Sunday, November 11, 2018

Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Cương

Câu hát ru mà ở Huế ai cũng thuộc:
Gió đưa cành trúc la đà
Ti
ếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Cương.
Câu ca dao này nêu 2 danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở Huế là chùa Thiên Mụ và đồi Long Thọ (Long Thọ Cương). Đây là 2 địa danh nằm đối diện nhau qua dòng sông Hương, tạo ra một cảnh đẹp thơ mộng của đất Thần kinh.
Ta hãy thử đặt những câu hỏi sâu hơn cho những danh lam thắng cảnh này. Chùa Thiên Mụ và đồi Long Thọ có quan hệ thế nào đối với công cuộc lập nước của nhà Nguyễn ở Thừa Thiên Huế? Tìm trả lời cho câu hỏi này đem lại những điều bất ngờ, phát hiện ngay nguồn gốc của cái tên gọi “Huế” ở nơi đây.
Tháp chùa Thiên Mụ.
Trước hết là về sự tích chùa Thiên Mụ. Việc xây ngôi chùa này liên quan đến vị Thái Tổ của nhà Nguyễn là Chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Theo sách Đại Nam thực lục, ngay sau khi quyết định rời bỏ vua Lê chúa Trịnh và về đất Thuận Hóa lập nghiệp chúa Nguyễn Hoàng “đi dạo xem hình thế núi sông, thấy trên cánh đồng của xã Hà Khê thuộc huyện Hương Trà, giữa khu đất bằng phẳng nổi lên một gò cao, trông tựa như hình đầu rồng đang ngoái nhìn lại, phía trước thì có sông lớn, phía sau thì có hồ rộng, cảnh trí rất đẹp đẽ. Nhân đó mới hỏi chuyện người địa phương, ai cũng nói gò đất đấy rất thiêng.Tục truyền: Xưa, đang đêm bỗng có người nhìn thấy một bà già mặc áo đỏ, quần xanh, ngồi trên đỉnh gò và nói:- Sẽ có vị chân chúa đến đây xây chùa để tụ khí thiêng, cho bền long mạch.Nói rồi bà già ấy biến mất. Bấy giờ, nhân đấy mới gọi là núi Thiên Mụ. Chúa cũng cho là núi ấy có linh khí, bèn cho cất chùa, gọi là chùa Thiên Mụ”.
Bà già mặc áo đỏ” trong sự tích này là ai mà lại hiển linh báo trước sự xuất hiện của một triều đại mới như vậy? Có ý kiến cho rằng đó là Bà Hỏa trong bộ các bà Ngũ hành nương nương. Nhưng… Thiên Mụ, hay bà mẹ trời thì không phải là Ngũ hành. Thiên Mụ gắn với chúa Nguyễn là một nhân vật cấp quốc gia, cao hơn nhiều so với các “hành”, tục thờ Ngũ hành có mức độ thờ phụng thấp hơn nhiều, thường chỉ dùng trong các làng xã. Thiên Mụ ở đây là một vị thần khác.
Trong kinh thành Huế, dưới thời Minh Mạng vua đã cho xây dựng một Đạo quán của kinh thành là quán Linh Hựu 靈祐. Về quán Linh Hựu Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ có chép:
Năm Minh Mạng thứ 10, xây dựng quán Linh Hựu tại đầu phường Linh Thái xưa, nằm ở phía bắc sông Ngự Hà trong Kinh thành. Bên trong quán dựng điện Trùng Tiêu. Gian giữa bày 1 cái khám phụng thờ tượng đồng Cửu Thiên Thánh Tổ và 2 tượng đồng Kim đồng, Ngọc nữ. Án thứ nhất bên tả, bày tượng đồng Lục Giáp; án thứ nhì bên tả, bày tượng tổ 72 bộ Địa Sát, do viên đạo lục phụng thờ.Cửu Thiên Thánh Tổ” là cách viết tắt của “Cửu Thiên Huyền Nữ Thánh Tổ Đạo Mẫu Nguyên Quân”. Vị thần chủ chính của Đạo Giáo được đúc tượng lập quán trong kinh thành của triều đình nhà Nguyễn không phải là Thái Thượng Lão Quân (Lão Tử), mà là Cửu Thiên Huyền Nữ, bà mẹ trời của Trung Hoa cổ đại.
Ở khu vực miền Trung và miền Nam tục thờ Cửu Thiên Huyền Nữ rất phổ biến, từ cấp quốc gia đến trong từng nhà dân vì Cửu Thiên Huyền Nữ được thờ làm thần bản mệnh của các bà vợ trong gia đình. Nhiều nhà ở vùng Phong Điền hay Quảng Trị đặt ban thờ Cửu Thiên Huyền Nữ gọi là Tran Bà.
Thiên Mụ hay Bà mẹ trời, tức là Mẫu Thượng thiên trong tín ngưỡng Tứ phủ của miền Bắc. Mẫu Thượng thiên mặc áo màu đỏ, trùng khớp với sự tích ở chùa Thiên Mụ. Mẫu Thượng thiên còn gọi là Mẫu Cửu trùng, là hình ảnh của Cửu Thiên Huyền Nữ.
Như thế, chùa Nguyễn Hoàng khi bắt đầu mở nước ở phía Nam đã lấy tích Cửu Thiên Huyền Nữ (Linh Mụ - Thiên Mụ) để làm nền tảng tâm linh cho sự nghiệp của mình. Các phủ chúa Nguyễn thường lập ở vùng Kim Long, tức là khu vực chùa Thiên Mụ.
Cũng chính thời gian này xuất hiện cái tên Huế để chỉ vùng này. Tới đây ta có liên hệ quan trọng: tên gọi Huế khả năng bắt đầu từ chữ “Huệ”, nghĩa là ơn huệ. Người Huế thường nói vui phát âm Huế thành Huệ. Thừa Thiên Huế là Thừa Thiên Huệ, nghĩa là nhận ơn huệ của Trời. Có thể thấy nếu chỉ có tên Thừa Thiên thì sẽ cụt ý. Nhưng nếu thêm Thừa Thiên Huế thì ý nghĩa rất rõ ràng. Đây cũng chính là nghĩa của sự tích chùa Thiên Mụ đã kể trên. Chúa Nguyễn Hoàng đã nhận ơn ban theo Thiên mệnh để mở nước lập quốc ở phương Nam.
Mỗi triều đại khi lập quốc thường xây dựng một huyền thoại để khẳng định tính “chân mệnh thiên tử” của mình. Nhà Lý khi dời đô đã lấy tích rồng vàng bay lên trên sông Nhị mà đặt tên đô thành là Thăng Long. Lê Lợi với cây Ỷ Thiên kiếm trả lại cho Rùa vàng hồ Gươm cũng là ý khẳng định mệnh trời cho nhà Lê. Nhà Nguyễn khi xây dựng một nền độc lập ở phía Nam, dứt bỏ nhà Lê, đã có chuyện nhận ơn mệnh của Thiên Mụ - Cửu Thiên Huyền Nữ mà lập nên xứ Huệ (Huế).
Huệ Nam điện.
Một dẫn chứng khác về khả năng Huế vốn là Huệ là tên của điện Hòn Chén. Điện Hòn Chén có tên là điện Huệ Nam, thường được giải thích là “ban ơn huệ cho nước Nam”. Nhưng cũng có thể Huệ Nam nghĩa là vùng Nam Huế, tức là còn có vùng mang tên Huệ ở phía Bắc. Phía Bắc của điện Hòn Chén theo dòng sông Hương chính là khu vực Kim Long của các phủ chúa Nguyễn và chùa Thiên Mụ.
Một truyền thuyết khác ở chùa Thiên Mụ kể:
Đồi Hà Khê rất thiêng, khoảng đời nhà Đường có viên đại tướng tên là Cao Biền từng đi khắp các nơi núi non sông biển nước ta xem nơi nào có khí linh thiêng thì tìm cách yểm đi. Cao Biền thấy trên đồi Hà Khê có khí thiêng, bèn đào sau chân đồi để cách mạch đi, khiến cho linh thiêng về sau không cư tụ được. Đêm hôm đó bỗng có một người đàn bà thể sắc trông thì còn trẻ nhưng mái tóc bạc phơ, mình vận áo đỏ ngồi dưới chân đồi than vãn, rồi cất tiếng nói to: "Đời sau nếu có bậc quốc chủ muốn bồi đắp mạch núi để làm mạch cho Nam triều thì nên lập chùa thờ Phật, thỉnh cầu linh khí trở về nơi núi này để phúc dân giúp nước, tất không có gì phải lo". Người đàn bà ấy nói xong biến mất. Từ đó gò đất được gọi là núi Thiên Mụ.
Cổng đình Dương Xuân Hạ ở chân dãy Hàm Rồng, nơi thờ Cao Các đại vương.
Ở truyền thuyết này ta thấy hiện diện nhân vật Cao Biền từ thời Đường ở Huế. Các nhà nghiên cứu hiện cho rằng Cao Biền lúc này “chưa đủ thăm quyền” để vào sâu phía Nam như vậy. Nhưng thực tế, chuyện Cao Biền ở miền Trung và Nam Trung bộ là hoàn toàn có thể nếu biết rằng Cao Biền đánh dẹp quân Nam Chiếu chính là ở vùng miền Trung Việt, chứ không phải ở bên Vân Nam.
Có thể ý nghĩa của nhân vật Cao Biền ở đây là chúa Nguyễn nhận ơn mệnh trời đã tiếp tục công cuộc Nam chinh mà Cao Vương đã khởi xướng.
Dấu vết của Cao Biền, thầy địa lý phong thủy nổi tiếng này ở Huế thực ra có rất nhiều, nhưng được lưu truyền dưới một tên gọi khác là Cao Các đại vương. Rất nhiều làng xã ở Huế khi mới hình thành đều lập am thờ Cao Các đại vương. Một loạt các làng ở Huế có tục thờ Cao Các như thôn Vỹ Dạ, Nguyệt Biểu, Dương Xuân…
Am thờ bài vị: Bổn vi Cao Các tôn thần nguyên phong tặng hoằng mô vĩ lược đôn hậu phu hữu trạc dương trác vĩ mông gia tặng dực bảo trung hưng thượng đẳng thần ở thôn Vỹ Dạ, Huế.
Các nhà nghiên cứu cho rằng tục thờ Cao Các ở miền Trung là do người dân di cư từ vùng Thanh Nghệ vào mang theo. Dù là vậy, nhưng bản thân Cao Các Mạc Sơn ở Thanh Hóa, Nghệ An cũng chính là Cao Vương Biền, người đã tiến quân vào sào huyệt của Nam Chiếu ở Tây Thanh Nghệ, lưu dấu ấn sâu đậm vào tiềm thức dân gian của vùng này.
Khu vực thờ Cao Các (Cao Biền) ở Huế nằm ở phía bên này sông Hương, đối diện với chùa Thiên Mụ. Đây cũng chính là khu vực của dãy núi Long Thọ, nơi có giếng Hàm Rồng linh thiêng.
Trên đỉnh đồi trong dãy Hàm Rồng thời Minh Mạng đã từng dựng miếu Lịch Đại Đế Vương, hay miếu Lịch Đợi. Miếu là nơi triều Nguyễn thờ các vị tiền tổ từ thời thượng cổ tới thời Lê. Đặc biệt gian giữa chính thờ của miếu Lịch Đợi thờ Phục Hy, Thần Nông và Hoàng Đế. Hai gian bên thờ các vị vua thời Tam Đại Trung Hoa là Hạ Vũ, Thương Thang, Chu Văn, Chu Vũ.
Cũng như việc coi Cửu Thiên Huyền Nữ là người ban thiên mệnh của chúa Nguyễn Hoàng, một lần nữa ở miếu Lịch Đợi ta lại thấy các vua Nguyễn đã nhận các vị vua Tam Hoàng Ngũ Đế của Trung Hoa cổ đại làm tiền nhân của mình, đoàng hoàng công bố với bàn dân thiên hạ rằng mình được nhận ơn huệ của Trời, tiếp ngôi Cửu trùng, xứng danh một quốc gia độc lập, hùng mạnh trên vùng đất Đại Việt Nam.
Bản đồ các di tích vùng Thiên Mụ - Long Cương.
Nếu hình dung miếu Lịch Đợi trên dãy núi Hàm Rồng như một dạng “mả táng hàm rồng” thì chùa Thiên Mụ với ngôi tháp trên đồi cao ở đối diện bên kia sông Hương giống như một chiếc cột hoa biểu tượng trưng thường gặp trong các di tích sơn lăng nhà Nguyễn ở Huế.
Đáng tiếc là miếu Lịch Đợi ở dãy đồi Long Cương này nay không còn nữa. Việc phục dựng miếu Lịch Đợi trong tương quan với chùa Thiên Mụ có ý nghĩa phong thủy lớn đối với cả quốc gia chứ không chỉ cho kinh thành hay cho nhà Nguyễn.
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Cương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Lắng nghe tâm sự đôi đường đắng cay.

No comments:

Post a Comment