Thursday, April 18, 2024

Những khía cạnh trong tín ngưỡng thờ thần bất tử Chử Đồng Tử

Chử Đồng Tử đi vào trong tín ngưỡng dân gian là vị thần bất tử thứ hai trong Tứ bất tử nước Nam. Bản chất của tín ngưỡng thờ Chử Đồng Tử được làm rõ hơn qua nghiên cứu các thần tích dân gian về vị thủy thần cùng vùng sông nước sông Hồng này.

1.      Chử Đồng Tử ở vào thời Hùng Vương thứ mấy?

Truyện Đầm Nhất Dạ trong Lĩnh Nam chích quái ghi Chử Đồng Tử ở vào thời Hùng Vương thứ 3. Một số thần tích như ở đền Đa Hòa (Khoái Châu, Hưng Yên) ghi là đời Hùng Duệ Vương thứ 18. Nhưng cũng có nơi như ở thần tích đình Đa Ngưu (Văn Giang, Hưng Yên) lại ghi là đời Hùng Vương thứ 6. Xét sự tích Chử Đồng Tử mang đầy màu sắc huyền thoại xa xưa thì có thể thấy câu chuyện này không phải ở cuối thời đại Hùng Vương, mà là ở quãng giữa, nghiêng về gần đầu thời kỳ Hùng Vương. Việc đánh số thứ tự các vị vua Hùng là 3 hay 6 thực ra không có nhiều ý nghĩa vì không rõ trong từng trường hợp thứ 3, thứ 6 hay thứ 18 là tính từ vị tổ đầu tiên nào.

2.      Chử Đồng Tử là hình tượng một thủy thần

Việc xác định Chử Đồng Tử là một vị thủy thần đã được nhiều tài liệu nói đến qua hình thức phối thờ với những thủy thần khác như với Tứ Vị Càn Nương, với thần Cá Chép ... Nhà Chử làm nghề đánh cá ở bãi Chử Xá, rồi khi cha mất Chử Đồng Tử trầm mình trong nước mà kiếm sống, nên tất nhiên khi hóa thần sẽ là thủy thần của vùng sông nước. Tuy nhiên, khác với các vị như Linh Lang Đại vương hay Quý Minh Đại vương là các “thủy thượng linh thần” trong dòng dõi theo cha Lạc Long Quân xuống biển, Chử Đồng Tử có xuất thân từ trong nhân dân lao động chài lưới ven sông biển, nhờ duyên kỳ ngộ mà đắc đạo thành tiên.
Trong các thần tích ở vùng Khoái Châu, khác hẳn với lời kể của Lĩnh Nam chích quái, Chử Đồng Tử không hề đi buôn bán. Ngọc phả đền Hóa Dạ Trạch kể: ... Tiên Dung cũng sợ không dám trở về, mới cùng với Đồng Tử quây màn mà ở bãi Mạn Trù. Từ đó mà có tên gọi là Màn Chầu. Được vài tháng lại dựng nhà ở xứ Quỳnh Viên, châu Hoan. Sau đó Đồng Từ từ biệt Tiên Dung đi chu du bốn biển. Như vậy, Chử Đồng Tử là một vị nhân thần tu tiên đạo, chứ không phải là “ông tổ” nghề thương mại.

3.      Quỳnh Viên, nơi Chử Đồng Tử học đạo là ở đâu?

Bức đại tự trước cung thờ Chử Công Đồng Tử ở làng Đông Tảo Đông (Văn Giang, Hưng Yên) ghi Quỳnh Viên đắc đạo 瓊園得道. Các thần tích về Chử Đồng Tử ghi rất rõ Quỳnh Viên, nơi Chử Đồng Tử gặp lão tiên ông là ở Hoan châu, tức vùng Nghệ An, Hà Tĩnh. Hoan châu cũng là quê mẹ của Công chúa Tiên Dung (theo thần tích mẹ của Công chúa là Hoàng hậu Dương Thị Diễm người Đức Quang ở châu Hoan), nên sau khi Tiên Dung gặp Chử Đồng Tử không quay về triều vua Hùng mà về quê mẹ sinh sống là điều tự nhiên. Di tích và truyền thuyết về Chử Đồng Tử, Tiên Dung ở Hoan châu nay vẫn còn là ở núi Nam Giới tại Thạch Hà, Hà Tĩnh.

4.      Những mối duyên kỳ ngộ của Chử Đồng Tử

Trong sự tích của Chử Đồng Tử có tới 3 mối duyên kỳ ngộ. Thứ nhất là việc gặp gỡ trong một hoàn cảnh bất ngờ với Công chúa Tiên Dung bên bãi sông. Thứ hai là việc gặp lão tiên ông ở Quỳnh Viên. Thứ ba là gặp Tây Cung Tiên nữ trong đầm Dạ Trạch. Ý nghĩa của sự kết hợp nhân duyên này là gì?
Ngọc phả kể khi Chử Đồng Tử ở Quỳnh Viên gặp ông lão bạc đầu hát như sau:
Sơn chi cao hề! Thuỷ chi thâm
Trần trung thiển hữu thức kỳ âm
Thức kỳ âm hề, kết giai âm
Ký kết âm hề, tuy vạn lý diệc tầm.
Ký kết đắc nhi dữ chi du hề
Nguyện đối dữ sơn cao, thuỷ chi thâm.

Dịch là:
Núi cao chừ, nước sâu thăm thẳm
Cõi trần mấy ai hiểu âm này
Hiểu âm này chừ kết giai âm
Đã kết âm chừ dẫu vạn dặm cũng tìm
Đã kết được rồi thì cùng du chơi
Xin sánh cùng với núi cao nước sâu.

Lời hát của lão tiên ám chỉ việc kết hợp giữa “núi cao” và “nước sâu”, là sự việc quý giá, vạn dặm cũng tìm. Sự kết hợp đó sẽ làm nên công trạng “sánh cùng với núi cao nước sâu”. Khi đặt lời hát của tiên ông vào trong bối cảnh của Chử Đồng Tử thì sẽ thấy rõ ràng rằng thủy thần Chử Đồng Tử là “nước”, còn Tiên Dung Công chúa phải là “sơn”. Đây là một sự kết hợp sơn – thủy khác trong truyền thuyết Việt bên cạnh cuộc gặp gỡ của Lạc Long Quân và Âu Cơ hay của Sơn Tinh và Thủy Tinh. Sự kết hợp của 2 dòng lên núi và xuống biển đã được nhấn mạnh nhiều lần vào thời kỳ đầu của thời đại Hùng Vương, là nguồn gốc Tiên Rồng của trăm họ người Việt.

5.      Chử Đồng Tử đắc Tiên đạo hay Phật đạo?

Tất cả các thần tích ở các nơi phụng thờ Chử Đồng Tử đều ghi Chử Đồng Tử ở Quỳnh Viên đã gặp lão tiên ông mà được truyền thụ tiên đạo cùng với gậy và nón thần. Chỉ có Lĩnh Nam chích quái mới gọi vị Tiên ông này là lão Phật quang. Giai đoạn đầu của thời kỳ Hùng Vương (thứ 3) đâu đã có đạo Phật của Thích Ca để mà Chử Đồng Tử tu theo. Gậy trúc và nón tròn là biểu tượng của Âm – Dương rất rõ. Cùng với phép thuật đầu sinh đầu tử, cải hóa cả âm dương của cây gậy trúc thì chỉ có thể nói Chử Đồng Tử đã đắc Tiên đạo. Tín ngưỡng dân gian đã tôn ông là Chử Đạo Tổ. Các đạo sĩ thời Nguyễn đã liệt cả Chử Đồng Tử, Tiên Dung cùng Tây Cung Công chúa vào trong sách Hội chân biên như những vị tổ của Đạo giáo Việt Nam.

6.      Vì sao Chử Đồng Tử là thần bất tử thứ hai?

Trong bộ các vị thần Tứ bất tử nước Nam, Chử Đồng Tử được xếp ở hàng thứ hai sau Tản Viên Sơn Thánh. “Bất tử” là mục đích tu tiêu của đạo Giáo nên đây không phải là cách sắp xếp theo công trạng thành tích của các vị thần được thờ.
Tản Viên Sơn Thánh đứng đầu trong các vị thần bất tử bởi Thánh có cây gậy thần do Thái Bạch Kim Tinh trao truyền, có khả năng cải tử hoàn sinh, đã từng cứu sống con rắn con Long Vương Động Đình ở bên bãi Trường Sa, nhờ đó đi xuống Thủy phủ mà được thêm cuốn sách ước. Thánh Tản không hóa mà đã lên núi Tản Viên trở thành bất tử.
Chử Đồng Tử cũng vậy, nhờ học được phép tiên của lão tiên ông ở Quỳnh Viên, dùng cây gậy trúc cứu sống nhiều người ở xã Ông Đình, Mạn Trù, nên Chử Đồng Tử là thần bất tử. Chử Đồng Tử không hóa, mà một đêm bay về trời, mãi mãi bất tử ở nơi cung trăng.
Còn vị thần bất tử thứ ba là Thánh Dóng, tuy là bất tử bay về trời thành Thiên Vương, nhưng Phù Đổng chỉ có khả năng diệt giặc, mà không có khả năng cải tử hoàn sinh, cứu người chết sống lại như Tản Viên Sơn Thánh hay Chử Đạo Tổ. Do đó Phù Đổng Thiên Vương đứng hàng thứ 3 trong thần bất tử là hợp lẽ.

7.      Tây Cung Tiên nữ

Hiểu biết về thần bất tử trong chuyện Chử Đồng Tử còn đến từ nhân vật Công chúa Tây Nương. Ngọc phả kể: Bà mẹ từng nằm mơ thấy có một con chim xanh từ phương Tây bay đến, bay vào trong trướng, biến hóa thành một người con gái. Kế đó lại thấy một vị nữ nhân nói rằng: Ta vốn là Tây Cung Vương Mẫu ở trên trời. Người con gái này là con gái của ta, nay đem đến gửi cho nhà ngươi ở tại trần gian trong 3 kỷ.
Tây Nương đúng là đã ở trần gian trong 3 lần, lần đầu là sinh ra ở Đông Miên (Đông An, Hưng Yên) rồi mất, nhưng lần 2 lại thường xuyên về thăm gia đình, ruộng vườn, du chơi trên đường cái, cầu kiều. Lần thứ 3 là xuất hiện trong “kính cổ” khi gặp vợ chồng Chử Đồng Tử và Tiên Dung.
Tây Vương Mẫu là vị thiên thần bất tử, đứng đầu các vị thần trên núi Côn Lôn của Đạo giáo. Tây Sa Công chúa là con của Tây Vương Mẫu đã lấy Chử Đồng Tử tức là Chử Đồng Tử đã có được tiên đạo bất tử. Các thần tích còn kể, Tây Sa Công chúa có khả năng chế thuốc chữa bệnh cứu người, điều mà Chử Đồng Tử không làm được vì cây gậy trúc phải đợi người chết đi mới cứu sống lại được. Câu đối ở đình Phương Trù (Khoái Châu, Hưng Yên) kể về việc này:
造化亦無權金鼎靈丹傳不死
神仙安可接石頭廟貌凛如生
Tạo hóa diệc vô quyền, kim đỉnh linh đan truyền bất tử
Thần tiên an khả tiếp, thạch đầu miếu mạo lẫm như sinh.

Dịch là:
Tạo hóa cũng vô quyền, đỉnh vàng thuốc thiêng truyền bất tử
Thần tiên khó thể tiếp, đầu ghềnh miếu mạo nghiêm như sinh.

8.      Chử Đồng Tử lập Trạch quốc

Ngọc phả chép: Việc xong, ba người (Chử Đồng Tử, Tiên Dung Công chúa, Tây Cung Tiên nữ) lại đi. Phàm là trong huyện Đông An nơi nào ba người đến đều dựng gậy ở đất đó, lấy nón đội lên trên, tự nhiên trở thành lâu đài, thành thị, tài vật, hàng hóa. Từ đó gọi tên là bãi Tự Nhiên. Trong triều quan quân vui mừng mà đi đến tụ họp quá nửa. Vua cha Duệ Vương nghi ngờ là làm phản, bèn lệnh dẫn quân đến đánh. Khi đó trời đã tối, quan quân do đó đóng ở bên bờ trái.
Bức đại tự trước cung thờ ở đình Phương Trù ghi: Trạch quốc Tam Thanh 澤國三清, có ý nói rằng ba vị nhà Chử là người khởi đầu của một quốc gia vùng đầm lầy Dạ Trạch. Việc Chử Đồng Tử lấy Công chúa Tiên Dung không theo mệnh vua cha có nghĩa là Chử Đồng Tử đã tiếm đoạt ngôi quyền của vua Hùng, tự lập thành một nước riêng ở vùng đầm bãi ven bờ phải của sông Hồng. Quan quân triều Hùng Vương đóng ở bờ trái.
Tam Thanh là khái niệm 3 vị thánh khởi đầu trong Đạo giáo. Trạch quốc Tam Thanh là 3 vị tổ của vùng đầm Dạ Trạch, gồm có Chử Đạo Tổ là Thủy thần, Tiên Dung Công chúa là Sơn thần và Tây Cung Tiên nữ là Thiên thần (con của Tây Vương Mẫu – Mẫu Thượng Thiên). Khái niệm Tam phủ Thiên Nhạc Thủy như thế đã hình thành từ rất sớm, ngay trong truyền thuyết và tín ngưỡng thờ Chử Đồng Tử ở vùng đồng bằng sông Hồng.
Ban thờ Chử Đồng Tử, Tiên Dung Công chúa và Tây Cung Tiên nữ ở đình Ngự Dội, Khoái Châu, Hưng Yên.
Đình làng Đông Tảo Đông, Văn Giang, Hưng Yên.

Gậy trúc, nón vẽ ở đền Hóa Dạ Trạch.

Hoành phi Quỳnh Viên đắc đạo ở đình Đông Tảo Đông.

Hoành phi Quỳnh Liễu cung ở đền thờ Mẫu trên núi Nam Giới, Hà Tĩnh.

Hoành phi Trạch quốc Tam Thanh ở đình Phương Trù, Khoái Châu, Hưng Yên.

Đình Phương Trù, Khoái Châu, Hưng Yên.

No comments:

Post a Comment