Friday, March 10, 2023

Những Thục triều trong sử Việt

Đình Hương Triện, Nhân Thắng, Gia Bình, Bắc Ninh

Thần tích xã Hương Triện ở Gia Bình, Bắc Ninh cung cấp những thông tin hết sức hiếm lạ về nguồn gốc  của Thục An Dương Vương. Bản thần tích Hương Triện ngay tên gọi là Ngọc phả ghi chép cổ về Thục đế Thạc thần là dòng dõi vua Hùng nước Nam Việt. Thông tin này có thể tóm tắt như sau:

Vào thời vua Hùng thứ 17 là Nghị Vương, có vị Bộ chủ bộ Ai Lao, là dòng dõi của người con thứ 8 từ bọc trăm trứng, mang họ Hùng tên Bích. Chính thất phu nhân của ông sinh được 2 người con trai rồi mất sớm. Ông Bộ chủ lấy thêm một người vợ nữa, con của vị huyện lệnh họ Trần huyện Gia Định đạo Bắc Giang, là bà Thận Nương làm đệ nhị phu nhân. Thận Nương nằm mơ thấy rồng nhập mà mang thai, sinh được người con đặt tên là Thạc công.

Khi đó vua nước Thục có con gái là công chúa Hằng Nương, nghe tin Bộ chủ Ai Lao sinh được Thạc công có hùng tài dũng lược, nên đã dẫn quân đến bộ Ai Lao, xin Thạc công về làm con rể. Thạc công lấy công chúa nước Thục rồi kế ngôi của nhạc phụ, xưng là Thục An Dương Vương.

Tới thời vua Hùng thứ 18 là Duệ Vương do không có con trai nối dõi nên đã nhường ngôi cho Thục An Dương Vương. An Dương Vương nhận thụ truyền lẫy nỏ thần từ Hùng Duệ Vương, dời về đóng đô ở Cổ Loa. Vua lại đi xem xét thế đất, thấy khu vực núi Đông Cứu có thế đất đẹp, lại là quê mẹ, nên đã lập hành cung ở đó, thường hay lui tới du lãm.

Lại nói bấy giờ có người phủ Cửu Chân, Nam Hải, họ Triệu tên Đà, phát động hùng binh kéo đến đánh Thục Vương để cướp nước. Vì Thục Vương có nỏ rùa lẫy thần nên Triệu Đà nhiều lần thất bại. Triệu Đà mới bày kế xin giảng hòa, hai nước coi nhau như anh em, rồi cử con trai là Trọng Thủy cầu hôn với con gái An Dương Vương là công chúa Mỵ Châu. An Dương Vương đồng ý.

Trọng Thủy gạt Mỵ Châu đánh tráo lẫy nỏ thần, rồi xin trở về Triệu. Trước khi về Trọng Thủy đưa cho Mỵ Châu chiếc áo lông ngỗng, dặn khi có sự biến thì rắc lông ngỗng làm dấu để tìm nhau. Trọng Thủy lấy được lẫy nỏ thần về Triệu thì Triệu Đà lập tức dẫn quân tấn công Cổ Loa. Nỏ thần vô dụng, An Dương Vương dẫn Mỵ Châu bỏ chạy. Khi gặp đường cùng bên sông, cầu khấn thần rùa hiện lên, nói: Giặc ở sau lưng nhà vua đó.

Mỵ Châu thề với trời rồi tự tiết xuống sông. An Dương Vương chạy ra đến cửa Nam Hải thì được thần rùa rẽ nước, cầm ngọc văn tê bảy tấc mà đi xuống biển, hóa sinh bất diệt.

Câu chuyện về An Dương Vương ở Hương Triện đọc qua có vẻ không có gì khác so với chuyện kể thông thường về Thục Vương. Tuy nhiên, thông tin đặc biệt ở đây chính là nguồn gốc cha mẹ của An Dương Vương được kể một cách rất rõ ràng. Cha là Bộ chủ Ai Lao, là dòng dõi họ Hùng. Mẹ là thứ phu nhân, người Gia Bình, Bắc Ninh. Hơn nữa, chi tiết khó giải là việc vua nước Thục dẫn quân tấn công Ai Lao lại chỉ để xin chàng rể cho con gái của mình và nhường ngôi cho Thạc công.

Sự kiện này vào thời Hùng Nghị Vương cũng được Hùng Vương Thánh Tổ ngọc phả kể: 

Hùng Nghị Vương thừa hưởng nhiều đời thiên hạ thái bình. Vua sinh ra đam mê tửu sắc, ham thích du chơi, không lo sửa sang võ bị. Vua nước Thục từ xa nghe tin Trung Quốc không mấy khi dùng đến việc võ nên muốn thống nhất dư đồ, nhưng sợ phương Nam có cây kiếm thần nên còn do dự chưa quyết.

Bấy giờ chúa phụ đạo bộ Ai Lao là người có hùng tài đại lược, cũng vốn là tông phái của Hùng Vương. Vua Thục biết thế bèn đem quân sang đánh bộ Ai Lao để đoạt chức chúa phụ đạo. Bộ Ai Lao không kháng cự được bèn sai sứ giả sang cầu cứu với Hùng Nghị Vương. Hùng Nghị Vương thân đem 10 vạn tinh binh tiến thẳng đến dưới thành Ai Lao để cứu viện. Thục Vương nghe tin bèn biên thư gửi cho Hùng Nghị Vương, nói: “Quân Thục từ phía Tây đến, chỉ muốn bộ chủ [Ai Lao] truyền lại cho ngôi báu, đâu dám giơ càng bọ ngựa mà chống với muôn cỗ xe của nhà vua”.

Hùng Nghị Vương thấy lời lẽ trong thư như thế bèn rút quân về. Thục vương bắt được bộ chủ phụ đạo [Ai Lao] đem về Thục, gả công chúa cho, rồi bắt nhường ngôi cho mình. Thục Vương sai sứ giả sang tạ ơn Hùng Nghị Vương, xin coi triều Nam là anh, triều Tây là em, cùng nhau giảng hoà định ước, hai nước quan hệ đi lại với nhau. Hùng Nghị Vương bằng lòng như thế. Từ đó triều Tây ngừng việc binh.   

Thần tích xã Cao Mại ở Phú Thọ cũng cho biết, người dẫn quân cùng với Hùng Nghị Vương đi ứng cứu Ai Lao là Phò mã Lý Lang Công. Sự kiện vua Thục đánh Ai Lao rõ ràng không đơn giản chỉ là để xin con rể, mà là một sự tranh chấp lớn giữa Hùng và Thục. Sự thực của việc này là như thế nào?

Để kiến giải việc này phải lần theo từng dữ kiện dựa trên sử thuyết Hùng Việt. Trước hết, Ai Lao là đất Âu, vào cuối thời Hùng Vương (Thiên tử Chu) vùng đất này do Tây Chu Quân cai quản. Thục Vương là con của Bộ chủ Ai Lao tức là con của Tây Chu Quân, nhưng lại làm chủ vùng Bắc Việt, đóng đô ở Cổ Loa. Như thế Thục Vương trong chuyện này chính là Đông Chu Quân. 

Lịch sử phân liệt Tây Chu Quân và Đông Chu Quân tóm tắt từ Sử ký Tư Mã Thiên như sau: Năm 440 TCN, Chu Khảo Vương Cơ Nguy sau khi lên ngôi đã phân phong cho em trai là Cơ Yết ở đất Vương Thành giữ chức Chu công để phụ giúp triều đình. Cơ Yết có hiệu là Tây Chu Hoàn công hoặc Tây Chu quân. Sau khi Cơ Yết mất, con là Cơ Táo nối ngôi, tức Tây Chu Uy công.

Năm Chu Hiển Vương thứ hai (367 TCN), Tây Chu Uy công mất, hai con là công tử Căn và công tử Triêu tranh đoạt ngôi vị với nhau. Hai nước chư hầu là Hàn và Triệu lập công tử Căn ở đất Củng, tức là Đông Chu Huệ công hoặc Đông Chu quân, Chu Hiển Vương không biết cư xử thế nào cũng không có thực lực để chống lại nên đành chấp nhận thực tế. Đó là nguồn gốc dẫn đến sự phân chia thành 2 nước Tây Chu và Đông Chu, sự chia rẽ này làm cho nhà Chu càng ngày càng thêm suy nhược. Thiên tử nhà Chu ở nhờ Tây Chu quân.

So sánh lịch sử này với chuyện Thục đế Thạc thần ở trên có thể thấy:

- Tây Chu Quân là Bộ chủ Ai Lao, dòng dõi họ Cơ của nhà Chu, được truyền thuyết Việt chép là họ Hùng. Vua Hùng Nghị Vương lúc này tương ứng với Chu Khảo Vương.

- Đông Chu Quân là con thứ của Tây Chu Uy Quân, do tranh chấp với người anh nên được chư hầu Hàn và Triệu giúp, lập riêng nước, xưng Đông Chu. Đông Chu Quân tương ứng với Thạc công, được vua Thục (Hàn Triệu) giúp mà xưng là An Dương Vương. Vua Hùng Duệ Vương lúc này là Chu Hiển Vương, buộc nhường vùng đất Đông Chu cho Thục Vương.

- Sự việc tiếp theo thì người diệt nhà Chu (Thục) là Tần Chiêu Tương Vương, nên tương ứng được truyền thuyết Việt gọi là Triệu Đà. Nhà Tần vốn mang họ Triệu theo đất phong ban đầu từ thời Chu Mục Vương. 

- Người đã "ở rể" ở Cổ Loa (Trọng Thủy) như thế chính là Dị Nhân Doanh Tử Sở, sau là Tần Trang Tương Vương, bố của Tần Thủy Hoàng. Công chúa Mỵ Châu được Hoa sử chép là Triệu Cơ, trong đó Cơ chính là họ của các vua Chu. 

Truyền thuyết về Thục Vương ở nước ta như thế có thể kể đến 4 giai đoạn với tình tiết khá tương đồng, đều cùng là đến từ vùng Ai Lao phía Tây, chiếm được vùng Bắc Việt mà xưng đế vương:

- Thục Vương I trong trận đánh với hàng chục vạn quân chia làm nhiều đạo tiến vào miền Bắc Việt, thắng lợi thì định đô ở Phong Châu. Đây là sự kiện Cơ Xương Chu Văn Vương đánh chiếm đất Sùng và dời về Phong kinh.

- Thục Vương II dời đô về xây thành Cổ Loa, với sự tích rùa vàng trừ Bạch Kê Tinh ở núi Thất Diệu. Đây là chuyện Chu Bình Vương dời đô từ Cảo kinh (Vân Nam) về Lạc Dương, khởi đầu thời kỳ Đông Chu.

- Thục Vương III là con Bộ chủ Ai Lao, được nhường ngôi ở miền Bắc Việt, rồi bị nhà Triệu lừa mà mất nước. Đây là sự kiện Đông Chu Quân kế nối Chu Noãn Vương rồi bị Tần Chiêu Tương Vương diệt, kết thúc 800 năm vương triều Chu trong lịch sử.

- Thục Vương IV cũng từ phía Tây đến, thống nhất thiên hạ các chư hầu thành một nước và là người đã mở rộng quy mô thành Cổ Loa 3 vòng thành rồi bị Triệu Vũ Đế - Lý Bôn lật đổ. Đây là nhà Tần với sự hiện diện của phò mã Lý Thân trấn giữ Hồ ở thành Cổ Loa và đạo sĩ Yên Kỳ Sinh gặp Tần Thủy Hoàng ở chân núi Yên Tử.

Chính bởi do có tới 4 sự kiện có chiều hướng rất giống nhau từ Tây chinh Đông, nên dẫn đến sự nhầm lẫn rất khó phân định trong các tư liệu sử Việt. Một sơ đồ sau khái quát lại thời kỳ này một cách mạch lạc.

Những Thục triều trong sử Việt.

Nội điện An Dương Vương từ ở Hương Triện.




No comments:

Post a Comment