Wednesday, September 11, 2024

Những vị thủy thần ở Hà Nam

Trong công cuộc trị thủy ở đồng bằng sông Hồng thì vùng đất Hà Nam từ thời Hùng Vương là một địa bàn quan trọng của người Việt cổ, nơi tập trung những người con theo cha Lạc Long Quân đi khai phá đồng bằng, chế ngự thiên tai. Những vị tiền nhân này đã trở thành những vị "thủy thượng linh thần" trong văn hóa Việt.

Hà Nam là nơi có lượng di tích dày đặc thờ các vị thủy thần gồm:

1. Thủy phủ Phù Tang Cam Lâm Đại đế: đây là vị Động Đình Đế Quân, cha của Động Đình Long Nữ, tức là ông ngoại của Lạc Long Quân. Ở Thăng Long ông được biết đến là thần chính khí Long Đỗ. Ở Hà Nam nơi thờ Long Vương Thủy phủ gặp ở huyện Bình Lục như ở đình Cổ Viễn hay ở thôn Khương Thị xã An Nội.

2. Bát Hải Long Vương: Bát Hải hay Bột Hải đều có nghĩa là biển Đông. Bát Hải Long Vương hay Bột Hải Đại vương thường là để chỉ Kinh Dương Vương, người đứng đầu trong công cuộc trị thủy với tài đi dưới Thủy phủ và nhờ những sáng tạo trọng gậy thần sách ước mà làm nên kỳ tích khơi thông dòng chảy sông Đà thời Nghiêu Thuấn. Ở Hà Nam, đình Cổ Viễn (Bình Lục) cũng là nơi thời Bát Hải Long Vương. Ngoài ra còn một số di tích khác như đình Vạn Nghệ xã Văn Lý (Lý Nhân) cũng thờ vị này.

3. Thủy Tinh Công chúa: tức Xích Lân Long Nữ Động Đình Thánh mẫu, hay Mẫu Thoải. Thủy Tinh Công chúa đặc biệt được thờ rất nhiều ở Hà Nam, ít nhất là ở hơn 30 làng xã từ Bình Lục, Duy Tiên, Lý Nhân, Kim Bảng đến Thanh Liêm. Sự tích chính là tiên nữ giáng trần, được Liễu Nghị cứu giúp. Liễu Nghị cũng là một vị thủy thần (Long Vương) bởi ông cũng chính là Kinh Dương Vương, người đã kết duyên với Long Nữ Động Đình.

4. Hà Bá Thủy quan: là một vị thủy thần khá "đặc sản" của vùng Hà Nam, nơi mà đã thống kê được có ít nhất 20 làng xã thờ Hà Bá. Sự tích chủ yếu đây là con trai của Lạc Long Quân, giúp đánh giặc Thục. Thực chất, Hà Bá không phải ai khác chính là Lạc Long Quân, người đã làm nên cuộc chiến giành vương vị với dòng Thục lên núi mà lập ra "thủy quốc" mang tên Hoa Hạ.

5. Linh Lang Đại vương: Có tới hơn 60 di tích ở Hà Nam thờ Linh Lang xuất thế ở các thời kỳ khác nhau, từ thời Hùng Vương đánh Thục, thời Lý đánh giặc Vĩnh Trinh và Hồng Châu, hay giặc Tống, thời Trần đánh giặc Nguyên. Thậm chí Linh Lang cứu công chúa ở Lệ Mật cũng là một dạng "hóa thân" của vị thần này. Linh Lang Đại vương chính là con của Kinh Dương Vương, tức Lạc Long Quân, làm vua Thủy phủ, hóa sinh bất diệt nơi Động Đình.

6. Quý Minh Đại vương: Vị Hữu kiên thần của Tản Viên Sơn Thánh với vai trò phụ trách Thủy quân của nhà Hùng dẹp giặc Thục ở châu Ái, hoặc có lúc sự tích là con của Lạc Long Quân đi từ cửa biển Thần Phù lên hóa ở bến Long Đỗ. Ở Hà Nam có hơn 40 làng xã thờ Quý Minh, chưa kể một số nơi thờ thần Cao Các, cũng là một dị bản của Quý Minh Đại vương.

7. Trung Thành Thổ Lệnh Trưởng: "Sinh Bạch Hạc, thác Ba Lương", một dải sông Hồng từ ngã ba Việt Trì ra đến biển thờ vị Thủy tào phán quan Trung Hoa quốc tể này. Cùng với Phú Xuyên (Thường Tín) thì Hà Nam là nơi có nhiều di tích thờ Thổ Lệnh nhất, thống kê sơ bộ ít nhất có hơn 25 làng xã, tập trung ở huyện Duy Tiên và Kim Bảng. Nổi tiếng bởi sự tích nhất bào ngũ tử trong nhà họ Đào, Trung Thành Thổ Lệnh thực ra là vị Quan lớn Đệ Tam được thờ lừng danh ở Lảnh giang linh từ. Đây là vị Long hầu đứng đầu dưới trướng Lạc Long Quân.

8. Câu Mang Đại vương: Câu Mang là tên của Mộc thần của phương Đông, nhưng ở Hà Nam, Nam Định lại là vị thủy thần được thờ phổ biến, với sự tích các anh em sinh cùng một bọc, phù Hùng dẹp Thục, tức là cùng là anh em trong bộ Ngũ vị tôn quan Thoải phủ, anh em thời Lạc Long Quân. Ở Hà Nam ít nhất có hơn 30 làng xã thờ thần Câu Mang, mà được biết nhiều như ở đình Văn Xá (Bình Lục).

9. Chử Đồng Tử: tuy là "con rể hờ" của dòng Lạc Long, nhưng Chử Đồng Tử cũng là thủy thần do nguồn gốc xuất xứ đánh cá ven sông Hồng. Hữu ngạn sông Hồng như ở Hà Nam không có nhiều di tích thờ Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa, nhưng các nơi thờ ở đây thường có sự tích khác lạ so với sự tích vùng Khoái Châu. Ví dụ, như ở đền Yên Từ (Mộc Hoàn, Duy Tiên) thờ mẹ của Tiên Dung Công chúa, tức đây là nơi quê ngoại của Công chúa.

Nhân mùa mưa lũ sau bão, xin nhắc lại công lao, danh tính của các vị tiền nhân trị thủy sông Hồng, đem lại cuộc sống bình yên cho người Việt vào thời hơn 4000 năm trước.

Đình Cao Cái thờ Quý Minh Đại vương.


No comments:

Post a Comment