Sunday, July 21, 2024

Về vị thần Trung Thành Phổ Tế Đại vương – Thổ Lệnh Thống quốc Lạc Long hầu, Nam long Trưởng lệnh, quyền đảm Trung Hoa tể quốc

Trung Thành Phổ Tế Đại vương là một vị thần được thờ ở nhiều nơi, rộng khắp dọc theo sông Hồng. Thống kê trong hệ thống bản khai thần tích thần sắc các làng năm 1938 thì có 96 nơi thờ Trung Thành Đại vương, tập trung nhất là ở Hà Đông cũ (chủ yếu ở Thường Tín, Phú Xuyên) gồm 37 nơi, Hà Nam 14 nơi (chủ yếu ở Duy Tiên), Hưng Yên 11 nơi (Kim Động), Kiến An (An Dương, Hải Phòng nay) 11 nơi, Sơn Tây 6 nơi (Quốc Oai và Phúc Thọ, nay thuộc Hà Nội), Phú Thọ 2 nơi (Việt Trì), Vĩnh Yên và Bắc Ninh mỗi chỗ 4 nơi. Đây chắc chắn là thống kê còn chưa đầy đủ, số lượng các nơi thờ Trung Thành Đại vương như vậy lên tới hàng trăm chỗ.

Sự tích về Trung Thành Đại vương có thể tóm tắt như sau: Vào đời Hùng Duệ Vương, có ông bộ trưởng Hải Dương là họ Đào tên Bột, lấy vợ thứ, sinh một bầu năm trứng, nở ra 5 người con trai, đặt tên là Cự, Hồng, Trưởng, Thạch Khanh, Quý Lân. 5 người con có hình dung tướng mạo kỳ dị, tính ưa chơi đùa dưới nước, khi trưởng thành sớm có kỳ tài dị thuật. Khi vua Hùng mở trường thi tuyển hiền, 5 người ra ứng thí, được nhà vua phong chức trong, phụ trách 5 phương. Các ông nhận nơi trị nhậm, an yên dân chúng ở đó, mưa nắng thuận hòa, mùa màng tươi tốt. Khi đất nước có quân Thục đến đánh, các ông cùng với Tản Viên Sơn Thánh dẫn quân chống giặc. 3 vị Cự, Hồng, Quý hóa sớm. Ông Trưởng được thăng chức là Thổ Lệnh Trưởng, cầm đầu thủy quân, phá tan giặc. Rồi ông lại đánh giặc Hồng Châu, chém đầu tướng giặc. Sau ông được phong là chưởng quản thuyền rồng, là Trung Hoa tể quốc, đi tuần hành khắp dọc các sông. Ông xây dựng cung thứ nhất ở ngã ba Bạch Hạc, cung thứ hai ở ngã ba sông Lương giang, và nhiều hành cung các nơi khác. Sau này ông hóa ở cung Tông Chất (tức Đa Chất ở Lương giang), được tôn thờ là Trung Thành Phổ Tế Đại vương. Đến đời Đường Vĩnh Huy, đô đốc Giao Châu là Lý Thường Minh có gặp các ông hiển ứng ở quán Tam Thanh tại ngã ba Bạch Hạc. Khi đó hai ông Thổ Lệnh và Thạch Khanh thi đấu tài nghệ. Ông Thạch Khanh lấy sức nhảy qua bờ bên kia sông thì đã thấy ông Thổ Lệnh ở đó trước. Thế là Lý Thường Minh cho tạc tượng hai ông để thờ trong quán Tam Thanh bên bến Việt Trì. Truyện này được chép trong Lĩnh Nam chích quáiViệt điện u linh.

Bài vị Trung Thành Phổ Tế Đại vương ở đình Đồng Văn, Hà Nam.

Phân tích so sánh sự tích về Trung Thành Thổ Lệnh Trưởng có thể nhận ra rằng:

1.    Ông bộ trưởng Đào Bột: tương tự sự tích Hùng Hải Công ở Đào Xá, Phú Thọ, sau làm bộ trưởng Hải Dương, có tên là Hải Vân Long Vương Động Đình Thủy Đế. Đây cũng là Kinh Dương Vương, với góc nhìn từ Thủy phủ Động Đình.

2.    Nhất bào ngũ tử: Trước khi sinh bà phu nhân của ông bộ trưởng từng gặp điềm 5 quả trứng trên mặt nước trôi đến, vỡ chảy thành nước thấm quanh người, từ đó mang thai sinh ra một bọc 5 trứng.  Nở ra 5 người con có hình dáng kỳ dị như thủy thần xuất thế. Sự tích này tương tự việc bà Trang Hoa sinh Tam Công Long Vương ở Đào Xá, Thanh Thủy, Phú Thọ. Cũng giống chuyện bà Phan Cù Nương sinh ba con rắn ở Thanh Thủy, Phú Thọ, hay chuyện Quý Nương sinh 3 con Hoàng xà ở đền Đồng Bằng, Quỳnh Phụ, Thái Bình. Cũng giống như sự tích 5 anh em cùng bọc Quảng Bác, Quảng Xung, Quảng Xuyên, Quảng Tế, Quảng Hóa ở khu vực Duy Tiên – Cầu Giẽ – Chương Mỹ, hay chuyện Tam Lang Long Vương ở Hà Tĩnh, và nhiều nơi khác, với cốt truyện chung là sinh bọc trứng nở ra 2, 3 hay 5 người con hình dáng như rồng rắn, là thủy thần xuất thế.

3.   Những người con khi trưởng thành được cử đi trấn nhậm các xứ đầu sông góc biển. Ngọc phả làng Phú Nhiêu (Phú Xuyên, Hà Nội) chép:

·     Ông thứ nhất làm chủ tể quận thành Hải Dương, đóng ở ngã ba sông Hồng

·     Ông thứ hai làm chủ tể đạo Sơn Tây ở ngã ba hợp lưu của sông Lâm Thao, sông Đà, sông Chiểu, tục gọi là ghềnh Ba Chậu (Triệu).

·     Ông thứ ba là ông Trưởng là chủ tể quận thành Sơn Nam, đóng tại đất trang Tông Chất, huyện Phù Vân, phủ Thường Tín. Cung điện dựng ngự ở nơi trán rồng chỗ ba sông Lương, sông Du, sông Tô hợp lưu.

·     Ông thứ tư là ông Quý xây thành và cung điện ở thành Kinh Bắc, ngã ba sông Vũ, sông Cẩm, cung đóng ngự ở thế chính đầu vùng đất chim loan.

·      Ông thứ năm xây thành ở Nam Chân, quận Giao Chỉ, ngã ba sông Vạn và cửa biển, cung ngự đóng ở chính cục đầu con lân.

Một trong những nơi các ông trấn nhậm là ghềnh Ba Triệu ở chỗ hợp lưu của sông Đà, sông Thao, chính là khu vực Thanh Thủy, nơi có sự tích các vị thủy thần trấn nhậm trong thần tích Đào Xá hay thần tích La Phù.

4.    Ngũ vị tôn quan: Sự tương đồng trong sự tích về sinh một bầu nở ra nhiều người con và đặc biệt là sự trùng khớp về nơi hiển linh của vị thứ ba Trung Thành Thổ Lệnh Trưởng ở Đa Chất (Duy Xuyên) với Quan lớn Đệ tam Thoải phủ ở đền Lảnh (Yên Lệnh) cho thấy 5 anh em trong sự tích Trung Thành Đại vương cũng là Ngũ vị tôn quan của Tứ phủ.

5.    Trung Quốc Hoa Hạ: Triều đại của ngũ vị long hầu này là thời Lạc Vương, như ngọc phả Phú Nhiêu có gọi Thổ Lệnh Trưởng là Lạc Long hầu. Đây cũng là thời kỳ mở đầu của nhà Hạ của Trung Hoa, được nhắc tới trong họ Đào của ông bộ trưởng Hải Dương vì Đào là màu đỏ, cũng tương ứng với Hoa Hạ. Thổ Lệnh Trưởng còn được phong chức là Trung Hoa tể quốc, càng cho thấy rõ điều này.

6.    Giặc Thục ở Hồng Châu: 5 vị long hầu thủy quốc thường được chép là đánh giặc Thục và/hoặc đánh giặc Hồng Châu. Đây là cuộc chiến lập quốc của nhà Hạ, khi Lạc Long Quân (tức Hạ Khải) đã đánh đuổi chính dòng của Đế Nghi và Đế Lai, dành lấy quyền cai quản Thiên hạ Trung Hoa khi đó. Đế Nghi vốn đóng đô ở đất Hồng Lĩnh nên dòng tộc này được truyền thuyết gọi thành giặc Hồng Châu. Đế Lai bị đánh đuổi phải bỏ chạy về phía Tây lên núi, nên được gọi là dòng Thục (Thục nghĩa là phía Tây).

7.    Ngũ đế thiên hoàng: 5 người con trấn nhậm 5 phương Đông Tây Nam Bắc, là các Long Vương của những khu vực này. Ngọc phả đình Tri Thủy (Phú Xuyên) chép:

·         Người thứ nhất là Đông Long Thái sư

·         Người thứ hai là Tây Long Thái phó hầu

·         Người thứ ba là Nam Long Trưởng lệnh hầu

·         Người thứ tư là Bắc Long Thái bảo hầu

·         Người thứ năm là Trung Long Thiếu quý hầu.

5 vị Long hầu ở đây tương ứng với Ngũ đế thiên hoàng trong Đạo giáo Trung Hoa, theo Lão Tử trung kinh:

·    Thần phương Đông tên là Câu Mang Tử, hiệu là Văn Thuỷ Hồng Nhai Tiên Sinh, là Đông phương Thương đế, Đông Hải quân;

·   Thần phương Nam tên là Chúc Dung Tử, hiệu là Xích Tinh Thành Tử, là Nam phương Xích đế, Nam Hải quân;

·   Thần phương Tây phương tên là Nhục Thu Tử, hiệu là Hạ Lý Hoàng Công; là Tây phương Bạch đế, Tây Hải quân;

·    Thần phương Bắc tên là Ngu Cường Tử, hiệu là Huyền Minh Tử Xương, là Bắc phương Hắc đế, Bắc Hải quân.

·    Thần Trung ương tên là Hoàng Thường Tử, hiệu là Hoàng Thần Bành Tổ, là Trung ương Hoàng đế quân.

Tứ hải Long Vương (Đông Hải, Tây Hải, Bắc Hải, Nam Hải) như vậy thực ra không phải là 4 vùng biển, mà là 4 khu vực sông nước ở thời kỳ lập quốc, chia theo 4 phương.

8.    Truyện Thổ Lệnh và Thạch Khanh hiển linh và được thờ ở quán Tam Thanh bên bến Việt Trì cho thấy rõ 2 vị này là các thủy thần trấn phương của Đạo giáo. Điều này càng xác chứng rằng việc khắc đúc Ngũ đế thiên hoàng lên những chiếc gương đồng thời kỳ Đông Hán – Tam Quốc, khi Đạo giáo trở thành một tôn giáo chính thống ở phương Đông.

9.   Ngũ phương yết đế: Theo tư liệu về đền thờ Sát Hải Đại vương ở xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu, Nghệ An, nơi đây trong lễ thả thuyền rồng (lễ tống long chu) hàng năm vào ngày 15 tháng Ba âm lịch, pháp sư mở đầu khi nhập đàn đọc chú:

·    Phụng thỉnh Đông phương Thanh đế Thanh Long Vương hàm phù chân khí ngộ nhập thủy trung;

· Phụng thỉnh Tây phương Bạch đế Bạch Long Vương hàm phù chân khí ngộ nhập thủy trung;

· Phụng thỉnh Nam phương Xích đế Nam Long Vương hàm phù chân khí ngộ nhập thủy trung;

·  Phụng thỉnh Bắc phương Hắc đế Hắc Long Vương hàm phù chân khí ngộ nhập thủy trung;

·   Phụng thỉnh Trung ương Hoàng đế Hoàng Long Vương hàm phù chân khí ngộ nhập thủy trung.

Có thể thấy, tục thỉnh Ngũ phương yết đế vẫn còn lưu lại được trong lễ tế ở miền Trung. Ngũ phương Long Vương ở đây chính là Ngũ vị tôn quan của Thoải phủ hay 5 anh em trong câu chuyện về Trung Thành Thổ Lệnh Trưởng.

Khởi đầu từ Lạc Long Quân mở Hoa Hạ, thiên hạ lúc này được phân chia thành 5 phương Đông Tây Nam Bắc và Trung ương. Mỗi một phương do một vị hầu tước cai quản. Cách thức chia thiên hạ này còn kéo dài mãi đến cuối thời nhà Ân Thương, khi đó Cơ Xương là Tây Bá hầu phụ trách miền Tây (Tây Kỳ) và Sùng Hổ là Bắc Bá hầu, phụ trách phương Bắc xưa (tức phương Nam nay). Sự tích về Trung Thành Phổ Tế Đại vương như vậy thực sự là một bản tóm lược lịch sử của thời kỳ theo cha xuống biển, khai mở vùng sông nước ven biển Đông.

Miếu Phú Nhiêu ở Phú Xuyên, Hà Nội.


No comments:

Post a Comment