Monday, August 26, 2024

Sự tích Long Vương

Thần tích vạn Liên Ngạc, xã Liên Ngạc, tổng Phú Gia, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông

Danh tiếng Hải Độc Long Vương lưu truyền từ xưa, mà dấu tích thiêng rạng tỏ từ triều Trần. Sự cũ ở phường Hoa Ngạc, nguyên ở bờ Bắc sông Từ Liêm, gọi là phường Võng La, thuộc huyện Yên Lãng, Sơn Tây. Bờ đối diện bên kia sông là ghềnh Thượng Bạc. Phường này quen lấy đánh cá làm nghề nghiệp sinh sống, có một mái đình ba gian dựng bằng gỗ lá cũ nát quay mặt ra phía sông để phụng thờ một vị thủy quan Hà bá. Trải qua tháng năm vào tháng ba năm Canh Tý một đêm có một ông lão trong phường mắc võng ở cuối ghềnh nằm uống rượu, ngủ thiếp đi mộng thấy một người, áo mũ đủ đầy, xưng rằng:

  • Ta là Hải Độc Bát Đại Long Vương. Nay đến đất này để cưới con gái ông Nghị. Nhà ngươi hãy mau cuốn sạch chỗ võng này, nếu không sẽ gặp họa đến đó.

Tối hôm đó mưa gió nhè nhẹ. Ông lão trong phường uống rượu chưa tỉnh, nằm mơ màng ngủ rất sâu. Bỗng sóng lớn trùng trùng nổi lên. Thuyền cá theo sóng dập dềnh trôi ra gần giữa sông. Ông lão trong cơn nguy cấp dập cầu:

  • Lão ngu dốt lỡ say rượu không có mắt, tự thấy vạn lần đáng chết. Cúi xin Long Vương tha thứ.

Đang lúc giữa đêm bỗng nhiên mưa gió rung động, người trong phường đều sợ hãi tỉnh dậy. Chỉ nghe tiếng ông lão kêu to, một tiếng Long Vương, hai tiếng Long Vương. Mọi người đều không biết Long Vương tên gọi cụ thể thế nào. Rồi dưới ánh sét chiếu sáng thấy một con cá lớn dài hơn trượng, nhảy lên ở giữa sông, vảy giáp chênh vênh, đầy sông như thấm phủ một màu trắng. Khi sóng gió ngừng lại, tức thì con cá lớn bỗng hóa thành một người áo mũ đầy đủ đứng trên mặt nước nói nghiêm khắc rằng:

  • Sông suối nơi nơi đều là quản hạt của ta. Lão này đã biết tội nên ban cho được sống trở về.

Ai ai cũng tận mắt thấy sự hiển linh như vậy, mới biết Long Vương là thủy thần, bèn cùng cất tiếng cầu xin:

  •  Toàn phường kính mộ nhờ uy đức Long Vương mà già trẻ được an toàn. Nay sau xin được tạo tượng để phụng thờ, mong được xem xét cho thành việc để báo đức lớn này.

Chốc lát không thấy đâu nữa, sóng gió trở lại như xưa. Đến sáng hôm sau nghe truyền là đêm đó thủy thần đã lấy vợ là con gái ông Nghị ở xã Thượng Thụy, tên là Nhạc phi. Cả nhà 5 người cùng đưa tiễn đến đầu ghềnh thì dòng nước ở đó dẫn vào trong sông mà biến, không biết còn mất ra sao.

Trên đây là điềm thần như vậy. Năm đó, tháng Sáu tháng Bảy nước lũ dâng cao, đầu bãi Võng La bị lở. Sau ba tháng 10 phần lở hết 7-8. Nhân dân phiêu tán. Phường đó mới dời đến nơi bến sông xã Hoa Ngạc, nơi có bãi sông mới bồi để ở tại đó. Nơi đó gọi là phường Hoa Ngạc huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai. Từ đó trong đình kính cẩn phụng thờ chính vị là thần Hải Độc Bát Đại Long Vương, cùng phối thờ Hà Bá Thủy quan. Mỗi khi có việc cầu đảo đều rất linh ứng.

Xưa Trần Độ Tông ra Bắc cung xem đua thuyền bỗng gió lớn nổi lên bốn bề, thuyền đều nghiêng chìm. Vua vội sai trung quan quỳ hướng ra sông cầu đảo, xin Thủy thần hiển linh, nếu cứu vớt được các binh lính trong thuyền, Trẫm sẽ lập tức tặng thêm tên hiệu để báo đáp ơn thiêng. Cầu đảo chưa xong thì đã sóng yên gió lặng. Binh lính đều được cứu thoát không chịu cảnh chết đuối. Vua bèn tăng cấp cho thần sông. Hễ là xã dân nào có phụng thờ thủy thần đều được cho phong tặng sắc. Phong là Thượng đẳng Hộ quốc Hải Độc Bát Đại Long Vương.

Khi quân Minh chia đường hai đạo thủy quân đến xâm phạm, một đạo đóng ở sông Bạch Đằng, một đạo đóng ở bến Vạn Kiếp. Khi đó vua sai các quan chia nhau theo ven sông đi đến các miếu thần sông để đọc chỉ rằng:

  • Giặc Minh dám gây cảnh bạo ngược, người và thần cùng căm phẫn. Các vị thủy thần vốn có tiếng anh dị, sao để thuyền giặc đóng đầy sông như vậy? Nếu như có thể linh hiển lập kỳ tích đuổi quân giặc, khi thành công sẽ phong tặng thêm nhiều.

Bỗng một đêm vào cuối canh hai, gió lớn dồn mây, trời tối như mực, không trông thấy mặt người. Trong quân doanh thuyền giặc như có binh mã xông vào. Mọi người trong lòng đều phấn khích. Trần Quốc Tuấn, Phạm Ngũ Lão nhân đó mà hai cánh trước sau xông đến đánh. Quân Minh thua chạy, chết đuối quá nửa. Truyền rằng đêm qua trong các miếu thờ ở ven sông ngựa gỗ đều lấm bùn đất, đao gỗ đều có vết sứt như là đã có đánh trận vậy. Mới biết đó là thủy thần đã dẫn các âm linh đoạt hồn giặc, hiển giúp quân đội. Bèn sắc phong Thuận thiên Dực vận Hải Độc Trạc linh Thượng đẳng Hộ quốc Quảng nguyên Đại Long Vương.

Vua Thánh Tông triều Lê thân chinh đi đánh Chiêm Thành, thuyền rồng đi đến cửa biển Nhật Lệ. Vào lúc chính Ngọ, bỗng mây đen bốn bề kéo tới, gió lớn sóng cả ngất trời. Thuyền gần lật tới 4 lần. Bỗng trên không trung xuất hiện một vị đại nhân, mũ đen, áo đỏ, đai trắng, cưỡi mây mà tới. Đi đến đâu thì sóng gió lập tức dừng yên. Đêm đó vua mộng thấy một người tự xưng là Quảng Nguyên Long Vương, chức quản các nơi sông biển, nay thấy Vua dẫn quân đi viễn chinh nên đặc biệt đến để trợ giúp, quần áo người này giống như thấy lúc ban ngày. Từ đó ba quân vượt biển như đi trên đất bằng. Khi thắng lợi trở về bèn sắc phong là Thuỷ phủ Chí tôn Cam Lâm Hiển thánh Thượng đẳng Hộ quốc Quảng nguyên Đại Long Vương.

Bảo quốc Trấn linh Định bang Quốc Đô Thành hoàng Đại vương

Xét sách sử trong sách Giao Châu ký cùng với Báo cực truyện, vương vốn họ Tô tên Lịch, là quan lệnh Long Độ, ở làng Long Độ bên sông nhỏ, ba đời anh em nhường nhịn sống chung với nhau. Nhà Tấn cử làm chức Hiếu liêm, cắm cờ biểu dương trước cửa làng, nhân đó lấy tên Tô Lịch đặt cho thôn. Thời Đường Mục Tông, Trưởng khánh Trung đô hộ Lý Nguyên Gia thấy cửa Bắc thành Long Biên có dòng nước chảy ngược bèn tìm đất để dời phủ trị, tìm được đất đó. Khi chuẩn bị xây dựng doanh phủ bèn cho người dân cũ ở đó rót rượu thỉnh mệnh làm thần thành hoàng, lập đền phụng thờ. Đến đêm hiển linh báo với Nguyên Gia rằng:

  • Nhờ ơn sứ quân ủy thác cho tôi làm chủ thành. Nếu ngài có thể giáo hóa được cư dân trong thành cho hết lòng trung hiếu tiết nghĩa, thì mới tôi mới có thể nghe theo mệnh mà cùng ở được.

Nguyên Gia bằng lòng vâng theo. Đến khi Cao Vương xây La thành, nghe chuyện ấy cho tế lễ lập nơi thờ thần là Đô phủ Thành hoàng.

Khi Lý Thái Tổ dời đô, thần thường nhập mộng đến dập đầu bái mừng vạn tuế. Vua lấy làm lạ hỏi tính danh xưng thế nào. Thần tâu lại như trước. Vua cười nói:

  • Thần muốn giữ việc hương lửa trăm năm phải không?

Thần đáp rằng:

  • Chỉ mong cơ đồ đất nước được lâu dài muôn vạn năm, đâu chỉ là hương lửa trăm năm.

Vua hiểu ra, bèn sai quan Thái chúc đem rượu tế, phong thần làm Quốc đô Thăng Long Thành hoàng Đại vương, thường tôn là minh chủ. Năm đầu niên hiệu Trùng Hưng của bản triều sắc phong hai chữ Bảo quốc, năm thứ 4 tặng thêm hai chữ Trấn linh. Niên hiệu Hưng Long năm thứ 21 tặng thêm hai chữ Định bang để mà lưu truyền công thần trợ giúp.

No comments:

Post a Comment