Tuesday, November 20, 2018

Các vị Nam Giao học tổ bên sông Hát

Bản thần tích đình Nga My Thượng (Thanh Mai, Thanh Oai, Hà Nội) được sao y bản chính từ bản thần tích lưu giữ ở Đền Hùng vào năm Thành Thái thứ 11 kể về 2 vị thành hoàng làng là Thiện Nguyên và Quang Lai như sau:
Thời Long Biên nước ta còn nội thuộc vua Hán Chiêu Đế. Bấy giờ có ông họ Đặng, tên húy là Vận, tổ tiên được tước phong, con cháu nối đời tập ấm. Ông lấy người trong quận họ Tạ, tên huý là Thị Cẩn, cũng là con nhà thi lễ, dòng dõi trâm anh, thật là môn đăng hộ đối. Ông dạy học song lại giỏi chữa thuốc thường thích làm việc thiện và cứu giúp những người nghèo khổ.
Ông đã ngoài 60, vợ cũng ngoài 40 tuổi mà chỉ sinh được mấy người con gái, chưa có con trai. Vì thế ông bà đem người cháu tên là Quang (sinh giờ Mão, ngày mồng 9 tháng Giêng năm Kỷ Dậu) vốn không có nơi nương tựa về nuôi.
Về sau ông bà sinh hạ được ông Thiện (sinh giờ Sửu, ngày 12 tháng 11 năm Giáp Ngọ), tướng mạo khác thường, thông minh dĩnh ngộ. Mới 3 tuổi đã hiểu lễ nghĩa, biết kính, nhường, nghe học đã thuộc, nghe nhạc nhớ ngay. Bảy tuổi đến trường học, 13 tuổi thông hiểu sử sách, lại giỏi cả võ nghệ, sĩ tử đương thời đều bái phục và xưng tụng là Thánh đồng.
Năm 18 tuổi, cha mẹ đều qua đời (ngày mùng 5 tháng 5 Giáp Thân). Ba năm cư tang xong, ông cùng người em họ là Quang rất quan tâm đến việc đạo nghĩa để dạy dỗ sĩ dân.
Nghe tin ở Giao Châu giáo hóa chưa được rõ ràng, tôn ty trật tự chưa có nề nếp, ông dần dần đem điều thiện cải hóa mọi người, khiến dân chúng sau này đầu biết lễ nghĩa, phong tục tốt đẹp ở Nam Châu đều nhờ công lao của ông
Dân chúng rất kính trọng, suy tôn ông làm Châu trưởng. Lúc đó vua Chiêu Đế nhà Hán sai Chu Chương làm Thái thú Giao châu. Nghe tin ông đã dạy dỗ và được dân cảm phục, liền dâng sớ tiến cử, vua Hán rất khen ngợi, phong cho ông vào hàng các quan lớn tước Hầu.
Nhận chức xong, ông liền đi thăm thú các huỵện ấp, xem xét dân tình. Chợt đến Trại Nga My bên bờ sông, thấy dân chúng nơi đây chất phác, ít được học hành, ông bèn truyền lệnh dựng nhà ngay trên bờ sông để dạy dân chữ nghiã. Mới được một năm, dân ở đây ai cũng kính trọng ông.
Gặp lúc quận trưởng của 7 quận: Châu Nhai, Đạm Nhĩ, Thương Ngô, Quảng Tín, Phiên Ngung, Lộc Lãnh nổi loạn, đời sống của dân chúng náo động. Vua biết tin, hỏi ý các đình thần để trù tính kế sách dẹp giặc.
Thái thú bản Châu là Sầm Bành biết ông là người đức độ, được dân mến phục, ắt có thể dẹp được loạn, liền tiến cử vua. Nhà vua ưng thuận sai ông làm chức Châu thú đem quân đi dẹp giặc. Ông bèn trao cho ông Quang thay mình ở lại hành tại Nga My dạy dỗ, giáo hóa dân. Đồng thời ông tuyển chọn được hơn 500 gia thần đi theo. Ông lại truyền hịch đi các quận huỵện, người tình nguyện đi theo kể tới vài vạn; ấn định ngày giờ, đoàn quân tiến thẳng đến áp đảo quận Cửu Chân. Ông lệnh cho tướng sĩ chia nhau đóng đồn kiên thủ không ra khiêu chiến. Nhân đó lại sai quan văn viết hịch, lấy tín nghĩa để hiểu dụ, lấy họa phúc để răn đe giặc. Nghe những lời lẽ xác đáng, bọn giặc tỉnh ngộ bó giáo lai hàng, 7 quận trở lại yên ổn thanh bình, ông bèn chỉnh đốn quân sĩ trở về phủ (tức đất Long Biên).
Từ khi ông làm Thái thú, hình phạt được giảm nhẹ, dân chúng đều an cư lạc nghiệp. Lúc rảnh việc, ông lại trở về hành tại Nga My giảng giải cho dân những điều ân nghĩa, dân chúng đều bái tạ, nhân xin lấy chỗ hành tại, khi ông sống thì làm sinh từ, khi ông mất sẽ làm nơi thờ phụng. Ông ưng thuận rồi cùng ông Quang trở về Châu huyện, sai thay mình đến cống vua Hán, đồng thời cho ông Quang làm việc ở phủ.
Lúc đó ông đã 70 tuổi, một hôm đang ngồi ở phủ đường, ông bỗng thấy một luồng ánh sáng đỏ từ trong người bay vút lên không trung rồi biến mất. Ngày hôm đó, ông không bệnh tật gì mà hóa (vào ngày 10/8 năm Bính Ngọ). Ông Quang đem sự việc tâu lên, vua sai sứ đến tế và an táng ngay ở đó (Long Biên), lại phong cho làm phúc thần cho dân phủ lập miếu thờ phụng. Ngoài ra những nơi như Cửu Chân, Nam Hải, Nhật Nam, Hải Dương, Nga My, thường được hưởng sự giáo hóa của ông đều được rước mỹ tự về thờ phụng.
 Đình Nga My Thượng, Thanh Mai, Thanh Oai, Hà Nội.
Sau khi ông qua đời, vua Hán sai ông Quang thay quyền cai trị ở phủ. Đến thời vua Ai Đế nhà Hán, Đặng Nhượng làm Thái thú đô hộ, gặp lúc Vương Mãng nổi loạn, Đặng Nhượng sai ông Quang đi trấn giữ cửa ải.
Quân ông vừa đi đến Sơn Nam, bất ngờ quân Hán rầm rập kéo đến. Ông nói, quân Hán đang đánh nhau với Vương Mãng thì cớ gì lại kéo sang nước Nam, liền sai đóng cửa quan không cho vào. Tướng Hán rất tức giận sai phá cửa quan tiến thẳng vào địa phận nước ta. Thấy quân Hán cứ ào ào kéo vào, thế rất mạnh, ông lập tức rút quân về Nga My.
Chẳng bao lâu quân Hán đến kịp, nhân lúc đêm tối, chúng bủa chặt vòng vây. Ông cưỡi ngựa xông ra cự chiến, đến bên đường, ông ngửa mặt lên trời mà than rằng: Kẻ bề tôi thờ vua dẫu chết vẫn không hai lòng, không ngờ đến nông nỗi này, có lẽ chỉ có trời mới hiểu ta chăng; nói rồi ông hóa ở xứ Khu Đống (nhằm ngày 10/2 năm Đinh Mùi).
Trong khoảnh khắc, nước sông cuộn sóng sôi sùng sục, thuồng luồng, ba ba nổi đầy mặt nước. Quân Hán kinh sợ bèn bỏ chạy. Đặng Nhượng đích thân chỉ huy tù trưởng lấy quân đi dẹp giặc, quân Vương Mãng không dám kéo đến xâm lược nữa. Từ khi ông Quang qua đời, dân ấp thờ phụng cả hai người  ở trại Nga My.
Đời Bình Đế, nghe tiếng các ông có nhiều công tích với nhà Hán, bèn sai sứ ban sắc phong tặng là:Thiện Nguyên Công, Tế thế, Hộ quốc, Đại vương- Quang Lai công, Dực vận Hiển hựu, Đại vương.Cho phép các đền ở Nga My, Cửu Chân, Nhật Nam, Hải Dương cùng thờ phụng hai ông.(Theo blog của TS. Nguyễn Đình Đức)
Linh Thiện quán ở thôn Nga My Thượng.
2 vị thành hoàng Thiện Nguyên và Quang Lai còn được phụng thờ riêng ở 2 quán trong thôn Nga My Thượng là quán Linh Quang và quán Linh Thiện, mang tên 2 vị này.
TS. Nguyễn Đình Đức, người địa phương đã có sự so sánh 2 vị thành hoàng này với các vị Thái thú Tich Quang và Nhâm Diên:
+ Nhâm Diên 12 tuổi được xưng là Thánh đồng, Thiện Đại Vương 13 tuổi cũng được xưng tụng là Thánh đồng. Hai người đều được dân lập sinh từ (thờ lúc còn sống) để thờ.+ Quang Đại Vương và Tích Quang có tên húy trùng nhau.+ Hai Đại Vương đều có công với dân và được thờ phụng. Trong các quan lại thời  nhà Hán, ngoài Sĩ Nhiếp ra, chỉ có Nhâm Diên và Tích Quang là được đánh giá có công với dân và được thờ. Hai Đại Vương của làng ta cũng có công như vậy ít nhất là trong phạm vi quận Long Biên, nhưng không thấy sách nào nói đến.
Sự so sánh trên rất hợp lý. Các thái thú dưới thời Hán có công dạy giáo hóa nhân dân thì phải là Nhâm Diên, Tích Quang của chính sử. Theo Hậu Hán thư thì "Nhâm Diên khi làm thái thú Cửu Chân đã hòa giải được với man Dạ Lang để giảm được quân tuần tra đồn trú". Trong thần tích Nga My Thượng kể ông Thiện cũng đã hiểu dụ quân nổi loạn ở Cửu Chân.
Như vậy cả Nhâm Diên và Tích Quang, hai thái thú cuối thời Tây Hán có thể đều là những người Việt địa phương, quê ở khu vực tổng Nga My bên sông Hát này.
Một loạt các di tích khác ở vùng này liên quan là cụm đình đền Liên Bạt (Ứng Hòa) thờ ba vị đại vương họ Đặng là Đặng Sĩ, Đặng Xã và Đặng Lang. Rõ ràng đây là bộ ba anh em họ hàng Đặng Nhượng, Nhâm Diên, Tích Quang cai quản châu bộ cuối thời Tây Hán. Hay như ở đình Áng Phao (Cao Dương, Thanh Oai) thờ một vị Cư sĩ chống Hán cũng là giai đoạn và nhân vật này.
Phương đình đình Áng Phao, Cao Dương, Thanh Oai, Hà Nội.
Đặc biệt trong thần tích Nga My Thượng kể lại việc thái thú Quang chống giặc như sau:
Đến thời vua Ai Đế nhà Hán, Đặng Nhượng làm Thái thú đô hộ, gặp lúc Vương Mãng nổi loạn, Đặng Nhượng sai ông Quang đi trấn giữ cửa ải. Quân ông vừa đi đến Sơn Nam, bất ngờ quân Hán rầm rập kéo đến. Ông nói, quân Hán đang đánh nhau với Vương Mãng thì cớ gì lại kéo sang nước Nam, liền sai đóng cửa quan không cho vào. Tướng Hán rất tức giận sai phá cửa quan tiến thẳng vào địa phận nước ta. Thấy quân Hán cứ ào ào kéo vào, thế rất mạnh, ông lập tức rút quân về Nga My. Chẳng bao lâu quân Hán đến kịp, nhân lúc đêm tối, chúng bủa chặt vòng vây. Ông cưỡi ngựa xông ra cự chiến, đến bên đường, ông ngửa mặt lên trời mà than rằng: Kẻ bề tôi thờ vua dẫu chết vẫn không hai lòng, không ngờ đến nông nỗi này, có lẽ chỉ có trời mới hiểu ta chăng.
Thái thú Quang dưới thời Vương Mãng đã đóng quan ải và chống lại quân Hán xâm chiếm vùng Giao Châu, hy sinh trong trận. Quân Hán ở đây rõ ràng là quân Đông Hán của Sầm Bành - Lưu Tú chứ không phải của nhà Tây Hán vì lúc này nhà Tây Hán đã được thay thế bởi triều Tân của Vương Mãn.
"Kẻ bề tôi thờ vua dẫu chết cũng không hai lòng". Tích Quang đang là thái thú dưới triều đại của Vương Mãng, nhất định không phản vua, đầu hàng giặc Hán (Đông Hán). Đây mới thực sự là ý nghĩa của lời trăng trối này.Sử Tàu đã nhập nhèm coi 2 triều đại Tây Hán từ Lưu Bang và Đông Hán của Lưu Tú như một dòng liên tục. Thực chất đây là 2 triều đại riêng biệt của 2 nhóm tộc người khác hẳn nhau. Nhà Hán của Lưu Bang là "hảo hán", trong đó các vua đều có tên xưng là Hiếu (hảo). Đây là triều đại của người Bách Việt vì bản thân Lưu Bang là người Việt phương Nam. Triều đại này còn được biết với tên là Viêm Lưu, chỉ rõ nguồn gốc phương Nam của  triều đại Lưu Bang.
Còn nhà Hán của Lưu Tú bắt nguồn từ vùng phía Bắc Hoàng Hà, địa bàn gốc của Hán tộc. Đây là dòng "hung hãn", chỉ người Hung Nô, gọi vua là Hãn.
Vì Đông Hán không phải là người Việt nên Tích Quang, một thái thú người Việt sinh ra lớn lên ở Giao Chỉ, đã kiên quyết chặn giặc và bỏ mình vì nước trong cuộc chiến với Hãn quân.
Đình ba thôn Liên Bạt, Ứng Hòa, Hà Nội.
Đôi câu đối ở trụ nghi môn đình Nga My Thượng:
龍編城北秀氣引鍾天柱地維標卓立
涐湄寨南餘靈格鍳庭花野草向春榮
Long Biên thành Bắc, tú khí dẫn chung, thiên trụ địa duy tiêu trác lập
Nga My trại Nam, dư linh cách giám, đình hoa dã thảo hướng xuân vinh.
Dịch:
Thành Bắc Long Biên, khí đẹp dẫn hun, cột trời cõi đất cao sừng sững
Trại Nam Nga My, linh thiêng soi cảm, cỏ nội hoa sân hướng vẻ xuân.
Các vị thái thú và châu mục Nhâm Diên, Tích Quang, Đặng Nhượng là những kẻ sĩ đã hết lòng giảng dạy sĩ dân, giữ gìn phong hóa đất Giao Châu thời đầu Công nguyên. Đạo Nho học trước hết là ở lòng trung hiếu. Các vị đã nêu cao tấm gương trung thành với nước, chống giặc ngoại xâm đến hơi thở cuối cùng. Tôn danh "Nam Giao học tổ" - tổ đạo học đất Nam Giao, thật xứng đáng dành cho các vị này.

No comments:

Post a Comment