Saturday, May 18, 2024

Thần Liễu Nghị và Động Đình Thủy Tinh Công chúa ở sông Lam xứ Nghệ

Tại làng Vạn Chài Nghĩa Sơn bên dòng sông Lam thuộc xã Hưng Long huyện Hưng Nguyên tỉnh Nghệ An nay còn ngôi đền thờ Liễu Nghị Đại vương và Động Đình Thủy Tinh Công chúa.

Theo Tục thờ thần và thần tích Nghệ An của Ninh Viết Giao cho biết: Tên thần là Liễu Nghị, ngài đậu tiến sĩ. Khi vinh quy đi qua núi Bạt Sơn, ngài gặp công chúa Thủy Tinh. Thủy Tinh là con gái đầu của Long Vương ở hồ Động Đình đã kết duyên với Kính Xuyên. Kính Xuyên lấy thêm vợ hai Thảo Mai. Nàng Thảo Mai đem lòng ghen ghét đặt điều nói xấu vợ cả. Thủy Tinh bị Kính Xuyên hắt hủi, rồi lưu đày đến đất Bạt Sơn. Gặp Liễu Nghị nàng trao cho chàng một bức thư nhờ đưa đến Thủy phủ. Liễu Nghị nói từ hồ Động Đình đi Thủy phủ không có thuyền qua sông. Tức thì nàng đưa cho Liễu Nghị một chiếc kim thoa và dặn đi đến bến có cây Ngô đồng thì gõ ba tiếng, sẽ có đôi rắn to nổi lên mặt nước đưa chàng về Thủy phủ.
Sau khi đọc bức thư biết hết sự tình, Long Vương liền sai Thái tử Xích Lân đến Bạt Sơn rước Thủy Tinh về Long cung và cho phép nàng được kết duyên cùng Liễu Nghị.

Tại đền Nghĩa Sơn còn lưu được tới 19 đạo sắc phong cho các vị thần sau:

  • Liễu Nghị Đại Vương chi thần
  • Thủy Tinh phu nhân chi thần
  • Thủy phủ Phù Tang Cam Lâm Đại Đế chi thần
  • Hà Bà Thủy phủ Động Đình quân chi thần
  • Tích phúc Thùy hưu chi thần
  • Bản cảnh Tham thị Trung liệt Hùng Nghị Đại vương
  • Bản cảnh Thủy đạo Tả tướng quân kiêm tri hà hải chi thần
  • Tả linh quan Giám đàn Tướng quân.

Trước cửa cung của đền có tấm hoành phi đề: Long ngư biến hóa, nghĩa là: Rồng cá biến hóa.
Như đã xác định, Liễu Nghị chính là Kinh Dương Vương Tản Viên Sơn Thánh, người đã kết duyên với Long Nữ Động Đình ở tại cửa Hội Thống, tức là cửa sông Lam đổ ra biển. Đền Nghĩa Sơn nằm chính ở khu vực này của sông Lam. Việc Liễu Nghị và Thủy Tinh Công chúa được thờ ở tại cửa sông Lam càng chứng tỏ thêm nhận định trên và xác định vùng Động Đình được cổ sử nói đến là vùng sông biển ở miền Bắc nước ta.
Hiện tại trong đền Nghĩa Sơn còn bức bài vị cổ ghi: Bản cảnh Đệ tam Liễu Nghị Đại vương sắc gia tặng Dực bảo Trung hưng Tối linh Tôn thần thần vị. Ở gian trong là ngai thờ Thủy Tinh Công chúa. Ban trong cùng có ngai thờ có đặt trầm hương trên ngai với dòng chữ phía trên đề Tam phủ Hội đồng.
Vị Thủy phủ Cam Lâm Đại Đế không phải là vua cha Bát Hải Động Đình, mà là Phục Hy Đại Đế, vị Đế chủ của phương Đông. Phục Hy mới là “cha” của Thủy Tinh Công chúa.
Còn vị Hà Bá Thủy phủ Động Đình Quân mới là đức Vua cha Bát Hải, tức là Lạc Long Quân, người con của Kinh Dương Vương và Động Đình Thủy Tinh Công chúa.
Các vị bản cảnh và quan giám khác được nói đến trong các sắc phong thuộc về Tam phủ Hội đồng. Tín ngưỡng thờ Tam phủ ở đây còn giữ được nguyên bản gốc, khác hẳn với tín ngưỡng Tứ phủ thờ mẫu sau này.
Câu đối ở đền Nghĩa Sơn:
河海億年鍾秀氣
樓𦥄千古壽中州
Hà hải ức niên chung tú khí
Lâu đài thiên cổ thọ trung châu.

Nghĩa là:
Sông biển muôn năm đúc khí thiêng
Lầu đài ngàn đời còn trong bãi.

Câu phía trong điện:
福畱神賜能千祀
誠在人心卽萬靈
Phúc lưu thần tứ năng thiên tự
Thành tại nhân tâm tức vạn linh.

Nghĩa là:
Phúc được do thần ban, có thể ngàn đời thờ cúng
Thành tín ở lòng người, chính là vạn sự linh thiêng.

Ở đền Nghĩa Sơn hàng năm còn tục rước thuyền rồng và "sái hến" trên sông Lam. Lễ hội này tương tự như ở đền Thanh Liệt, là ngôi đền nằm ở cùng dòng sông Lam ở phía gần cửa Hội hơn, cũng thờ Tam phủ. 

Thuyền rồng đền Nghĩa Sơn
Tiền tế đền Nghĩa Sơn

Bài vị Liễu Nghị Đại vương

Tam phủ hội đồng.

No comments:

Post a Comment