Thursday, March 16, 2023

Ngọc phả Bà A Thánh mẫu Phương Dung Quận Phu nhân

Thần tích xã Luật Ngoại, Quan Lịch, Kiến Xương, Thái Bình.

Chính bản ngọc phả về công thần của Việt Vương Bà A Phu nhân Trang Thục Công chúa và Thạch Thần Đại vương do Quận công tước bộ Lễ quốc triều phụng soạn (bộ thứ ba).

Xưa nước Việt ta xét trục Ly Khảm núi sông phân ngang theo sao Dực Chẩn, Bắc quốc ban đầu nằm thẳng hướng phân theo sao Đẩu Ngưu. Từ Kinh Dương Vương ngự trị Nam Bang, gặp bà Tiên Vụ Nương, ở tại thành Phong Châu (tức nay là sông Bạch Hạc, sông Nhị Hà). Vua dạy dân cày cấy, đào giếng làm ruộng, bốn phương an bình. Nước không có tục dối trá, dân được yên vui. Khi đó Đế sinh được Lạc Long Quân kế ngôi. Xã tắc trải qua 400 năm thì Đế truyền ngôi lại cho Hùng Quốc Vương, Hùng Hy Vương, Hùng Hoa Vương, Hùng Huy, Hùng Ninh Vương, Hùng Chiêu Vương, Hùng Uy Vương, Hùng Trinh Vương, Hùng Võ Vương, Hùng Việt Vương, Hùng Định Vương, Hùng Triêu Vương, Hùng Tạo Vương, Hùng Nghị Vương tới Hùng Duệ Vương.

Vua có đại lược hùng tài, tư chất thánh triết, trong sửa văn đức, ngoài phòng biên phương, dốc ý hưng bình để yên Trung Quốc. Khi Vua tuổi thọ đã cao, sinh được 20 hoàng tử và 6 công chúa đều theo nhau về tiên hương. Chỉ còn 2 con gái, tên là công chúa Tiên Dung, gả cho Chử Đồng Tử ở xã Đa Hòa, huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu. Còn người thứ hai tên là công chúa Mị Nương Ngọc Dung được gả cho Tản Viên Sơn Thánh, quê ở động Lăng Sương, huyện Thanh Châu, phủ Gia Hưng, đạo Hưng Hóa. Khi đó, Thục chúa nghe vua Duệ không có con trai nối dõi, mới dẫn quân mã đến đánh, một trận lấy được nước Nam. Đóng đô ở thành Cổ Loa, huyện Đông Ngạn, phủ Từ Sơn, đạo Kinh Bắc. Giữ nước cộng được 50 năm thì có người Chân Định Bắc quốc, họ Triệu tên là Đà, dẫn mười vạn hùng binh tiến thẳng đến nước Nam đánh Thục Vương. Qua ngoài 3 năm, tất cả 105 trận thì Thục Dương Vương mất. Khi ấy Triệu Đà lên ngôi Hoàng đế, đóng đô ở An Quảng.

Lại nói, khi đó nước ta truyền rằng ở động Nghĩa Lĩnh, tổng Xuân Lũng, huyện Sơn Vi, phủ Lâm Thao (nay là tại Cổ Tích) có một vị phụ đạo quan lang, là dòng dõi thủy thần trong trăm trứng của Hùng Vương, họ Hùng, tên là ông Tuệ, trấn ở đầu sông (tức nay là sông Đà và sông Nhị Hà), lấy người con gái của vị tiến quan miền núi, tên là nàng A Dung, có nhan sắc tuyệt thế, mặt như kính ngọc không chút bụi, miệng cười như hoa nở. Tuổi quãng 18 mà có vẻ chim sa cá lặn, đúng là diện mạo nguyệt thẹn hoa nhường. Tứ đức không thiếu, tam tòng gìn giữ. Vợ chồng một nhà trung hậu, nối được nghiệp của một gia tộc có tiếng trên đời.

Lại nói, khi ấy ông Tuệ tinh thông võ nghệ, lại có thuật lạ tài kỳ. Lúc đó Triệu Việt Vương nghe tin ông Tuệ mạnh sánh trăm người, thân dài chín thước, sức có thể bát núi, thường lên rừng đuổi hổ, được nhân dân địa phương đều xưng là thiên tướng giáng trần. Ngay hôm đó Vua mới lệnh cho sứ thần đem chiếu đến triệu Ông vào kinh, hỏi xem tài lạ thuật kỳ. Khi đó ông Tuệ tuân chiếu theo sứ thần đến yết kiến Đế, làm lễ bái tạ, trình tấu văn võ thao lược, binh pháp Thái Công, không việc gì không biết, không vật gì không hiểu. Đế bèn phong làm quan doãn huyện Chân Định, phủ Kiến Xương, đạo Sơn Nam Hạ. Ngày hôm đó ông Tuệ liền đi nhận chức.

Qua hơn một năm, một hôm, ngày mồng 10 tháng 3 Ông quay về cùng với vài chục gia thần, đi xem phong cảnh, xem xét động tĩnh trong nhân dân. Lúc ông đến xã Luật Nội, nhân dân làm lễ bái hạ, thì mặt trời đã gác núi, trời đã sắp tối. Ông cùng quân sĩ lưu ở trong ấp. Đến sáng ngày Ông ra xem vùng đất này, trông thấy địa thế rồng uốn khúc khuỷu, nước chảy quanh co, trống chiêng la liệt, gò đống dẫn mạch, tất cả đều quay về chầu vào chính cục. Quan huyện thả phóng tầm mắt, bèn truyền nhân dân lập một cung sở ở tại nơi đất có thế cục quý. Được một tháng làm xong thì giao cho A Phu nhân ở đó mà giúp người già, trợ nhà nghèo, đem tài sản mà chiêu kết khách khứa. Những nơi như cầu chính, đường lớn đều được sửa chữa, không nơi nào là không làm.

Khi ấy vị quan tuổi đã ngoài năm mươi, phu nhân tuổi chưa đến bốn mười, nhưng lại chưa được trải lúc sinh con, vì thế thường không vui. Một hôm Ông mới than rằng:

-       Nhà ta vốn là dòng dõi đế vương, 122 năm trị nước Nam, tới như vợ chồng ta tự cố gắng không hề có mảy may làm ác. Thế mà vợ chồng ta lại chưa có người kế tự, sau khi trăm tuổi biết ai là người hương khói. Chi bằng ta hãy cố gắng tìm kiếm nơi đền thiêng mà cầu đảo, cầu khấn để có con trai nối dõi.

Nói xong lại nghe rằng đền Phù Đổng Thiên Vương ở thôn Phù Minh, xã Phù Đổng, tổng Tiên Du, huyện Tiên Du, phủ Từ Sơn, đạo Kinh Bắc, có ngôi đền rất linh ứng, cầu gì được ứng, xin nguyện sẽ được theo ý, nước khấn dân cầu có nhiều linh ứng. Hôm đó ngày mồng 9 tháng 4 mới soạn lễ chay đến thẳng nơi đền làm lễ tâu rằng:

-       Vợ chồng thần ở nơi trần thế chưa có con trai nối dõi.

Chúc xong thì ở lại trong đền để cầu mộng. Đến nửa đêm phu nhân nửa tỉnh nửa mê thấy trong đền sáng rạng, lại thấy có một người từ trên điện xuống, đứng trước điện nói rằng:

-       Vợ chồng các người đúng là chăm làm việc thiện nên thiên đình cảm được đức đó. Thượng đế trên thiên đình ban cho một vị nam tử tên là Thạch Thần Đại tướng quân đầu thai nhập vào phu nhân làm con trai. Hãy mau mau quay về lập một bức tượng đá ở nhà, ngày đêm thắp hương đèn mà cầu. Ta tất sẽ ứng cho. Chớ tiết lộ! Chớ tiết lộ! Hãy cẩn thận! Hãy cẩn thận!

Dứt lời bay lên không mà biến đi. Lại nghe trên không trung có tiếng nhạc nổi lên rất to, tiếng vang liên hồi bên tai, đột nhiên tỉnh lại, mới biết là nằm mơ. Lại làm lễ tạ rồi quay về nhà, làm một tượng đá, thắp hương cầu chúc.

Qua một tháng quả nhiên phu nhân có mang. Mang thai 11 tháng tới mùa xuân giờ Dần ngày 15 tháng Giêng thì sinh (năm Giáp Tý). Ở nơi sinh khi đó có khí lành bao phủ, hương thơm đầy nhà, khi sinh có tướng mạo đường đường, uy nghi lẫm liệt, mặt như mặt trời lúc sớm, sau lưng lại có dòng chữ: “Thạch Thần Đại tướng quân”, bụng to, rốn sâu, chân có 7 chòm lông màu đỏ, thực có tướng kỳ dị.

Cha mẹ đều yêu quý, nuôi dưỡng. Đến khi lên ba tuổi đã hiểu âm luật. Thân phụ mới đặt tên là Thạch Công. Rồi ngày qua tháng lại, xuân sinh hạ trưởng, khi Ông được 16 tuổi thân dài 6 thước, có dũng khí trăm người không địch. Khi ấy quan huyện thân phụ làm sớ tâu lên Hoàng đế Triệu Việt Vương. Đế nghe vậy bèn gọi ông Thạch đến nói chuyện, biết được tướng mạo đúng như sớ tấu. Đế chắp tay nói:

-       Trời vì ngôi báu của ta mà sinh ra vị hiền tài trợ giúp. Ta thật may mắn vậy.

Bèn gia phong thân mẫu là Bà A Phương Dung Trinh Thục Quận phu nhân. Ban cho 10 nén vàng cho về ở Luật Ngoại để khi trăm tuổi thờ phụng tên húy tự đúng như sắc chỉ. Không được di dịch.

Hôm đó mồng 5 tháng 5 Phu nhân tuân mệnh Đế trở về cung sở ở xã Luật Ngoại, mở tiệc khao tiếp phụ lão nhân dân. Ba ngày sau nói với phụ lão nhân dân rằng:

-       Dân chúng cùng với ta vốn là ơn sâu đức dày, đâu phải chuyện mới ngày một ngày hai. Nay ta có ba nén vàng đem cho phụ lão nhân dân để dựng một nơi đền dựa Mão hướng Dậu mà làm nơi phụng thờ ta, cứ tuân theo lời của ta, không được thay đổi.

Lại nói, khi đó đất nước có quân Lương vào cướp bóc của cải ở Cao Bằng, Tụ Long, châu Bảo Lạc tới 12 động châu trang trại của đạo Hưng Hóa, chiếm 4 phần 10 của thiên hạ. Các quan địa phương không thể chống cự. Hôm đó, quan địa phương mới dân sớ tấu lên Đế. Đế nghe vậy rất lo lắng việc này, mới triệu tập trăm quan văn võ tại chính sân rồng để nghị luận chống giặc. Trăm quan văn võ triều đình dương mắt nhìn nhau, bó tay không có kế sách nào khả thi. Thế là lúc đó ông Thạch tâu thẳng với Đế rằng:

-       Thần xin được thay thánh giá tự tìm các tướng tài, xin cho 12 vạn tinh binh, 100 con ngựa tốt, 1000 chiến thuyền thì giặc Lương có thể dẹp được. Không quá một tháng đầu tướng giặc sẽ treo dưới trướng.

Tâu xong, Đế rất vui mừng. Hôm đó ngày mồng 1 tháng 7 tuyển chọn được 8 vạn quân, 13 viên danh tướng, bèn gia phong ông Thạch là Tổng đốc kinh lược, đốc lĩnh các việc quân thuỷ bộ, kiêm là quan đại thần tiết chế bình giặc Lương Thạch Thần Đại tướng quân. Phong xong, Ông phụng lệnh Đế, dẫn quân mã tiến công.

Khi đó Ông tiện đường quay về đến Luật Ngoại bái tạ thân mẫu. Phu nhân bỗng nhiên nổi chí tang bồng, phấn khích lòng hồ thỉ, coi giặc Lương nhẹ như lông hồng. Hôm đó bà cùng con trai Thạch công lấy các nghĩa binh mạnh khỏe ở xã Luật Ngoại là 100 người, Luật Nội là hơn 200 người làm gia thần tay chân. Lại lấy 36 người ở khu bãi Nam Đường, 150 người ở xã Thân Thượng, 56 người ở 2 thôn Đông Đoài của Hương Nghĩa, 20 người ở Bạt Trung Ngoại, 80 người ở Cao Bạt làm gia tướng.

Hôm ấy chia quân làm hai đạo. Một đạo tiến thuyền theo đường Ái Châu. Lúc đó Quận phu nhân tay cầm song kiếm, cưỡi ngựa trắng. Thạch Công tay cầm đao sắt, cưỡi ngựa hồng, cùng tiến vào đồn giặc ở bến Hương Xá Đông Yên, phủ Khoái Châu, sau lại ở châu Tự Nhiên ra vào giao chiến với giặc Lương. Qua hơn 5 tháng, cộng 35 trận, chém 100 đầu danh tướng, thắng bại chưa phân.

Khi ấy, mẹ con mới thu quân mã trở về Chân Định. Quận phu nhân thiết lập một đồn dinh ở xã Luật Ngoại để kiên trì chống giặc. Hôm đó, Thạch Công cũng truyền nhân dân Luật Nội lập một đồn chống giặc. Trải qua một tháng, quân mã hy sinh quá nửa. Mẹ con biết khó thoát mới ngẩng mặt lên trời than rằng:

-       Trời hại ta, không phải mắc tội vì chiến đấu.

Mới thấy trời đất mờ tỏ, mưa to gió lớn, giữa ngày mà như đêm. Mẹ con chạy tới bến bãi sông Lịch Bài, thấy một cây gỗ lớn ở đó. Cây gỗ hổng nửa bên trong. Mẹ con nhập thẳng vào lỗ hổng. Được một khắc, nước lớn dâng cao, mẹ con cùng mất. Hôm đó ngày mất là ngày 15 tháng 8.

Lại nói, khi ấy có vị Đại úy Nguyễn Đạt thấy hai vị đã hóa bèn làm biểu tấu lên Đế. Đế mới dẫn ba quân chia binh làm ba đạo, đồng thời tiến đánh, phá tan tướng giặc, thế như chẻ tre, bẻ củi khô, truy bắt các tướng giặc như sấm nổ, sét giật. Các tướng cùng quân sĩ đều bị chết đuối. Sông không thể chảy. Đồ khí giới vứt như gò núi. Quân giặc đại loạn bỏ chạy. Đế bắt sống chủ tướng, một xe không quay được, một ngựa không còn. Cả vùng sạch bóng giặc.

Đế lại rất thương cảm Quận phu nhân cùng với con trai là Thạch Công, một nhà mẹ con đã tận trung. Hôm ấy xa giá đến nơi hóa bên sông, truyền cho phụ lão hào mục Luật Nội, Luật Ngoại ra bến sông kéo cây gỗ lớn, chia làm hai đoạn, lập thành hai bức tượng, dựng hai miếu để phụng thờ. Đế lại gia phong sắc chỉ:

-       Một vị Bà A Thánh mẫu Phương Dung Quận phu nhân (cho Luật Ngoại phụng thờ).

-       Một vị Thạch Thần Hộ quốc Đại vương (cho xã Luật Nội xã phụng thờ).

Lại nói, sau khi hai vị đại vương mất có nhiều anh linh, quốc đảo ân cầu rất hiển ứng nên các đời đế vương đều truy phong mỹ tự Thượng đẳng phúc thần, cùng hưởng với nước nhà, mãi theo cách thức đó vậy. Cho đến triều Lê, Thái tổ Cao Hoàng đế mệnh đại thần là quan Thái úy Nguyễn Kim dẫn quân đi thảo phạt các tướng Liễu Thăng, Mộc Thạch, Hoàng Phúc. Quân đi qua hai xã, thấy miếu thờ đại vương sáng rạng, hương khói không ngừng, mới chúc rằng:

-       Hai vị tôn thần xin âm linh bảo vệ quốc gia, bình thảo được giặc.

Chúc xong, bỗng thấy trên điện xuất hiện một nữ nhân, một nam nhân, tự xưng:

-       Một là Quận phu nhân Bà A phu nhân và một là Thạch Thần Đại vương, chính là những danh tướng của Việt Triệu Hoàng đế. Mẹ con trung thần có một không hai. Nay thấy nước nhà có cầu đảo, mẹ con bầy tôi xin theo quan tướng đi chinh phạt. Xin báo để quan tướng biết.

Đêm đó quan Nguyễn Thái úy khấu đầu bái tạ, rồi cử binh tiến thảo giặc ở thành Lạng Sơn. Liễu Thăng thua chạy, chạy thẳng về thành Lạng Sơn. Chém được chủ tướng cùng các quân sĩ. Hôm ấy quan Thái úy dẫn quân sĩ khải hoàn trở về, làm biểu tấu lên Đế. Đế nghe việc thần thiêng đã âm phù giúp nước, dẹp yên giặc, bèn gia phong thêm mĩ tự ba chữ:

-       Gia phong Vua Bà A Phương Dung Trinh Thục Phu nhân.

-       Gia phong Thạch Thần Linh ứng Hộ quốc Tế thế Đại vương

(chuẩn cho hai xã Nội Ngoại cùng phụng thờ)

Phong sắc các lệ của hai vị đại vương:

-       Chính lệ ngày 15 tháng 10, lễ cúng tam sinh, rượu hoa cúc, ca hát ba ngày thì ngừng.

-       Cấm chữ húy là A, Thạch hai chữ nhất thiết cấm. Các màu vàng và trắng khi nhân dân làm lễ không được mặc, nhất thiết cấm.

Niên hiệu Hồng Phúc năm thứ nhất, tháng giữa đông ngày tốt, Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ, bề tôi Nguyễn Bính phụng soạn.

Hoàng triều Vĩnh Hữu năm thứ năm mồng 1 tháng 10, Quản giám tri điện Hùng lĩnh Thiếu khanh Nguyễn Hiền phụng sao tuân theo đúng như bản chính trước đây.

Các kỳ sinh nhật của hai vị cứ theo như ngày tháng năm trong tích mà làm lễ, dùng lễ tam sinh, ca hát ba ngày thì dừng.

Trong ngày hóa việc ca hát nhất thiết cấm, chỉ tổ chức đánh cờ ba ngày thì dừng.

Sinh thời Triệu Việt Vương Thánh mẫu khâm phụng được phong mỹ tự là Bà A Phương Dung Trinh Thục Quận Phu nhân (Sau khi hoá phong Thánh mẫu Vua Bà A Quận phu nhân).

Thái tổ triều Lê gia phong Quốc mẫu Vua Bà A Phương Dung Trinh Thục Phu nhân Thượng đẳng phúc thần.

Nguyên bản ngọc phả ở miếu trước đây lưu giữ để phụng thờ, sau do biến loạn bị hỏng, nên mới dám tìm phụng sao bản chính của xã Luật Nội vào thời Việt Nam dân chủ cộng hoà, năm Nhâm Thìn tháng 5 ngày tốt.

Văn tế cầu phúc xuân thu

Cung duy!

Đại vương

Vụ tinh dục tú

Thái nhạc chung anh

Đức hoằng khôn tải

Công đại khiêm chinh.

Lịch giang kiếm kích ba trừng, nhất môn nghĩa liệt

Tượng lĩnh lâu đài nhật lệ, vạn cổ anh thanh.

Tư nhân xuân/thu tiết tứ thất đan thành. 

Phục duy giám cách

Tích dĩ hoà bình.

Cẩn cáo.

 

No comments:

Post a Comment