Saturday, November 16, 2024

Ngọc phả Hùng Nghị Vương và các Quan lang, Lạc tướng, Mỵ nương triều Hùng thứ 17

Dịch theo bản ngọc phả chép tay hiện lưu tại đình Hội xã Tuy Lộc, Cẩm Khê, Phú Thọ. Những phần in nghiêng là những ý khác so với bản dịch trong Lý lịch di tích của đình Hội.

Ngọc phả triều Hùng
Do Thượng thư bộ Lễ triều Lê, Quản giám Tri điện vâng sao ngọc bảo cổ truyền

Hoàng đế Bệ hạ phụng ban sắc văn thần hiệu như sau:

  • Sắc phong Đương cảnh thành hoàng Tuấn triết Hồng huân Anh linh Hiển ứng Hùng Nghị Đại vương Thượng đẳng thần.
  • Sắc phong Đương cảnh thành hoàng Phổ thông Quảng tế Uy vũ Thần công Cao Sơn Đại vương Thượng đẳng thần.
  • Sắc phong Đương cảnh Thành hoàng Thánh trí Thần tài Nguy đức Phổ huệ Cao Minh Đại vương Thượng đẳng thần.
  • Sắc phong Đương cảnh Thành hoàng Dương võ Trợ quốc Ý đức Thần uy Hổ Lang Đại vương.
  • Sắc phong Đương cảnh thành hoàng Yểu điệu Phong tư Nương ả Diễn Kỳ Công chúa.
  • Sắc phong Đương cảnh thành hoàng Vĩ tích Phong công Lý Lý Cửa Đường Đại vương.
  • Sắc phong Đương cảnh thành hoàng Từ huệ Trinh thục Đoan trang Ý hành Nương nương Nhược Ứng Công chúa tôn thần.

Cho phép trang Áo Lộc, huyện Hoa Khê, quận Lâm Thao, trấn Sơn Tây phụng thờ để giúp bảo vệ lê dân. Vâng thay!

Xưa trời Nam mở vận, vạch ngang núi sông theo sao Dực sao Chẩn. Nước phương Bắc ban đầu được phong thẳng hướng sao Đẩu sao Ngưu mà chia ranh giới. Từ thủa Đế Minh là cháu ba đời của vua Viêm Đế đi tuần thú ở Ngũ Lĩnh phương Nam, gặp thần được nữ Vụ Tiên mà sinh ra Lộc Tục. Lộc Tục hơn hẳn người anh Đế Nghi nên Đế Minh muốn truyền lại ngôi báu. Lộc Tục cố chối từ nhường cho anh. Do vậy Đế Minh lập Đế Nghi làm Thái tử trị vì phương Bắc, còn phong cho Lộc Tục ở phương Nam, hiệu là Hồng Bàng thị, tên Kinh Dương Vương.

Kinh Dương Vương vâng thừa mệnh vua cha đem oai trời đến vùng núi Nam Miên. Thấy núi chạy nhấp nhô, nước chảy quanh co, bèn lập đô ấp để định cho bốn phương đến triều cống. Một hôm nhân nhàn rỗi vua đi tuần thu. Bất chợt thuyền rồng chạy thẳng đến hồ Động Đình. Vua sai dừng thuyền trên mặt nước mà ngắm cảnh. Chợt thấy một người con gái mỏng eo tuyệt sắc, từ dưới đáy nước xuất hiện, dung nhan tuyệt đẹp. Vua sai chèo thuyền đến hỏi thăm. Đáp rằng:

  • Thiếp tên là Thần Long, vốn là con gái của Động Đình Quân.

Vua thích thú bèn dẫn vào trong thuyền. Sau đó hỏi lấy về, lập Thần Long làm chính chủ hậu cung. Thần Long sinh Lạc Long Quân, tên húy là Sùng Lãm. Long Quân lấy con gái vua Động Đình Đế Lai tên là Âu Cơ, gặp ứng điềm rồng, sinh một bầu trăm trứng vào ngày 25 tháng Mười hai. Có Tứ đại Thiên vương giáng xuống bảo vệ mà nở ra trăm trai. Tám tướng nhà trời phù giúp đến khi biết cười nói thì tám tướng bay về trời.

Đế cầu đảo trời đất thì có một người trời xưng là thần Tây thành, sinh vào thời Hoàng Đế, có một cuốn sách trời có thể bói mà biết được trời đất, hô danh chúng tiên, nên đặt được cho trăm tên, trăm hiệu, trăm họ, trăm vương vậy, mà phân thứ tự. Trăm trai chầu nhận tên gọi và thứ bậc. Anh em đều vui mừng, theo như vậy mà lưu truyền. Người con trưởng nối ngôi vua tên là Hùng Lân, hiệu là Hiền, gọi là Thượng thánh Cao minh Nguyên triều Hoàng đế.

Long Quân truyền ngôi cho Thái tử xong thì nói với Âu Cơ rằng:

  • Ta là giống rồng, nàng là nòi tiên. Nước lửa tương khắc, khó mà hợp cùng nhau.

Bèn phân 50 người con theo mệnh cha. 50 người con theo về mệnh mẹ, chia nhau các đầu núi góc biển, đều thuộc mệnh theo Hiền Vương. Những người theo cha về biển gọi là Thủy thượng linh thần. Tuy cùng chia biệt, nhưng cùng ở một thời. Khi nghe có việc thì lập tức đến tương trợ. Do đó triều Hùng trị nước được hơn 2650 năm, thật là lâu dài vậy.

Đến đời Duệ Vương, sự yên bình kể đã lâu, nước chảy đã đầy, nên truyền quốc cho Thục Vương. Thục Vương vốn là Bộ chủ Ai Lao, cũng là tông phái của Hùng Vương. Tuy nhiên, truyền rằng khi cùng chung lửa với trời Nam thì sau đó Thục lập cột đá ở trên núi Nghĩa Lĩnh, chỉ trời mà thề rằng:

  • Trời đất không rời, mãi còn dòng dõi Hùng Vương. Nước Nam trường tồn hệ mạch con cháu.

Kể rằng:

Hùng Nghị VươngThái tử của Hùng Hy Vương. Mẹ là Dương Thị An sinh Nghị Vương vào ngày sinh ngày 12 tháng Ba. Lúc đó ngày đêm đang tranh tối tranh sáng thì sinh ra Hoàng đế. Vua lên ngôi, đường đường nối tiếp 17 nhành họ Hùng, bỏ cung cất giáp, không dùng quân binh để an dưỡng thiên hạ. Nhân dân theo sự giáo huấn sáng suốt. Được năm mươi năm bỗng nghe thư từ biên giới gửi về báo gấp. Chủ bộ phụ đạo Ai Lao cầu viện vì tướng Thục đến xâm chiếm. Nghị Vương bèn tuyển 8 vạn tinh binh, xuất quân sang Ai Lao để cứu Bộ chủ. Lạc tướng Hổ Lang hầu cùng Uy Lang, Huệ Lang và Mị nương nương Diễn Kỳ cùng theo giá đi chinh phạt Đông Bắc. Thuyền rồng đi thẳng đến Hoa Khê thì thấy có một người tên Lý, tự đón quỳ tâu ở bên đường, xin được theo quân đi lập công. Lại thấy có một người con gái xinh đẹp từ mặt nước nổi lên. Vương hỏi thì đáp rằng:

  • Thiếp tên là Công chúa Từ Huệ, là con của Long Vương, xếp hàng thứ 5.

Ông Lý họ Lý đón vào trong trang Áo Lộc. Vua trú quân ở trong trang. Các Quan lang, Lạc tướng vâng mệnh đóng quân ở các nơi trong trang động. Người đời sau nhân thấy linh thiêng nên lập thành đền thờ (cộng có 5 miếu). Nghị Vương cùng với các lang tướng điều quân đánh Thục chúa. Quân Thục nghe tin bèn viết thư gửi tới Nghị Vương mà tạ rằng:

  • Thần đâu dám giơ càng bọ ngựa mà chống lại cỗ xe vạn thặng.

Thục chúa lui quân, không dám dòm ngó Ai Lao nữa. Nghị Vương dẫn quan về thành đô Phong Châu, hưởng nước được hơn trăm năm thì mất (tức ngày mồng 7 tháng Ba). Chôn cất ở núi Quy Bối (nay là chùa Hoa Long). Thái tử Duệ Vương lên ngôi, là đời Hùng thứ 18.

Hùng Cao Sơn là quan, con trai thứ 6 của Nghị Vương. Mẫu là Phạm Thị Doanh sinh Cao Sơn vào ngày mồng 10 tháng Giêng, tên húy là Uy Lang, gọi hiệu là Cao Sơn (nhân việc lên núi Hùng Lĩnh thấy có mây ngũ sắc về mang thai nên đặt như vậy).

Ba năm sau vào ngày mồng 7 tháng Giêng lại sinh một con trai, có thần thái đẹp đẽ, nên đặt tên là Huệ Lang, gọi hiệu là Cao Minh (nhân vào giờ Ngọ ban ngày nên đặt hiệu như vậy).

Hai chàng đến khi trưởng thành, ngày ngày thường ở yên trong lầu Nam mà học xem sách, không cần người chỉ bảo, lại thạo lược thao, hùng tài vượt đời. Khi theo vua cha Nghị Vương đi dẹp giặc Thục đến vùng trên của Hoa Khê, đóng quân tại đồn Áo Lộc. Đến khi xe vua trở về đô thành, lại trừ dẹp được yêu quái, hổ sói, quỷ mị. Dẹp xong mãn nguyện nên đi chơi khắp nơi ở 13 châu. Đâu đâu cũng tới. Cùng ngắm cảnh khắp các núi khe. Sau hóa (Uy Lang hóa vào ngày 12 tháng Giêng, Huệ Lang hóa ngày 15 tháng Giêng) ở trang Lãng Ngọc núi Tam Điệp (nay còn đền ở đó). Hai chàng được 75 trang động phụng thờ.

Hổ Lang Đại vương vốn là người Tam Đới, Phong Châu (tức nay là trang Cẩm Đái). Cha tên Hồ Công Năng, mẹ là Trần Phương Lan. Vào đêm mồng 10 tháng Hai nằm mơ thấy rằng: Năm tới sẽ sinh con, lại được đại quý, là sao sáng Võ Đức giáng sinh để giúp nước trừ tàn, giúp dân dẹp nạn. Dứt lời, Trần Thị bỗng tỉnh lại biết là điềm ứng tốt lành, bèn để nghiệm xem thế nào. Đến sau 3 tháng thì thấy đúng là có mang thai. Đến ngày 16 tháng Mười hai năm Mậu Tuất tối đó thấy ánh sáng chiếu đầy nhà, trở dạ mà sinh ra một người con trai. Mọi người đều vui mừng. Đến khi trưởng thành thì tài kiêm văn võ, phẩm cách kỳ lạ, mặt tựa da sắt, mắt sáng như điện, bước đi như rồng hổ, thực là một người con trai kỳ lạ. Nhân đó đặt tên là Võ Tuấn. Duệ Vương sau ban húy là Hổ Lang tướng, hóa vào ngày 20 tháng Ba. Nguyên theo Nghị Vương dẹp giặc Thục, đóng quân ở trang Áo Lộc. Sau được đặc biệt phong ở đó, ban hiệu là Hổ Lang hầu, có 27 đền thờ phụng. Miếu quay hướng Càn Tốn, rất là đẹp đẽ vậy.

Công chúa là con gái thứ 8 của Nghị Vương. Mẹ là Phạm Thị Doanh. Vào ngày mồng 8 tháng Mười một sinh ở lầu Tây, tên gọi là Công mị nương Diễn Kỳ. Hóa ngày 13 tháng Mười một. Đến ngày 23 thì tế chôn cất ở ấp Thủy An. Nguyên theo Nghị Vương đến Áo Lộc, nhân xem sông núi thấy có một địa thế là đất nơi vạn đời thành hoàng không đổi, nên có khấn người anh nếu có linh thiêng thì hôm sau đến giúp cho được cùng hưởng lộc. Khấn xong Công chúa quay trở về đến bên bờ sông. Bỗng nhiên mưa to gió lớn nổi lên, rồi Công chúa đã hóa.

Cửa Đường Đại vương là người trên trang Áo Lộc trong triều Hùng Nghị Vương. Cha họ Dương kết bạn với Mai Huyền Tiêm. Khi Đế phạt Huyền Tiêm thì ông đổi sang họ Lý. Ngày 15 tháng Mười hai sinh một người con trai, sắc vẻ cùng phong tư chỉnh tề, có tài ba lược sáu thao, văn võ cùng tài. Đến khi lớn thì chiêu quân ý muốn giúp nước. Nhân Nghị Vương đi qua trang, đón Đế đóng quân, theo quân mà lập công. Sau theo nghiệp võ, làm quan tới chức Hữu quân Lạc tướng. Đến khi mất người dân trong làng xem trọng công lao đó với quốc gia, có đức tốt lành với nhân dân mà lập đền để thờ. Rất là linh ứng. Tên húy là Lý. Gặp Nghị Vương ở trên đường nên nhân đó được ban tên là Cửa Đường. Hóa vào ngày 18 tháng Mười một. Đến ngày mồng 8 tháng Mười hai thì chôn cất. Miếu ở bên hướng Cấn Khôn có giếng nước là dấu tích.

Nhược Ứng là con của Long Vương, lên bờ vào ngày mồng 8 tháng Giêng gặp Nghị Vương (lấy làm ngày sinh), xin theo quân lập công. Đến khi dẹp được giặc thì lên phía ngược dòng nước mà hóa (tức ngày 18 tháng Ba). Nghị Vương hỏi thì nói rằng:

  • Tên là Từ Huệ, con của Long Vương.

Cho nên đặt tên thụy là Công chúa Nhược Ứng.

Niên hiệu Hồng Đức năm thứ nhất tặng sắc cho 7 vị, còn những người chưa được gia phong thì phong thêm một bậc. Niên hiệu Cảnh Hưng từ đầu đến năm thứ 42 tặng mỗi vị hai chữ, sắc cho phụng thờ theo như trước, làm rạng sự tích mà làm lễ chay các loại. Công chúa thì dùng nước sạch. Chúa thì dùng rót một phong rượu trắng. Còn lại thì dùng thịt trâu làm cỗ. Đấu vật. Diễn rối ôi lỗi. Nghênh đón voi ngựa, đi đầu đặt ngũ quả, mía, chuối xanh, cỗ bánh.

Lại cung thỉnh:
Đức vua Háo Khắc Đại vương,
Đức vua Háo Sóc Đại vương,
Đức vua Lãng Lương Đại vương,
Đức vua Vực Chỉ Đại vương,
Đức vua Ngã Ty Đại vương,
Đức vua Quỳnh Hoa Công chủ,
Đức vua Quế Hoa công chủ,
Đức vua Bạch Hoa Công chủ,
Cùng hai bên
Hai bộ Tiên cung Nương nương,
Mười ba Vương tử,
Tám vị Long minh vương.


 

Monday, September 30, 2024

Tứ Hải Thái Bình, tín ngưỡng thờ Hải thần ở Thái Bình

 

Thái Bình là tỉnh có cửa chính của sông Hồng đổ ra biển nên trong tín ngưỡng thờ thủy thần ở đây đặc biệt xuất hiện một hệ thống các vị thần biển mà nơi khác không có. Tuy nhiên, điều khác lạ nữa là các thần biển ở Thái Bình không phải chỉ có 1 vị, mà lại có đủ cả bốn phương tứ hải. Bản chất các vị Hải thần này ra sao, sẽ được làm sáng tỏ qua phân tích hệ thống các di tích thờ thủy thần ở Thái Bình.

Các vị hải thần được nói đến ở Thái Bình là những vị thủy thần, tức là những vị thần có nguồn gốc từ thời Hùng Vương, liên quan đến việc trị thủy, có thể là hiển linh qua các thời. Tên gọi “thủy thượng linh thần” hay “thủy tinh” dùng trong Hùng Vương Thánh Tổ ngọc phả để chỉ những người con của Lạc Long Quân đã được chia trị các vùng đầu sông góc biển. Phân biệt với các vị sơn thần là dòng theo mẹ Âu Cơ trị nhậm các nơi núi rừng, đồi gò.

Nếu từ “Sơn” được dùng chỉ các vị tổ thời Hùng Vương ở miền rừng núi thì từ “Hải” là để chỉ các vị thủ lĩnh cai quản vùng sông nước. Hải không chỉ có nghĩa là biển, mà là vùng ven sông nước nói chung. Do đó không chỉ có Đông Hải, Nam Hải, mà còn có Bắc Hải, Tây Hải, cho dù về mặt địa lý ở phía Bắc và Tây nước ta không hề có biển.

Phải chú ý là tên gọi các hải thần rất dễ lẫn với các nhân thần, tức là những nhân vật lịch sử ở thời kỳ gần hơn, đã từng cai quản hay có công nghiệp ở vùng ven biển Đông. Phổ biến nhất là Đông Hải Đại vương Đoàn Thượng, một vị tướng nổi lên cuối thời Lý chống lại nhà Trần ở miền duyên hải. Cũng là tên Đông Hải Đại vương còn có vị tướng thời Lê là Nguyễn Phục, từng phụ trách việc quân lương, đã trung nghĩa tử tiết chịu tội để bảo vệ cho đoàn quân khỏi mưa bão trên biển Đông.

Nam Hải còn vốn là tên để chỉ khu vực miền Bắc nước ta thời kỳ trước Công nguyên, nên những vị quân chủ của nước ta khi đó khi hóa được tôn thần là Nam Hải Đại vương. Đó là vua An Dương Vương, người khi cùng đường chạy ra biển theo thần Kim Quy mà hóa. Đó cũng có thể là Triệu Vũ Đế, người đã khởi nghĩa chống Tần từ đất Thái Bình, nên được tôn là Nam Hải Đại vương hay Nam Hải Tạo lực.

Còn có Đại Càn Quốc gia Nam Hải Tứ Vị Hồng Nương, tuy là thủy thần nhưng theo một mạch tín ngưỡng khác với thủy thần họ Hùng. Tên gọi Đại Càn Quốc gia Nam Hải cho thấy Nam Hải ở đây là chỉ “quốc gia”, chứ không phải là chỉ miền biển.

Cũng là thời Hùng Vương với tên gọi là Nam Hải, nhưng lại không phải là thủy thần. Đó là Quan Âm Diệu Thiện, con gái vua Hùng đã đi tu đắc đạo ở vùng đất Nam Hải. Quan Âm Nam Hải là vị sơn thần điển hình bởi đây chính là bà chúa Ba, tức bà chúa Thượng Ngàn.

Các di tích thờ Hải thần ở Thái Bình có thể được chia thành ba tuyến như sau.

Cụm di tích ven sông Luộc

Sông Luộc là dòng sông không đổ trực tiếp ra biển mà có dòng chảy ngang nối giữa sông Hồng và sông Thái Bình. Sông Luộc chảy qua địa phận hai huyện Hưng Hà và Quỳnh Phụ, với số các di tích thờ Hải thần tương ứng là 6 di tích ở Hưng Hà và 7 di tích ở Quỳnh Phụ. Có thể thấy đây là còn số khá khiêm tốn khi so với những cụm di tích ở phía Nam Thái Bình.

Trong số các Hải thần vùng sông Luộc chiếm lượng di tích nhiều nhất là thần Đông Hải. Sự tích vị thần này thường là không được biết rõ. Duy nhất ở xã Phú Sơn, huyện Hưng Hà có sự tích vị Đông Hải Đà La Đại vương hiển linh vào thời Lý đánh giặc Hồ Tôn Tinh.

Một số di tích khác ở vùng sông Luộc thờ Nam Hải, hiếm hơn có thần Tây Hải, nhưng cũng tương tự, đều không rõ sự tích. Thần Bắc Hải không thấy xuất hiện trong các di tích tín ngưỡng ở khu vực này.

Cụm di tích ven sông Diêm Hộ

Diêm Hộ là một sông nhỏ, bắt nguồn từ phía Nam huyện Quỳnh Phụ nhưng lưu vực của nó chủ yếu nằm ở huyện Đông Hưng và Thái Thụy. Thế nhưng điều lạ là lưu vực sông nhỏ Diêm Hộ lại là nơi có số lượng các vị Hải thần nhiều nhất. Huyện Đông Hưng có khoảng 14 di tích. Huyện Thái Thụy có khoảng 16 di tích. Số liệu này cho thấy mức độ dày đặc các di tích thờ Hải thần ở ven sông Diêm Hộ. Đơn cử như ở 1 xã Thái Sơn, huyện Thái Thụy, là tổng Trừng Hoài xưa, có tới 8 di tích thờ Hải thần. Trong đó 1 làng xưa chia thành vài thôn, mỗi thôn thờ 1 hoặc 2 vị ngay trong cùng 1 làng, với đầy đủ bộ 4 vị Đông Hải, Nam Hải, Tây Hải và Bắc Hải.

Với số lượng và mức độ phong phú đủ Tứ Hải thần như vậy thì có thể nhận định rằng vùng sông Diêm Hộ là nguồn gốc phát sinh của tín ngưỡng thờ Hải thần ở Thái Bình. Cũng ở khu vực này, các thần đã được thờ với sự tích tương đối rõ ràng hơn, mà cụ thể có thể thấy qua một số di tích.

Nam Hải Đại vương ở đình đền An Cố, Thái Thụy là vị thần có sự tích khá đầy đủ, cho biết ngài mang họ Phạm, là một vị tướng thời Hùng Duệ Vương. Khi ngài cai quản đã dẹp yên nạn hồng thủy, trừ thiên tai dịch bệnh cho nhân dân trong vùng. Ngài dạy bảo thần dân làm ăn thịnh vượng. Khi đất nước có giặc Thục xâm phậm, ngài cùng với Tản Viên Sơn Thánh, Cao Sơn, Quý Minh đánh tan quân Thục. Có thể thấy sự tích về Nam Hải Đại vương ở An Cố không khác gì sự tích về Trung Thành Phổ Tế Đại vương của vùng sông Hồng. Vị thủy thần họ Đào này từng nắm chức vụ là Thổ Lệnh Thống quốc Lạc Long hầu Nam long Trưởng lệnh, tức là cùng hướng Nam trong bộ nhất bào ngũ tử.

Sự tích về Tứ Hải thần rất bất ngờ được biết qua di tích đình Lưu ở xã Đông Phương, huyện Đông Hưng. Theo thần tích của làng cho biết: dưới thời An Dương Vương, vua Thục mắc mưu quân Triệu Đà nên để đất nước rơi và tay giặc. Khi đó Vũ Cao Lỗ tướng công và một số trung thần con vua đã cùng ông Đồng phó tướng luyện binh. Được tin vua Thục thua trận rẽ nước xuống Trấn Thuỷ Phủ, hai ông chỉ còn biết kêu trời lạy đất cho quân sỹ trở về. Hai ông cho lui tới địa đầu vùng an lạc và cho quân nghỉ ở thôn An Vĩnh, nằm nghỉ trong miếu hai ông mộng thấy Thục An Dương Vương than vãn và phán rằng: Thượng đế đã phán xét chuẩn cho được trở lại Long Cung và truyền phong làm Nam Hải trấn trị hoành hợp các cửa sông để xoá đi cho tội lỗi đã qua vì trước đây hiếu thảo phụng sự Động Đình Đại đã có công. Ngoài ra hiện thân đã nhận việc là phối hợp với Đông Tây Bắc Hải các vị Long Vương đi cứu giúp dân cấy trồng được sinh lợi. Nói xong hai ông không thấy bóng dáng Thục An Dương Vương mà thấy một vị quan ở cổ miếu An Lạc xuất hiện. Tay trung thần cầm đao chiến của Thượng đế trao cho 2 ông, 2 ông đọc tờ chiếu, đọc xong trông lên cũng không thấy vị thần quan đâu. Hai ông liền ra sân lạy tạ Hoàng Thiên và quyết tâm thực hiện lời chiếu. Tiếp từ đó về sau các cửa sông, bờ biển nếu có gió bão, thuỷ tai dẫn đến đê điều bị phá huỷ, các vị thần đã luôn giúp dân trấn trị và hoành hợp thu được kết quả khả quan rất lớn. Do vậy các nơi đã lập đền miếu thờ tự – các vua trần gian hạ phối đều nam cấp duệ, hiện theo cửa sông thuộc phương nào là phong sắc với hàm vị: Đông – Tây –Nam – Bắc Hải Vĩnh trấn Đại Vương (sao từ bản gốc ở xã An Lạc trên đề Đình Lưu xã Đông Phương – Huyện Đông Hưng- cùng phụng sự).

Từ thần tích trên ta thu lượm được một số thông tin quý giá:

- Thục An Dương Vương khi thua mất nước đã xuống Thủy phủ rồi được phong là thần Nam Hải, trấn trị các cửa sông. Thần tích gốc lấy từ xã An Lạc (nay là xã Đông Vinh cùng huyện Đông Hưng).

- An Dương Vương hiển linh “phối hợp với Đông Tây Bắc Hải các vị Long Vương đi cứu giúp dân cấy trồng được sinh lợi”. Đây là thông tin rất then chốt cho biết các vị Hải thần là các Long vương hiển linh làm phúc thần cùng với An Dương Vương.

- Các vua đời sau theo cửa sông thuộc phương nào là phong sắc với hàm vị: Đông – Tây – Nam – Bắc Hải Vĩnh trấn Đại Vương.

Như vậy Nam Hải An Dương Vương lại có liên quan đến Thủy phủ Động Đình và Tứ Hải Long Vương.

Một chút manh mối khác về Tây Hải Đại vương là ở đình Bái (Long Bối) xã Đông Hợp, huyện Đông Hưng kể rằng Tây Hải Đại vương là vị thần có công hộ đê thời Hồng Đức, phối thờ ở đây cùng với Đông Hải Nguyễn Phục và Nam Hải An Dương Vương. Sự tích tương tự về Tây Hải Đại vương hiển linh thời Lê còn gặp ở khu vực phía Nam Thái Bình trên lưu vực sông Trà Lý. Còn đối với thần Bắc Hải, là vị thần ít gặp thì không rõ sự tích, chỉ biết là phúc thần.

Sông Diêm Hộ cũng là nơi phát tích của sự tích vua cha Bát Hải Động Đình. Theo thần tích thôn Đào Động (nơi có đền Đồng Bằng thờ vua cha Bát Hải) thì Quý Nương sinh một bọc trứng, nở ra 3 con rắn. Con rắn thứ nhất ở cửa sông trang Đào Động. Con rắn thứ hai chạy về cửa sông trang Thanh Do. Con rắn thứ ba chạy về nằm ở trang Hoa Diêm. Ba địa điểm xuất thế của các vị thủy quan Động Đình này là Đào Động – Thanh Do – Hoa Diêm, đều nằm dọc theo sông Diêm Hộ. Ba con hoàng xà sau hóa thành ba vị tướng quân, giúp vua Hùng đánh Thục và xây dựng làng xóm quê hương miền Đào Động.

Cũng ở Đào Động còn thờ và có thần tích 5 vị hoàng tử con vua Bát Hải Động Đình là 5 vị thủy quan đã giúp vua Hùng đánh Thục rồi 5 vị được cử đi quản trị các cửa biển. Giống như thần Nam Hải ở An Cố, đây cùng là những người anh em sinh cùng bọc dưới thời Lạc Long Quân (vua cha Bát Hải), làm thủy thần trấn trị ngũ phương. Tức cũng là Ngũ vị tôn quan trong Công đồng Thoải phủ.

Sông Diêm Hộ ngày nay là dòng sông nhỏ, nhưng với sự phát tích dày đặc của các vị Hải thần ở đây thì rất có thể trong quá khứ nơi đây đã từng là cửa chính của sông Hồng đổ ra biển Đông. Có như vậy thì đây mới có thể tập trung nhiều nơi thờ Hải thần theo lối cổ như vậy.

Cụm giữa sông Trà Lý và sông Hồng

Khu vực thờ Hải thần ở phía Nam Thái Bình không bám theo 2 dòng sông lớn ở đây là sông Hồng và sông Trà Lý, mà phân bố ở khoảng giữa lưu vực hai con sông này. Có thể thủy văn thời cổ sử khác so với vị trí hiện tại của sông Hồng và sông Trà Lý.

Về số lượng di tích thờ Hải thần có huyện Vũ Thư với 3 di tích, TP. Thái Bình có 2 di tích. Huyện Kiến Xương có 12 di tích, huyện Tiền Hải có 7 di tích. Tuy số lượng di tích không hẳn nhiều như lưu vực sông Diêm Hộ nhưng các di tích ở đây thường là phối thờ 2, 3 vị Hải thần. Thường gặp là thần Đông Hải hoặc Nam Hải phối thờ với Tây Hải. Thần Bắc Hải không gặp ở khu vực phía Nam này.

Điển hình ở khu vực này là đền Vua Rộc tại xã Vũ An, huyện Kiến Xương, là một trong Chân Định tứ linh từ. Đền thờ 2 vị thần Đông Hải và Tây Hải Đại vương. Cho dù có sách cho rằng thần Đông Hải này là Đoàn Thượng thời Lý – Trần, nhưng ngay câu đối trong đền nói:

不記何年跡扥南交雙顯聖
相傳此地名髙真定四靈神
Bất ký hà niên, tích thác Nam Giao song hiển thánh
Tương truyền thử địa, danh cao Chân Định tứ linh thần.
Dịch:
Không biết tự năm nào, dấu thác Nam Giao hai hiển thánh
Lưu truyền nơi đất nọ, danh cao Chân Định bốn linh thần.

Câu đối cho biết đây là 2 vị cổ thần đã hiển thánh từ thời Nam Giao – Hùng Vương. Lạ nữa là câu đối khác trong đền đề:

瑞應金龜神爪依依留井上
威揚木馬健蹄隠隠仰橋邊
Thụy ứng Kim Quy, thần trảo y y lưu tỉnh thượng
Uy dương mộc mã, kiện đề ẩn ẩn ngưỡng kiều biên.
Dịch:
Linh ứng Rùa Vàng, móng thần y nhiên nơi giếng cũ
Oai dương Ngựa Gỗ, vó hùng thấp thoáng chốn cầu biên.

Không rõ tích thần trảo Kim Quy và dấu chân ngựa gỗ ở đây là nói tới sự tích nào. Rất có thể chỉ mối liên hệ tới vị Nam Hải An Dương Vương như ở huyện Đông Hưng đã kể trên.

Dù thế nào thì đền Vua Rộc chắc chắn là đền thờ các vị Hải thần. Điều này rõ ngay từ cái tên Rộc. Một số tác giả cho biết chữ Lạc có thể phục nguyên âm là Rộc, chỉ ruộng lúa. Tới nay người Mường vẫn gọi ruộng là rộc. Vua Rộc như vậy có thể là Vua Lạc hay Lạc Vương, phù hợp với thời Nam Giao mở nước.

Một sự tích lý giải khác cho đền vua Rộc lại có thể tìm thấy trong các đi tích thờ Hải thần trong cùng khu vực, là các di tích thuộc xã Bình Thanh cùng huyện Kiến Xương. Đây là tổng Đa Cốc xưa. Đình Đa Cốc thờ các vị Đông Hải Đại vương, Tây Hải Đại vương, Cao Sơn Quý Minh, Trưởng Thái Giám. Trong đó sự tích kể rằng Đông Hải Đại vương Đoàn Thượng là con trai thứ 4 của Lạc Long Quân xuất thế, đã được người em cùng bọc của mình là Tây Hải Đại vương hiển linh phù giúp. Tây Hải Đại vương là con trai thứ năm của Lạc Long Quân. Đáng chú ý là Đa Cốc nằm ở gần sông Hồng nên sự tích có yếu tố của dòng Lạc Long như ở các tỉnh Hà Nam, Hưng Yên.

Như vậy sự tích ở Đa Cốc hoàn toàn tương đồng với đền Vua Rộc từ việc thờ 2 vị Đông Hải và Tây Hải, họ Lạc (Rộc), hiển linh ở thời Lý-Trần. Nói cách khác đây vẫn là các vị Hải thần dòng Lạc Long như ở khu vực sông Diêm Hộ nói trên.

Một số nơi ở Kiến Xương thờ thần Tây Hải với ghi nhận là vào thời Hùng Vương như ở đình Cao Mại Nhân (xã Quang Trung), đình Thượng Hiền (thôn Phú Cốc xã Nam Bình).

Một cụm di tích đáng chú ý khác của Kiến Xương là 3 làng Quân Bác, Bác Trạch, Phương Trạch thuộc tổng Nam Huân xưa, nay thuộc xã Vân Trường và Phương Công của huyện. Nơi đây có sự tích về 3 vị Hải Linh thần là Nam Hải Linh quan, Đông Hải Linh quan, Tây Hải Linh quan với truyền thuyết kỳ vĩ: thân các ngài cao vạn trượng, đầu to trăm thước, lấy sông làm nhà, lấy biển làm vườn, hít thở ngàn dặm, phun nước vạn thùng, tựa có 800 ngôi sao phù giúp sáng rực. Thần quẫy đuôi thành dông bão, đứng hàng đầu trong các vị thủy thần… 

Đặc điểm riêng nữa của vùng phía Nam Thái Bình là bên cạnh thờ Tứ Hải Long vương, nơi đây còn thờ những vị hải thần chung khác như Thủy Hải, Đại Hải, Long Vương, đặc biệt là ở huyện Tiền Hải và khu vực gần với sông Hồng. Những vị hải thần này là những vị cũng từng gặp ở vùng sông Hồng phía tỉnh Hà Nam và Hưng Yên. Một số nơi ở Tiền Hải và TP. Thái Bình còn thờ thủy thần Quảng Lợi Bạch Mã, tức là thần Long Đỗ như ở vùng Thăng Long.

Tóm lại, qua việc phân tích các di tích thờ Hải thần ở Thái Bình có thể thấy nơi đây, nhất là vùng sông Diêm Hộ, là nơi phát sinh ra tín ngưỡng này. Bốn vị Đông Hải, Tây Hải, Nam Hải, Bắc Hải là những vị Long hầu thời Hùng Vương, trấn nhậm các vùng cửa sông góc biển, tham gia vào cuộc chiến đánh Thục lập quốc ban đầu của Lạc Long Quân (Bát Hải Động Đình). Đây cũng là bộ Ngũ vị tôn quan của Công đồng Thoải phủ. Trong tín ngưỡng hải thần, các vị được thờ dưới hình thức là các thủy thần hiển linh tạo phúc cho dân. Dấu vết của Tứ Hải Long vương như được nói đến trong các sách đạo Giáo thời Tần Hán không ngờ lại chính là từ vùng cửa sông Hồng đổ ra biển tại Thái Bình.

Thursday, September 19, 2024

Thần tích xã Ha Xá

Bộ Lễ triều Lê Thượng thư Quản giám tri điện vâng sao ngọc phả báu cổ truyền

Hoàng đế bệ hạ khâm phung sắc chỉ và thần hiệu là:

  • Đệ nhất Tuấn triết Hồng huân tôn thần Thượng đẳng
  • Đệ nhị Linh ứng tôn thần
  • Đệ tam Anh linh tôn thần.

Sắc phong ba vị đại vương

Hùng chấn linh thanh, 
Tôn nghiêm chính thuận.
Anh dục sơn xuyên, 
Tú chung hà hải.
Cao phối thiên, hậu phối địa, bảo quốc hộ dân, 
Hách quyết thanh, trạc quyết linh, truyền phù quốc kỳ.
Nguy đức tuấn liệt, 
Phổ huệ thuỳ hưu. 

Vua kế ngôi truy phong, lễ có tăng phẩm trật, tuyên tặng vị thứ nhất là Thượng đẳng, vị thứ hai và thứ ba là Tôn thần Trung đẳng. Cho phép trang Ha Xá (xã Mỹ Giang cũ) tổng Vĩnh Lại, huyện Đa Cẩm, quận Thượng Hồng, trấn Dương Tuyền, phụ lão vâng lĩnh sắc văn ba vị, rước về phụng thờ, để cùng giúp bảo hộ lê dân. Vâng thay!

Xưa Phiên Ngung là đất danh hương. Đất bằng, sông đẹp. Trong lại có Lục Giả là tướng Lạc hầu. Đương thời Hán Quang Vũ lấy người thiếp cung tần thứ ba, hết mực sủng ái. Bà chuyên tâm tạo phúc, tích thiện, làm điều nhân, sớm tối hương khói thờ phụng Thượng đế, ba sinh hương lửa một cảnh phong lưu dư giả, giàu có sao. 

Vào một ngày tháng Giêng năm Quý Hợi bà cung tần thứ ba Lê Thị Lang nửa đêm mộng thấy ánh sáng đỏ chiếu đầy nhà, chốc lát có một con rắn hoa trắng cuốn khúc bò tới, hóa thành ba đóa hoa sen trắng. Bà họ Lê giơ tay lấy được ba đóa hoa sen trắng đó. Thế là bà có thai. Mang thai được 13 tháng, đến ngày 13 tháng Hai năm Giáp Tý thì trở dạ. Ngày 15 thì đến kỳ sinh một người con mặt đẹp như hoa đào, sắc sáng rọi nước hồ. Người người đều mừng là bậc danh tướng, danh thần, không phải người thường ở nhân gian có được.  

Đến một ngày tháng Giêng năm Đinh Mão, bà Lê Lang lại mộng thấy một cây đào có một cành, nở hoa kết thành hai quả. Thế rồi có mang thai. Mang thai một năm rưỡi đến ngày 12 tháng Chín năm Mậu Thìn thì trở dạ. Ngày 15 thì đến kỳ sinh. Khi sinh hương thơm bay ngào ngạt, diện mạo khác thường, hình dung quý phái. Cha mẹ thấy việc sinh người con thứ nhất mặt đẹp như hoa đào, ôn lương chính trực nên đặt tên là Tuấn Lương. Người con thứ hai và thứ ba sinh đôi cùng bọc nở ra hai anh em, rạng rỡ vạn đời như thánh thần nên đặt tên là Anh Dung và Lang Hà. Tài năng như sông núi, tư chất thông minh, hiểu biết hơn người. Ở yên một phòng mà tự học đọc xem sách, không cần người chỉ dạy. Lại thạo đàn sáo, tinh thông âm luật. Đến khi trưởng thành, văn võ toàn tài.

Khi ấy Hán Quang Vũ đến nước Văn Lang chiêu tập quân sĩ được 13 vạn, phao lên là 30 vạn quân. Đem quân đến nước Văn Lang mưu đồ chiếm nước. Chia thành hai lộ thủy bộ mà đi. Đến Loa thành chia nhau đánh Đông dẹp Tây, bày binh bố trận để đánh với quân Thục. Thục Vương có Rùa vàng tháo móng để làm lẫy nỏ thần, bắn trong một phát diệt được hai ba trăm người, nên quân Triệu đánh không lại, phải về giữ ở quận Vũ Ninh. Lại chọn ngày lành dẫn quân đến đền Phù Đổng ở Tiên Du, lập đàn chay thành tâm bái yết trời đất và bách linh các nơi. Xuất giáng một ông lão cao hơn 8 thước, râu tóc bạc trắng, xuống ngồi ở nơi đàn tế, cười nói nhảy múa. Mọi người thấy vậy lấy làm lạ, vào tâu với Triệu Vương. Vương thân đón ông lão vào trong đàn, rồi hỏi:

  • Nay ta muốn dẹp Thục Vương chiếm nước, trừ tàn. Thắng thua như thế nào, xin được chỉ giáo.

Ông lão tính toán bấm quẻ hồi lâu rồi nói với Triệu Vương rằng:

  • Như nay chiếm nước phải dùng nhân tài, phong tước cho Tuấn Lương cùng với hai người em. Thiên hạ này sẽ được yên trị. Tự nhiên nghiệp đế sẽ hưng vậy.

Lời nói vừa dứt thì bay lên không mà biến mất. Vương biết là lời dạy của thiên thần, bèn lệnh cho sứ giả đi chiêu tập ba người anh em, quả là nhân tài võ nghệ, đại lượng khoan dung. Triệu Vương triệu tập trăm quan, vào ngày lành lập đàn phong tước, bái Tuấn Lương là Tổng thống, bái Anh Dung là Lạc hầu, bái Lang Hà là Thứ sử. Lại ban cho 5.000 binh mã thành một đạo đi hướng Đông. 

Triệu Vương thầm bày mưu kế, cử trăm quan cầu hôn với con gái của Thục Vương. Triệu Vương có con trai Trọng Thủy cầu hôn với Ngốc Nương (tức Mỵ Châu). Vợ chồng hết mực tin tưởng, yêu thương nhau. Trọng Thủy hỏi Mỵ Châu rằng:

  • Vua ta có vật gì là chân quý?

Mỵ Châu nói:

  • Vua cha có lẫy nỏ, chính thực là Rùa vàng đã tháo móng để làm lẫy, có thể địch được trăm ngàn người.

Trọng Thủy ngầm lấy một lẫy nỏ khác mà đổi đi, rồi nói với vợ rằng:

  • Có chiếc gối gấm lông ngỗng này hãy mang theo người. Đến đâu thì rải nơi ngã rẽ để biết dấu đường vậy.

Trọng Thủy trở về, báo với Triệu Vương. Vương lập tức gọi Tuấn Lương đến bàn bạc, định ngày phát binh tới đánh. Triệu Vương dẫn một đạo quân, giao cho quan Tuấn Lương cùng hai ông em dẫn 5.000 quân, lập tức đến thành Phong Khê bày trận đánh Thục Vương. Vương thấy nguy bèn lấy nỏ thì đã thấy mất lẫy. Thục thua to. Vương cưỡi ngựa ngồi ở trước, Mỵ Nương ngồi đằng sau. Chạy tới cửa sông Nghệ Hoan thì gọi: 

  • Rùa vàng cứu ta.

Rùa nổi lên, hô rằng:

  • Kẻ ngồi sau ngựa là giặc đó, Hãy giết đi.

Rùa đón Thục chúa xuống thủy cung. Quân sĩ thua to. Triệu Vương thắng lớn, cùng với quan Tuấn Lương dẫn quân về thành, tụ tập quân sĩ đãi yến ăn mừng. 

Vào giờ tốt ngày mùng 10 tháng Giêng năm Đinh Hợi, Quang Vũ lên ngôi, lập đô ở Phiên Ngung, phong tước thăng cấp cho quan Tuấn Lương, cai quản thiên hạ thái bình, nhân dân no đủ. Bèn phân quan chức, định ra quốc luật. 

Ngày 12 tháng Mười một năm Ất Mùi, Tuấn Lương bị bệnh, thân thể mệt mỏi, dựa vào lan can mà mơ màng thiếp đi. Ngày 14 quan Anh Dung và quan Lang Hà cũng bị cảm sốt. Tuấn Lương trong cơn mê thấy một người, mình mặc áo xanh, tay cầm cờ vàng, tự xưng là thiên sứ, quỳ trước sân mà nói rằng:

  • Thượng đế có sắc sai gọi Tuấn Lương cùng với hai em về chầu Thượng đế.

Tuấn Lương tỉnh ra, dặn lại. Ngày 15, 16 không bệnh mà mất. Quan viên cùng bệ hạ trong triều đều thương xót. Đến ngày 15 tháng Tám, cùng hội nghị xét tên những trung thần có công lớn với nước, giao cho bộ lễ viết sắc thưởng công cho Tuấn Lương ở 72 đền thờ, cho tiền lập miếu, cùng với cấp cho phụng thờ, giao cho Quản giám đem sắc phong thần đến các trang sách chỗ các miếu đình. Khi đi đến huyện Đa Cẩm, dừng ở đó, tề tựu trang Ha Xá, tổng Vĩnh Lại trao cho phụ lão sắc văn ba vị đón về phụng thờ. Phụ lão cùng nhau nghênh thỉnh danh sư đến trang này, xem thiên văn địa lý, thấy đúng là trang Ha Xá có núi bằng nước đẹp, là đất có thế quý, xây một tòa dựa Càn hướng Tốn, dựa Mão hướng Dậu. Tòa nhà này có ấn đường thẳng giữa tạo án, hai sông hợp dải, phía sau có rồng vòng ôm ấp, lại có dòng nước chầu đến, Huyền vũ quay quanh, đất đẹp thế tinh phong, phát nhiều đinh, giàu có, sau này có giai nhân đẹp đã, ngoại giao anh hoa. 

Trang Ha Xá phụng thờ muôn năm hương lửa thêm sáng, trải các đời linh thiêng như còn đó. Khi sinh có võ công rạng rỡ anh linh giúp vận nước. Khi hóa tất được trang sách thờ tự tôn nghiêm, bảo hộ cho sinh dân. Trang này được nhờ ơn đức lớn lao vậy.

Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ, thần, Nguyễn Bính vâng soạn.

Hoàng triều Vĩnh Hữu năm thứ nhất ngày lành tháng giữa thu, Quản giám bách thần tri điện Hùng lĩnh thiếu khanh, thần, Nguyễn Hiền lại tuân theo bản chính của triều trước vâng sao.

Đình Ha Xá


Tuesday, September 17, 2024

Hà Nội, rốn rồng của Thủy phủ Động Đình

Nằm ở giữa dòng chảy của sông Cái (sông Hồng), từ ngã ba Việt Trì tới khu vực Hà Nam, Hà Nội mở rộng ngày nay gồm các vùng nội đô Thăng Long xưa; vùng Sơn Tây giáp với chân núi Ba Vì; vùng Thanh Trì, Phú Xuyên ở Hữu ngạn sông Hồng; vùng Đông Anh, Long Biên ở Tả ngạn sông Hồng. Với một địa bàn rộng lớn dọc theo các con sông lớn như vậy, số lượng các di tích thờ các vị thủy thần ở Hà Nội có lẽ đứng đầu trong các địa phương. Các vị thủy thần ở Hà Nội có những hình tượng như sau:


 

Linh Lang Đại vương

Linh Lang, vị thủy thần hồ Dâm Đàm là vị thần có nhiều hóa thân ở vào các thời. Số di tích thờ Linh Lang chỉ riêng ở Hà Nội tới nay theo thống kê đã lên đến 96 nơi. Theo thần tích lá cờ soái của Linh Lang khi ngài hóa bay đến đâu, nơi đó lập đền thờ, thì con số 172 nơi thờ thực tế còn hơn thế.

Hóa thân phổ biến nhất là Hoàng tử Linh Lang (Hoàng Lang) giúp vua Lý Thái Tông đánh giặc Vĩnh Trinh ở Nam Hải hay đánh giặc Tống. Di tích thờ Linh Lang thời Lý gặp ở hai bên bờ sông Hồng về phía Nam Hà Nội, rất dày đặc ở Long Biên và Thanh Trì, Thường Tín. Cụm di tích của Linh Lang trấn Tây thành Thăng Long như ở đền Thủ Lệ, Ngọc Khánh, Hào Nam là nơi sinh của ngài. Cùng với cụm này là khu vực Bình Đà, Thanh Oai, Quốc Oai cũng thường là sự tích thời Lý. Còn ở đền Voi Phục, nơi Linh Lang hóa thành con Giao long trườn xuống hồ Tây, trở thành thủy thần hồ Dâm Đàm.

Hóa thân Linh Lang thời Trần tạo nên một loạt các di tích liên quan tới nhau. Linh Lang thời Trần được gọi tên là Uy Đô Linh Lang. Chiến tích của Uy Linh Lang là đánh giặc Nguyên Mông bên sông Bạch Đằng. Yên Phụ là nơi sinh, có đền An Trì bên bờ hồ Trúc Bạch là đền thờ Uy Linh Lang rất lớn xưa kia. Nhật Tân là nơi hiển linh bọc trứng, hóa thành 7 con rồng bay lên bên bến sông Hồng mùa hoa gạo nở tháng Hai. Chùa Vân Hồ ở Hà Nội là nơi Linh Lang tu hành. Nơi hóa của Linh Lang được chép theo thần tích là ở Thanh Cù, Kim Động, Hải Dương.

Trong sự tích Linh Lang thời Trần lại thường nhắc tới thánh Linh Lang bắt đầu từ thời Hùng Vương. Bà phi của Diệu Đế sinh ra một bọc trứng, cho là điềm gở, mang bỏ ra bãi Nhật Chiêu. Đến tối trứng nở ra 7 con rồng, bay lên trời sáng rực một vùng. Đây là vị Linh Lang cùng với 7 giáp Đoài hồ (hồ Tây) hiển thánh. Cách thờ với sự tích nhiều lần hóa thân như vậy thấy rõ nhất ở đình Tây Hồ và qua bản ghi chép Linh Lang thần hóa lục.

Trong các sự tích về Linh Lang, hồ Dâm Đàm được chép là kinh đô của Thủy quốc Động Đình. Hồ Tây cũng là nơi Lạc Long Quân cùng với Lục bộ Thủy phủ dâng nước diệt con cáo chín đuôi Cửu vĩ Hồ, tương ứng với Linh Lang Đại vương và Đoài hồ Thất Giáp như được thờ ở phía Đông của Hồ Tây. Di tích Linh Lang và các bộ thủy phủ nằm bao bọc phía Đông của hồ Tây từ Nhật Tân, Quảng Bá, Nghi Tàm, Yên Phụ.

Còn một hóa thân ít thấy hơn là vị Linh Lang sinh vào thời Hùng Duệ Vương, đã cùng với Tản Viên Sơn Thánh đánh giặc Thục. Di tích thờ Linh Lang đánh Thục khá hiếm, ở Hà Nội có đình Huyền Kỳ trong Thanh Oai là thờ theo sự tích này.

Quý Minh Đại vương

Đứng thứ hai về số lượng di tích được thờ là Quý Minh Đại vương, thống kê ở toàn Hà Nội cho con số 84 nơi thờ. Sự tích Quý Minh chủ yếu là vị tướng thời Hùng Vương, nhưng cũng có 2 “dị bản” chính. Phổ biến nhất là Quý Minh là Hữu kiên thần trong bộ ba vị Tản Viên Sơn, là tướng thời Hùng Duệ Vương đánh Thục. Rõ nét nhất theo sự tích này là các di tích của vùng Sơn Tây gần núi Ba Vì. Rải rác khắp Hà Nội là những nơi thờ Quý Minh cùng với Cao Sơn, tức là dưới dạng là một vị Sơn thần.

Một biến thể của sơn thần Quý Minh là vị Hùng Lãng Công của làng Quan Nhân. Sự tích Hùng Lãng Công thời Hùng Vương đánh giặc Nam Chiếu ở Quan Nhân là một cách kể khác về sự nghiệp của thần Lãng Nhạc Quý Minh.

Bên cạnh vị sơn thần Lãng Nhạc Quý Minh Hà Nội còn có những di tích thờ thần Quý Minh với sự tích cổ hơn. Cũng là người em của Thánh Tản, nhưng là con của Lạc Long Quân, tức ở thời đầu của thời kỳ Hùng Vương. Vị Quý Minh này thường được thờ độc lập, với sự tích thần đi từ cửa biển Thần Phù qua Hoa Quật, Long Biên rồi đến ở bến Long Đỗ bên bờ sông Cái. Thần hóa tại đây, là nơi đền thờ Quý Minh ở phường Đông Hà xưa. Đền Đông Hà ở phố Hàng Gai nay không còn nữa, nhưng ký ức về ngôi đền và thần Quý Minh ở đây còn lưu lại trong ghi chép về tục tế Xuân ngưu của Thăng Long xưa.

Một khía cạnh thờ Quý Minh như thủy thần là trong tên phong Đông Hải Quý Minh như ở Thượng Đình hay khu vực Mễ Trì. Di tích miếu Đầm là minh chứng rõ ràng cho tính chất thủy thần của vị thần ở đây. Ngoài ra, đáng chú ý là việc thờ Quý Minh ở đình Đông Xã ở trên đường Thụy Khê. Theo sự tích ở đây thì Quý Minh là anh em đồng sinh với Cao Sơn Đại vương, nhưng lại sinh ra ở ven hồ Tây, với vai trò như một vị thủy thần.

Những vị thủy thần đồng bào

Hình tượng các vị thủy thần có bà mẹ mộng ứng điềm rồng sinh ra một bầu nở ra 5 (có chỗ là 3 hoặc 2) người con, có tướng mạo kỳ dị, tài sức hơn người, lớn lên phù Hùng dẹp Thục là sự tích rất phổ biến ở vùng đồng bằng sông Hồng. Nổi bật hơn cả là câu chuyện về 5 anh em con ông Bộ trưởng Đào Công Bột nhất bào ngũ tử, làm các Long hầu tứ hải thời Hùng Duệ Vương. Trong số đó thường thì vị thứ ba là Trưởng Lệnh được phong chức Thủy tào Phán quan quyền chưởng Trung Hoa quốc tể, tức là tể tướng cầm đầu thủy quân của nước Trung Hoa. 

Theo thần tích thì Thổ Lệnh Trưởng “sinh Bạch Hạc, thác Ba Lương” nên có 2 dòng sự tích. Một là cách kể về thần hiển linh ở ngã ba Bạch Hạc thời Đường Cao Tông trong cuộc đọ sức giữa Thổ Lệnh và Thạch Khanh. Trong dòng chuyện kể về Bạch Hạc Tam Giang là các di tích ở vùng Hoài Đức, Phúc Yên, Quốc Oai, Phúc Thọ, mà nổi tiếng là khu vực Tây Tựu với lễ hội bơi chải làng Đăm. Cùng với đó là một số di bản truyện Thổ Lệnh – Thạch Khanh như ở đình Viên Châu (Cổ Đô) thờ hai vị Thông Hà và Thủy Giang Linh ứng.

Một dạng sự tích theo nơi hóa của thần Thổ Lệnh Trưởng tại Đa Chất, Phú Xuyên, một làng đặc biệt bên ngã ba Tam Kỳ giang xưa. Các di tích dọc sông Hồng ở Thường Tín thường theo thần tích Trung Thành Phổ Tế Đại vương, tên phong của Trưởng Công Thổ Lệnh khi hóa. Hai cách kể ở Phú Xuyên hay ở Bạch Hạc nhìn chung khá giống nhau, nên nhận định rằng đây là một chuyện, một nhân vật là hoàn toàn hợp lý. Quan trọng hơn, nơi hóa của vị con thứ ba tại Đa Chất nằm không xa đền Lảnh, nơi thờ Quan lớn Đệ Tam của Thoải phủ. Sự tích Quan Đệ Tam cũng tương đồng từ một bọc nở ra 3 con Hoàng xà, rồi biến thành người giúp vua Hùng Duệ Vương đánh Thục. Quan Đệ Tam chính là Thổ Lệnh, vị Long hầu quyền cao nhất trong 5 người anh em.

Cùng sự tích nhất bào ngũ tử là các vị Quảng Xung, Quảng Bác, Quảng Tế, Quảng Xung, Quảng Hóa ở khu vực Thường Tín, Vân Đình như đình Giẽ Thượng, Giẽ Hạ, đền Hữu Vĩnh. Cũng là thủy thần xuất thế thời Hùng Vương đánh giặc, nhưng được kể là thời Hùng Vương thứ 8. Thực ra Hùng Vương thứ Tám, ở đây tương đương với Bát Hải Đại vương hay Bột Hải Đại vương, là người cha Đào Công Bột trong sự tích Thổ Lệnh – Thạch Khanh. Đáng chú ý là thần tích Hữu Vĩnh cho biết vị con cả Quảng Xung là con của Kinh Dương Vương. Nói cách khác đây chính là Lạc Long Quân cùng những người em của mình đã đánh đuổi dòng tộc phía Tây (Thục) lên núi mà lập nước họ Đào (Trung Hoa – Hạ).

Một nhóm thần tích và di tích khác về các vị thủy thần là ở vùng hồ Tây, tức hồ Dâm Đàm xưa. Các sự tích này thường có mối liên hệ với Linh Lang hay Uy Đô Linh Lang được thờ ở vùng này. Đó là hai vị Vương Đôi, Vương Ba thờ cùng với Uy Linh Lang ở đình Yên Phụ, là Thất Giáp Đoài hồ gồm Xích Giáp (Uy Linh Lang), Bạch Giáp, Hoàng Giáp, Hắc Giáp, Thanh Giáp, Chu Giáp, Tử Giáp như ở đình Nhật Tân. Khó nhận ra hơn là bộ ba vị thủy thần Triều Đình, Bảo Trung, Minh Khiết ở các di tích của tổng Hoàn Long, Hà Đông xưa  như Nghi Tàm, Quảng Bá, Tây Hồ, Tứ Liên. Ở phía Nam hồ Tây khu vực Hồ Khẩu (nay thuộc đường Thụy Khê) là tích về Cống Lễ Cá Lễ tại đền Dực Thánh và Vệ Quốc. 

Dạng sự tích Ông Dài, Ông Cộc, kể về 2 con rắn là thủy thần xuất thế, từng hộ đê sông Cái cũng là một cách kể về các nhân vật trong nhóm các vị thủy quan thời Lạc Long Quân. Di tích hai vị thủy thần như vậy có thể kể đến đình Yên Phú ở Thanh Trì. Rải rác còn có những cụm di tích thờ các thủy thần cùng bọc tương tự như ở miếu Mạch Lũng (Đông Anh) thờ Ba vị Đại vương thời Hùng Vương.

Thủy Tinh Công chúa

Gắn liền với sự tích nhất bào ngũ tử là bà mẹ đã sinh ra các vị thủy thần đó. Bà được tôn là Thủy Tinh Phu nhân và được thờ ở nhiều nơi. Bà phi sinh ra Uy Linh Lang là Mẫu Hàn Sơn ở Yên Phụ. Bà mẹ sinh ra 5 vị thủy thần thời Hùng Vương thứ 8 ở Thường Tín là mẫu Tiên Dung Châu. Mẫu Thăng Long ở Hồ Khẩu là người vợ của thủy thần Cá Lễ tại đây. Bà Hạo Nương ở Bồng Lai (Đan Phượng), sinh ra Linh Lang thời Lý.

Một vị mẫu khác được gọi đích danh là Mẫu Thoải, con của Động Đình Đế quân trong sự tích Liễu Nghị truyền thư, như đền Dầm tại Xâm Dương (Ninh Sở, Thường Tín). Đình làng Xâm Dương thờ các vị thủy thần của Tứ Hải, tức là có ý cho thấy rằng Mẫu Thoải, Xích Lân Long Nữ, là mẹ của các vị Linh Lang, thủy thượng linh thần. Tổng Xâm Thị xưa của huyện Thanh Trì cũng là nơi tập trung các di tích thờ Linh Lang như ở Xâm Hồ, Xâm Xuyên.

Trên vùng Hà Nội ngày nay rải rác ở các khu vực ven có các di tích thờ Mẫu Thủy Tinh ở dạng hiển linh phù trợ các đời sau, không rõ sự tích xuất xứ. Ví dụ như Nữ Bạch Ngọc Hồ Thuỷ tinh Lân tinh Công chúa thờ ở đền Đống Nước (Ngọc Hà) hay như Mẫu Thủy ở đền Giẻ Sen, Hoài Đức.

Thủy phủ Long Vương

Nói về các Thủy thần của thành Thăng Long không thể không nói tới thần Chính khí Long Đỗ. Vị thần này được thờ là thần trấn Đông Thăng Long tại đền Bạch Mã. Nhiều nơi gọi là thần Quảng Lợi Bạch Mã. Tuy nhiên tên gọi Bạch Mã liên quan đến con ngựa trắng trong sự tích hiển linh về sau, còn bản chất thực sự của thần là Long Đỗ, rốn rồng, tức là trung tâm, nơi kinh đô của Thủy quốc.

Người đã khai lập Thủy quốc ở vùng Động Đình, tức vùng sông biển đồng bằng Bắc Bộ, thì phải là Động Đình Đế Quân, cha của Động Đình Long Nữ (Mẫu Thoải). Động Đình Đế Quân có tên cúng trong Đạo giáo là Thủy phủ Phù Tang Cam Lâm Đại đế, tức là vị Đông Vương Đế Quân, vị thần chủ của các nam thần trong Đạo Giáo. Trên khu vực Hà Nội Thủy phủ Đại đế được thờ ít nhất ở Liễu Châu (Ba Vì) và vạn chài Liên Ngạc (Từ Liêm), theo như thần tích còn lưu lại ở đây.

Trong tục thờ ba vị thủy thần Thủy phủ như ở Liễu Châu thì sau Thủy phủ Đại đế là vị Thủy phủ Vô Biên Trang Nghiêm Vân Hải Long Quân. Vị này tương ứng trong sự tích ở Đào Xá (Thanh Thủy, Phú Thọ) là tên phong của ông Hùng Hải, người sinh ra các vị thủy thần cùng bọc. Như thế tương ứng thì Hải Vân Long Vương sẽ phải là Kinh Dương Vương, được tín ngưỡng theo góc nhìn của Thủy phủ.

Vị thần thủy phủ tiếp theo là Thủy phủ Đại Thiên Long Chủ Bát Hải Long Vương như tên thờ ở Liễu Châu. Đền thờ Bát Hải Động Đình Long Vương nay còn tại phố Hàng Than. Xét thứ bậc và tên gọi thì Bát Hải Long Vương chính là Lạc Long Quân, người con của Kinh Dương Vương – Hải Vân Long Vương và Mẫu Thoải Quý Nương.

Bát Hải Động Đình Long Vương là vị vua được xếp trong bộ ba thần chủ của tín ngưỡng Tam phủ xưa kia. Cùng với Thiên phủ Ngọc Hoàng, Địa phủ Diêm La thì Thủy phủ có Bát Hải vua cha. Tín ngưỡng thờ ba vua Tam phủ vốn từng khá phổ biến, nay còn di tích như như đền Tam phủ ở Thu Quế (Đan Phượng), ở chùa Thầy, hay trong chùa Giang Xá (Hoài Đức).

Cùng bộ với các thần Thủy phủ là Hà Bá Thủy quan, gặp tương đối nhiều (khoảng 7 di tích) ở Sơn Tây, Hà Đông, nhất là ở các vạn chài ven sông như Vạn Đài Thần (Đan Phượng), Vạn Hà Trì (Hoài Đức) hay Thủy Cơ Cấn Xá (Quốc Oai). Tuy được thờ như một dạng “nhiên thần”, đất có thổ công, sông có Hà Bá, nhưng vài nơi có sự tích cho biết Hà Bá là một vị tướng đã giúp vua Hùng đánh Thục. Xét vậy thì có thể Hà Bá chính là Lạc Long Quân (Linh Lang) hoặc Thổ Lệnh Trưởng (Bạch Hạc Tam Giang).

Một “nhiên thần” thực sự là ông Lốt Tam đầu Cửu vĩ Long vương được thờ ở đình Nam Dư Hạ, phường Lĩnh Nam. Đây là hình tượng hệ thống sông ngòi trên đồng bằng Bắc Bộ xưa, với Tam đầu trên nguồn là ba sông Đà, sông Lô, sông Thao, Cửu vĩ là chín nhánh sông Cái đổ ra biển Đông. Rốn rồng Long Đỗ là phần trung tâm của sông nằm ở đất Thăng Long xưa, là hồ Tây vốn nối liền với sông Nhị Hà.

Một dạng thủy thần làm mưa được biết ở vùng Linh Đàm là Bảo Ninh Long Vương, học trò của Chu Văn An. Thật khó biết đây là hóa thân của vị nào từ thời Hùng Vương, nhưng nhiều khả năng nhất đây là một trong các vị của sự tích nhất bào ngũ tử.

Lạc Thị Hồng Bàng

Cũng là dòng “thủy thần” nhưng “thủy” với nghĩa là những người con đã theo cha Lạc Long Quân xuống khai phá vùng đồng bằng Động Đình xưa, tức là những vị được thờ theo góc độ là “nhân thần”. Đầu tiên, chính là Lạc Long Quân được thờ đúng tên, đúng “chức danh” như ở đình Nội Bình Đà, hay đình  Trung Văn Ngọc Trục. Sự tích về Lạc Long Quân tất nhiên là xem trong Truyện họ Hồng Bàng của Lĩnh Nam chích quái.

Ở vùng Đại Mỗ có tín ngưỡng thờ Thủy Hải Long vương, là con của Lạc Long Quân. Vị thần này thường thờ cùng Ả Lã Nàng Đê nên khó xác định đây là “nhân thần” hay thần hiển linh đời Trưng Vương. 

Rải rác ở nhiều nơi thờ những người con của Lạc Long Quân đã có công xây dựng làng xã như Giám Sát Đại vương ở Đồng Trúc (Thạch Thất), Thông Đạt Đại vương ở Thịnh Liệt, Đại Long ở Tử Dương (Ứng Hòa), Nam Phổ ở Yên Thường (Gia Lâm), Hải Tế ở Kiều Mộc (Cổ Đô).

Cần chú ý là những người con của Lạc Long Quân không phải là các vua Hùng, vì các vị Hùng Vương là cách gọi của dòng theo mẹ Âu Cơ lên núi. Nói dễ hiểu hơn, Hùng Vương là con cháu, dòng dõi từ Âu Cơ. Còn những người con kế nghiệp Lạc Long Quân được gọi là các Lạc Vương, Lạc hầu, Lạc tướng, cai quản các vùng cửa sông góc biển vùng đồng bằng.

Chử Đồng Tử

Vị thần bất tử đã cùng với công chúa con vua Hùng bay lên cung trăng từ vùng đầm nước Dạ Trạch bên sông Hồng cũng được thờ ở Hà Nội. Ngay trong trung tâm thành phố, không hiểu sao các nơi thờ Chử Đồng Tử và Tiên Dung lại cùng nằm trên phố Thợ Nhuộm. Có thể nơi đây từng là nơi định cư của người dân đến từ vùng Khoái Châu, Hưng Yên chăng?

Ngoại thành phía Nam Hà Nội hai bên bờ sông Hồng có các di tích thờ Chử Đồng Tử như Chử Xá, nơi quê nội của ngài, hay ở Thanh Trì phía đối diện bên kia bờ sông. Đặc điểm của những nơi này là thờ đủ cả 3 vị Chử Đồng Tử, Tiên Dung và Tây Sa Công chúa.  Còn ở các huyện “miền núi” của Hà Nội như Mỹ Đức, Phúc Thọ, rải rác có 1-2 nơi thờ Chử Đồng Tử.

Thông thường những nơi thờ nhà Chử thì không phối thờ cùng các vị thủy thần khác như Linh Lang, Quý Minh, Thủy Tinh, Thổ Lệnh, dường như đây là những vị thần “kỵ nhau”. Điều này dễ hiểu, bởi Chử Đồng Tử được coi là một “loạn thần” của triều Hùng (Lạc triều) đã cướp công chúa và xây dựng quốc gia riêng ở đầm Dạ Trạch. Cái kết là Chử Đồng Tử đành “đi tu”, đắc đạo thành tiên mà bay lên trời, trả lại thiên hạ cho dòng dõi Lạc Thị.

Vào thời kỳ Lạc Long Quân khai phá Động Đình thì Hà Nội là vùng bán ngập nước ven sông biển, đồng bằng Bắc Bộ đang lộ dần ra do bước vào thời kỳ biển thoái. Những vị thủy thần ở đây là những vị thủ lĩnh của cộng đồng người sống chủ yếu bằng nghề chài lưới, xăm mình, lội nước, đắp đê, mở làng mở xóm từng bước theo mực nước rút. Bãi biển ngàn năm nay đã thành nương dâu, nhưng sự nghiệp của các tiền nhân thời lập quốc còn sống mãi không thể quên trong hàng trăm di tích văn hóa tín ngưỡng trên mảnh đất rồng thiêng này.

 

Wednesday, September 11, 2024

Những vị thủy thần ở Hà Nam

Trong công cuộc trị thủy ở đồng bằng sông Hồng thì vùng đất Hà Nam từ thời Hùng Vương là một địa bàn quan trọng của người Việt cổ, nơi tập trung những người con theo cha Lạc Long Quân đi khai phá đồng bằng, chế ngự thiên tai. Những vị tiền nhân này đã trở thành những vị "thủy thượng linh thần" trong văn hóa Việt.

Hà Nam là nơi có lượng di tích dày đặc thờ các vị thủy thần gồm:

1. Thủy phủ Phù Tang Cam Lâm Đại đế: đây là vị Động Đình Đế Quân, cha của Động Đình Long Nữ, tức là ông ngoại của Lạc Long Quân. Ở Thăng Long ông được biết đến là thần chính khí Long Đỗ. Ở Hà Nam nơi thờ Long Vương Thủy phủ gặp ở huyện Bình Lục như ở đình Cổ Viễn hay ở thôn Khương Thị xã An Nội.

2. Bát Hải Long Vương: Bát Hải hay Bột Hải đều có nghĩa là biển Đông. Bát Hải Long Vương hay Bột Hải Đại vương thường là để chỉ Kinh Dương Vương, người đứng đầu trong công cuộc trị thủy với tài đi dưới Thủy phủ và nhờ những sáng tạo trọng gậy thần sách ước mà làm nên kỳ tích khơi thông dòng chảy sông Đà thời Nghiêu Thuấn. Ở Hà Nam, đình Cổ Viễn (Bình Lục) cũng là nơi thời Bát Hải Long Vương. Ngoài ra còn một số di tích khác như đình Vạn Nghệ xã Văn Lý (Lý Nhân) cũng thờ vị này.

3. Thủy Tinh Công chúa: tức Xích Lân Long Nữ Động Đình Thánh mẫu, hay Mẫu Thoải. Thủy Tinh Công chúa đặc biệt được thờ rất nhiều ở Hà Nam, ít nhất là ở hơn 30 làng xã từ Bình Lục, Duy Tiên, Lý Nhân, Kim Bảng đến Thanh Liêm. Sự tích chính là tiên nữ giáng trần, được Liễu Nghị cứu giúp. Liễu Nghị cũng là một vị thủy thần (Long Vương) bởi ông cũng chính là Kinh Dương Vương, người đã kết duyên với Long Nữ Động Đình.

4. Hà Bá Thủy quan: là một vị thủy thần khá "đặc sản" của vùng Hà Nam, nơi mà đã thống kê được có ít nhất 20 làng xã thờ Hà Bá. Sự tích chủ yếu đây là con trai của Lạc Long Quân, giúp đánh giặc Thục. Thực chất, Hà Bá không phải ai khác chính là Lạc Long Quân, người đã làm nên cuộc chiến giành vương vị với dòng Thục lên núi mà lập ra "thủy quốc" mang tên Hoa Hạ.

5. Linh Lang Đại vương: Có tới hơn 60 di tích ở Hà Nam thờ Linh Lang xuất thế ở các thời kỳ khác nhau, từ thời Hùng Vương đánh Thục, thời Lý đánh giặc Vĩnh Trinh và Hồng Châu, hay giặc Tống, thời Trần đánh giặc Nguyên. Thậm chí Linh Lang cứu công chúa ở Lệ Mật cũng là một dạng "hóa thân" của vị thần này. Linh Lang Đại vương chính là con của Kinh Dương Vương, tức Lạc Long Quân, làm vua Thủy phủ, hóa sinh bất diệt nơi Động Đình.

6. Quý Minh Đại vương: Vị Hữu kiên thần của Tản Viên Sơn Thánh với vai trò phụ trách Thủy quân của nhà Hùng dẹp giặc Thục ở châu Ái, hoặc có lúc sự tích là con của Lạc Long Quân đi từ cửa biển Thần Phù lên hóa ở bến Long Đỗ. Ở Hà Nam có hơn 40 làng xã thờ Quý Minh, chưa kể một số nơi thờ thần Cao Các, cũng là một dị bản của Quý Minh Đại vương.

7. Trung Thành Thổ Lệnh Trưởng: "Sinh Bạch Hạc, thác Ba Lương", một dải sông Hồng từ ngã ba Việt Trì ra đến biển thờ vị Thủy tào phán quan Trung Hoa quốc tể này. Cùng với Phú Xuyên (Thường Tín) thì Hà Nam là nơi có nhiều di tích thờ Thổ Lệnh nhất, thống kê sơ bộ ít nhất có hơn 25 làng xã, tập trung ở huyện Duy Tiên và Kim Bảng. Nổi tiếng bởi sự tích nhất bào ngũ tử trong nhà họ Đào, Trung Thành Thổ Lệnh thực ra là vị Quan lớn Đệ Tam được thờ lừng danh ở Lảnh giang linh từ. Đây là vị Long hầu đứng đầu dưới trướng Lạc Long Quân.

8. Câu Mang Đại vương: Câu Mang là tên của Mộc thần của phương Đông, nhưng ở Hà Nam, Nam Định lại là vị thủy thần được thờ phổ biến, với sự tích các anh em sinh cùng một bọc, phù Hùng dẹp Thục, tức là cùng là anh em trong bộ Ngũ vị tôn quan Thoải phủ, anh em thời Lạc Long Quân. Ở Hà Nam ít nhất có hơn 30 làng xã thờ thần Câu Mang, mà được biết nhiều như ở đình Văn Xá (Bình Lục).

9. Chử Đồng Tử: tuy là "con rể hờ" của dòng Lạc Long, nhưng Chử Đồng Tử cũng là thủy thần do nguồn gốc xuất xứ đánh cá ven sông Hồng. Hữu ngạn sông Hồng như ở Hà Nam không có nhiều di tích thờ Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa, nhưng các nơi thờ ở đây thường có sự tích khác lạ so với sự tích vùng Khoái Châu. Ví dụ, như ở đền Yên Từ (Mộc Hoàn, Duy Tiên) thờ mẹ của Tiên Dung Công chúa, tức đây là nơi quê ngoại của Công chúa.

Nhân mùa mưa lũ sau bão, xin nhắc lại công lao, danh tính của các vị tiền nhân trị thủy sông Hồng, đem lại cuộc sống bình yên cho người Việt vào thời hơn 4000 năm trước.

Đình Cao Cái thờ Quý Minh Đại vương.