Thursday, November 29, 2018

Thừa Thiên Huệ pháp Hậu Thổ Nguyên Quân

Truyện Ứng Thiên hóa dục Hậu thần trong Lĩnh Nam chích quái chép:
Thần vốn là vị thổ thần ở nước Nam ta. Năm Thần Võ thứ nhất đời Thánh Tông, vua đi chinh phạt nước Chiêm Thành, tới cửa bể Hoàn Hải, bỗng nhiên trời nổi mưa to gió lớn, sóng dâng cuồn cuộn, xa nhìn như núi, ngự thuyền và chiến thuyền đều không thể qua bến được, bèn phải cắm thuyền ở bờ biển.Đêm ấy, mộng thấy có người con gái mặc đồ trắng, quần đỏ, trang điểm sơ sài, phong tư yểu điệu bước lên thuyền ngự mà nói rằng: “Thiếp là tinh đất ở nước này, hồn đậu ở trên cây đã lâu. Nay gặp lúc minh quân xuất chính, nguyện xin cùng đi theo để lập chiến công”. Dứt lời không thấy đâu nữa. Vua bèn tỉnh dậy triệu tập tả hữu và các bậc kỳ túc kể lại chuyện.Có vị tăng thống là Huệ Sinh tâu rằng: “Thần đã nói là đậu nhờ ở trên cây, vậy nên cầu khấn tất được yên”. Bèn sai thân nhân tìm khắp các núi trên bờ, ngẫu nhiên thấy một cái cây ngọn như hình người, giống hệt vị thần trong mộng, bèn đặt trên thuyền ngự, thắp hương cầu đảo, đặt hiệu là Hậu Thổ phu nhân.Trong khoảnh khắc gió yên sóng lặng, hành quân vượt biển thuận lợi, không lo ngại vì sóng gió nữa. Vua bèn lập thần từ, phút chốc sóng gió lại nổi cuồn cuộn như trước. Huệ Sinh tậu rằng: “Ý thần không muốn ở lại bên bờ”. Bèn về kinh xin âm dương để cầu cho sóng bể được yên. Kíp khi về tới kinh, xây đền thờ ở làng An Lãng…Tới đời Trần Anh Tông, gặp hạn hán, vua sai lập đàn để cầu đảo. Thần bèn thác mộng cho vua, nói: “Đền này có vua Câu Mang, có phép làm mưa”. Vua tỉnh dậy, sai quân dâng lễ, quả nhiên được buổi mưa to gió lớn.Vua bèn sách phong cho thần làm Hậu Thổ đại phu nhân, đời đời gia phong vì nghĩ thần có công với dân. Triều Trần lại phong làm Ứng Thiên Hậu thổ Thần kỳ Nguyên quân. Phàm tiết lập xuân đều mang thổ ngưu nộp ở dưới đền, tới nay đã thành tục lệ.
Đình Ứng Thiên ở Láng.
Đền thờ Hậu thổ Nguyên quân ở làng Yên Lãng nay là đình Ứng Thiên. Đình có câu đối tóm tắt lại sự tích vị thần này:
海門應夢以来木像金容彰聖蹟
安邑顯靈猶昨風平雨順仰神庥
Hải môn ứng mộng dĩ lai, mộc tượng kim dung chương thánh tích
An ấp hiển linh do tạc, phong bình vũ thuận ngưỡng thần hưu.
Dịch:
Cửa biển ứng mộng tới nay, tượng gỗ hình vàng rực tích thánh
Ấp Láng linh thiêng thủa nọ, gió yên mưa thuận kính điềm thần.
Thì ra tên làng Láng là từ chữ Yên Lãng – yên sóng, của sự tích thần Hậu Thổ phù vua Lý bình Chiêm.
Hậu Thổ Nguyên Quân là ai mà quyền năng lại cao như thế? Có thể giúp nước mở mang bờ cõi và điều khiển được cả thần mưa (Câu Mang), đã đi vào sử sách từ đời Lý Trần. Đây không phải là “thổ thần, thổ địa” nho nhỏ ở phương Nam mà là một vị thần có tầm vóc quốc gia to lớn.
Tiền tế đình Ứng Thiên.
Ở đình Ứng Thiên hiện nay người ta cho rằng thần Hậu Thổ cũng là Địa Mẫu. Chữ Hậu ở đâu nghĩa là hoàng hậu, chứ không phải là "sau". "Chức danh" hoàng Hậu này cho thấy đây là một nhân vật có tầm vóc quốc gia, là vợ vua.
Trong văn khấn tại đền gọi tên bà như sau: Thừa Thiên hiệu pháp đức quang thái hậu thổ hoàng địa kỳ cửu lũy nguyên quân.Trong các văn khấn ở miền Trung vị thần này cũng là vị được nhắc tới đầu tiên, chứng tỏ vị thế cực cao trong tín ngưỡng. Ví dụ bản văn khấn sau:
Thừa thiên hiệu pháp Khai hoàng Hậu thổ Nguyên quân, Thổ hoàng Địa kỳ Tử Anh phu nhân, Thái giám Bạch Mã tôn thần, Kim niên hành khiển đại vương…Hậu Thổ Nguyên Quân là vị thần quan trọng trong Đạo Giáo, là mẫu chủ của các thần tiên (Nguyên Quân). Tức chính là Tây Vương Mẫu hay Cửu Thiên Huyền Nữ.
Gọi là Hậu Thổ hay bà mẹ đất là đối lại với Hoàng Thiên chỉ vua cha Ngọc Hoàng thượng đế. Thổ hay Địa ở đây không phải là khu vực đất đai mà chỉ phần vật chất, phần âm (tính Khôn) trong đối lập với Thiên chỉ tinh thần (tính Càn). Ý nghĩa của câu nói “thiếp là tinh đất” ở đây là như vậy.
Cái tên “Cửu Lũy” được giải nghĩa là có 9 loại lũy đất, trạng thái mềm rắn khác nhau… Nhưng thực ra chữ Cửu này là chữ Cửu trong Cửu Thiên Huyền Nữ, chỉ hướng Tây trong tên Tây Vương Mẫu hay Tây Thiên quốc mẫu, Mẫu Cửu trùng. Còn chữ Lũy vốn là tên của bà Lụy tổ nghề tơ tằm, hay cũng là Cửu Thiên Huyền Nữ. Lũy như vậy có thể chỉ công nghiệp của Cửu Thiên Huyền Nữ dùng đất làm nhà (đắp lũy), cũng có thể chữ Lũy tương đương với Thổ, hoặc Địa, chỉ phần vật chất.
Liên hệ bất ngờ nhất đối với Hậu Thổ Nguyên Quân là danh xưng: Thừa Thiên hiệu pháp. Pháp hiệu của Hậu Thổ Nguyên Quân là Thừa Thiên. Điều này cho thấy bà mẹ trời ở chùa Thiên Mụ tại Huế chính là Thừa Thiên hiệu pháp Hậu thổ Nguyên quân. Địa danh Thừa Thiên Huế xuất phát chính từ sự tích chùa Thiên Mụ, gắn với Hậu Thổ Nguyên Quân.
Khi so sánh sự tích bà Thiên Mụ hiển linh phù hộ chúa Nguyễn Hoàng ở Thừa Thiên Huế với truyện Hậu Thổ thời Lý ta thấy sự liên thông thống nhất. Cũng là bà mẹ trời (Ứng Thiên hay Thừa Thiên), cũng mặc đồ màu hồng/đỏ, cũng trợ giúp vua chúa mở cõi về phương Nam. Hậu Thổ Nguyên Quân ở đây không phải bà Thiên Y A Na của người Chăm, mà là vị thần chủ tiên giới Cửu Thiên Huyền Nữ.
Cửa biển Hoàn Hải thời Lý, nơi Hậu Thổ Nguyên Quân ứng hiện không rõ là nơi nào, nhưng hẳn là từ miền Quảng Bình Quảng Trị đổ về phía Nam, nơi giáp đất Chiêm Thành. Khu vực này cũng tương đương với vùng Thừa Thiên Huế. Chữ Hoàn này cũng như trong tên nước Hoàn Vương, là quốc gia trước của Chiêm Thành. Hoàn là tượng chỉ đầu phương Nam.
Điểm liên hệ khác là vị tăng thống giải mộng có tên là Huệ Sinh (tiên sinh Huệ). Điều này tương quan với cái tên Huệ - Huế trong Thừa Thiên Huế. Huệ Sinh có thể hiểu là Huệ nhân hay người Huế. Thành ra, có vị tăng thống người Huế nói về thần Hậu Thổ. Liệu có phải đúng ra tên vị thần này phải là Thừa Thiên Huệ Pháp?
Hoành phi Ứng Thiên Hiển Thánh.
Câu đối ở đình Ứng Thiên làng Láng:
李海鯨清波剩鏡
陳壇龍噴澤猶香
Lý hải kình thanh ba thặng kính
Trần đàn long phún trạch do hương.
Dịch:
Biển Lý kình vang dư sóng chiếu
Đàn Trần rồng nhả đất lưu hương.

No comments:

Post a Comment