Friday, June 21, 2024

Sử Việt và Cổ Lôi ngọc phả truyền thư

Giai đoạn lịch sử tiếp theo Bách Việt triệu tổ cổ lục được ghi chép trong Cổ Lôi ngọc phả truyền thư, lưu giữ ở nhà thờ họ Nguyễn tại tổng Xốm (Bình Đà). Cổ Lôi ngọc phả chép: Hùng Duệ Vương sinh được 12 người con trai, 6 con gái. Thời kỳ đầu vua thông minh chính trực, nhưng từ khi lấy con gái họ Lê thì đam mê tửu sắc, bị Thục Vương, Cao Thông và Nồi Hầu lừa cho uống rượu say. Lại bị con gái họ Lê là cô ruột Lê Phán sai khiến, nên đến nỗi giết hết cả các con trai, con gái, con rể. Rồi mang họa diệt thân, đến lúc chết vẫn còn say chưa tỉnh.

Đoạn kể này mô tả không khác gì vị vua cuối cùng của nhà Ân là Trụ Vương, một người có sức khỏe phi thường, nhưng sau vì ham mê Đát Kỷ, đã giết vợ, diệt con, cuối cùng mất nước trong tay Vũ Vương Cơ Phát. Cơ Phát là vị vua đầu của nhà Chu, khởi sự từ vùng đất phía Tây, nên cũng tương đương với Thục (Thục là hướng mặt trời lặn). Cơ Phát là Lê Phán trong Cổ Lôi ngọc phả. Ân Trụ Vương là vị vua Hùng đời cuối (theo dòng Lạc Long Quân), tức là Hùng Duệ Vương.

Việc vua Hùng say mê một bà phi gây ra loạn mất nước cũng được Hùng Vương Thánh Tổ ngọc phả kể đến qua chuyện bà vu nữ. Hùng Vương do nghe lời vu nữ, xúc phạm đến thiên uy, gây ra nạn dịch bệnh và binh đao trong cuộc chiến với giặc Ân. Có thể thấy bà vu nữ này và bà cô họ Lê trong Cổ Lôi ngọc phả là một. Đây là vị Ma Cô Tiên, phi nhân của vua Ân trong Truyện Giếng Việt ở núi Vũ Ninh.

Khi xác định được thời điểm của câu chuyện giữa Hùng Duệ Vương và Thục Lê Phán là cuộc chiến thay đổi triều đại từ Thương sang Chu trong Hoa sử thì những nhân vật liên quan trong Cổ Lôi ngọc phả cũng được sáng tỏ. Cổ Lôi ngọc phả kể giai đoạn này có 2 phe Hùng và Thục. Phe phía Hùng Vương có con trai của Lạc tướng Nguyễn Phục là Đông Hải đại vương, lấy công chúa Xích Vân. Tiếp đó là ba anh em Sơn Thánh Nguyễn Tuấn, Cao Sơn và Quý Minh, trong đó Nguyễn Tuấn lấy công chúa Ngọc Hoa. Phía Lê Phán có hai tướng là Cao Thông và Nồi Hầu.

So sánh với chuyện Phong thần diễn nghĩa thì đây là 2 phe Xiển giáo và Triệt giáo. Anh em Sơn Thánh Nguyễn Tuấn, Nguyễn Hiển, Nguyễn Sùng thì đã biết là anh em của Sùng Hầu Hổ, Bắc bá hầu nhà Ân. Cao Sơn Quý Minh cũng là "quỷ núi" được nói đến trong chuyện An Dương Vương xây thành Cổ Loa, hiện hình phá thành xây ở núi Thất Diệu. Cổ Lôi ngọc phả cũng kể đến việc Nguyễn Tuấn cho người đến phá việc xây thành Ốc do Lê Phán chủ công.

Đông Hải Đại vương tương ứng là Thân Công Báo, là quốc sư phía nhà Ân. Thân Công Báo khi phong thần có tước hiệu là Đông Hải phân thủy tướng quân. Thân Công Báo cầm đầu quân đội của nhà Ân nên trong huyền sử Việt được kể là Thạch Linh thần tướng.

Về phía Thục, Cao Thông hay Cao Lỗ là Chu Công Đán, người em của Chu Vũ Vương Cơ Phát. Chu Công được phong ở đất Lỗ, nên gọi là Cao Lỗ (thủ lĩnh nước Lỗ). Cao Thông thiết Công, là tên của Chu Công. Chu Công là người đã đặt ra lễ nhạc, viết các lời hào trong Kinh Dịch, được kể thành Cao Thông chế tác nỏ thần.

Vị Nồi Hầu theo Cổ Lôi ngọc phả là một thợ đúc đồng giỏi trong nước, được triệu về kinh đô là chức quan trông nom việc đúc các vật dụng bằng kim loại. So sánh tương ứng thì đây là Lã Vọng Khương Tử Nha, người từng được Trụ Vương triệu vào cung để làm chức quan quản lý việc xây dựng đền đài cung điện. "Pháp thuật" của Khương Tử Nha có lẽ chính là ở khả năng "luyện kim", đúc đồng này. Và cũng chỉ có Khương Tử Nha thì mới tương đương để đối đầu với Thạch Linh thần tướng Thân Công Báo.

Dù xác định thế nào thì đây cũng vẫn là chuyện của 2 dòng lên rừng và xuống biển trong cuộc đối đầu Ân - Chu. Cổ Lôi ngọc phả vốn là ghi chép của dòng theo cha Lạc Long xuống biển nên khi những nhân vật của nhà Thục ở đây bị kể theo cách "dìm hàng", khác ngược với lối kể thường thấy của Hùng Vương Thánh Tổ ngọc phả, tức là phả chép của dòng lên núi theo mẹ Âu Cơ.

Đặc biệt thú vị là thông tin của Cổ Lôi ngọc phả về Chử Đồng Tử. Chử Đồng Tử vốn là một chú bé nhà nghèo mò cua bắt ốc ở bãi Tự Nhiên, sau gặp được công chúa Tiên Dung, có tiền học tập đã trở thành một thầy lang có tiếng. Rồi sau đó được triệu về kinh đô Phong Châu làm Thái y trong hoàng cung. Chử Đồng Tử vừa mới lấy được công chúa Tiên Dung thì bị vua Hùng nghe lời dèm pha mà đuổi đi. Trong một đêm Chử Đồng Tử bị giết chết ở bãi Tự Nhiên… Còn công chúa Tiên Dung đi tu ở chùa Hương Tích.

Nếu xét trong bối cảnh nhà Chu thì vị Chử Đồng Tử của Cổ Lôi ngọc phả này chính là Lão Tử. Lão Tử vốn xuất thân là dân thường ở vùng Hà Nam (Phủ Lý - Kim Bảng), sau làm quan Thủ thư cho nhà Chu và cũng là vị thầy thuốc giỏi, chữa bệnh dịch (Xích Tị) cho người dân. Lão Tử cũng có quan hệ với một vị công chúa nhà Chu, được kể trong tích bà chúa Ba Diệu Thiện. Công chúa Diệu Thiện bị ép duyên, bỏ đi tu chính xác cũng ở chùa Hương Tích, trở thành Nam Hải Quan Âm. Trong tích Diệu Thiện, Lão Tử được kể là vị thầy thuốc Triệu Chấn đi theo công chúa. Lão Tử ở nước ta được tôn thờ với tên Huyền Thiên Trấn Vũ, do sự tích trừ yêu diệt quỷ ở núi Sái tại Cổ Loa.

Cuối thời nhà Thục là chuyện về nhà Triệu. Cổ Lôi ngọc phả kể: Nguyễn Thận là con trai Hùng Dực Công và bà Trần Thị Quý người làng Chân Định, sau lại lấy vợ kế là và Nguyễn Thị Sinh. Hùng Dực Công là em ruột Hùng Duệ Vương. Mẹ chết Nguyễn Thận về Chân Định, cùng Chử Đồng Tử nương tựa vào nhau, mò cua bắt ốc ở bãi Tự Nhiên. Nhâm Hiêu là một tướng Tần gặp Nguyễn Thận thì dẫn theo ra biên ải. Chị ruột của Nhâm Hiêu lấy viên Thái giám họ Triệu tên Cao, không có con, bèn đem Nguyễn Thận cho Triệu Cao nuôi, đển tên họ là Triệu Đà.

Chuyện về Triệu Đà Nguyễn Thận trong Cổ Lôi ngọc phả không khác gì chuyện về Triệu Quang Phục mới được biết đến gần đây qua thần tích ở Hạ Mạo (Lâm Thao, Phú Thọ). Quang Phục vốn là dòng dõi quý tộc nhà Chu, có cha là em của Hùng Duệ Vương được phong đất ở Quảng Tây, lấy họ Lê, gọi là Lê Hùng Ánh. Khi nhà Hùng bị diệt, Lê Hùng Ánh tự lập xưng là Hậu Hùng Vương. Hậu Hùng Vương cử con là chàng Út Ngọ cùng với Triệu Vũ Đế chống Tần. Như thế Hậu Hùng Vương tương ứng với Hùng Dực Công, Triệu Vũ Đế tương ứng với Triệu Cao, Út Ngọ Lôi Mao tương ứng Nguyễn Thận ở Cổ Lôi. Chú ý vị Út Ngọ Lôi Mao hay Triệu Quang Phục này là Triệu Đà, người xưng Đế nước Nam Việt. Còn vị Triệu Vũ Đế ở đền Đồng Xâm, Kiến Xương Thái Bình là Triệu Cao, tức là Cao Tổ Lưu Bang, hay Lý Bôn của sử Hoa Việt.

Còn một nhân vật nữa trong chuyện này là Nguyễn Công Trọng hay Trọng Thủy, liên quan đến nhà Tần. Thực ra chuyện Trọng Thủy làm con rể An Dương Vương là kể về cuộc chiến giữa Thục và Tần, hay việc nhà Tần thay thế nhà Chu. Vị vua Thục cuối cùng đóng đô ở Cổ Loa là Đông Chu Quân, đã bị quân Tần diệt. Trọng Thủy là Tần Trang Tương Vương hay Dị Nhân Doanh Tử Sở đã ở rể ở đất Triệu (Chu). Con của Trọng Thủy lên ngôi, thống nhất thiên hạ, xưng là Tần Thủy Hoàng Đế. Truyền thuyết Việt gọi là Triệu Lạc Linh.

Khảo luận so sánh giữa các tư liệu ở tổng Xốm Bình Đà về cổ sử Việt tạm dừng lại ở giai đoạn này. Lướt qua Bách Việt triệu tổ cổ lụcCổ Lôi ngọc phả truyền thư đều thấy ăn khớp với những nhân vật và sự kiện chính của Hoa sử và huyền sử Việt. Điều này là hiển nhiên vì lịch sử vốn chỉ có 1. Dù là các kể theo dòng lên núi (Hùng Vương ngọc phả) hay xuống biển (như ở Bình Đà), hay trong sử Trung Hoa thì đều là một quá khứ của người Việt.


No comments:

Post a Comment