Saturday, November 24, 2018

Tục thờ tổ bách nghệ và đạo Hiếu của người Việt

Bài trình bày trong tọa đàm "Tục thờ tổ bách nghệ tại Việt Nam qua góc nhìn đạo Hiếu" tại đình Kim Ngân, Hà Nội nhân ngày di sản Việt Nam.
Nước ta có lịch sử phát triển hơn 4000 năm, là một trong những nước có nền văn hóa lâu đời nhất trên thế giới. Trong tiến trình lịch sử nhân dân ta đã trải qua nhiều nấc thang tiến bộ xã hội. Mỗi nấc thang là một bước tiến về khoa học công nghệ, tức là hiểu biết và cách thức chúng ta sử dụng các tài nguyên thiên nhiên để phục vụ cuộc sống của con người. “Nghề” chính là những kiến thức khoa học kỹ thuật đó. Tổ nghề là những người đã khai sáng, phát kiến, giúp xã hội chúng ta bước đi những bước đi dài hơn, vững chắc hơn, tự chủ hơn trong lịch sử. Mỗi vị tổ nghề do đó đánh dấu một mốc phát triển quan trọng của xã hội Việt theo chiều dài lịch sử.
Hiên Viên Hoàng Đế, ông tổ bách nghệ
Hôm nay, trong ngày di sản Việt, chúng ta cùng nhau có mặt ở đình Kim Ngân này, một ngôi đình giữa lòng thủ đô văn hiến với tục thờ tổ nghề rất sâu sắc. Ngôi đình này thờ vị tổ bách nghệ với tên Hiên Viên. Tổ bách nghệ, tức là tổ của mọi nghề của xã hội, chứ không chỉ là tổ nghề kim hoàn. Hiên Viên là ai lại được thờ phụng như tổ các ngành nghề ở giữa 36 phố phường Hà Nội như vậy?
Không khó để thấy Hiên Viên là vị Hoàng Đế, người được coi là thủy tổ của người Trung Quốc. Hoàng Đế hay Đế Vàng là một vị đế trong Ngũ Đế của Trung Hoa cổ đại. Trong truyền thuyết Trung Hoa, Hoàng Đế đã có hàng loạt những phát minh mang tính chất khai mở cho các ngành nghề như làm nhà, đóng xe thuyền, may được quần áo ngũ sắc, y thuật (Hoàng Đế nội kinh). Lịch cổ Trung Quốc lấy mốc bắt đầu từ Hoàng Đế.
Nhưng Hiên Viên Hoàng Đế của Trung Hoa thì liên quan gì tới người Việt của chúng ta mà lại được cha ông ta thờ làm tổ của bách nghệ?  Liệu các cụ ngày xưa “thờ nhầm” hay do “ảnh hưởng” của văn hóa?
Xem sách Đại Việt sử ký toàn thư, ngay ở câu mở đầu: “Xét thời Hoàng Đế dựng muôn nước, lấy địa giới Giao Chỉ về phía Tây Nam, xa ngoài đất Bách Việt…”. Như thế chính sử nước Đại Việt từ thời lê đã coi Hoàng Đế Hiên Viên là người đã khởi thủy cho sử Việt. Hoàng Đế của Trung Hoa lại là thủy tổ của sử Việt, vậy là thế nào?
Vua Minh Mạng nhà Nguyễn sau khi lên ngôi đã cho xây dựng miếu Lịch đại đế vương ở kinh thành Huế để thờ các bậc vua sáng và tôi hiền qua các triều đại. Miếu Lịch Đợi được xây dựng trên một ngọn đồi nay thuộc phường Phường Đúc tại Huế, là làng nghề đúc đồng nổi tiếng của kinh thành. Cách bài trí án thờ nơi miếu Lịch Đợi theo Đại Nam nhất thống chí như sau:
Gian giữa thờ Phục Hy tại chính trung. Vị tả nhất thờ Thần Nông. Vị hữu nhất thờ Hoàng Đế.Một lần nữa lại có Hoàng Đế Hiên Viên của Trung Hoa được toàn thể triều đình nhà Nguyễn tôn thờ như bậc tiên tổ của dân tộc. Không chỉ vậy, ở gian chính giữa của miếu Lịch Đợi còn thờ các vị vua cổ đại Trung Hoa là Đường Nghiêu, Ngu Thuấn, Hạ Vũ, Thương Thang, Chu Văn Vương, Chu Vũ Vương. Tức là vua Minh Mạng cùng các quan thần triều Nguyễn chính thức coi các vị vua Tam Hoàng Ngũ Đế và các vị vua thời Tam Đại Trung Hoa là các vị tiền triều của mình, thường xuyên xuân thu cúng tế.
Theo truyền thuyết Trung Hoa, Hoàng Đế Hiên Viên là vua của nước Hữu Hùng Thị, đã đánh dẹp Xi Vưu, thống nhất các bộ tộc thời lập quốc, mở đầu thời kỳ “lịch sử” 5000 năm của Trung Quốc. Hiên Viên là vua nước Hữu Hùng thị tức chính là Vua Hùng trong sử Việt. Truyền thuyết Việt kể các vua Hùng là những người đã “có công dựng nước”, có công to lớn trong việc phát triển các nghề nghiệp ở buổi bình minh lịch sử dân tộc.
Thiên Nam ngữ lục, thiên trường thi sử thế kỷ 17 có đoạn:
Tự vua Viêm Đế sinh ra
Thánh nhân ngưu thủ họ là Thần Nông
Trời cho thay họ Hữu Hùng
Con cháu nối nghiệp cha ông thủ thành.
Truyền thuyết Họ Hồng Bàng của người Việt kể: Đế Minh cháu ba đời họ Viêm Đế Thần Nông…Như vậy Hiên Viên Hoàng Đế Hữu Hùng chính là Đế Minh, vị vua Hùng đầu tiên của sử Việt.
Truyền thuyết Hùng Vương cho biết vua Hùng đã dậy dân cày cấy, trồng ngũ cốc (nghề nông), làm đồ gốm, xây dựng nhà cửa bằng gỗ thay cho ăn hang ở lỗ,…  Cũng vì thế mà vua Hùng - Hiên Viên Hoàng Đế đã được người Việt cũng như người Hoa tôn làm ông Trời, tức Ngọc Hoàng Thượng Đế. Vị tổ bách nghệ cũng là vị quốc tổ lâu đời nhất trong lịch sử dân tộc Việt.
Cửu Thiên Huyền Nữ, vị mẫu tổ bách nghệ
Văn tế tiên tằm ngày 15 tháng Giêng của làng Đại Lan (Kim Lan) bên bãi sông Hồng (Văn Giang, Hưng Yên):
Cảm chiêu cáo vu:Thánh đế Tiên sư Hoàng đế Hữu Hùng thị vị tiềnTiên tàm Thánh đế Nguyên phi Tây Lăng thị Loa tổ vị tiền…Bách nghệ tiên sư như đã nói ở trên là Hữu Hùng Hoàng Đế, tức là tổ Hiên Viên của đình Kim Ngân này. Còn bà tổ nghề tằm tang “Tây Lăng Thị Loa tổ” ở đây là ai?
Sử ký Tư Mã Thiên, Ngũ đế bản kỷ cho biết “Hoàng Đế ở gò Hiên Viên, cưới vợ là người con gái của Tây Lăng”. Bà Loa tổ là vợ của Hiên Viên Hoàng Đế, là tổ nghề chăn tằm dệt vải.
Ở đây cha ông chúng ta không chọn “nhầm” người Trung Quốc để thờ làm tổ nghề. Tây Lăng Thị cũng chính là Quốc mẫu Lăng Thị Tiêu ở núi Tây Thiên trên dãy Tam Đảo. Vị nữ thần núi Tam Đảo tương truyền đã giúp vua Hùng diệt giặc, cùng gây dựng đất nước lúc mới khai sinh lập quốc. Quốc mẫu ở Tây Thiên còn được thờ như Mẫu Thượng Thiên, người đứng đầu Thiên phủ trong tín ngưỡng Tứ phủ của người Việt.
Mẫu Thượng thiên hay Mẫu Cửu trùng cũng là Cửu Thiên Huyền Nữ của Đạo Giáo Trung Hoa. Công trạng của Cửu Thiên Huyền Nữ không chỉ chế ra nghề nuôi tằm dệt lụa mà bà còn có một loạt những đóng góp khác cùng với Hiên Viên Hoàng Đế trong công cuộc dựng nước.
Bà đã giúp ông Dung Thành chế ra máy Cai Thiên để xem thiên tượng, giúp ông Thương Hiệt chế ra chữ viết tượng hình để thay cho việc thắt nút ghi nhớ các sự việc. Ngoài ra Cửu Thiên Huyền Nữ truyền khoa Lục Nhâm Ðộn Giáp. Như thế Cửu Thiên Huyền Nữ là người đầu tiên khai mở nền Dịch học (triết học phương Đông).
Ở Hà Nội từng có đền thờ Cửu Thiên Huyền Nữ. Theo sách Tây Hồ chí thì đền này nằm ở ấp Trích Sài, có tên là đền Huyền Nữ. Vị thần ở đây cũng được gọi là Công chúa Loa. Rõ ràng vị Loa tổ của nghề tơ tằm cũng là Cửu Thiên Huyền Nữ.
Ở kinh thành Huế, vua Minh Mạng từng cho xây dựng một Đạo quán mang tên là Linh Hựu, mà tượng thờ ở gian chính là Cửu Thiên Huyền Nữ. Trong tín ngưỡng ở miền Trung thì Cửu Thiên Huyền Nữ là tổ của nghề mộc, nghề nề và nhà trò. Bản thân chùa Thiên Mụ có thể cũng chính là một di tích gắn với Cửu Thiên Huyền Nữ.
Trong các văn khấn như văn Thượng Lương thì Cửu Thiên Huyền Nữ được nhắc tới đầu tiên, còn trước cả tổ sư nghề xây dựng Lỗ Ban. Trên thước và bùa Lỗ Ban cũng thường đề câu chú “Cấp cấp như Cửu Thiên Huyền Nữ luật lệnh”.
Hai vị tổ sư bách nghệ Hiên Viên Hoàng Đế và Cửu Thiên Huyền Nữ là 2 vị quốc tổ của người Việt, là những người đã đánh dấu nấc thang phát triển của xã hội công xã nguyên thủy, mở đầu lịch sử quốc gia và dân tộc họ Hùng.
Ta thường khấn “Hoàng thiên Hậu thổ” chính là nói tới 2 vị này trong quan hệ âm - dương, trời - đất:
  • Hoàng là Hoàng Đế Hiên Viên, với vai trò ở vị trí Thiên.
  • Hậu là hoàng hậu Tây Lăng thị ở vị trí Địa (thổ) trong Tam tài.
Có Vua trời và Mẹ đất mới sản sinh ra bách nghệ, giúp con cháu có cuộc sống no đủ, lâu dài. Hoàng thiên và Hậu thổ cũng là 2 vị thần bản mệnh được thờ cúng trong các gia đình (tục thờ này nay vẫn còn ở miền Trung). Như thế đạo thờ tổ nghề - tổ tiên đã ăn sâu vào tâm thức con dân Việt, tới từng ngóc ngách của cuộc sống.
Thần Đồng Cổ và hội thề trung hiếu
Thời kỳ của Hoàng Đế Hiên Viên và Cửu Thiên Huyền Nữ là thời kỳ tiền sử, ứng với giai đoạn đồ đá mới trong khảo cổ học. Bước nhảy vọt tiếp theo trong phát triển xã hội là việc phát minh ra nghề luyện kim, trước hết là nghề đúc đồng. Cùng với sự xuất hiện và tiến bộ của nghề đúc đồng xã hội Việt đã tiến lên chế độ quân chủ phong kiến trên bình diện rộng của toàn cõi Đông Nam Á và Hoa Nam, tức là vùng đất Bách Việt xưa. Trong tục thờ tổ nghề, sự kiện này được đánh dấu bởi thần trống đồng hay thần Đồng Cổ.
Trống đồng Đông Sơn của nước ta đã được biết tới như biểu tượng của văn hóa, của dân tộc. Thần trống đồng hay thần Đồng Cổ là vị thần được tôn thờ dưới thời Lý Thánh Tông, gắn với việc thần đã báo giúp Thái tử Phật Mã phòng bị sự ám hại của ba người anh em (loạn Tam Vương) khi lên ngôi. Lý Thánh Tông đã cho rước thần từ Thanh Hóa về thờ miếu Đồng Cổ nằm ở phía Tây kinh thành Thăng Long và lập hội thề trung hiếu tại đây. Hàng năm vua quan nhà Lý đến miếu Đồng Cổ cùng nhau uống máu ăn thề giữ trọn đạo hiếu trung trước tiền nhân.
Câu đối ở miếu Đồng Cổ tại Thanh Hóa:
Thiên vi anh địa vi linh, tất Mã giang Tây thanh miếu cổ
Thần đương trung tử đương hiếu, Thăng Long thành Bắc thệ đàn cao.
Dịch:
Trời gây tài, đất kết thiêng, sông Mã dải Tây trong miếu cổ
Tôi giữ trung, con đảm hiếu, Thăng Long thành Bắc đàn thề cao.
Đối chiếu truyền thuyết và tư liệu ta nhận ra rằng thần Đồng Cổ chính là vị Chu Công Đán mà Lý Thánh Tông đã đề cập tới như một tấm gương trung hiếu, giúp vua, giúp nước. Chu Công có đất phong là ở nước Lỗ nên được truyền thuyết Việt gọi là Cao Lỗ, người đã phát minh ra nỏ thần diệt giặc dưới thời Thục An Dương Vương. Bí kíp lẫy nỏ này chính là Dịch lý được thể hiện trên trống đồng (Đồng Cổ Dịch).
Cao Lỗ hay Lư Cao Sơn cũng là vị tổ nghề rèn, thờ ở nhiều nơi.
Nghề luyện kim đồ đồng đã đạt đỉnh cao dưới thời Thương Chu mà các thủ lĩnh luyện kim cũng là các thủ lĩnh quốc gia ở thời này. Mẫu hình của Chu Công – Đồng Cổ là tấm gương sáng về đạo hiếu, gây được nhân đức, cải được thiên mệnh về cho nhà Chu dựng nước Văn Lang thịnh trị trong gần 1000 năm văn hiến.
Cao Biền, vị tổ nghề gốm và địa lý phong thủy
Một vị tổ nghề quan trọng là Cao Vương Biền, tiết độ sứ khu vực nước ta dưới thời nhà Đường. Làng Kim Lan bên bờ sông Hồng là nơi thờ Cao Vương Biền làm thành hoàng và như vị tổ nghề gốm. Làng này cùng với Bát Tràng là làng gốm sứ lâu đời. Kim Lan chuyên về gốm xây dựng như gạch ngói,…  Kim Lan cũng là nơi có di chỉ khảo cổ Hàm Rồng với việc phát hiện các loại gạch từ thời Đường là gạch mang dòng chữ Giang Tây quân.Câu đối ở đình Kim Lan:
Tĩnh Hải chân truyền từ đào nghiệp
Giang Tây chuyên trúc Đại La thành.
Dịch:
Thầy Tĩnh Hải truyền nghề gốm sứ
Gạch Giang Tây đắp Đại La thành.
Gạch Giang Tây quân là loại được phát hiện ở lớp xây dựng dưới cùng trong di tích Hoàng thành Thăng Long trong những năm gần đây. Vậy mà làng Kim Lan từ lâu đã biết tới điều này, còn sớm hơn cả những nghiên cứu khảo cổ học chính thống. Bởi vì họ duy trì được tục thờ tổ nghề là thờ Cao Biền từ thời Đường.
Phải nói thêm là chính Cao Biền chứ không phải ai khác được thờ làm Trấn Nam thành Thăng Long dưới tên Cao Sơn Đại Vương. Cao Vương không chỉ là tổ nghề gốm mà còn là một tổ nghề về địa lý phong thủy, trấn trạch nổi tiếng của nước ta.
Tiết độ sứ Cao Biền còn được thờ ở rất nhiều nơi suốt dọc từ Bắc và Nam dưới tên Cao Các đại vương. Đây là vị thành hoàng gặp phổ biến ở Thanh Hóa, Nghệ An, thậm chí các vùng Thừa Thiên Huế, tới tận Khánh Hòa. Tín ngưỡng thờ Cao Vương bắt nguồn từ công nghiệp an dân, trị quốc của Tiết độ sứ Cao Biền.
Không Lộ và Từ Đạo Hạnh thiền sư
Sang thời kỳ độc lập của nước Đại Việt dưới triều Lý, tục thờ tổ nghề gắn liền với tín ngưỡng dân gian, cụ thể là đạo Giáo hay đạo phù thủy ở nước ta. Thời này nổi lên các vị tổ nghề như Không Lộ thiền sư (nghề đúc đồng), Từ Đạo Hạnh (nghề múa rối nước và hát chèo). Thánh tổ Không Lộ thiền sư nổi tiếng bởi phép thuật thần thông, sang phương Bắc dùng một chiếc túi mà thu hết đồng mang về nước Nam, đúc nên Tứ đại khí An Nam.
Không Lộ thiền sư còn là 1 trong 4 vị Tứ bất tử của nước ta. Mỗi vị thần bất tử là một vị đạo trưởng một đạo phái trong lịch sử phát triển tín ngưỡng của người Việt. Không Lộ là tổ không chỉ của nghề đúc đồng mà còn là thánh tổ của đạo Giáo dân gian, rất phát triển và có đóng góp lớn trong công cuộc dựng nước thời nhà Lý.
Tục thờ Không Lộ còn gắn với tục diễn trò rối đầu gỗ hay trò Ổi Lỗi. Đây là một hình thức diễn tấu thờ thánh, tái hiện lại sự nghiệp diệt thần Xương Cuồng (thần Hổ) của thánh tổ Không Lộ. Nhưng trò diễn này cũng là loại hình diễn xướng dân gian, mà trong lĩnh vực này thiền sư Từ Đạo Hạnh được coi là vị thánh tổ của nghề hát chèo và múa rối.
Đình Kim Ngân ở phố Hàng Bạc, nơi thờ bách nghệ tổ sư Hiên Viên Công Tôn Thần.
Thay cho lời kết
Ta thấy, vấn đề thường “mắc” khi nói tới các tổ nghề nước ta là không hiểu vì sao người Việt  lại toàn thờ các nhân vật Trung Hoa làm tổ nghề, như Hiên Viên Hoàng Đế, Cửu Thiên Huyền Nữ, Lỗ Ban, Cao Biền,… Dưới một góc nhìn mới và thông qua các tư liệu dân gian, cùng các di tích, di vật còn lưu lại tới nay đã có thể nhận ra, đây hoàn toàn không phải là các làng nghề “thờ nhầm” hay do ảnh hưởng văn hóa ngoại lai, mà thực chất các vị tổ nghề đó chính là tổ tiên người Việt trong mỗi thang bậc phát triển của khoa học kỹ thuật và văn hóa xã hội Việt. Thờ tổ nghề do đó đi liền với đạo Hiếu – đạo thờ các vị tiền nhân có công trong tiến trình lịch sử dựng và giữ nước.
Ta thấy các vị tổ bách nghệ cũng là những vị quốc tổ, quốc mẫu của dân tộc. Ngày nay, có biết “tôn sư” thì mới “trọng đạo”. Muốn làm nghề tốt (“đạo”) thì cần tôn thờ những người có công khai mở nghề nghiệp. Đó cũng là Hiếu đạo.
Cây có cội, nước có nguồn. Quá khứ không phải là điều đã qua và qua rồi là hết. Lịch sử một đất nước, một dân tộc như phần rễ cây chìm trong lòng đất, không nhìn thấy nhưng lại quyết định khả năng vươn cao của cây. Rễ có sâu, có to thì thân và cành lá mới xum xuê vững chãi. Nền văn minh chói ngời của cha ông một thời soi đường cho cả Thiên hạ là sức mạnh tinh thần to lớn thúc đẩy con cháu ngày nay xốc tới. Thờ tổ nghề, thờ tổ tiên là tìm lại di sản tinh thần và trí tuệ của cha ông để lại cho chúng ta hôm nay.

No comments:

Post a Comment