Wednesday, July 24, 2024

Công đồng Thủy phủ


Gương đồng dạng trùng liệt thần thú thời Tam Quốc tìm thấy ở di chỉ Óc Eo - Ba Thê.

Thoải phủ hay Thủy phủ trong địa lý văn hóa Việt ứng với hướng Đông, nơi có biển Đông (Động Đình) và đồng bằng sông Hồng (sông Đào). Cội nguồn của đạo Mẫu Tam Tứ phủ xuất phát từ khu vực này nên Thoải phủ đóng vai trò rất quan trọng trong thần điện của Tứ phủ. Xin điểm lại những vị thần chính được ghi chép và thờ phụng trong Động Đình Thoải phủ.

Các vị thần của Thủy phủ được kể đến từ những hướng ghi chép khác nhau. Huyền sử Việt như trong Truyện họ Hồng Bàng của Lĩnh Nam chích quái được lấy làm căn cứ chính. Truyền thuyết Trung Hoa về các vị thần thời cổ, đặc biệt là trong Đạo giáo, là một góc nhìn khác. Tín ngưỡng thờ cúng các vị thủy thần ở miền Bắc Việt và miền Trung (Nghệ An, Hà Tĩnh) cũng là những sắp xếp khác của 2 vùng đất cổ Hồng và Lạc từ thời lập quốc Hùng Vương. Cổ Lôi ngọc phả truyền thư, do Nguyễn tộc lưu truyền ở khu vực Thanh Oai lại là một cách kể, cách sắp xếp khác nữa. Nhưng tất cả đều là hình bóng của một giai đoạn lịch sử của người Việt đã theo cha Lạc Long Quân đi khai phá miền duyên hải phương Đông.

Động Đình Đế Quân

Khởi đầu của Thủy phủ Động Đình là từ Động Đình Đế Quân, người cha của mẫu Thần Long, được nhắc đến trong Truyện họ Hồng Bàng. Trong các di tích vị này được thờ với tên là Thủy phủ Phù Tang Cam Lâm Đại Đế, như ở làng An Nội, thôn Khương Thị, tổng Cổ Viễn, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, hay ở đền Thanh Liệt và đền Nghĩa Sơn bên dòng sông Lam của huyện Hưng Nguyên, Nghệ An.

Ở khu vực kinh đô rồng của Thủy quốc Động Đình tại trên đất Thăng Long, Động Đình Đế Quân chính là thần Long Đỗ được kể đã từng hiển linh trước Cao Biền trong Truyện thần chính khí Long Đỗ. Đền thờ thần là đền Bạch Mã, trấn Đông của thành Thăng Long. Chú ý là đền Bạch Mã thờ cả 2 vị thần là thần Long Đỗ và thần Tô Lịch (Bạch Mã), nên thần Long Đỗ không phải là thần Bạch Mã. Một nơi khác thờ 2 vị thần này là ở vạn Liên Ngạc ven sông Hồng trên vùng Từ Liêm, thờ Thủy phủ Chí tôn Long Vương và thần Tô Lịch. 

Cổ Lôi ngọc phả của Nguyễn tộc ở Bình Đà cũng cho biết cụ Long Đỗ Hải Vương trấn trị ở cửa sông Tô Lịch vùng Nghi Tàm, là cha của bà Đỗ Thị Ngoan, tức là mẫu Thần Long trong trong Truyện họ Hồng Bàng.

Trong truyền thuyết Trung Hoa thì Thủy phủ Phù Tang Cam Lâm Đại đế là Đông Vương Công hay Đông Hoa Đế quân, vị thần chủ các nam tu trong Đạo giáo. Trên gương đồng thời Đông Hán - Tam quốc thường có đúc hình Tây Vương Mẫu và Đông Vương Quân như hai vị thần chủ các vị thần tiên ở 2 hướng Đông Tây, cho các nam - nữ đạo nhân.

Thần Long Động Đình

Vị mẫu của Thoải phủ là bà Xích Lân Long Nữ, là con gái của Long Vương Động Đình, vợ của Kinh Dương Vương trong Truyện họ Hồng Bàng. Bà là người sinh ra Lạc Long Quân. Mẫu Thần Long đặc biệt có nhiều tên gọi trong các sự tích khác nhau như là Động Đình thánh mẫu Phan Cù Nương trong sự tích ở La Phù, Thanh Thủy, Phú Thọ, hay là bà Trang Hoa trong sự tích ở Đào Xá, Thanh Thủy, Phú Thọ, hay là Quý Nương sinh Hoàng xà trong sự tích ở Đào Động, Quỳnh Phụ, Thái Bình. Bà cũng là Đông Cuông Thánh mẫu ở Tuyên Quang, người sinh ra Linh Uyên Đại vương ở đền Ngọc Tháp, Lâm Thao, Phú Thọ. Bà là bà Diệu Đế trong sự tích Uy Linh Lang ở hồ Dâm Đàm. 

Trong sự tích về Tản Viên Sơn Thánh thì bà là con rắn Thủy Tinh, con của Động Đình Long Vương, đã được Sơn Thánh cứu sống bên bãi Trường Sa. Trong dòng sử Cổ Lôi ngọc phả thì đây là con gái của Long Đỗ Hải vương, tức là bà Đỗ Thị Ngoan, người được tôn là Sa Bà giáo chủ. Trong truyền thuyết Trung Hoa bà là Đồ Sơn Thị, người đã kết duyên cùng với vua Đại Vũ khi trị thủy.

Kinh Dương Vương

Một trong những vị vua của Thủy phủ chính là Kinh Dương Vương, được kể đến là vị Liễu Nghị. Di tích về Liễu Nghị cùng với Xích Lân Long Nữ còn dọc theo sông Hồng như ở Thanh Miện, Hải Dương, hay ở vùng Hà Nam, thậm chí còn vào tới Nghệ An như tại đền Nghĩa Sơn, Hưng Nguyên. Trong Hoa sử thì Kinh Dương Vương là vua Đại Vũ trị thủy ở Long Môn.

Với tư cách là cha của các vị Long hầu, Kinh Dương Vương được kể là Hùng Hải ở sự tích Đào Xá, Thanh Thủy, Phú Thọ, hay ông Đào Bột trong sự tích về Thổ Lệnh Trưởng Trung Thành Phổ Tế Đại vương. Ở Nghệ An, có sự tích Kinh Dương Vương gặp Thần Long tại cửa biển Hội Thống. Ở vùng này Kinh Dương Vương được thờ là Mạch Sơn Trấn quốc, hay đơn giản là Mạc Sơn trong tên thần Cao Các Mạc Sơn.

Trong Cổ Lôi ngọc phả thì Kinh Dương Vương được gọi là cụ Nguyễn Minh Khiết, người đã ruồng bỏ bà Đỗ Thị Ngoan. Cụ Nguyễn Minh Khiết có 2 anh em nữa là Nguyễn Nghi NhânNguyễn Long Cảnh. Đây là bộ ba Tam vị Tản Viên, được Cổ Lôi ngọc phả gọi thành Tam phủ Công đồng.

Cụ Nguyễn Long Cảnh tuy không phải đứng trong Thủy phủ Động Đình nhưng là người có liên quan mật thiết tới Thủy phủ vì đã theo giúp cháu đánh giặc. Trong tín ngưỡng Việt thì vị này được thờ là Lãng Nhạc Quý Minh, Hữu kiên thần của Tản Viên Sơn Thánh, người từng đi từ cửa Thần Phù lên đến bến Long Đỗ và hóa ở đó. Đền thờ Quý Minh ở Thăng Long là ở phường Đông Hà, huyện Thọ Xương dưới thời Lê là ngôi đền tham gia vào lễ tế Xuân ngưu của kinh thành.

Lạc Long Quân

Vua cha Bát Hải Động Đình, người đứng đầu thủy cung thì không ai khác là cha Lạc Long Quân mà người Việt coi là quốc tổ. Trong Tứ phủ Lạc Long Quân được gọi là vua cha Bát Hải Động Đình, xuất thế nơi biển Động Đình, đánh giặc Thục ở phía Tây, dựng nên nước Đào – Hoa. Đền thờ chính là đền Đồng Bằng ở Quỳnh Phụ, Thái Bình. Trong Hoa sử thì đây là Hạ Khải, người mở đầu Hoa Hạ.

Ở vùng hồ Tây, Lạc Long Quân là thủy thần hồ Dâm Đàm, người đã cùng Lục bộ thủy phủ dâng nước diệt Cửu vĩ Hồ. Ở đây Lạc Long Quân được thờ với tên là Linh Lang hay Uy Linh Lang, cũng là vị thần rất phổ biến ở ven các dòng sông trên đồng bằng Bắc Bộ.

Trong Cổ Lôi ngọc phả Lạc Long Quân được gọi là Kinh Dương Vương Nguyễn Quảng, mà dẫn chứng cụ thể là bức giá tượng Lạc Long Quân ở đình Nội Bình Đà được ngọc phả này gọi là Kinh Dương Vương. 

Trong quan hệ với Động Đình Đế Quân (Long Đỗ) và Bột Hải Vương (Kinh Dương Vương) thì Lạc Long Quân được thờ là Hà Bá Thủy quan. Tục thờ Hà Bá Thủy quan gặp phổ biến ở Hà Nam như ở làng Hàn Mặc - tổng Cổ Viễn, làng An Cước, làng An Thái - tổng Ngô Xá, huyện Bình Lục, làng An Mông, tổng Đọi sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Hà Bá Thủy quan còn gặp ở trong các đền thờ Thủy phủ ven sông Lam ở Nghệ An như đền Thanh Liệt, đền Nghĩa Sơn ở huyện Hưng Nguyên.

Ngũ vị tôn quan

Riêng Thoải phủ với vai trò lập quốc như vậy nên có thêm hàng các vị quan lớn, hợp thành ban Công đồng trong thần điện. Đây là những vị quan tướng đã theo vua cha Bát Hải làm cuộc “kháng chiến” đánh Thục và lập nên quốc gia lịch sử chính thức đầu tiên của người Việt là Hoa Hạ.

Trong số 5 vị thì đáng kể nhất là Quan lớn đệ Tam và Quan lớn đệ Ngũ. Quan đệ Tam là Trưởng Lệnh hay Thổ Lệnh (Thủ Lệnh), đứng đầu quan chức của Thoải phủ. Nơi hiển danh của ông là Lảnh giang hay Yên Lệnh (nơi yên nghỉ của Trưởng Lệnh). 

Quan lớn đệ Ngũ còn gọi là Quan tuần Tranh, có lẽ là người “thi hành công vụ” chính (nay ta gọi là hành pháp). Nơi hiển danh chính là ở sông Tranh (Hải Dương). Quan đệ Ngũ còn được gọi là Thạch Khanh trong sự tích các vị thần Tam Giang của ngã ba Bạch Hạc. Vị này nổi tiếng còn bởi nỗi oan khuất, bị đày lên sông Kỳ Cùng ở Lạng Sơn.

Sự tích các vị thủy quan sinh cùng một bọc, lớn lên được cử trấn nhậm các phương đầu sông góc biển có khá nhiều. Như đó là 5 vị Long Vương trong sự tích La Phù, Thanh Thủy, Phú Thọ. Hay Tam Công Long Vương trong sự tích Đào Xá, Thanh Thủy, Phú Thọ. Hay 5 vị Quảng Xung, Quảng Bác, Quảng Tế, Quảng Hóa, Quảng Xuyên ở vùng Ứng Hòa. Cũng là Tam Lang Long Vương thờ phổ biến ở vùng Hà Tĩnh.

5 vị tôn quan trấn trị 5 phương, được truyền thuyết Trung Hoa gọi là Ngũ đế Thiên hoàng hay Ngũ phương Yết đế. Hình tượng 5 vị này được thể hiện trên những chiếc gương dạng thức trùng liệt thần thú, gặp phổ biến dưới thời Tam quốc.

Cổ Lôi ngọc phả kể 8 người anh em họ Đỗ đi tu trở thành Bát bộ Kim cương, cũng chính là các vị tôn quan của Thoải phủ. Trong sự tích hồ Dâm Đàm thì đây là Lục bộ Thủy phủ của Lạc Long Quân hay Đoài hồ Thất Giáp theo Uy Linh Lang như ở đình Nhật Tân. Phía bên đường Thụy Khuê, là ven sông Tô Lịch trước đây thì các vị Lạc Long hầu là hai vị Cống Lễ Cá Lễ ở đền Dực Thánh và đền Vệ Quốc.

Tuy không thuộc giai đoạn lập quốc vùng sông nước Động Đình, nhưng lại có liên quan đến thời kỳ này là những vị thần của dòng Lạc Long ở giai đoạn cuối của Kinh triều. Sử Việt gọi là Sùng Lãm (phân biệt khác với Lạc Long Quân ở giai đoạn đầu Kinh triều). Ở vị trí này thì Sùng Lãm là Tản Viên Nguyễn Tuấn. Cổ Lôi ngọc phả gọi là Hùng Lãm, là Pháp Lôi trong Tứ pháp. Trong Hoa sử đó là vị Bắc bá hầu của nhà Ân Thương, được biết dưới tên Sùng Hầu Hổ, đã chống lại cuộc tấn công của Tây bá hầu Cơ Xương, mà sử Việt gọi là giặc Thục. Những người anh em của Tản Viên Nguyễn Tuấn Cao SơnQuý Minh, cũng là trong bộ Tứ pháp của Cổ Lôi ngọc phả. Phân biệt các vị Cao Sơn, Quý Minh họ Sùng ở đời Hùng Vương thứ 18 (đời cuối) với các vị Cao Sơn, Quý Minh trong bộ Tam vị Tản Viên thời lập quốc Kinh triều.

Câu ca dao xưa về dòng dõi Tiên Rồng xuất phát từ cái nôi Đào Hoa Hạ ở vùng Động Đình Thủy phủ:
Gió Động Đình mẹ ru con ngủ
Trăng Tiền Đường ấp ủ năm canh
Tiết trời thu lạnh lành lanh
Cỏ cây khóc hạ, hoa cành thương đông
Bống bồng bông, bống bồng bông
Võng Đào mẹ bế con Rồng cháu Tiên.


 

 

No comments:

Post a Comment