Tuesday, April 18, 2023

Ngọc phả Ling Lang Đại vương thủy thần xuất thế triều Hùng (Thần tích xã Nhuế Dương, Kim Động, Hưng Yên)

Ngọc phả Ling Lang Đại vương thủy thần xuất thế triều Hùng (chi Khảm, bộ thứ hai Thượng đẳng), chính bản bộ Lễ quốc triều

Xưa cháu ba đời Viêm Đế là Đế Minh sinh Đế Nghi, sau đi tuần phương Nam đến Ngũ Lĩnh, lại gặp Vụ Tiên Nương mà sinh Kinh Dương Vương. Dương Vương tư chất phi thường, tự có khí tượng bậc đế vương. Đế Minh muốn truyền ngôi cho. Dương Vương cố nhượng cho anh. Do đó Đế Minh truyền ngôi cho Đế Nghi mà phong Kinh Dương Vương ở phương Nam, hiệu là nước Xích Quỷ. Dương Vương bái từ anh và cha đến nhậm trị phương Nam, nước Việt ta đất đẹp Hoan Châu xây dựng kinh đô, thế núi hùng mạnh Nghĩa Lĩnh tu sửa miếu điện. Truyền đến đời thứ hai là Lạc Long lấy tiên nữ Động Đình là Âu Cơ, sống ở đầu núi Nghĩa Lĩnh, mây lành năm sắc rực rỡ. Âu Cơ thế rồi có mang, sinh hạ một bầu trăm trứng, nở ra điềm lành trăm trai, đều có tư chất hơn người, anh hùng vượt thế. Cho đến khi trưởng thành mới kiến lập hầu tước, lập đất bình phong, chia trong nước thành 15 bộ. 

Thế rồi Long Quân nói với Âu Cơ:
-    Ta là giống rồng, nàng là giống tiên. Tuy khí âm dương hợp lại mà có con, nhưng chủng loại không cùng, nước lửa tương khắc, vì thế phải tách biệt.

Phân 50 người con theo cha về biển làm thủy thần. 50 người con theo mẹ lên rừng làm sơn thần. Khi có việc thì cùng báo nhau, khắc đến giúp đỡ. Thủy thần thường xuất thế, đầu thai nhập vào các gia đình người dân làm con để giúp nước cứu dân. Nhà nào có đức dày thì sẽ gặp được.

Lại nói, khi đó cơ đồ họ Hùng 17 nhánh truyền đến Duệ Vương, đóng đô ở sông Bạch Hạc Việt Trì, kiến quốc tên Văn Lang, quốc đô gọi là thành Phong Châu. Vua có đại lược hùng tài, tư chất thánh triết, kế thừa tổ mở tông thêm 17 đời, cơ đồ thịnh trị, trong tu văn đức, ngoài phòng biên phương, cố sức hưng bình để yên Trung Quốc.

Đương thời có vị quan chủ trưởng đạo Sơn Nam, vốn là dòng cháu của Hùng Duệ Vương, chủ trị Sơn Nam, lấy người xã Nhuế Dương, huyện Đông An Khoái Lộ, tên Nguyễn Thị Đào làm vợ. Cầm sắt cùng duyên, uyên ương cùng hợp. tuy là quan trưởng nhưng không tham chút tơ hào, thực hiện làm việc nhân nghĩa, giúp kẻ thiếu, cứu người nghèo, lại kính việc quỷ thần, trị nhậm ở Sơn Nam mà làm việc nhân đức, ban phát ơn nghĩa, thật là rất được lòng dân.

Trong 4-5 năm cảnh vật nơi đây đều yên ắng trù phú. Vua gọi Ngài về triều. Ngài tuân mệnh đem vợ là bà Nguyễn cùng về kinh đô. Một hôm Nguyễn phu nhân cùng với một vài thị nữ đi thuyền dạo chơi ở hồ Dâm Đàm (sau đổi là hồ Tây), thấy sóng xanh nước biếc, bèn tắm gội. Khi đó bỗng nhiên thấy trời đất tối tăm, nước trong hồ động nổi như tiếng sấm vang lên. Lại thấy có một con giao long dài hơn 2 trượng đến quấn lấy thân của bà Nguyễn. Bà bàng hoàng sợ hãi ngất đi. Sau một lúc thì dần dần tỉnh lại, bèn bỏ thuyền mà lên bộ đi về. Sau 3 ngày thì đến kinh đô.

Trước đó cùng đêm ông Hùng Kim nằm mơ thấy một người cưỡi ngựa trắng, mặc áo hồng, đeo chuỗi ngọc, tự xưng là Linh Lang, là người thứ 4 trong số 50 người con xuống biển, quyền quản Dâm Đàm. Gia đình ông Kim đều là những người có đức dày, nên tuân mệnh của Thiên đình đến đầu nhập vào nhà ông làm con.

Lời nói chưa dứt thì tự nhiên ông tỉnh lại, nhớ đến giấc mơ, tất là có điềm tốt. Lại đến khi thấy bà Nguyễn về đến nhà, thuật lại sự việc ở hồ Dâm Đàm. Ông nhớ lại bèn lập đàn cầu khấn trời đất cùng trăm thần sông núi. Từ đó thấy bà Nguyễn tự nhiên có mang thai. Năm Canh thìn mùa hè ngày 10 tháng 4 thì sinh được một bọc, nở ra một người con trai có kỳ hình dị tướng. Ông bà nhân việc trong mộng bèn đặt tên là Linh Lang. Thương thay mệnh trời đất. Năm đó người cha là chủ quan không bệnh mà mất. Bà Nguyễn làm lễ tế. Đến khi an táng xong bà Nguyễn tuân mệnh vua dẫn Linh Lang về quê Nhuế Dương nuôi dưỡng. 

Ngài bình sinh dị lạ, khi lớn rất thông minh. Năm 17 tuổi lại vào kinh đô nhập học với Hải Đường tiên sinh. Biết rộng xưa nay, hiểu thông trời đất. Thường khóc buồn thương cảm người cha mất sớm, không biết đạo trời ra sao. Năm ấy bà mẹ cũng mất. Ngài làm lễ an táng, phụng thờ 3 năm. Vua ban chiếu bái Ngài làm Đốc lĩnh thuỷ đạo Thiên sách Thượng tướng quân, cho tuần hành các đầu non góc biển. Ngài vâng mệnh đi khắp thiên hạ. Cứ đến nơi nào thì nơi đó trở nên yên ấm. Một lần lại đến Nhuế Dương, làm lễ tiến yết các bậc tổ tiên bên ngoại, khảo hưởng cho nhân dân tộc bên ngoại, xây dựng miếu cung để ở. Lại dâng biểu xin Vua cho xã Nhuế Dương, vốn là quê ngoại của Linh Lang, được miễn các việc quân dịch, để làm làng hộ nhi. Vua đồng ý. Từ đó già trẻ nhân dân ở làng xã Nhuế Dương đều được quý hiển.

Lại nói, khi đó cơ đồ họ Hùng đã mạt, thế nước đến hồi kết thúc. Vua sinh được 20 hoàng tử, 6 công chúa đều đã cùng nhau trở về quy tiên. Chỉ còn hai người con gái. Người thứ nhất tên là công chúa Tiên Dung, Vua bèn gả cho ông Chử Đồng Tử. Còn người thứ hai tên là công chúa Ngọc Hoa, cung thiềm còn khóa, ngọc nhụy đương thì, duyên lành chưa định. Vua bèn lập một lầu ở cửa thành Việt Trì, gửi chiếu truyền rằng thần dân trong thiên hạ ai là người có tài trí thông minh, anh hùng đức độ có thể nối được ngôi vua thì sẽ gả công chúa cho. Hôm ấy trên sông thuyền bè xe ngựa nghe chiếu thiên tử đều nổi chí trạng nguyên bốn biển. Nhưng đều chỉ là những người tầm thường, không phải toàn tài, không đáng xưng danh. Duy chỉ có Tản Viên Sơn Thánh có nhiều tài lạ thông trời bạt đất, có thuật lấp sông dời núi. Vua cho là người tài bậc nhất thiên hạ, nên gọi công chúa đến gả cho và muốn nhường lại ngôi.

Lại có Thục chúa (Thục chúa là bộ chủ Ai Lao, cũng là tông phái của họ Hùng), nghe việc Duệ Vương tuổi trời đã cao mà 20 hoàng tử đều đã về tiên cảnh, không có người nối kế, muốn nhường cho con rể Sơn Thánh, bèn nhân cơ hội đó phát động chiến tranh, cầu viện các nước láng giềng, chỉnh đốn trăm vạn tinh binh, ngựa khỏe tám ngàn, chia làm 5 đạo. Một đạo theo đường núi Thập Châu, Hoàng Tùng, Quỳnh Nhai mà tiến. Một đạo theo các châu Tuyên Quang, Tụ Long, Bảo Lạc mà tiến. Một đạo theo các châu Minh Linh, Bố Chính mà tiến. Một đạo theo đường núi Ái Châu, Tam Điệp mà tiến. Một đạo theo cửa biển Hội Thống, Hoan Châu. Thủy bộ cùng tiến, quân thanh chấn động.
Duệ Vương lo lắng, bèn gọi Sơn Thánh đến hỏi kế. Sơn Thánh tâu rằng:

-    Hơn hai ngàn năm đến nay 17 bậc vua thánh hiền đã tạo nhiều điều nhân, ơn sâu đã khắc vào tới xương tủy nhân dân. Nay đang khi nước mạnh quân cường. Uy đức của bệ hạ vang xa ngoài nước. Thế mà người Thục không biết tự giữ gìn, dám cả gan quật cường, thì việc nhận lấy thất bại đã nghiệm rõ. Đến khi thảo phạt hỏi tội, lấy nghĩa mà phục thì tất dân ta đều vì bệ hạ mà chống giặc, đâu phải lo không dẹp được. Tình hình hiện nay xin bệ hạ cho triệu Thiên sách Thượng tướng Linh Lang về cùng với thần thay vua khởi giá, tự chọn các tướng tài thì giặc Thục không quá nửa tháng có thể dẹp yên.

Vua nghe vậy rất vui mừng, lập tức sai sứ thần về xã Nhuế Dương để triệu Linh Lang về triều dẹp giặc. Ngài tuân mệnh, bèn tuyển người dân Nhuế Dương được 50 người làm gia thần thủ túc, cùng với quân bản bộ về triều, cùng với Sơn Thánh bái tạ Vua, lĩnh 30 vạn hùng binh, một ngàn danh tướng. Linh Lang tự xin được đánh đạo quân thủy của giặc. Vua thân tiễn ra ngoài 30 dặm, cầm kiếm báo với Sơn Thánh rằng:
-    Từ đây trở về phía trên đỉnh núi ngút trời là do Sơn Thánh quản chế.

Lại báo với Linh Lang rằng:
-    Từ đây xuống đến đáy biển là do tướng quân quản chế.

Sơn Thánh cùng các tướng và Linh Lang lĩnh mệnh, phân đạo mà tiến. Linh Lang thẳng theo đường thủy dẫn phát giao long, cá, rùa, trùng trùng nối thành sóng lớn vạn phái, cá côn kình lớp lớp vây quanh như sóng ngàn sông. Tiến thẳng đến cửa biển Hoan Châu cùng giao chiến với quân Thục. Bố trận hàng ngàn hàng cá rùa. Bày binh bằng vạn đôi kình nghê. Quân Thục nhìn từ xa đều đã kinh hồn vỡ mật. Linh Lang bèn tiến đánh một trận. Giặc Thục vì thế mà giẫm đạp lên nhau mà chạy, chết không kể hết, bắt sống tướng chính, chém đầu ngay dưới cờ. Còn lại 4 nhánh quân giặc thì Sơn Thánh cùng các tướng hiệp lực mà đánh. Quân Thục đều thua to, chạy tán, một xe không thoát, một ngựa không còn.

Thế là Sơn Thánh triệu Ngài cùng hợp ở một nơi, dâng biểu báo chiến thắng. Vua bèn ban chiếu triệu về, gia phong tướng sĩ các cấp, lại sai phong Sơn Thánh là Nhạc phủ kiêm Thượng đẳng thần, phong Linh Lang là Ngô Vương. Được vài năm Ngài chẳng màng danh tiếng, ra vào chốn đất Nam Giao, lầu rồng gác phượng xa lánh bụi trần, tiêu dao các chốn cực lạc Bồng Lai, Tây Trúc. Vào La thành cùng Giác Hải thiền sư học thành đạo. Khi Ngài đã 80 tuổi, một hôm đi dạo đến hồ Dâm Đàm, phường Hồ Khẩu, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức. Lúc ấy trời đất bỗng tối mịt. Linh Lang xuống Dâm Đàm mà hóa. Khi đó là mồng 10 tháng 5. Sau khi Ngài hóa được trăm ngày, phía Tây của hồ trên bờ trúc mọc thành rừng. Vua tặng phong là Đại vương, cho xã Nhuế Dương lập miếu phụng thờ.

Từ đó có rất nhiều linh ứng, thường hiển hiện chân hình mà tiêu dao miếu sở. Một hôm Vua đi thăm du các dân ấp thờ Linh Lang, mới vào xem Nhuế Dương, thấy Ngài đứng ở trước cửa miếu làm lễ bái Vua. Vua đang định hỏi thì bỗng không thấy đâu nữa. Vua nhớ lại hình dáng mà than vãn, bèn gọi nhân dân Nhuế Dương đến viết thần hiệu là Linh Lang Cửa miếu Đại vương mà thờ phụng.

Lại nói, khi Linh Lang trở về thủy phủ, lại làm thần Dâm Đàm Long Đỗ. Khi ấy Dâm Đàm có một ngọn núi nhỏ. Trong núi có một con Cáo tinh chín đuôi. Người dân địa phương ở nơi đó rất hay bị hại. Thần Long Đỗ đem sự việc đó tâu lên Thượng Đế. Thượng Đế bèn lệnh xuất thủy tộc bắt giết con Cáo tinh. Từ đó người dân địa phương mới được yên. 

Đến khi nhà họ Hùng truyền lại ngôi báu cho Thục An Dương Vương. Dương Vương trị quốc được 50 năm thì Triệu Vũ lại lấy được nước, truyền tiếp 5 đời. Từ đó nước Việt ta trở thành nội thuộc. Cho đến Đường Cao Tông niên hiệu Hàm Thông năm thứ 6 lệnh cho Cao Biền làm Đô hộ nước Việt ta để thảo phạt giặc Nam Chiếu.

Cao Biền sau dẹp được Nam Chiếu mới lập là Quốc vương Thiên tử, cưỡi diều giấy đi xem xét sông núi, đất đai hình thẳng ở nước Việt ta. Một hôm đi đến đầu xã Thanh Cầu, huyện Kim Động bỗng gặp một người, thân thể to lớn, râu tóc bạc phơ, thật là mờ mờ ảo ảo, nhân thế phù du, có có không không, sinh sinh hóa hóa, xưa qua nay lại. Cao Biền kinh dị mới hỏi tính danh. Người đó cười nói:
-    Ta là Linh Lang. Nhà ta ở gần đây.

Đến chỗ gò mối thì phất áo nhập vào trong gò mà mà biến mất (khi đó Thanh Cầu có một gò mối, tục gọi là Đông Mâu). Cao Biền kinh dị không yên. Đến khi Cao Biền xây thành Đại La, sáng hôm đó đi ra ngoài cửa Đông. Bỗng thấy mây mưa mù mịt, thấy mây năm sắc theo mặt đất mà xuất hiện, sáng lòa ánh mắt, trong thấy có một dị nhân sắc sỡ, cưỡi rồng đất màu đỏ, cầm thẻ bài vàng, theo đám mây mà phát lương. Cao Biền kinh sợ muốn yểm. Buổi tối mơ thấy thần nhân nói rằng:
-    Ta là thần Linh Lang Long Đỗ ở đây đã lâu. Nay thấy ngài xây thành tại đây nên đặc biệt đến xem. Chớ có yểm.

Cao Biền tỉnh lại than rằng:
-    Ta chẳng nhẽ không thể phục được người ở vùng xa này, sao lại tạo ra sự quái ấy.

Bèn tạo một bức phù bằng đồng đem chôn để yểm. Ngay hôm đó, mưa sấm nổi lên dữ dội, làm cho phù đồng đều biến thành bui. Biền hết sức kinh dị, do đó cho lập miếu tại đất đó để thờ phụng.

Lại nói, cho đến khi nước Việt ta trải qua các đời Tiền Lý, Hậu Lý, Đinh, Lê, Lý, Trần, đều là các bậc vua hiền, trải khi lúc hưng lúc phế. Cho tới thời Trần Nhân Tông, giặc Nguyên là Thoát Hoan, Ô Mã Nhi đến xâm phạm. Kinh thành bị vây hãm. Tướng Trần là Hưng Đạo Đại vương. Trần Quốc Tuấn lo cầu trăm thần giúp nước, đêm ngủ ở đài Việt Vương, nằm mơ gặp Triệu Việt Vương ngự ở chính điện, sai lệnh Linh Lang cầm đầu quân thủy đạo giúp Trần diệt Nguyên. Sau đến xứ Đông Mâu xã Thanh Cầu thì hóa.

Đến khi dẹp được giặc Nguyên, Hưng Đạo Vương tâu với Nhân Tông. Nhân Tông bèn gia phong là Nghị võ Uy minh Quảng tế Thượng đẳng thần, cho phép Nhuế Dương đón sắc về trong dân phụng thờ. Từ đó về sau cảm tất thông, cầu tất ứng, nên nhân dân thờ phụng bốn mùa mãi mãi không ngừng. Thật là thịnh thay!

Phong Nghị võ Uy minh Quảng tế Linh Lang Đại vương Thượng đẳng thần (cho phép xã Nhuế Dương phụng thờ).

Lại nói, từ đó về sau trải đến Hoàng triều ta khai sáng hồng đồ, thường có nhiều lần giúp nước giữ dân, cầu mưa cầu yên đều nhiều linh ứng, cho nên có nhiều đế vương gia phong mỹ tự, để vạn năm lễ tế cùng trời đất mãi còn như vậy. Tốt thay!

Tuân khai các lễ sinh hóa cùng các chữ húy, Linh Lang hai chữ đều cấm, cấm dùng y phục màu Tím làm lễ.

Ngày sinh thần mồng 10 tháng 4 (lễ dùng lợn đen, xôi, rượu, ca hát ba ngày).

Ngày hóa thần mồng 10 tháng 5 (lễ dùng trên chay, dưới lợn đen, xôi, rượu).

Niên hiệu Hồng Phúc năm thứ nhất tháng giữa thu ngày tốt Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ, thần, Nguyễn Bính vâng soạn.

Hoàng triều Vĩnh Hữu năm thứ 2 tháng đầu xuân ngày tốt Quản giám bách thần Tri điện Hùng lĩnh Thiếu khanh, thần, Nguyễn Hiền lại theo bản chính vâng soạn.

Quan thả sử bát phẩm Hoàng Công Độ vâng chép.


No comments:

Post a Comment