàn 盤, nghĩa là cái chậu. Như vậy dòng chữ trên thạp này đọc là "Long bàn trọng...", nghĩa là Chiếc chậu rồng nặng..."


Hai chữ đều trên thạp đồng ở Thụy Sĩ (ảnh TS. Nguyễn Việt)

Một chiếc thạp có chữ khác hiện được trưng bày ở bảo tàng Hoàng Long tại Thanh Hóa. Chữ trên chiếc thạp này còn có thể đọc được là: "Kim bàn nhất danh viết Trân, đệ ? vị" 金鎜一名曰鉁第?未, nghĩa là: "Một chiếc chậu tên gọi là Trân, chiếc thứ ?". Tên gọi chiếc thạp này được khắc là Trân 鉁 bằng bộ Kim, chỉ đồ dùng bằng đồng. Chữ Trân này tương đương với chữ Trân 珍 bộ ngọc, chỉ đồ vật quý, khác là đồ vật này bằng kim loại. Ở chiếc thạp này cũng dùng chữ Bàn 鎜 như trong trường hợp chiếc thạp ở Thụy Sĩ.

Dòng chữ trên thạp đồng ở bảo tàng Hoàng Long, Thanh Hóa

Cuối cùng là chiếc bình đồng tìm thấy trong mộ Nghi Vệ, Bắc Ninh hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Trên chiếc bình này có dòng chữ được TS. Nguyễn Việt đọc là: "Luy Lâu hồ dung nhất thạch danh viết vạn tuế đệ vị thập lục”, nghĩa là: Bình của Luy Lâu, chứa được một thạch, tên gọi là “Vạn Tuế”, là đồ vật thứ 16. 

Tuy nhiên, cũng tương tự như những vật đồ đồng trên, 2 chữ đầu của chiếc bình có bộ Kim 金 khá rõ. Vì thế hai chữ này phải đọc là Kim lũ 金鏤. Cả dòng chữ đọc thành "Kim lũ hồ..." tức là "Chiếc bình đồng có chạm khắc..."

Bình đồng Nghi Vệ và dòng chữ

Như vậy, trống đồng ngoài dùng là nhạc khí có tên gọi là Trống (hay Trú), còn được gọi là cái Chõ (Nghiễn). Thạp đồng còn gọi là cái Chậu (Bàn). Bình đồng gọi là Hồ, không khác ngôn ngữ ngày nay.

Trên các đồ đồng Đông Sơn người Việt đã sử dụng chữ tượng hình một cách thành thạo, gọi tên đồ vật, ghi lại danh xưng, trọng lượng, dung lượng, thứ tự của đồ vật. Có thể nói những chữ Kim văn trên đồ đồng này chính là chữ viết của người Việt khi đó, vốn được lưu truyền là chữ Khoa đẩu.





 


No comments:

Post a Comment