Tuesday, January 2, 2024

Thần tích bà Vương Chiêu Quân ở Diêm Tỉnh, Thụy Dũng, Thái Bình

Lễ bộ Thượng thư Quản giám tri điện triều Lê vâng sao ghi chép phụ cổ truyền

Cung Khảm, thần tích hạng phụ

Hoàng đế bệ hạ phụng ban sắc văn và thần hiệu. Sắc phong cho Đương cảnh Thành hoàng Gia từ Hoàng Thái hậu Tiên huy Thái trưởng Chiêu Quân Công chúa Đại vương.

Sắc văn: Tôn nghiêm chỉ thuận, anh dục sơn xuyên, tú chung hà hải, cao phối thiên, hậu phối địa, hộ quốc tý dân, hách quyết thanh, trạc quyết linh, dực bảo trung hưng, thánh hoá đạt văn, khoan hoà nhân thứ, đặc đạt tiềm mặc, hoằng thâm phổ hợp, trừng trạm cảm ứng, tối linh từ đức, phu liệt thánh nữ, đằng vân giá vũ, hiển ứng huân hao. Tặng truy Hoàng Thái hậu. Cho phép khu Hạ, trang Bát Đồn, quận Hạ Hồng, trấn Nam Định, phụ lão nhận một đạo sắc văn trở về phụng thờ, cùng trợ giúp bảo vệ nhân dân ta. Vâng thay!

Xưa từ khi trời Nam mở vận, chia ngang theo sao Dực Chẩn, ban đầu phong thẳng hướng sao Đẩu Ngưu. Vốn từ cháu ba đời của họ Thần Nông là Đế Minh, sinh ra Đế Nghi, nhân đi tuần phương Nam ở núi Ngũ Lĩnh mà lấy được Tiên Vụ Nữ, mà sinh ra Kinh Dương. Dương có thánh trí thần tài, vượt trội hơn thánh Đế Nghi. Đế Minh muốn truyền ngôi báu cho để trị vạn bang. Kinh Dương cố nhường cho anh. Thế là Đế Minh lập Đế Nghi, còn phong vương ở phương Nam, gọi là họ Hồng Bàng. Kinh Dương vâng mệnh vua cha dẫn tướng phát oai, lấy người con gái của Động Đình Quân, sinh ra Lạc Long Quân, có điềm bách nam, sinh một bầu trăm trứng, phân thành trăm họ, đặt ra trăm tên, phong làm trăm vương, trấn giữ một phương, là thủy tổ của Bách Việt vậy.

Người con trưởng là Quốc Vương nối trị, 18 đời sau đó đều gọi là Hùng Vương. Đến khi Thục Vương tên Phán lên ngự trị được 50 năm thì bị họ Triệu thôn tính. Triệu Vũ Đế là đại tướng của Tần, gặp lúc Tần giao tranh mà tự giữ ở phương Nam. Nhà Hán sai Lục Giả mang ấn thư đến phong cho ở phương Nam, quyền quản Bách Việt. Sau này bởi Lữ Gia không tuân theo mà Ai Vương khó giữ nước. Nhân đó lại thuộc về Bắc vậy. Nhà Hán bèn lập thủ lệnh các quận huyện, hoặc có lúc chính sự tốt, cũng như lúc gây thế sự tham tàn đều có vậy. Đến thời Nguyên Đế mới cùng hợp lại với Trung Quốc.

Vương Thức vốn là người ở một làng có tiếng của khu Đồn Hạ nước Nam. Khi còn nhỏ đi du học, tỏ rõ có nhiều chỗ hơn người. Đến khi trưởng thành thi đỗ khoa Mậu Tài, làm Thái thú Kim Thành. Sau về làm Thái thú Lâm Ấp. Ở đó lấy vợ tên là Phạm Thị Dụ, gặp được mộng rắn, đến ngày 12 tháng 3 thì sinh được một người con gái quý. Hôm ấy hương thơm bay ngào ngạt, trong trướng rạng rỡ, xuất hiện 4 vị tướng lạ, 3 con rồng bay quanh nhà. Ngày hôm đó ở trên trời trong nội thành vang lên ba tiếng động lớn, làm rung chuyển núi sông cây cỏ. Trên điện có vạn thú đến chầu. Dưới chân núi sóng nước nổi dồn dập. Trăm thú, kình nghê, lân ngư, vạn vật theo mưa gió mà tới chầu cống. Người người thấy điềm lạ dị thường đó lấy làm vui mừng. Thái thú Vương Thứ nhân đó mà đặt tên là Vương Tường.

Ngày ngày thường ở yên một nơi trong phòng, tự học xem sách, không chờ người chỉ dạy mà tiêu đàn thành thạo, âm luật tinh thông, binh thư, cung trượng không gì là không biết. Đến năm mới 14 tuổi đã có phong tư đẹp đẽ, sắc nước hương trời, không ai sánh nổi.

Khi ấy vua Hán vào ngày mùng 1 tháng 8 nằm mộng thấy một Lão tiên đến mang cho một nữ tử, nói rằng:

-          Người này đúng là giúp nước cứu dân, trung trinh chỉ một, ở tại đất Nam, trong nhà Thái thú.

Dứt lời thì bay lên không trong khoảnh khắc không có ai thấy nữa. Đế tỉnh lại cho là sự rất lạ, ngẫm lại tưởng đến người con gái đó có một nốt ruồi ở bên má trái. Đến rạng ngày cho hội quần thần đến phán rằng:

-          Đêm qua Trẫm nằm mộng thấy một ông lão đem đến một người con gái, nói rằng người này ở tại nhà Thái thú đất Nam. Người này giúp nước cứu dân, trung trinh chỉ một. Đình thần hãy cử họa sĩ đến đất Nam xem xét tình hình mà vẽ lại người đó. Có tin tốt tâu về sẽ có thưởng.

Khi đó triều đình cử Diên Thọ phụng mệnh. Diên Thọ đi để vẽ tranh, khi đến Thái thú Lâm Ấp thấy Vương Tường đẹp tuyệt như tranh vẽ mà run lòng mất mật. Vì thế Thái hậu tự vẽ để mang về tâu với vua Hán. Vua Hán xem nhận ra nốt ruồi lạ thấy đúng người con gái đó, lập tức viết chiếu thư cử mang đến gọi Vương Thức về cửa ngọc, sai quan mang đồ sính lễ đến. Vương Tường tâu với cha cho mua thêm ao ruộng, đất đai, ban ơn cho các phụ lão nhân dân các nơi. Rồi được thưởng tước vị, đón về kinh thành.

Vua Hán vì thế mà rất vui mừng, đến khi mở mạng che mặt thấy mày loan như trăng mới mọc, mắt nhẹ nhàng như sóng mùa thu, tóc sáng như gương soi, da trắng mịn màng, sắc sáng như mặt hồ nước, vẻ đào có dung mạo chi sa cá lặn, nguyệt thẹn hoa nhường. Đem so với hoa thì hoa hết lời, đem so với ngọc thì ngọc sinh hương, cùng là vẻ toàn mỹ vậy. Vua rất yêu quý, được sủng hạnh trong cung không ai bằng.

Lại nói, khi ấy Diên Thọ đã vâng chỉ làm thợ vẽ, thấy sắc đẹp của Thái hậu nên muốn lấy, có ý gian không vẽ mà bàn chuyện nghĩa lý. Thái hậu không theo. Thái hậu tự vẽ bức chân dung đó. Khi Thái hậu đi rồi, Diên Thọ đem tiến bức vẽ cho vua Hồ. Vua Hồ rất khen ngợi, giữ Diên Thọ ở lại kinh đô nước đó, rồi viết một bức tâm thư gửi cho vua Hán xin cưới Công chúa giống như trong bức tranh. Nếu không lấy được tất sẽ gây chiến tranh để chiếm lấy. Vua Hán bất đắc dĩ than rằng:

-          Tưởng được ước nguyện dài trăm năm mà lại thành cách biệt. Nếu qua được tình cảnh trước mắt này thì sẽ tích lực tăng uy, ngày sau sẽ phá vua Hồ.

Thái hậu bèn vượt biên ải sang triều đình nước Hồ. Nhân dân ai cũng thương xót cho là trời xui khiến vậy. Trên đường đi khi tới núi Cửu Cô, có bầy tiên 9 người đang tắm ở bên bờ biển, thấy thuyền rồng của Thái hậu đến gần liền hỏi:

-          Chúng ta với nàng cùng là nữ, sao nương lại gặp phận duyên như thế?

Thái hậu nói:

-          Em tuân theo mệnh trời giáng làm người trần. Vua Hán lệnh gọi đi cống vua Hồ. Ngưỡng mong các chị hãy cứu giúp kẻ phàm dân này.

Bầy tiên phán rằng:

-          Nay chúng em vâng chiếu chỉ của trời đi du chơi bên bờ biển. Nay đã thấy có lời này tất phải cứu giúp.

Bầy tiên tìm trong tay áo lấy ra 3 viên thuốc, bảo hãy nuốt lấy. Chín tiên nữ lại tặng cho một chiếc áo bàn lửa, nhìn xa như hình kim nhọn chích Hồ. Người người thấy đều sợ hãi. Khi đến kinh thành Hồ, vua Hồ ra đón. Khi đó Thái hậu chưa mặc áo lửa. Vua Hồ rất yêu thích, thấy thế rất sủng ái. Đến khi Thái hậu mặc chiếc áo bàn lửa, vua Hồ bàng hoàng sợ hãi. Vua Hồ nghe lời liền yêu thích tiếng nói đó, sao có thể cùng ở được. Nên 16 năm không dám động vào thân thể. Khi ấy Thái hậu xin được dựng một cây cầu ở sông Hắc thủy. Cầu xây xong Thái hậu xin vua Hồ cầu đảo núi sông thần kỳ. Vua Hồ đều theo mà lập lễ, cầu trời đất, bách linh thần. Bỗng nhiên thấy một áng mây trắng phủ như cung điện nguy ngà, khói sương lấp lánh, rồng mây bốn bức, mờ mịt lâu đài nước Trúc, núi sông một bầu, thấy đó cảnh thú vị Bồng Lai. Trời đất tối tăm, nước sông kêu ầm ầm như sấm chớp nổi lên. Giao long, cá, ba ba trùng trùng liền như sóng vạn phái. Côn kình lớp lớp như sóng cuộn ngàn tầng. Lại có rồng vàng dài hơn một trượng, cuốn thân chờ đợi.

Thái hậu cầu chúc trời đất bách thần mà thấy trăm hoa giấu mặt, hương bay khí lạ, rồi nhảy xuống sông cưỡi rồng mà đi. Đó là ngày 13 tháng 12. Vua Hồ không biết sao đành dẫn quân về.

Lại nói, Thái hậu tên húy là Vương Tường, tên chữ là Chiêu Quân. Nhà Hán phong mỹ tự. Nước ta niên hiệu thời Vĩnh Hữu phong là Hiển linh Trợ thuận Thiên huy Thái trưởng Công chúa, cho 72 đền miếu phụng thờ. Nay còn di chỉ ở trang Bát Đồn, dựa Nhâm hướng Bính.

Thánh phụ chức vốn là Thái thú, tên húy là Vương Thức, tức chữ là Tử Bình.

Thánh mẫu theo phẩm trật là Nhị phẩm phu nhân, tên húy là Phạm Thị Dụ, hiệu là Đức Lộc.

Ngày sinh là 12 tháng 3. Ngày hóa là 13 tháng 12.

Lễ dùng bánh trôi, chay bàn, xôi ngon, gà quý, rượu ngọt, tiền vàng, ca hát, vui chơi.

Năm Chiêu Thống thứ nhất triều Lê vâng sao.

Đền thờ Vương Chiêu Quân ở Diêm Tỉnh.


No comments:

Post a Comment