Monday, April 24, 2023

Nước Nam Việt nhà Triệu trong văn hóa khảo cổ và lịch sử Việt Nam

Đại Việt sử ký toàn thư đã chép Kỷ nhà Triệu cho nước Nam Việt với 5 đời vua, kéo dài hơn trăm năm từ cuối thế kỷ III TCN đến cuối thế kỷ II TCN. Thế nhưng các nhà khảo cổ nước ta hiện nay lại có xu hướng là cứ hiện vật nào có niên đại này thì gọi chung là văn hóa Đông Sơn và gắn nó với nước Âu Lạc của Thục An Dương Vương. Hơn 100 năm tồn tại của một vương triều chính thức xưng Đế đầu tiên, có lãnh thổ được biết rộng lớn nhất trong sử Việt trở nên “bặt vô âm tín” về mặt khảo cổ. Cứ tưởng chừng như nước Nam Việt chưa hề có mặt ở đất Việt Nam vậy.

Bằng chứng rõ ràng nhất về các di vật nhà Triệu Nam Việt ở nước ta là ở thành Cổ Loa. Nhà sưu tầm Kiều Quang Chẩn viết: Chúng ta trở lại Cổ Loa với những tường thành hào lũy bao bọc, chứng tỏ là một nơi cư trú quan trọng, xứng đáng một kinh đô thời cổ. Hàng vạn mũi tên đồng nhiều chiếc chưa thành phẩm đào được ở Cầu Vực, những vũ khí hình tim ở Mả Tre, những khuôn đúc đồng chứng tỏ Cổ Loa có xưởng đúc vũ khí. Ngoài ra người ta còn đào được một trống Đông Sơn lớn và hoàn hảo có hoa văn được xếp loại chung với những chiếc trống Đông Sơn quan trọng nhất theo phân loại Heger I. Loại trống này có hoa văn trên vai y hệt như chiếc thạp trong mộ Triệu Muội ở Quảng Châu và chiếc thạp của Triệu Đà ở bảo tàng Babier Mueller tại Thụy Sĩ. Ta có thể dễ dàng định tuổi chiếc trống và bộ vũ khí chôn theo cùng thời với Triệu Đà và người cháu của ông, tức khoảng thời gian ra đời nước Nam Việt năm 206 TCN cho đến khi cháu ông mất năm 122 TCN.

Hàng vạn mũi tên đồng ba cạnh đã được tìm thấy ở Cổ Loa. Cho dù mũi tên đồng tạo ra cảm giác liên quan đến chiếc nỏ thần của An Dương Vương, nhưng niên đại lò đúc những mũi tên này lại là thế kỷ II TCN, tức sau thời An Dương Vương gần nửa thế kỷ. Niên đại mẫu than lấy từ lò đúc có khuôn đúc tên ở đền Thượng Cổ Loa xác định bằng C14 rơi vào quãng năm 189 TCN. Hiển nhiên thời gian này Cổ Loa đang nằm trong nước Nam Việt nhà Triệu.

Đồ gốm ở thành Cổ Loa có ống ngói khá đặc trưng, được gọi là ngói Cổ Loa. Nhưng loại ngói này lại thấy giống với loại ngói ở Trung Quốc thời Tây Hán, mà cụ thể là ngói trong mộ Văn Đế Triệu Mạt rất nổi tiếng ở Quảng Châu. Thật may mắn là hiện vật của nhà Triệu Nam Việt có thể được biết một cách chính xác nhờ ngôi mộ của Triệu Văn Đế, có ấn tín ghi tên đầy đủ, chính xác.

Trong mộ Triệu Văn Đế cũng có đồ đồng Đông Sơn. Đó là chiếc thạp lớn, trên thân có kiểu tạo hoa văn in chìm rất giống với thạp đồng Hợp Minh tìm thấy ở Yên Bái (đã được công nhận bảo vật quốc gia năm 2013). Trống đồng Cổ Loa có hoa văn tương đồng thạp trong mộ Triệu Văn Đế như đã nói trên. Phần lớn các trống đồng cỡ lớn, hoa văn cầu kỳ phức tạp, ví dụ như trống đồng Sao Vàng đang được trưng bày ở Bảo tàng lịch sử, là trống đồng Đông Sơn giai đoạn muộn, tương ứng với niên đại thế kỷ II-I TCN. Do đó về thực chất đó chính là những trống đồng nước Nam Việt.

Một đồ vật điển hình khác của đồ đồng Đông Sơn muộn là những chiếc chuông voi. Gọi là chuông voi, nhưng đây là những chiếc chuông đồng nhỏ dạng hình tam giác cân có 2 tai nhỏ ở phía trên. Một trong những chiếc chuông voi tìm thấy ở Cốc Lếu, Lào Cai có dòng chữ Bang kỳ túc cát phúc đúc nổi. Chữ sử dụng trên chuông là dạng chữ Triện Lệ, loại chữ phổ biến từ thời Tây Hán.

Rồi đến việc phát hiện dấu vết lá dong trên mảnh nồi đồng tìm thấy ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, cũng có niên đại xác định là thế kỷ II – I TCN. Món bánh chưng nấu bằng chiếc nồi này do đó cũng là dưới thời nước Nam Việt, chứ không thể là của chàng Lang Liêu trước đó vài thế kỷ.

Đầu ống ngói Cổ Loa.
Khuôn đúc mũi tên Cổ Loa.

Chuông có chữ phát hiện ở Cốc Lếu, Lào Cai.

Sự “ra đi” cố ý của nhà Triệu Nam Việt khỏi văn hóa khảo cổ và sử Việt thường dựa trên một số thông tin có tên Âu Lạc của Sử ký Tư Mã Thiên và Tiền Hán thư, bao gồm:

  • Khi Cao Hậu mất Triệu Đà “dùng uy lực uy hiếp nơi biên giới, đem đồ đạc của cải đút lót Mân Việt, Tây Âu Lạc để bắt họ lệ thuộc mình".
  • Sau đó là trong bức thư của Triệu Đà gửi Hiếu Văn Đế có đoạn: “Đông Mân Việt nghìn người cũng xưng hiệu là vương. Tây Âu Lạc nước trần truồng cũng xưng là vương.”
  • Khi Lộ Bác Đức diệt nước Nam Việt, “Giám quan người Việt quận Quế Lâm là Cư Ông dụ dân Âu Lạc đi theo nhà Hán“.
  • Năm 110 TCN khi nhà Tây Hán được toàn bộ Nam Việt: “Tả tướng Hoàng Đồng của Âu Lạc xưa chém được Tây Vu Vương nên được phong làm Hạ Phu hầu“.
Với lý do tới thời Tây Hán vẫn còn tướng của Âu Lạc nên có chuyên gia thậm chí còn kết luận rằng Triệu Đà chưa từng làm chủ được nước Việt ta và nước Âu Lạc của An Dương Vương còn kéo dài dài… Nhẹ nhàng hơn thì có người cho rằng các quý tộc Âu Lạc (từ thời An Dương Vương) vẫn có quyền tự trị cho mãi đến thời Hiếu Vũ Đế diệt Nam Việt. Từ đó để suy ra trống đồng, chuông đồng, thạp đồng… của thế kỷ II TCN tìm thấy ở Việt Nam thuộc về nước Âu Lạc hay thuộc về dòng dõi quý tộc Âu Lạc.

Dựa vào tên Âu Lạc trong thư tịch trên để kết luận nước Âu Lạc còn tồn tại dưới thời Nam Việt thì quá chủ quan. Trong 2 thông tin đầu Triệu Đà nói về nước “Tây Âu Lạc”, không phải Âu Lạc. Đất Âu Lạc ở miền Bắc Việt ngày nay nằm ở phía Nam, chứ không nằm ở phía Tây của nước Nam Việt. Tây Âu là chỉ một khu vực khác, là vùng đất giữa Vân Nam và Quảng Tây. Thủ lĩnh của Tây Âu là Dịch Hu Tống đã bị nhà Tần giết từ thế kỷ III TCN. Khu vực này có thể đã “tái xưng vương” khi Tần Thủy Hoàng mất, thiên hạ đại loạn, các nước chư hầu cũ đều tự xưng vương.

Còn 2 thông tin sau thì lại càng mù mờ vì chỉ nói đến dân Âu Lạc và tướng của Âu Lạc xưa. Âu Lạc ở đây chỉ một vùng đất, không phải là một nước riêng, vì không có thủ lĩnh Âu Lạc. Đến năm 110 TCN, nước Âu Lạc của An Dương Vương đã bị diệt hơn 100 năm rồi. Làm sao còn tướng tá nào của nước Âu Lạc sống đến lúc đó nữa?

Vậy những “quý tộc” Âu Lạc nào còn tồn tại trong suốt thế kỷ II TCN ở nước Nam Việt? Sự thực thì chính các vua nhà Triệu là dòng dõi của Thục Vương nước Âu Lạc bởi nước Nam Việt vốn được khởi dựng từ vùng đất Âu Lạc vào cuối thời Tần. Điều này đặc biệt được nêu rõ trong tộc phả họ Lê ở Hạ Mạo (Thị xã Phú Thọ), cho biết Triệu Văn Vương có cha là con thứ của Hùng Vương thứ 17, mẹ là con gái của Đông Chu Quân.

Thần tích Hạ Mạo và Mạo Phổ tóm tắt như sau: Hùng Vương thứ 17 (Hùng Nghị Vương) có một người con gọi là Chàng Ánh. Chàng Ánh lấy vợ là con gái của Đông Chu Quân. Một hôm người vợ nằm mơ thấy có chim phượng hoàng ngậm chiếc bút ngọc đến trao trong tiếng sấm. Từ đó bà có mang, sinh ra những người con đặt tên là Bút Lôi Mao.

Khi Tần đánh chiếm nước Âu Lạc, Chàng Ánh đã chống lại và tách lập một nước riêng ở Quảng Tây (Việt Tây), gọi là Hậu Hùng Vương, được ban tính danh họ Lê. Các con của Hậu Hùng Vương tiếp đó đã tham gia của khởi nghĩa chống Tần cùng với Triệu Đà. Khi nhà Tần bị diệt, người con Út có công nhất được phong làm Vương cai quản vùng đất Việt, lấy tên là Út Ngọ Lôi Mao Đại vương. Chàng Út lấy con gái của Triệu Đà làm hoàng hậu. Từ đó Nam Việt gọi là nhà Triệu.

Sự tích chim phượng ngậm ngọc bay đến trong tiếng sấm và tên của vị vua Út Ngọ Lôi Mao là lời giải thích cho hình tượng hình người đội lông chim, thậm chí là hình người hóa lông chim, là đặc trưng thường gặp trên các đồ đồng Đông Sơn như trống đồng, thạp đồng, rìu đồng… Hình lông chim này là Lôi Mao, hay lông sấm của loài chim phượng, chỉ dòng tiên theo mẹ Âu Cơ, nói lên quan hệ trực tiếp giữa triều đại nước Nam Việt với dòng Âu Lạc.

Hình người lông chim trên trống đồng Sao Vàng.

Đôi câu đối ở đình Hạ Mạo, khẳng định sự tích về 5 đời họ Lê nối nhau làm vua ở vùng đất Quảng Tây:
雄 貉 紀 傳 來 滅 蜀 平 吳 明 在 史
粵 西 相 遜 後 龍 祥 山 壯 莫 成 莊
Hùng Lạc kỷ truyền lai, diệt Thục bình Ngô minh tại sử
Việt Tây tương tốn hậu, long tường sơn tráng mạc thành trang.

Dịch nghĩa
Hùng Lạc ký truyền lại, diệt Thục bình Ngô rạng ở sử
Việt Tây cùng nhường sau, điềm rồng thế núi bãi thành trang.

Tới thời Hiếu Vũ Đế, Lộ Bác Đức dẫn quân diệt kinh đô Nam Việt ở Phiên Ngung. Các quý tộc Nam Việt (tức họ Lê) lên thuyền trở về vùng quê cha đất tổ ở Phong Châu, từ đó có sự phản kháng của Tây Vu Vương chống lại Tây Hán, đóng đô ở Cổ Loa, vốn là tòa thành quân sự xây dựng quy mô từ thời Tần và thời Triệu Đà. Quân Tây Hán tiếp tục đánh Bắc Việt. Hậu quân của Nam Việt phải ẩn lên vùng rừng núi Tây Bắc và Thanh Nghệ, trở thành tiền thân của Nam Chiếu Mạnh Hoạch ở thời kỳ tiếp theo. Đây là lý do vì sao các vùng Tây Bắc và Thanh Nghệ lại phát hiện khá nhiều đồ đồng Đông Sơn giai đoạn muộn, là sự nối tiếp Nam Việt - Nam Chiếu trong giai đoạn này.

Tổng hợp thông tin từ các nguồn thần tích và di tích khác nhau có thể xác định những nhân vật và sự kiện lịch sử chính xảy ra trên đất Việt vào cuối thế kỷ III TCN – thế kỷ II TCN như sơ đồ sau.




No comments:

Post a Comment