Tuesday, September 17, 2024

Hà Nội, rốn rồng của Thủy phủ Động Đình

Nằm ở giữa dòng chảy của sông Cái (sông Hồng), từ ngã ba Việt Trì tới khu vực Hà Nam, Hà Nội mở rộng ngày nay gồm các vùng nội đô Thăng Long xưa; vùng Sơn Tây giáp với chân núi Ba Vì; vùng Thanh Trì, Phú Xuyên ở Hữu ngạn sông Hồng; vùng Đông Anh, Long Biên ở Tả ngạn sông Hồng. Với một địa bàn rộng lớn dọc theo các con sông lớn như vậy, số lượng các di tích thờ các vị thủy thần ở Hà Nội có lẽ đứng đầu trong các địa phương. Các vị thủy thần ở Hà Nội có những hình tượng như sau:


 

Linh Lang Đại vương

Linh Lang, vị thủy thần hồ Dâm Đàm là vị thần có nhiều hóa thân ở vào các thời. Số di tích thờ Linh Lang chỉ riêng ở Hà Nội tới nay theo thống kê đã lên đến 96 nơi. Theo thần tích lá cờ soái của Linh Lang khi ngài hóa bay đến đâu, nơi đó lập đền thờ, thì con số 172 nơi thờ thực tế còn hơn thế.

Hóa thân phổ biến nhất là Hoàng tử Linh Lang (Hoàng Lang) giúp vua Lý Thái Tông đánh giặc Vĩnh Trinh ở Nam Hải hay đánh giặc Tống. Di tích thờ Linh Lang thời Lý gặp ở hai bên bờ sông Hồng về phía Nam Hà Nội, rất dày đặc ở Long Biên và Thanh Trì, Thường Tín. Cụm di tích của Linh Lang trấn Tây thành Thăng Long như ở đền Thủ Lệ, Ngọc Khánh, Hào Nam là nơi sinh của ngài. Cùng với cụm này là khu vực Bình Đà, Thanh Oai, Quốc Oai cũng thường là sự tích thời Lý. Còn ở đền Voi Phục, nơi Linh Lang hóa thành con Giao long trườn xuống hồ Tây, trở thành thủy thần hồ Dâm Đàm.

Hóa thân Linh Lang thời Trần tạo nên một loạt các di tích liên quan tới nhau. Linh Lang thời Trần được gọi tên là Uy Đô Linh Lang. Chiến tích của Uy Linh Lang là đánh giặc Nguyên Mông bên sông Bạch Đằng. Yên Phụ là nơi sinh, có đền An Trì bên bờ hồ Trúc Bạch là đền thờ Uy Linh Lang rất lớn xưa kia. Nhật Tân là nơi hiển linh bọc trứng, hóa thành 7 con rồng bay lên bên bến sông Hồng mùa hoa gạo nở tháng Hai. Chùa Vân Hồ ở Hà Nội là nơi Linh Lang tu hành. Nơi hóa của Linh Lang được chép theo thần tích là ở Thanh Cù, Kim Động, Hải Dương.

Trong sự tích Linh Lang thời Trần lại thường nhắc tới thánh Linh Lang bắt đầu từ thời Hùng Vương. Bà phi của Diệu Đế sinh ra một bọc trứng, cho là điềm gở, mang bỏ ra bãi Nhật Chiêu. Đến tối trứng nở ra 7 con rồng, bay lên trời sáng rực một vùng. Đây là vị Linh Lang cùng với 7 giáp Đoài hồ (hồ Tây) hiển thánh. Cách thờ với sự tích nhiều lần hóa thân như vậy thấy rõ nhất ở đình Tây Hồ và qua bản ghi chép Linh Lang thần hóa lục.

Trong các sự tích về Linh Lang, hồ Dâm Đàm được chép là kinh đô của Thủy quốc Động Đình. Hồ Tây cũng là nơi Lạc Long Quân cùng với Lục bộ Thủy phủ dâng nước diệt con cáo chín đuôi Cửu vĩ Hồ, tương ứng với Linh Lang Đại vương và Đoài hồ Thất Giáp như được thờ ở phía Đông của Hồ Tây. Di tích Linh Lang và các bộ thủy phủ nằm bao bọc phía Đông của hồ Tây từ Nhật Tân, Quảng Bá, Nghi Tàm, Yên Phụ.

Còn một hóa thân ít thấy hơn là vị Linh Lang sinh vào thời Hùng Duệ Vương, đã cùng với Tản Viên Sơn Thánh đánh giặc Thục. Di tích thờ Linh Lang đánh Thục khá hiếm, ở Hà Nội có đình Huyền Kỳ trong Thanh Oai là thờ theo sự tích này.

Quý Minh Đại vương

Đứng thứ hai về số lượng di tích được thờ là Quý Minh Đại vương, thống kê ở toàn Hà Nội cho con số 84 nơi thờ. Sự tích Quý Minh chủ yếu là vị tướng thời Hùng Vương, nhưng cũng có 2 “dị bản” chính. Phổ biến nhất là Quý Minh là Hữu kiên thần trong bộ ba vị Tản Viên Sơn, là tướng thời Hùng Duệ Vương đánh Thục. Rõ nét nhất theo sự tích này là các di tích của vùng Sơn Tây gần núi Ba Vì. Rải rác khắp Hà Nội là những nơi thờ Quý Minh cùng với Cao Sơn, tức là dưới dạng là một vị Sơn thần.

Một biến thể của sơn thần Quý Minh là vị Hùng Lãng Công của làng Quan Nhân. Sự tích Hùng Lãng Công thời Hùng Vương đánh giặc Nam Chiếu ở Quan Nhân là một cách kể khác về sự nghiệp của thần Lãng Nhạc Quý Minh.

Bên cạnh vị sơn thần Lãng Nhạc Quý Minh Hà Nội còn có những di tích thờ thần Quý Minh với sự tích cổ hơn. Cũng là người em của Thánh Tản, nhưng là con của Lạc Long Quân, tức ở thời đầu của thời kỳ Hùng Vương. Vị Quý Minh này thường được thờ độc lập, với sự tích thần đi từ cửa biển Thần Phù qua Hoa Quật, Long Biên rồi đến ở bến Long Đỗ bên bờ sông Cái. Thần hóa tại đây, là nơi đền thờ Quý Minh ở phường Đông Hà xưa. Đền Đông Hà ở phố Hàng Gai nay không còn nữa, nhưng ký ức về ngôi đền và thần Quý Minh ở đây còn lưu lại trong ghi chép về tục tế Xuân ngưu của Thăng Long xưa.

Một khía cạnh thờ Quý Minh như thủy thần là trong tên phong Đông Hải Quý Minh như ở Thượng Đình hay khu vực Mễ Trì. Di tích miếu Đầm là minh chứng rõ ràng cho tính chất thủy thần của vị thần ở đây. Ngoài ra, đáng chú ý là việc thờ Quý Minh ở đình Đông Xã ở trên đường Thụy Khê. Theo sự tích ở đây thì Quý Minh là anh em đồng sinh với Cao Sơn Đại vương, nhưng lại sinh ra ở ven hồ Tây, với vai trò như một vị thủy thần.

Những vị thủy thần đồng bào

Hình tượng các vị thủy thần có bà mẹ mộng ứng điềm rồng sinh ra một bầu nở ra 5 (có chỗ là 3 hoặc 2) người con, có tướng mạo kỳ dị, tài sức hơn người, lớn lên phù Hùng dẹp Thục là sự tích rất phổ biến ở vùng đồng bằng sông Hồng. Nổi bật hơn cả là câu chuyện về 5 anh em con ông Bộ trưởng Đào Công Bột nhất bào ngũ tử, làm các Long hầu tứ hải thời Hùng Duệ Vương. Trong số đó thường thì vị thứ ba là Trưởng Lệnh được phong chức Thủy tào Phán quan quyền chưởng Trung Hoa quốc tể, tức là tể tướng cầm đầu thủy quân của nước Trung Hoa. 

Theo thần tích thì Thổ Lệnh Trưởng “sinh Bạch Hạc, thác Ba Lương” nên có 2 dòng sự tích. Một là cách kể về thần hiển linh ở ngã ba Bạch Hạc thời Đường Cao Tông trong cuộc đọ sức giữa Thổ Lệnh và Thạch Khanh. Trong dòng chuyện kể về Bạch Hạc Tam Giang là các di tích ở vùng Hoài Đức, Phúc Yên, Quốc Oai, Phúc Thọ, mà nổi tiếng là khu vực Tây Tựu với lễ hội bơi chải làng Đăm. Cùng với đó là một số di bản truyện Thổ Lệnh – Thạch Khanh như ở đình Viên Châu (Cổ Đô) thờ hai vị Thông Hà và Thủy Giang Linh ứng.

Một dạng sự tích theo nơi hóa của thần Thổ Lệnh Trưởng tại Đa Chất, Phú Xuyên, một làng đặc biệt bên ngã ba Tam Kỳ giang xưa. Các di tích dọc sông Hồng ở Thường Tín thường theo thần tích Trung Thành Phổ Tế Đại vương, tên phong của Trưởng Công Thổ Lệnh khi hóa. Hai cách kể ở Phú Xuyên hay ở Bạch Hạc nhìn chung khá giống nhau, nên nhận định rằng đây là một chuyện, một nhân vật là hoàn toàn hợp lý. Quan trọng hơn, nơi hóa của vị con thứ ba tại Đa Chất nằm không xa đền Lảnh, nơi thờ Quan lớn Đệ Tam của Thoải phủ. Sự tích Quan Đệ Tam cũng tương đồng từ một bọc nở ra 3 con Hoàng xà, rồi biến thành người giúp vua Hùng Duệ Vương đánh Thục. Quan Đệ Tam chính là Thổ Lệnh, vị Long hầu quyền cao nhất trong 5 người anh em.

Cùng sự tích nhất bào ngũ tử là các vị Quảng Xung, Quảng Bác, Quảng Tế, Quảng Xung, Quảng Hóa ở khu vực Thường Tín, Vân Đình như đình Giẽ Thượng, Giẽ Hạ, đền Hữu Vĩnh. Cũng là thủy thần xuất thế thời Hùng Vương đánh giặc, nhưng được kể là thời Hùng Vương thứ 8. Thực ra Hùng Vương thứ Tám, ở đây tương đương với Bát Hải Đại vương hay Bột Hải Đại vương, là người cha Đào Công Bột trong sự tích Thổ Lệnh – Thạch Khanh. Đáng chú ý là thần tích Hữu Vĩnh cho biết vị con cả Quảng Xung là con của Kinh Dương Vương. Nói cách khác đây chính là Lạc Long Quân cùng những người em của mình đã đánh đuổi dòng tộc phía Tây (Thục) lên núi mà lập nước họ Đào (Trung Hoa – Hạ).

Một nhóm thần tích và di tích khác về các vị thủy thần là ở vùng hồ Tây, tức hồ Dâm Đàm xưa. Các sự tích này thường có mối liên hệ với Linh Lang hay Uy Đô Linh Lang được thờ ở vùng này. Đó là hai vị Vương Đôi, Vương Ba thờ cùng với Uy Linh Lang ở đình Yên Phụ, là Thất Giáp Đoài hồ gồm Xích Giáp (Uy Linh Lang), Bạch Giáp, Hoàng Giáp, Hắc Giáp, Thanh Giáp, Chu Giáp, Tử Giáp như ở đình Nhật Tân. Khó nhận ra hơn là bộ ba vị thủy thần Triều Đình, Bảo Trung, Minh Khiết ở các di tích của tổng Hoàn Long, Hà Đông xưa  như Nghi Tàm, Quảng Bá, Tây Hồ, Tứ Liên. Ở phía Nam hồ Tây khu vực Hồ Khẩu (nay thuộc đường Thụy Khê) là tích về Cống Lễ Cá Lễ tại đền Dực Thánh và Vệ Quốc. 

Dạng sự tích Ông Dài, Ông Cộc, kể về 2 con rắn là thủy thần xuất thế, từng hộ đê sông Cái cũng là một cách kể về các nhân vật trong nhóm các vị thủy quan thời Lạc Long Quân. Di tích hai vị thủy thần như vậy có thể kể đến đình Yên Phú ở Thanh Trì. Rải rác còn có những cụm di tích thờ các thủy thần cùng bọc tương tự như ở miếu Mạch Lũng (Đông Anh) thờ Ba vị Đại vương thời Hùng Vương.

Thủy Tinh Công chúa

Gắn liền với sự tích nhất bào ngũ tử là bà mẹ đã sinh ra các vị thủy thần đó. Bà được tôn là Thủy Tinh Phu nhân và được thờ ở nhiều nơi. Bà phi sinh ra Uy Linh Lang là Mẫu Hàn Sơn ở Yên Phụ. Bà mẹ sinh ra 5 vị thủy thần thời Hùng Vương thứ 8 ở Thường Tín là mẫu Tiên Dung Châu. Mẫu Thăng Long ở Hồ Khẩu là người vợ của thủy thần Cá Lễ tại đây. Bà Hạo Nương ở Bồng Lai (Đan Phượng), sinh ra Linh Lang thời Lý.

Một vị mẫu khác được gọi đích danh là Mẫu Thoải, con của Động Đình Đế quân trong sự tích Liễu Nghị truyền thư, như đền Dầm tại Xâm Dương (Ninh Sở, Thường Tín). Đình làng Xâm Dương thờ các vị thủy thần của Tứ Hải, tức là có ý cho thấy rằng Mẫu Thoải, Xích Lân Long Nữ, là mẹ của các vị Linh Lang, thủy thượng linh thần. Tổng Xâm Thị xưa của huyện Thanh Trì cũng là nơi tập trung các di tích thờ Linh Lang như ở Xâm Hồ, Xâm Xuyên.

Trên vùng Hà Nội ngày nay rải rác ở các khu vực ven có các di tích thờ Mẫu Thủy Tinh ở dạng hiển linh phù trợ các đời sau, không rõ sự tích xuất xứ. Ví dụ như Nữ Bạch Ngọc Hồ Thuỷ tinh Lân tinh Công chúa thờ ở đền Đống Nước (Ngọc Hà) hay như Mẫu Thủy ở đền Giẻ Sen, Hoài Đức.

Thủy phủ Long Vương

Nói về các Thủy thần của thành Thăng Long không thể không nói tới thần Chính khí Long Đỗ. Vị thần này được thờ là thần trấn Đông Thăng Long tại đền Bạch Mã. Nhiều nơi gọi là thần Quảng Lợi Bạch Mã. Tuy nhiên tên gọi Bạch Mã liên quan đến con ngựa trắng trong sự tích hiển linh về sau, còn bản chất thực sự của thần là Long Đỗ, rốn rồng, tức là trung tâm, nơi kinh đô của Thủy quốc.

Người đã khai lập Thủy quốc ở vùng Động Đình, tức vùng sông biển đồng bằng Bắc Bộ, thì phải là Động Đình Đế Quân, cha của Động Đình Long Nữ (Mẫu Thoải). Động Đình Đế Quân có tên cúng trong Đạo giáo là Thủy phủ Phù Tang Cam Lâm Đại đế, tức là vị Đông Vương Đế Quân, vị thần chủ của các nam thần trong Đạo Giáo. Trên khu vực Hà Nội Thủy phủ Đại đế được thờ ít nhất ở Liễu Châu (Ba Vì) và vạn chài Liên Ngạc (Từ Liêm), theo như thần tích còn lưu lại ở đây.

Trong tục thờ ba vị thủy thần Thủy phủ như ở Liễu Châu thì sau Thủy phủ Đại đế là vị Thủy phủ Vô Biên Trang Nghiêm Vân Hải Long Quân. Vị này tương ứng trong sự tích ở Đào Xá (Thanh Thủy, Phú Thọ) là tên phong của ông Hùng Hải, người sinh ra các vị thủy thần cùng bọc. Như thế tương ứng thì Hải Vân Long Vương sẽ phải là Kinh Dương Vương, được tín ngưỡng theo góc nhìn của Thủy phủ.

Vị thần thủy phủ tiếp theo là Thủy phủ Đại Thiên Long Chủ Bát Hải Long Vương như tên thờ ở Liễu Châu. Đền thờ Bát Hải Động Đình Long Vương nay còn tại phố Hàng Than. Xét thứ bậc và tên gọi thì Bát Hải Long Vương chính là Lạc Long Quân, người con của Kinh Dương Vương – Hải Vân Long Vương và Mẫu Thoải Quý Nương.

Bát Hải Động Đình Long Vương là vị vua được xếp trong bộ ba thần chủ của tín ngưỡng Tam phủ xưa kia. Cùng với Thiên phủ Ngọc Hoàng, Địa phủ Diêm La thì Thủy phủ có Bát Hải vua cha. Tín ngưỡng thờ ba vua Tam phủ vốn từng khá phổ biến, nay còn di tích như như đền Tam phủ ở Thu Quế (Đan Phượng), ở chùa Thầy, hay trong chùa Giang Xá (Hoài Đức).

Cùng bộ với các thần Thủy phủ là Hà Bá Thủy quan, gặp tương đối nhiều (khoảng 7 di tích) ở Sơn Tây, Hà Đông, nhất là ở các vạn chài ven sông như Vạn Đài Thần (Đan Phượng), Vạn Hà Trì (Hoài Đức) hay Thủy Cơ Cấn Xá (Quốc Oai). Tuy được thờ như một dạng “nhiên thần”, đất có thổ công, sông có Hà Bá, nhưng vài nơi có sự tích cho biết Hà Bá là một vị tướng đã giúp vua Hùng đánh Thục. Xét vậy thì có thể Hà Bá chính là Lạc Long Quân (Linh Lang) hoặc Thổ Lệnh Trưởng (Bạch Hạc Tam Giang).

Một “nhiên thần” thực sự là ông Lốt Tam đầu Cửu vĩ Long vương được thờ ở đình Nam Dư Hạ, phường Lĩnh Nam. Đây là hình tượng hệ thống sông ngòi trên đồng bằng Bắc Bộ xưa, với Tam đầu trên nguồn là ba sông Đà, sông Lô, sông Thao, Cửu vĩ là chín nhánh sông Cái đổ ra biển Đông. Rốn rồng Long Đỗ là phần trung tâm của sông nằm ở đất Thăng Long xưa, là hồ Tây vốn nối liền với sông Nhị Hà.

Một dạng thủy thần làm mưa được biết ở vùng Linh Đàm là Bảo Ninh Long Vương, học trò của Chu Văn An. Thật khó biết đây là hóa thân của vị nào từ thời Hùng Vương, nhưng nhiều khả năng nhất đây là một trong các vị của sự tích nhất bào ngũ tử.

Lạc Thị Hồng Bàng

Cũng là dòng “thủy thần” nhưng “thủy” với nghĩa là những người con đã theo cha Lạc Long Quân xuống khai phá vùng đồng bằng Động Đình xưa, tức là những vị được thờ theo góc độ là “nhân thần”. Đầu tiên, chính là Lạc Long Quân được thờ đúng tên, đúng “chức danh” như ở đình Nội Bình Đà, hay đình  Trung Văn Ngọc Trục. Sự tích về Lạc Long Quân tất nhiên là xem trong Truyện họ Hồng Bàng của Lĩnh Nam chích quái.

Ở vùng Đại Mỗ có tín ngưỡng thờ Thủy Hải Long vương, là con của Lạc Long Quân. Vị thần này thường thờ cùng Ả Lã Nàng Đê nên khó xác định đây là “nhân thần” hay thần hiển linh đời Trưng Vương. 

Rải rác ở nhiều nơi thờ những người con của Lạc Long Quân đã có công xây dựng làng xã như Giám Sát Đại vương ở Đồng Trúc (Thạch Thất), Thông Đạt Đại vương ở Thịnh Liệt, Đại Long ở Tử Dương (Ứng Hòa), Nam Phổ ở Yên Thường (Gia Lâm), Hải Tế ở Kiều Mộc (Cổ Đô).

Cần chú ý là những người con của Lạc Long Quân không phải là các vua Hùng, vì các vị Hùng Vương là cách gọi của dòng theo mẹ Âu Cơ lên núi. Nói dễ hiểu hơn, Hùng Vương là con cháu, dòng dõi từ Âu Cơ. Còn những người con kế nghiệp Lạc Long Quân được gọi là các Lạc Vương, Lạc hầu, Lạc tướng, cai quản các vùng cửa sông góc biển vùng đồng bằng.

Chử Đồng Tử

Vị thần bất tử đã cùng với công chúa con vua Hùng bay lên cung trăng từ vùng đầm nước Dạ Trạch bên sông Hồng cũng được thờ ở Hà Nội. Ngay trong trung tâm thành phố, không hiểu sao các nơi thờ Chử Đồng Tử và Tiên Dung lại cùng nằm trên phố Thợ Nhuộm. Có thể nơi đây từng là nơi định cư của người dân đến từ vùng Khoái Châu, Hưng Yên chăng?

Ngoại thành phía Nam Hà Nội hai bên bờ sông Hồng có các di tích thờ Chử Đồng Tử như Chử Xá, nơi quê nội của ngài, hay ở Thanh Trì phía đối diện bên kia bờ sông. Đặc điểm của những nơi này là thờ đủ cả 3 vị Chử Đồng Tử, Tiên Dung và Tây Sa Công chúa.  Còn ở các huyện “miền núi” của Hà Nội như Mỹ Đức, Phúc Thọ, rải rác có 1-2 nơi thờ Chử Đồng Tử.

Thông thường những nơi thờ nhà Chử thì không phối thờ cùng các vị thủy thần khác như Linh Lang, Quý Minh, Thủy Tinh, Thổ Lệnh, dường như đây là những vị thần “kỵ nhau”. Điều này dễ hiểu, bởi Chử Đồng Tử được coi là một “loạn thần” của triều Hùng (Lạc triều) đã cướp công chúa và xây dựng quốc gia riêng ở đầm Dạ Trạch. Cái kết là Chử Đồng Tử đành “đi tu”, đắc đạo thành tiên mà bay lên trời, trả lại thiên hạ cho dòng dõi Lạc Thị.

Vào thời kỳ Lạc Long Quân khai phá Động Đình thì Hà Nội là vùng bán ngập nước ven sông biển, đồng bằng Bắc Bộ đang lộ dần ra do bước vào thời kỳ biển thoái. Những vị thủy thần ở đây là những vị thủ lĩnh của cộng đồng người sống chủ yếu bằng nghề chài lưới, xăm mình, lội nước, đắp đê, mở làng mở xóm từng bước theo mực nước rút. Bãi biển ngàn năm nay đã thành nương dâu, nhưng sự nghiệp của các tiền nhân thời lập quốc còn sống mãi không thể quên trong hàng trăm di tích văn hóa tín ngưỡng trên mảnh đất rồng thiêng này.

 

No comments:

Post a Comment