Sunday, May 7, 2023

Ông Đùng, Bà Đà

Theo sách Văn hóa dân gian làng Đào Động. Phạm Minh Đức, Đinh Đăng Túy. NXB Hội nhà văn, 2016.

VỀ SỰ HÌNH THÀNH ĐẤT HOA ĐÀO

Khi Lạc Long Quân đưa 50 người con xuống biển, người trao cho các con từng vùng đất bãi để khai khẩn phát triển nông tang (trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải) và cả phần biển để đánh bắt tôm cá...

Người bảo các con rằng:

- Dòng trưởng mạnh nhất sẽ thay cha mẹ cai quản Lạc Việt. Các con vừa là thần dân, vừa la anh em một nhà. Hãy gìn giữ và mở mang đất nước của cha mẹ truyền cho... Mẹ Âu Cơ đã về rừng còn ta về Thủy phủ... Khi đất nước có sự biến, cha mẹ sẽ tiếp sức cho các con. 

Nói rồi Người hiện nguyên hình là một con Hoàng long lớn, biến mất trong sóng biển Đông...

Người con được trao phần đất bãi tương ứng với đồng bằng Bắc Bộ bây giờ có tên là ông Đùng, rất to lớn mạnh mẽ. Lại nói ông Đùng đi dọc sông Cái (sông Hồng), đem theo những “hạt đậu” cha mẹ trao cho, trích thân mình lấy máu tẩm vào rồi rắc lên những cồn, gò và các vùng đất bằng phẳng... Các “hạt đậu” lập tức biến thành người Việt sinh sống trên vùng đất ấy...

Một ngày, ông Đùng đi đến vùng đồng bằng ven biển phía Bắc hạ lưu sông Cái, thấy những vạt đất nổi cao giữa vùng đầm lầy mênh mông nước... Ông ngắm nghía rồi gọi bọn thủy binh sông Cái khổng lồ như Thuồng luồng, Hà giải, Ngư tinh... đến khơi dòng, đào một con sông lớn lấy nước từ sông Cái về thau chua rửa mặn cho cả vùng.

Nhìn hình dạng cuộn khúc của tướng Thuồng luồng dẫn đầu “binh tướng khai sông” (Thuồng luồng là một loại Giao long), ông Đùng hình dung ra con sông sắp đào phải uốn khúc để có thể dễ đưa nước ngọt đến khắp vùng ngập lợ, liền vạch đất để bọn thủy binh đào sông ngoằn ngoèo như hình rồng cuộn, giúp tiêu nước lợ được nhanh và cuốn ra biến... Làm xong lộ trình “khai hóa” của mình, ông Đùng gọi dân bản thổ đến mà bảo:

- Nơi đây có thế đất linh, ta đặt tên con sông vừa đào cho các con là sông Vĩnh, để mong cuộc sống nơi đây vĩnh hằng tấn phát... Vua cha Lạc Long Quân cho ta sáu “vật tượng” để đánh dấu các vùng đất địa linh trong lãnh địa của ta, vậy ta đặt một vật tại đây.

Nói rồi ông Đùng móc trong tú ra một hạt đào và đặt xuống đất... Bỗng nhiên hóa ra từng dãy cây đào nở hoa rực rỡ... Vì thế sau này, Hùng Vương thứ 18 đã về đây và đặt tên vùng đất này là Hoa Đào trang.

Tương truyền, sau khi làm xong việc “khai hóa” của mình, 100 người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ đều hóa thành “Sơn thủy bách thần” nổi tiếng linh ứng, phò giúp dân nước Lạc Việt mãi mãi.

Lần theo dấu vết sáu vật linh mà ông Đùng “yểm” lại trong lãnh địa của mình, đó là các địa danh:

1. Vùng phát tích Sơn Thánh Ba Vì – Tản Viên.

2. Vùng thành Thăng Long (Hà Nội).

3. Vùng phát tích nhà Đinh – Lê (Ninh Bình).

4. Vùng phát tích nhà Lý (Bắc Ninh)

5. Vùng phát tích nhà Trần (Thái Bình).

6. Vùng phát tích Đức Vua Bát Hải (Đào Động – Thái Bình).

Trong đó trấn sơn Ba Vì và đất Đào Động là nơi lưu giữ “hồn nước”, nơi hội tụ của “Sơn thủy bách thần”, thường “chìm ẩn”. Còn các địa danh kia là hiện diện sự “khởi phát tinh hóa” của đất Việt.

ĐỐNG BÀ ĐÀ

Tại phía Bắc đất Đào Động cổ có con đường nối thẳng từ thôn Di Phúc qua quốc lộ số 10 đến đền quan Đệ Tam và quan Thượng... Khoảng giữa con đường đó nguyên có một đống cao nổi lên giống như một quả đồi trên sóng lúa. Dân gọi đó là đống Bà Đà.

Tên đống Bà Đà có từ trước thời Trần rất lâu, gắn với chuyện ông Đùng khai địa thời cổ. Ông Đùng là tên gọi của một trong 50 người con của Lạc Long Quân “xuống biển” thời thượng cổ. Ông Đùng đi dọc sông Cái (sông Hồng), lấy hạt đậu cha mẹ trao, nhuộm máu ngón tay của mình vào rồi rắc lên các vùng đất. Hạt đậu biến thành người sinh sống ở đó. Xong việc thì ông Đùng “hóa”.

Những cư dân mới được ông “rắc ra” ở vùng đồng bằng và duyên hải còn rất bỡ ngỡ trên miền đất mới. Người sống trên sông, trên biển chưa biết bắt tôm cá, thường hay vị thuồng luồng, quái ngư sát hại... Người sống trên bãi, trên đồng chưa biết canh tác nông nghiệp, cũng chưa biết khẩn hoang rửa mặn để cấy lúa trồng mầu...

Thần Nông ở trên trời nhìn xuống thương xót, lệnh cho một thuộc hạ (chính là Bà Đà) xuống trần dạy dân Bách Việt ở duyên hải canh nông, mang các giống lúa mầu cho dân, lại dạy dân đóng thuyền đánh bắt tôm cá trên sông, trên biển...

Trước khi sai Bà Đà xuống trần, vua Thần Nông dặn rằng:

- Ngươi phải lấy tình thương của từ mẫu mà lo cho con dân.

Bà Đà đi dọc miền duyên hải Bách Việt để dạy dân đánh bắt tôm cá và cấy lúa. Khi bà đi dạy dân canh nông chài lưới vừa đến hết miền duyên hải Văn Lang – Lạc Việt cũng là lúc vua Thần Nông lệnh triệu bà về trời gấp.

Với tấm lòng của một người mẹ thương con, trước khi “hóa”, Bà Đà đã “cắn răng” rứt đứt đôi “nhũ hoa” của mình để lại cho các con. Tương truyền một “nhũ hoa” chính là đống Bà Đà ở Đào Động. Còn một “nhũ hoa” là một hòn đảo hình tròn cũng rất linh ứng ở giữa hồ Động Đình.

Từ thượng cổ truyền lại rằng giữa đỉnh đống Bà Đà xưa có một miệng giếng nhỏ tự nhiên, chỉ to bằng miệng cái thúng nhưng luôn tràn trề nước trong mát. Gặp những dịp hạn hán, Vĩnh Công (Đức Vua Bát Hải) thường đến đống Bà Đà cầu khấn rồi trang trọng múc lên 28 bát nước, bày theo đúng phương vị nhị thập bát tú và làm lễ. Sau đó cả vùng sẽ nhanh chóng được mưa ngọt.

Nhiều đời sau, những khi trong trấn, trong phủ gặp hạn hán lâu ngày, quan tổng trấn được thần báo mộng cho người về đây rước Bà Đà về đảo vũ...


No comments:

Post a Comment