Saturday, April 15, 2023

Thần tích Hữu Vĩnh, tổng Phù Lưu, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông

Hoành phi Hữu long tắc linh, đền Đức Thánh Cả Hữu Vĩnh.

Nước Đại Việt xứ Sơn Tây đạo Hưng Hóa, phủ Đà Dương (nay đổi là Quảng Oai) huyện Thanh Xuyên (nay đổi là Bất Bạt), làng Lăng Sương (nay đổi là trang Hữu Vĩnh), tổ phụ Tản Viên Sơn là Nguyễn Cao Hành, tổ mẫu Tản Viên Sơn là Đinh Thị Điên, sinh Tản Viên Sơn Thánh. Mẫu Đinh phi chủ ngọc bệ hạ sinh được trăm con thánh cháu thần.

Xưa Kinh Dương Vương họ Hồng Bàng là hậu duệ của họ Thần Nông. Kinh Dương Vương tên húy là Huyền, sinh Lạc Long Quân húy là Ai. Khi đó có người con gái của Đế Lai tên là Mỹ, còn có tên là Thầm, sống ở động Lăng Sương (tổ của Vương mẫu ở tại Bắc Biển, huyện Thanh Nguyên), đi ra chơi ở bãi Trường Sa (Vương mẫu hái dâu ở bãi Bắc xã Sơn Bạn huyện Bất Bạt). Ngài Long thích sắc đó mà kết thông. 10 tháng mang thai bầu, sinh ra trăm trứng. Qua tầm trong tháng (không mang thai là 7 ngày) trăm trứng vỡ ra, sinh xuất những người con trai, không bú mớm mà tự trưởng thành. Khi mới sinh thì ở bản châu, cho nên lấy bản châu làm đất tổ.

Một hôm Long Quân nói với Âu Cơ rằng:

-          Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, chủng loại không cùng, nay khó kết đồng.

Nhân đó cùng nhau phân chia, 50 người con theo cha về biển là Thủy tinh (Đức thánh Quảng Xung Đại vương là huynh trưởng của trăm thánh, quyền kiêm quản sông núi hồ biển ở thông cả 13 xứ, cả sông Tam Kỳ, ngự chính ở thần cung điện tại thôn Phú Dư, xã Hữu Vĩnh, Hoài An, Ứng Thiên, đạo Sơn Nam):

Lân Lang, Xích Lang, Mật Lang, Thái Lang, Vĩ Lang, Cận Lang, Chiếu Lang, Tiêu Lang, Diệu Lang, Tĩnh Lang, Tập Lang, Ngô Lang, Hấp Lang, Chẩn Lang, Hoan Lang, Chiêm Lang, Vân Lang, Khương Lang, La Lang, Tuần Lang, Khốc Lang, Tán Lang, Minh Lang, Sái Lang, Thôi Lang, Đường Lang, Kiều Lang, Dũ Lang, Ác Lang, Tảo Lang, Liệt Lang, Ưu Lang, Nhiễu Lang, Lý Lang, Thế Lang, Tường Lang, Tróc Lang, Các Lang, Triêm Lang, Cật Lang, Kiềm Lang, Trưởng Lang, Đỉnh Lang, Tẩm Lang, Thai Lang, Triệu Lang, Ích Lang

50 người con theo mẹ lên núi làm Sơn tinh:

Xuân Lang, Thiêm Lang, Thận Lang, Văn Lang, Võ Lang, Lệnh Lang, Tịnh Lang, Hắc Lang, Quản Lang, Cao Lang, Tế Lang, Thỉnh Lang, Mã Lang, Thiệu Lang, Khang Lang, Chỉnh Lang, Khiêu Lang, Miên Lang, Chiêu Lang, Yêu Lang, Thiếp Lang, Phái Lang, Tài Lang, Trừng Lang, Triệu Lang, Nhuận Lang, Lưu Lang, Lộ Lang, Quế Lang, Diêm Lang, Tái Lang, Huyền Lang, Tào Lang, Tuấn Lang, Tỉnh Lang, Sâm Lang, Biện Lang, Triêu Lang, Quán Lang, Canh Lang, Ốc Lang, Lôi Lang, Thấu Lang, Việt Lang, Vệ Lang, Mãn Lang, Long Lang, Lý Lang.

Lên núi xuống sông khi có việc thì cùng gọi nhau.

Vương tên là Hương Lang, tức tôn hiệu là Tản Viên Sơn Tam Vị Đại vương, là người anh cả của 50 đức thánh, sau là Tản Viên Sơn Thánh Thượng đẳng thần Quốc chủ Đại vương. Mua đất đai rừng núi với 112.300 quan tiền ở thôn Bùi Cốc, Mang Bội. Một núi có 4 vị, đất theo 8 cửa, cao 12.300 trượng, rộng 198.600 trượng. Đông giáp Ma Nghĩa, Thạch Thất; Nam giáp Mỹ Lương, Kim Bảng, Chương Đức; Tây giáp Thanh Xuyên; Bắc giáp Bất Bạt. Mặt tiền hướng chính Tây.

Phía Tây có Đại Giang Tả kiên Ma Lang Sơn thần, tôn xưng là Đồng Đô và Ma Lộ Sơn thần, gọi là Đồng Đôi. Thần cánh phải là  Thanh Non Sơn thần, gọi là  Đồng Lang. Thần cánh trái trấn ở hướng Tây nam. Thần cánh phải trấn ở hướng Tây Bắc. Thần Phi Hậu Cung Bà Liệt Sơn, gọi là Bạch Y Thần nữ, ngự ở lầu động rừng núi, gọi là Đồng Long, trấn ở chân núi men theo sông.

Các vị thần nguyên là dân giữ lệ di đến của 12 làng: làng Lăng Sương, làng Mông Hoá, làng An Lãng, làng An Đức, làng Lang Phong, làng Lang Phao, làng Thầm Bội, làng  Thủ Pháp, làng Trung Độ, làng Kỳ Cốc, làng Ly Trúc. Cùng nhau chung đất đai, hương khói. Các ngày tiết giỗ kỵ theo phong tục trong vùng giao cho làng giữ lệ Lăng Sương và Thủ Pháp thờ phụng các cung lớn thượng đẳng, để yên mạch nước, mưa gió đủ đầy.

Hoàng triều nước ta niên hiệu Bảo Thái năm thứ 6 ngày 15 tháng 9 có đôi câu đối:

Cảnh chiêm thanh u tiên tích bí

Vọng long kiều nhạc thánh uy chương.

Ngọc phả cổ chép về một vị đại vươnng công thần triều Tiền Lý Nam Đế (chi Khảm, bộ thủy thần một vị thượng đẳng). Chính bản bộ Lễ quốc triều

Nước ta khởi vận trời Nam, núi sông phân ngang theo Dực Chẩn. Nước Bắc ban đầu được phong thẳng hướng sao Đẩu Ngưu mà phân chia. từ Kinh Dương Vương triều Hùng tuân mệnh của vua cha phân phong làm tông phái đế vương phương Nam. Đất đẹp Hoan Châu dựng lập kinh đô. Nơi thế núi mạnh Nghĩa Lĩnh trùng tu điện miếu. Truyền nước đời tiếp theo xưng là Lạc Long Quân, lấy tiên nữ Động Đình, sống ở trên đầu núi Nghĩa Lĩnh. Mây lành năm sắc rực rỡ. Âu Cơ từ đó có mang, đến khi sinh sinh được một bầu trăm trứng, nở ra điềm trăm con trai, đều là những anh hùng vượt thế, đức độ hơn người. Đến khi trưởng thành Vua bèn kiến phong hầu, lập bình phong, chia trong nước thành 15 bộ.

Khi ấy Long Quân nói với Âu Cơ rằng:

-          Ta là giống rồng, nàng lại là dòng tiên. Tuy âm dương ngũ hành hợp lại mà có con. Nhưng chủng loại khác nhau, nước lửa xung khắc. Không thể chung sống.

Nhân đó mà chia biệt, phân 50 người con theo cha về biển làm thủy thần, chia trị các đầu sông góc biển. 50 người con theo mẹ lên núi làm sơn thần, chia trị  các bãi trên núi. Đương khi có việc gọi nhau, tất cùng đến giúp đỡ không tạo họa. Do đó  sau này nhà họ Hùng có các bách thần sông núi, thường có thể đầu thai xuất thế vào các gia đình người dân làm con để giúp nước giúp dân. Nhà nào có phúc tất sẽ gặp được.

Lại nói, đến khi nhà họ Hùng về cuối, ý trời đã dứt, trải qua các đời Đông Hán, Ngô, Tấn, Tống, Tề, Lương, Đường, Tùy, cho tới khi nước Nam có bốn họ Đinh, Lý, Trần, Lê kế nổi, khai mở cơ đồ. Từ đó mạch thống quốc gia đến nay lâu dài vậy.

Nước Việt xưa triều Tiền Lý Nam Đế (đế họ Lý tên Bí) người Long Hưng, Thái Bình, ở ngôi 11 năm. Khi đó ở thành Phong Châu có một nhà họ Đỗ. Ông Đỗ thuộc gia đình có truyền thống ngồn gốc, là vị quan có tiếng của triều Lương. Chính thất là bà Vương Thị Tín. Vợ chồng ông tuổi đã cao, sinh đẻ khó khăn hiếm muộn nên không vui. Ông bèn xin từ quan trả chức. Vua Lương đồng ý, ban cho áo mũ, châu ngọc, xe ngựa. Ông làm lễ bái tạ, rồi trở về quê hương, chuyên làm nghề y để cứu nhân độ thế, ra sức tạo phúc, cố gắng làm điều nhân đức, tạo tượng đúc chuông, sửa chùa xây cầu, âm thầm làm các việc thiện, đã cảm động đến trời cao.

Một hôm, phu nhân nằm mơ thấy mặt trăng chiếu qua khe cửa sổ ánh sáng rạng rỡ. Từ đó cảm động mà có thai. Đến kỳ sinh được một người con gái, mắt phượng mày ngài, phong tư yểu điệu, khác xa người thường. Vợ chồng ông vui mừng vi trời đã cho thành nguyện, bèn đặt tên là Nguyệt Tuần. Đến khi trưởng thành tính tình đoan trang, lời nói uyển nhã, má phấn môi hồng như vạn điểm sóng thu, mắt Thuấn mày Nghiêu, mười phần xuân sắc. Cung thiềm còn khóa. Nhụy ngọc đương thì. Mối lương duyên chưa sớm định ước.

Nàng tuổi 18 thì cha mẹ đều mất. Đến khi an táng xong, một hôm nàng nghe nói ở trang Quyển Sơn (tên xưa là Canh Dịch) thuộc huyện Kim Bảng có sông Châu giang, trên núi Biệt có cỏ thi quý, cùng với núi Tuyết trên dãy Hương Tích có nhiều đá rất cao, mà lại xanh rậm, u vắng, sinh ra nhiều dị vật. Nàng cùng với một số thị nữ xuống thuyền theo dòng sông Hát xuôi xuống, dạo xem sông núi. Đến khi về tới trang Hữu Vĩnh ở đầu bến sông thì thấy xa xa có một ngôi đền thiêng trên núi, bèn đứng lên vọng bái trong thuyền.

Đến khi quây màn để tắm bỗng thấy một con giao long tiến lại, trườn quấn quanh thân. Nàng sợ hãi chạy vào trong thuyền, chạy ngược dòng về nhà. Từ đó cảm động mà có thai. Khi ấy (năm Giáp Thìn mồng 10 tháng 8) ban đêm thấy có một áng mây năm sắc, tròn như hình lọng, che phía trên trước sân, trùm hết mặt đất. Trong một lúc sinh được một người con trai, mặt mũi to lớn, mày thanh mắt tú, tư chất kỳ lạ, khác xa người thường. Lên 3 tuổi thì biết nói, biết lễ nghĩa, thường hay biết học kính nhường, nghe lời biết suy xét. Bèn đặt tên là Xung Lang.

Ngày qua tháng lại, Ngài tuổi lên 6. Cha mẹ không bệnh mà mất. Đến khi Ngài lên 10 tuổi học hành thông minh, văn chương dài đẹp, ý tứ sâu sắc, có học sâu của Châu Trình, có khả năng của Âu Tô. Tài thơ sánh với Lý Đỗ, thích học cung tên, hay đọc binh thư, văn võ toàn tài, trở thành một người con có trách nhiệm với gia đình.

Lại nói, khi ấy Đế ban đầu làm quan triều Lương, sau loạn thì bỏ về. Khí đó các quan thú lệnh hà khắc. Giặc Lâm Ấp đến quấy biên cương. Bốn phương trộm cướp nổi lên. Đế bèn khởi binh đánh đuổi. Lại nghe tiếng Ngài có tài văn võ, trí dũng hơn người bèn sai sứ giả đến mang chiếu mời Ngài. Ngài tuân chiếu đến bệ kiến. Đế thấy là kỳ tài, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, không có việc gì không biết, không có vật gì không hiểu. Vua lấy lạ mà hỏi nguyên nhân là như thế nào? Ngài mới tâu rằng:

-          Thần là Đệ nhất thủy quan, tuân chiếu chỉ Thiên đình giáng sinh xuất thế, giúp vua giúp nước.

Vua nghe vậy rất vui mừng nói:

-          Lòng trời muốn giúp vậy.

Bèn mở tiệc lớn, tiến phong Ngài làm Tổng thống quân vụ Thuỷ đạo Thượng tướng quân, dẫn quân đi trước để chấn hưng quân thanh và để phòng ngừa bất trắc. Thế là Ngài bái nhận quân thủy bộ cùng với Đế tiến quân đường đường ra đi. Bắc đuổi Tiêu tư, Nam dẹp Lâm Ấp, Chiêm Thành. Thiên hạ yên định. Đế lên ngôi kỷ nguyên Thiên Đức, quốc hiệu là Vạn Xuân, đóng đô ở thành Long Biên.

Khi đó giặc đã được dẹp sạch. Ngài quay trở về cung đền ở trang Hữu Vĩnh làm lễ bái yết. Cho gọi các phụ lão của trang đến hỏi cho rõ ràng. Phụ lão tâu rằng:

-          Trang của chúng thần trước đây phụng thờ một vị Thủy thần, nước cầu dân cúng rất nhiều linh thiêng tỏ rõ. Đến hơn mười năm trước có một chiếc thuyền rồng của một vị công chúa cùng các thị nữ đi qua, dừng lại tắm ở đây. Từ đó không thấy linh nghiệm nữ.

Ngài cười rằng:

-           Đó chính là mẹ đẻ của ta.

Thế là phụ lão trang Hữu Vĩnh rất sợ hãi, bèn làm lễ xin được làm gia thần. Ngài đồng ý. Hôm sau thấy sứ giả mang chiếu thư đến, trong đó nói giặc đã dẹp xong, vua ban chiếu cho Ngài về triều dự tiệc, gia phong tước lộc những người có công. Ngài tuân chiếu xa giá về đến trang Trinh Tiết. Phụ lão ở đó cũng đến đón yết. Vì Ngài vốn trước là thần xuất thế, người dân thấm ơn không bị họa do hạn hán. Ngài bèn dừng xem sông núi. Thấy trời đất đẹp đẽ, trong ngoài thì bằng phẳng, trái phải có gò bờ, sông nước chảy quanh, nước lớn tràn trề. Thấy cảnh có tình bèn truyền lập hành cung, giết mổ trâu lợn, lập đàn cáo tế trời đất nước trăm thần. Xong thì gọi các thần tử trong trang khu đến ăn uống. bỗng nhiên ở đó thấy trên không có tiếng thần rằng:

Gia gia thiên hạ dĩ quy thần

Hà tất khu khu tác thế nhân

Kim triệu Xung Lang hồi thuỷ phủ

Đồng quy vân lý hội quân thần.

Phút chốc trời đất trở nên mờ mịt, gió lớn nổi lên. Ban ngày mà như đêm. Chốc lát thì thấy một đám mây vàng chuyển thành năm sắc, từ trên trời hạ thẳng xuống nơi Ngài ngự. Lại thấy thân của Ngài phát hào quang rực rỡ, theo mây cưỡi gió bay ra ngoài bến sông. Sau đó giây lát thì đám mù tan đi, trời trở nên trong sáng. Són nổi dồn dập. Thấy các loài thủy tộc xuất hiện nghênh đón Ngài trở về đầu trang Hữu Vĩnh. Đến chỗ nhánh sông thấy sóng gió trở nên yên. Tức khi đó Ngài đã hóa mất (là ngày mồng 10 tháng 12). Khi ấy nhân dân, gia thần, quân sĩ đều sợ hãi, bèn làm biểu tâu lên vua. Vua lệnh cho đình thần đến làm lễ.

Tế xong lại cho trang Hữu Vĩnh được miễn quân lương phục dịch, sai sứ tuân sắc phong Thượng đẳng.

Phong Nam thiên Linh ứng tối linh Thượng đẳng tôn thần.

Truy tặng phong thánh mẫu là Trinh tĩnh Đoan trang Đỗ Quý phi Công chúa.

Đến triều Đinh Tiên Hoàng (Đế họ Đinh, tên Bộ Lĩnh) khởi binh ở Hoa Lư, bình định 12 sứ quân, dẫn quân tiến về thành Thăng Long (xưa gọi là Long Biên), tiến đến bến sông đầu trang Hữu Vĩnh, huyện Hoài An, phủ Ứng thiên (sau đổi là Ứng Hòa). Bỗng thấy khi đó trời đất u ám, gió lớn nổi lên, sóng cả dập dồn, ban ngày như đêm. Đế bèn vào trong đền làm lễ cầu đảo. Giây lát trời quang tạnh, sóng gió ngừng lặng. Đếm đó Đế ở trong đền, đến cuối canh ba Đế nằm mơ thấy một lão ông quần áo chỉnh tề, hình dung cổ quái, từ trong đền đi ra, tự xưng là quan thủy thần (tên là Quảng Xung), nói rằng:

-          Trời đất an bài, các nơi đã định, có vua tất có bề tôi. Tôi tuân chiếu của thiên đình muốn đến gặp, tự xin âm phù dẹp giặc. Không quá một năm thiên hạ tất sẽ quy về một mối, xin chớ lo.

Dứt lời thì hết mộng (khi đó là mồng 6 tháng 12). Đinh Tiên Hoàng tỉnh lại biết là mộng thần. Sáng hôm đó làm lễ bái tạ, lấy ở trong trang những người cường tráng được hơn 10 người của các gia thần thạo sông nước. Ngay hôm đó dẫn quân đi đánh dẹp. Từ đó mỗi trận đều thắng. Đến khi dẹp yên được 12 sứ quân nghĩ đều do lòng trời giúp đỡ, thần linh hiện ứng âm phù, bèn sai sứ tuân sắc phong thượng đẳng. Tặng phong Quảng Xung Linh tế Thông cảm Dực thánh Hồng ân Uy liệt Hiển hữu Trang dũng Ninh quốc Thượng đẳng thần. Cùng với nước nhà hưởng lành, mãi giữ như vậy. Kính thay!

Ban thêm cho trang Hữu Vĩnh 5 nén vàng để mua nhiều ruộng đất và sửa chữa đền miếu làm nơi phụng thờ. Mỗi năm ngày 11 tháng Giêng Đinh Hoàng lại xa giá đến làm lễ, liệt vào lệ để biểu dương sự linh nghiệm của thần. Từ đó trở thành lệ thường.

Lại nói, từ đó nước cầu dân cúng đều có linh ứng, thường có giúp nước cứu dân, các đời đế vương đều có sắc phong mĩ tự cho vị Thượng đẳng thần. Đến triều Trần Nhân Tông giặc Nguyên đến xâm phạm, kinh thành bị vây hãm. Trần Quốc Tuấn vâng mệnh chống quân Nguyên, tiến quân đến huyện Hoài An thì gặp quân Nguyên theo đường thủy đánh đến. Hưng Đạo bèn vào đền làm lễ cầu đảo, xin được âm phù giúp. Sáng hôm sau dẫn quân ra đánh, giặc Nguyên quả nhiên thua. Đến khi được thiên hạ, ông Tuấn tâu việc này lên. Vua sắc phong mĩ tự: một vị là Vũ phấn Phong vân Đãng khấu Hộ quốc Linh ứng Thượng đẳng thần.

Đến thời Hậu Lê Thái Tổ khởi nghĩa dẹp giặc Minh, đuổi Mộc Thạch, Liễu Thăng, có được thiên hạ. Thái Tổ bèn bao phong mĩ tự: một vị là Tế thế Hộ quốc Thuần hoá Trợ dân Linh phù Thượng đẳng thần, lấy nơi hành cung chốn cũ làm chỗ phụng thờ xuân thu, bốn mùa hương khói, vạn đại không ngừng, cùng trời đất còn mãi như vậy. Tốt thay!

Vâng khai các lễ sinh hóa cùng các chữ húy cấm ba chữ Quảng Xung Lang, cho trang Hữu Vĩnh là trang hộ nhi, các trang khu thần tử khác cùng phụng thờ.

Ngày sinh thần chính lệ là ngày 10 tháng 8. Lễ dùng trên chay bàn, phẩm quả, dưới xôi lợn rượu. Ca xướng.

Ngày hóa thần chính lệ là 11 tháng 12. Lễ dùng trên chay bàn, phẩm quả, bánh thanh khiết các mầu, dưới tùy nghi mà làm lễ.

Chính lệ ngày khánh hạ là mồng 6 tháng 5. Dùng lễ tùy theo.

Niên hiệu Hồng Phúc năm thứ nhất ngày tốt đầu xuân, Hàn lâm Lễ viện Đông các Đại học sĩ, thần, Nguyễn Bính vâng soạn bản chính.

Hoàng triều niên hiệu Vĩnh Hựu năm thứ 6 giữa đông ngày tốt, nội các bộ Lại tuân theo bản cũ vâng chép.

No comments:

Post a Comment