Thursday, April 18, 2024

Ngọc phả ba vị triều Hùng Duệ Vương là Chử Công Đồng Tử, Tiên Dung Công chúa và Tây Cung Tiên nữ

Thần tích làng Đông Tảo Đông, tổng Yên Vĩnh, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên  theo bản khai 1938 số TTTS 12104

Chữ húy nhất thiết cấm là bảy chữ: Toại, Vân, Đồng, Tử, Tiên, Dung, Tây.

Ngọc phả ba vị triều Hùng Duệ Vương là Chử Công Đồng Tử, Tiên Dung Công chúa và Tây Cung Tiên nữ.

Chi Khảm, bộ thứ hai Thượng đẳng

Xưa đất Việt ta dựng cơ đồ phương Nam phân chia theo sao Ngưu, sao Đẩu. Từ triều Hùng Kinh Dương Vương vâng mệnh vua cha phân phong là tông phái đế vương đất Việt ta. Đất tốt châu Hoan kiến lập kinh đô. Hình mạnh Nghĩa Lĩnh xây sửa miếu đền. Cha truyền con nối hơn hai ngàn năm, đều xưng tôn hiệu là Hùng Vương.

Lại nói, thời họ Hùng truyền 18 đời đến khi Duệ Vương ở ngôi, đóng đô tại Việt Trì bên sông Bạch Hạc, lập nước tên là Văn Lang, kinh đô tên là thành Phong Châu. Vương là người có tài cao chí lớn, tư chất thánh triết, kế thừa cơ đồ thịnh vượng của tổ tông 17 đời gây dựng, trong sửa văn đức, ngoài giữ biên phương, cố sức để hưng bình mà yên Trung Quốc.

Khi ấy Vương có một Hoàng hậu. Hoàng hậu Dương Thị Diễm người Đức Quang ở châu Hoan. Có 6 quý phi, một trăm cung tần. Sinh hạ được 20 nam hoàng tử, 4 nữ công chúa. Nhưng mệnh trời thương thay, đều đem thân chốn Bồng Lãng, một ngày mà thành người thiên cổ. Hoàng hậu buồn rầu không thôi, ngày ngày rơi nước mắt lẫn máu. Nên khi ấy bèn cùng vài chục người thị nữ loan giá đi chu du giải buồn. Một hôm nghe nói ở huyện Tam Dương phủ Tam Đới có núi Tam Đảo thờ phụng đền Trụ Quốc Mẫu, rất là linh ứng, cầu gì tất được như ý nguyện mong muốn. Hoàng hậu bèn thân cùng các thị nữ đến hành hương cầu đảo. Tối đó Hoàng hậu nằm mơ thấy có một bà lão ôm một đứa trẻ tiên đem cho. Hoàng hậu trong mộng giơ tay nhận lấy, bỗng nhiên tỉnh lại. Sáng ngày ra làm lễ bái tạ rồi trở về. Từ đó cảm động mà có mang thai, đến kỳ sinh được một người con gái (ngày mùng 4 tháng giêng), mặt phấn má đào, sắc rạng mặt hồ, nhan sắc đầy đặn, hình dáng yểu điệu. Vương mở tiệc mừng lớn, nhân đó đặt tên là Tiên Dung, phong hiệu là Công chúa. Đến khi được 18 tuổi Công chúa không muốn lấy chồng, chỉ thích đi du chơi. Vương yêu mến nên không cấm. Cứ mỗi năm vào quãng tháng ba, tháng tư lại trang trí một chiếc thuyền mà đi chơi chốn sông biển. Một hôm thuyền đi đến bến Chử gia ở địa phận xã Đa Hòa.

Trước đó ở xã Đa Hòa có một gia đình họ Chử, tên là Toại Vân. Vợ chồng tích đức làm việc nhân, ba sinh hương lửa, một gối thật là phong lưu, đầy đủ sao. Một hôm bà mẹ nằm mơ thấy có một ông lão đầu bạc ban cho một đứa trẻ. Từ đó mà cảm động có mang. Mùa thu ngày 20 tháng 8 sinh hạ một người con trai, nhân đó đặt tên là Đồng Tử. Đồng Tử vốn tư chất thông minh, bản tính hiếu thành. Năm 13 tuổi bà mẹ bất hạnh mà bị bệnh qua đời. Nhà cửa lại gặp lửa cháy, tài vật đều mất hết, chỉ còn mỗi một chiếc khố vải. Cha con ra vào cùng mặc chiếc khố đó. Đến khi người cha lâm bệnh sắp mất, mới dặn lại Đồng Tử rằng:

-          Con người ta ở đời bần cùng hay phú quý đều không ngoài ý trời. Nhà ta trước giàu sau nghèo đều do trời vậy, không thể nài kéo. Cha nay bị bệnh, số khó tránh khỏi. Nếu vạn nhất như thế nào, hình hài của cha đã có nắm đất che không lộ ra, nên hãy để thân trần mà chôn, giữ lại mảnh khố cho con làm cách che thân.

Dặn xong thờ dải một tiếng rồi mất. Đồng Tử khóc lóc động trời, nhưng tình thế không thay đổi được, đành ôm thi hài mà khóc rằng:

-          Cha ơi! Cha ơi! Sinh con khó nhọc. Nay nhà nghèo thân hèn, không có gì để báo đáp. Con nay còn ở trên đời nếu lòng trời không phụ, tất sau sẽ có nhiều quần áo.  Cha lúc sống đã là người không có tấm áo quần, nay mất đi há lại thành quỷ lõa thể hay sao?

Bèn đem chiếc khố liệm cho cha mà đem chôn ở bãi đất nhạn bay phía Bắc. Từ đó không có quần áo che thân, thật là rất đói rét, bèn ngâm mình trong nước sông, thấy thuyền buôn đi qua thì đứng lên xin ăn. Lại thả cần câu để làm kế sinh nhai.

Hôm đó thuyền của Tiên Dung đi tới. Đồng Tử nghe tiếng chiêng chống, lại thấy giáo mác cờ xí rợp trời. Đồng Tử sợ hãi chạy lên trên bãi, tìm nơi ẩn náu. Ở tại xã Mạn Trù có một chỗ cao có 5-7 khóm lau sậy, bèn nấp vào trong đám lau sậy, lấy tay đào cát thành hố, nằm nấp vào đó, lấy cát phủ lên trên để che thân đi.

Phút chốc thuyền của Tiên Dung tiến đến bãi cát đầu thôn của xã Mạn Trù. Tháng tư trời nắng nóng. Tiên Dung cùng vài người thị nữ đi lên bãi Màn Trù, thấy có một nơi cao ráo, bèn lệnh cho thị nữ quây màn lại để tắm rửa. Nước tắm chảy xuống làm trôi cát. Đồng Tử hiện ra. Tiên Dung kinh hãi, lặng im hồi lâu. Đồng Tử cũng rất sợ, ý muốn tìm cách chạy thoát. Tiên Dung thấy Đồng Tử muốn chạy thoát bèn nắm lấy tay mà nói rằng:

-          Ta vốn không muốn lấy chồng. Nay lại gặp gỡ ở đây, cả hai đều ở trần, tất là trời đã sai khiến vậy. Khanh hãy mau cùng tắm rửa với ta.

Tiên Dung sai ban cho quần áo, dắt tay xuống thuyền, mở tiệc mừng lớn. Đồng Tử kể lại rõ sự việc chôn mình trên bãi cát. Tiên Dung than thở rồi kết làm vợ chồng.

Vua cha Duệ Vương nghe tin, than rằng:

-          Con gái Tiên Dung của ta mà muốn lấy rể Đông sàng thì trong ngoài triều trăm quan đông đúc, sao không kết làm rể Đông sàng, mà lại nửa đường tự theo kẻ bần cùng ăn xin, sao như chuyện nghe tiếng đức mà thăng cho Thuấn được? Lòng ta thật hổ thẹn.

Bèn không cho phép về cung. Tiên Dung cũng sợ không dám trở về, mới cùng với Đồng Tử quây màn mà ở bãi Mạn Trù. Từ đó mà có tên gọi là Màn Chầu. Được vài tháng lại dựng nhà ở xứ Quỳnh Viên, châu Hoan. Sau đó Đồng Từ từ biệt Tiên Dung đi chu du bốn biển. Trên đường gặp một ông lão tóc trắng, tuổi khoảng 8-9 mươi, đầu đội nón tròn, tay cầm gậy trúc, vừa đi vừa hát rằng:

Sơn chi cao hề! Thuỷ chi thâm

Trần trung thiển hữu thức kỳ âm

Thức kỳ âm hề, kết giai âm

Ký kết âm hề, tuy vạn lý diệc tầm.

Ký kết đắc nhi dữ chi du hề

Nguyện đối dữ sơn cao, thuỷ chi thâm.

Dịch là:

Núi cao chừ, nước sâu thăm thẳm

Cõi trần mấy ai hiểu âm này

Hiểu âm này chừ kết giai âm

Đã kết âm chừ dẫu vạn dặm cũng tìm

Đã kết được rồi thì cùng du chơi

Xin sánh cùng với núi cao nước sâu.

Đồng Tử nghe hát biết là tiên nhân đắc đạo, bèn đến chắp tay nói:

-          Vẻ tiên thân tục, may mắn được thấy. Nghìn năm hiếm có sự gặp gỡ này. Xin chớ cho là đường đột.

Ông lão đầu bạc cười mà nói rằng:

-          Ta vốn là tiên nhân trên trời. Nhà ngươi cũng không phải khách trần tục. Nay đã gặp gỡ là thầy trò có duyên. Hơn nữa người tục mà thành tiên đã là điều lạ. Huống chi không phải người tục mà thành tiên thì có khó gì. Nhà người có muốn theo học ta chăng?

Đồng Tử cảm tạ nói:

-          Tiên ông đã mở lòng như vậy, đệ tử rất vui mừng, sai lại không theo.

Tiên ông bèn dẫn Đồng Tử ra ngoài hải đảo, đem hết phép thuật thần tiên, phi thăng, biến hóa truyền thụ cho Đồng Tử. Đồng Tử nhất nhất đều hiểu thấu. Đến lúc giã từ trở về Tiên ông lại trao cho nón vẽ và gậy trúc cùng với một đạo thần chú, dặn rằng:

-          Một đầu gậy có thể cứu người, đầu dưới gậy có thể trừ kẻ ác. Sau này khi về dựng gậy trên mặt đất, lấy nón phủ lên trên, tự nhiên sẽ thành lâu đài, trăm thứ. Người chết có thể sống lại, người bệnh có thể khỏi, đều ở tại trong thần chú của cây gậy trúc này. Chớ có xem thường.

Đồng Tử lại bái tạ mà nhận lấy, chia tay quay về với Tiên Dung. Thế là đã được 3 năm. Đồng Tử mới đem phép thuật thần tiên truyền thụ lại cho Tiên Dung. Từ đó vợ chồng cùng thành tiên. Một hôm vợ chồng lại trở về huyện Đông An, đi chơi ở đất hai xã Đa Hòa, Mạn Trù.

Lại nói, trong trang xã Đông Miên, huyện Đông An có một người con gái gia đình nông dân. Bà mẹ từng nằm mơ thấy có một con chim xanh từ phương Tây bay đến, bay vào trong trướng, biến hóa thành một người con gái. Kế đó lại thấy một vị nữ nhân nói rằng:

-          Ta vốn là Tây Cung Vương Mẫu ở trên trời. Người con gái này là con gái của ta, nay đem đến gửi cho nhà ngươi ở tại trần gian trong 3 kỷ.

Thế là bà mang thai mà sinh là nương (ngày mùng 10 tháng 2). Nương  tính thích thanh tịnh, ăn chay và các đồ hương hoa. Năm 36 tuổi không có bệnh gì mà mất. Thế nhưng có lúc lại hiện về thăm nhà cửa ruộng vườn, có lúc du chơi trên cầu, đường cái. Có người gặp muốn hỏi thì bỗng nhiên biến mất. Mọi người đều lấy làm kinh lạ, cho rằng nương đã đắc đạo thành tiên.

Khi ấy Đồng Tử và Tiên Dung đi đến địa giới hai xã Ông Đình và Yên Vĩ, thấy nương đang du chơi nơi kính cổ. Tiên Dung thấy nương có dung nhan chim sa cá lặn, có tướng mạo hoa nhường nguyệt thẹn, bèn chỉ cho Đồng Tử nói:

-          Lang quân có muốn lấy cô nương này làm thứ thất không?

Đồng Tử mỉm cười. Tiên Dung biết được ý đó bèn tiến đến Tây Nương cười mà nói rằng:

-          Nàng là Tiên hay là người trần? Là phong nữ hay hoa kiều? Lang quân của ta thiên tư cao xa, tài mức thông minh. Nàng làm thiếp cho người đó chẳng phải tốt sao? Ta tuy là con gái vua nhưng không có lòng đố kỵ và kiêu căng. Nàng và ta làm chị em chẳng phải vui sao?

Tiên Dung dứt lời, Tây Nương đáp rằng:

-          Ta chẳng qua nương ẩn trong hình hài này mà thôi. Ta là tiên nữ Tây Cung, còn vợ chồng nàng cũng đã học thành tiên thuật vậy. Nay không hẹn mà gặp, là do trời hay do người đây?

Tiên Dung nói:

-          Mưu sự bởi người, thành sự do trời. Nay trong việc này là do người vậy.

Thế rồi cả hai cùng cười lớn, dắt tay nhau đi đến chỗ Chử Công ngồi, làm lễ kết thành vợ chồng. Đương lúc đó thấy trong ấp Ông Đình đem ra 6 thi thể người chết mang đi chôn. Chử Công bèn nói với Tiên Dung và Tây Nương rằng:

-          Ta có phép tiên có thể cải tử hoàn sinh. Nay thấy có người chết, ta muốn cứu. Các nàng có thuận theo không?

Tiên Dung cùng Tây Nương nói:

-          Cứu người là việc phúc lớn, sao lại không theo.

Dứt lời ba người cùng đến vào Ông Đình, quả nhiên cứu được 5-6 tử thi. Từ đó tiếng tăm khắp xa gần trong huyện Đông An đều truyền tới. Khi ấy xã Mạn Trù gặp bất hạnh, thiên tai hoành hành, bệnh dịch phát tác. Người bệnh trong làng bị 20-30 người. Người chết 5-6 người. Người chết không có người chôn. Người bệnh không có người nuôi. Bèn tìm Chử Đồng Tử cùng với Tiên Dung và Tây Nương ba người mời về trong làng. Đồng Tử nói một cách nặng nhọc rằng:

-          Xã Mạn Trù là nơi ta và Tiên Dung gặp nhau. Ta mải đi chơi thăm thú mà không để ý, khiến cho người dân mắc bệnh và mất như vậy thật là lỗi của ta vậy.

Bèn cùng với Tiên Dùng và Tây Nương đến xã Mạn Trù, theo phép mà tiên ông đã truyền thụ để cứu xã Mạn Trù, người chết được sống lại, người bệnh khỏi bệnh. Thế là nhân dân, nam nữ, già trẻ xã Mạn Trù ai nấy đều vui mừng, nhảy nhót, làm lễ xin được làm thần tử, xin được lập sinh từ để ngày sau lo hương khói. Đồng Tử bèn dựng gậy ở đất Mạn Trù, lấy nón đội lên trên, miệng ngâm thần chú. Tự nhiên biến thành một tòa nhà to lớn, lưu ở xã Mạn Trù để làm nơi ngày sau hưởng thần.

Việc xong, ba người lại đi. Phàm là trong huyện Đông An nơi nào ba người đến đều dựng gậy ở đất đó, lấy nón đội lên trên, tự nhiên trở thành lâu đài, thành thị, tài vật, hàng hóa. Từ đó gọi tên là bãi Tự Nhiên. Trong triều quan quân vui mừng mà đi đến tụ họp quá nửa.

Vua cha Duệ Vương nghi ngờ là làm phản, bèn lệnh dẫn quân đến đánh. Khi đó trời đã tối, quan quân do đó đóng ở bên bờ trái. Đồng Tử cùng với Tiên Dung than rằng:

-          Đạo làm con sao dám chống lại mệnh của cha.

Đến nửa đêm bỗng mưa to gió lớn đập lên nơi đất ở đó. Lâu đài, của cải cùng với Đồng Tử, Tiên Dung, Tây Nương đều cùng một lúc bay lên trời (ngày 11 tháng 11). Trời sáng, quan quân trở về thuật lại sự việc, tâu lên Duệ Vương. Vương mới biết họ đã đắc đạo thành tiên, bèn xa giá đến xem nơi đất đó, thấy bùn đất ngàn dặm, nhân đó gọi là đầm Nhất Dạ.

Đương khi đó thấy một người con gái cưỡi hạc trắng từ phương Tây đến, đứng ở trong đầm, tự xưng là Tây Cung Tiên nữ, vâng mệnh của Đồng Tử, Tiên Dung đến tạ quân vương. “Chúng thần xin nhận tội không trọn đạo làm con, xin vua cha thứ tội.” Tạ xong lại theo trong đầm mà bay lên không mà đi.

Vương cảm việc đó, bèn sắc phong là Nội Trạch Tiên Cung Tiên nữ, cho được cùng thờ hưởng với Đồng Tử, Tiên Dung Công chúa. Lập đền thờ chính ở xã Đa Hòa. Ban chiếu truyền trong huyện Đông An, nơi nào ngày trước ba vị có lập cung đền và có đi qua trú ngụ, thì đến đền chính Đa Hòa nghênh đón thần hiệu về phụng thờ.

Khi ấy nhân dân xã Mạn Trù cũng đến Đa Hòa làm lễ nghênh thần hiệu của ba vị về miếu trước đây Chử Công đã dựng để phụng thờ. Từ đó hễ trong dân có việc cầu xin đều linh ứng. Nên nhân dân đều nghiêm túc phụng thờ thêm, bốn mùa tám tiết hương hoa đúng như nghi thức.

Phong Chử công Đồng Tử Chí thánh Linh thông Thượng đẳng thần.

Phong Tiên Dung Công chủ Thiên tiên Uyển diễm Thượng đẳng thần.

Phong Nội Trạch Tây Cung Tiên nữ Huyền diệu Thượng đẳng thần.

Lại nói, trải đến thời Tiền Lý Nam Đế cùng chống cự với các tướng Lương là Bá Tiên, Dương Sàn. Nam Đế không may nửa đường mà mất, trao lại quyền cho đại tướng Triệu Quang Phục. Triệu Quang Phục bèn dẫn quân trở về đầm Nhất Dạ cố thủ. Một hôm trai giới lập đàn cầu đảo trời đất bách thần. Trong một lúc thấy có một người nam cưỡi rồng

từ trên trời hạ xuống, tháo móng rồng trao cho, để chế ra đâu mâu, đặt trên nỏ, hướng vào đâu nơi đó khắc yên. Quang Phục bái nhận, lại hỏi tính danh. Người nam đó cười rằng:

-          Chử Đồng Tử chính thị là ta.

Rồi lại cưỡi rồng bay lên không mà đi. Quang Phục bèn sai chế tạo nỏ thần móng rồng, một trận đánh mà bại được giặc. Bèn lên ngôi tự lập làm Triệu Việt Vương. Mới truy tôn Chử Công là Hoàng đế. Tiên Dung Tây Nương là Tả Hữu Hoàng hậu. Lại cho phép dân các xã thờ ba vị đều tu sửa miếu điện mà phụng thờ. Xuân thu sai quan đến tế lễ. Từ đó trải Đinh, Lê, Trần, Lý cùng với hoàng gia ta khai sáng cơ đồ, thường có giúp nước cứu dân, cầu mưa tránh lũ đều có nhiều linh ứng, nên có nhiều đế vương phong thêm mỹ tự, để bốn mùa hương lửa, vạn đời là lệ thường. Tốt đẹp thay!

Vâng khai sinh hóa các lễ cùng với các chữ nhất thiết cấm là năm chữ Đồng, Tử, Tiên, Dung, Tây. Y phục hai màu vàng, tím cấm dùng khi làm lễ.

Ngày sinh thần của Chử Công là ngày 12 tháng 8, làm lễ trên hoa quả, dưới lễ tam sinh, ca hát 10 ngày.

Ngày sinh thần của Tiên Dung là mùng 4 tháng Giêng, lễ như tháng 8, ca hát 1 ngày.

Ngày sinh thần Tây Nương là mùng 10 tháng 2, lễ hát y như tháng Giêng.

Ngày hóa thần ba vị cùng ngày là 11 tháng 11, lễ dùng cỗ chay.

Năm Hồng Phúc thứ nhất, giữa xuân ngày tốt, Hàn lâm viện Đông các điện Đại học sĩ, thần Nguyễn Bính vâng soạn.

Đình làng Đông Tảo Đông


No comments:

Post a Comment