Wednesday, December 20, 2023

Ngọc phả ghi chép Tiền Lý Nam Đế và Linh Nhân Hoàng Thái Hậu

Thần tích xã Hữu Lộc, tổng Cự Lâm, huyện Thư Trì, tỉnh Thái Bình, dịch từ bản chép tay năm Tự Đức thứ 13 hiện lưu lại miếu Hữu Lộc, có đối chiếu với bản thần tích số hiệu AE.a5/61 của Viện nghiên cứu Hán Nôm.
Chi Càn, bộ Thượng đẳng. Bản chính bộ Lễ quốc triều.
Xưa đất Việt ta, họ Hùng mở mang cơ nghiệp, các bậc thánh tổ dựng cơ đồ, truyền nối 18 đời, thịnh trị được hơn 2000 năm. Cha truyền con nối đều xưng là Hùng Vương. Ngọc lụa, xe sách, núi sông một mối. Đó là tổ của Bách Việt vậy. Truyền đến Tuyền Vương không có người nối dõi, bèn nhường nước cho Thục An Dương Vương. Dương Vương giữ nước được 50 năm thì đến Triệu Đà lấy nước, từ đó nội thuộc nhà Hán. 
Trải qua các triều đại Ngô, Tấn, Tống, Tề, Lương, đến khi nhà Lương sai Tiêu Tư sang làm Thái thú đất Việt ta. Tư vốn là người tham tàn bạo ngược, thi hành chính sách hà khắc. Đất Việt ta ai ai cũng chịu cảnh lầm than, không chốn cậy nhờ. Nhưng may thay lòng người u uất, ý trời tất sẽ dẹp yên! 
Bấy giờ có người ở Long Hưng, Thái Bình họ Lý tên Bí, tổ tiên vốn là người phương Bắc. Cuối thời Tây Hán phải khổ sở việc chinh chiến, phu dịch mới lánh sang đất Nam sinh sống,  trở thành người Nam, đến đời ông cũng được 7 đời (Xét tích xưa, cha của ông là Lý Công Chước, mẹ là Trương Thị Hằng. Mẹ ông mộng thấy cưỡi rồng bay lên trời ôm được Thái dương Tinh quân mà hạ xuống thì bỗng nhiên tỉnh giấc, biết là gặp giấc mộng Bồng Từ mà thôi. Thế rồi bà có mang, mà đến khi sinh ông vào ngày 12 tháng 7 giữa mùa thu năm Nhâm Thân. Đương lúc sinh ra, hào quang đầy phòng, khí lành bao phủ xung quanh. Khi ấy mọi người đều hô rằng: Hương thơm là từ hài nhi đó). Ông bẩm sinh minh mẫn chẳng học mà cũng biết. Trên tỏ thiên văn, dưới tường địa lý, tất cả đều tinh thông. Năm ông vừa 16 tuổi, cha mẹ đều lần lượt qua đời. 
Năm 19 tuổi, ông ra làm quan nhà Lương làm chức Thái bộc xạ. Đến khi nhà Lương gặp loạn, ông trở về Thái Bình chiêu hiền nạp sĩ, dấy đại quân khởi nghĩa. Ông xem xét thấy nơi nào đất Việt ta có đất đai trù phú, dân cư trọng yếu vững chắc, ông đều lập đồn doanh để làm nơi phòng ngự. Một hôm ông dẫn quân đi qua khu An Để, huyện Thư Trì, phủ Kiến Xương, đạo Sơn Nam. Ông thấy địa thế nước chạy uốn quanh co như rồng uốn khúc, bên cạnh có một dòng sông nhỏ chảy vòng quanh, sơn thủy hữu tình. Vả lại nơi đây nhân dân no đủ, phong tục thuần hậu. Đúng là nơi đất để lập đồn doanh. Ông cao hứng ngâm một bài thơ:
Thành thị lâu đài xinh tựa ngọc
Núi sông, hoa cỏ ngát màu xanh
Thừa khí đúc thành, tuy mạch nhỏ
Nơi đây thực chốn dựng cung thành.
Hôm ấy ông lập tức sai quân lính cùng nhân dân xây dựng một đồn doanh ở phía bờ ngạn sông nhỏ bên cạnh khu dân cư, tọa Quý hướng Đinh, phân kim kiêm hướng Bính Tý, Bính Ngọ. Mọi việc hoàn tất, từ đó ông Đông chinh Tây chiến, thường thường qua lại đóng quân ở nơi này.
Lại nói, bấy giờ ở khu Tây Để có người con gái nhà họ Đỗ tên là Khương Nương (Xét tích xưa, cha của Khương Nương là Đỗ Công Cẩn, mẹ là Bùi Thị Hoan, vốn là người khu Tây Để, gia thế lấy nghề y sinh sống. Ông Đỗ đã ngoài 50 tuổi mà chưa có con. Vợ chồng ông đi lễ cầu đảo đến chùa núi Phật Tích, mộng thấy có một người trao cho một chiếc gương vuông, đến khi trở về thấy cảm động trong người mà có thai. Đến kỳ sinh nở vào ngày mùng 10 tháng 11 mùa Đông năm Đinh Sửu, bà sinh hạ được một người con gái, má phấn môi hồng, mắt phượng mày ngài. Hai vợ chồng vui mừng khôn xiết đặt tên cho con là Khương Nương). 
Năm 16 tuổi tròn, Khương Nương nhan sắc tuyệt trần, cho dù tiên nữ chốn Bồng Doanh hay người đẹp nơi Lãng Uyển cũng chẳng thể vượt qua. Vả lại ngay từ nhỏ nàng đã theo học tinh thông kinh sử. Người đương thời gọi là bậc nữ trung mà còn hơn cả nam giới. Tuy nhiên chốn thiềm cung còn đóng, lá ngọc đương phong, mối lương duyên chưa hẹn cùng ai. 
Bấy giờ Lý công nghe biết nàng tài sắc vẹn toàn bèn nói với Đỗ Công xin được đính ước kết duyên trăm năm cùng với Khương Nương. Đỗ Công mừng lắm liền đồng ý. Thế rồi chọn ngày ngày lành tháng tốt định lễ sánh đôi duyên hòa hợp cùng nhau. Từ đấy ông lập làm Đệ nhất cung phi, cho nàng ở lại khu Tây Để để phụng sự cha mẹ nàng. 
Xong việc, mổ trâu bò khao thưởng quân sĩ. Ông chọn đinh phu trai tráng trong khu Tây Để được 36 người để làm người hầu cận thân tín. Hôm ấy liền đem quân thẳng tiến, trên thuyền thì chiêng trống sấm vang lừng ngàn dặm, trên đường tinh kỳ hai bên như ảnh bóng long xà lay động, tiến thẳng đến thành Tiêu Tư đánh lớn một trận, Tiêu Tư đại bại, bỏ thành tháo chạy. Lý công chiếm giữ được thành ấy nhưng chưa được bao lâu quân Lâm Ấp lại vào cướp bóc. Ông lại sai Đại tướng Phong Tu đại phá quân Lâm Ấp. 
Thiên hạ thái bình, giặc cướp được dẹp yên. Ông lên ngôi Hoàng đế, tự lập là Tiền Lý Nam Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân, đặt quốc đô là thành Long Biên. Năm ấy, cũng sách phong cho Khương Nương làm Hoàng hậu, lấy khu Tây Để làm nơi nghỉ ngơi cho Hoàng hậu. Dân được ban cho miễn tô thuế, binh phu. Từ đấy trang thôn Tây Để đều được nhận phúc lành, tất thảy đều được vinh hiển giàu có vậy.
Lại nói, từ khi Khương Nương vào triều đã được 4 năm. Một hôm Đỗ công bỗng bị bệnh cảm ngoài rồi Đỗ công mất. Vua cho Hoàng hậu và một viên Đại tướng đưa Hoàng hậu về khu Tây Để làm lễ an táng. Từ khi Đỗ công mất, phu nhân của ông vì đau buồn trước cái chết của chồng mà lâm bệnh nặng, thuốc thang chữa trị mà chẳng thuyên giảm, cầu thần cũng chẳng công hiệu. Phu nhân cũng qua đời, Hoàng hậu bèn làm lễ mai táng, viết biểu tấu với vua xin cho phép ở lại quê nhà chịu tang cha mẹ. Vua chấp thuận và ban cho vô số vàng bạc, lụa là gấm vóc. Từ đấy, Hoàng hậu ở khu Tây Để chuộng làm việc nhân nghĩa, phát chẩn cứu bần. Phàm trong nhân dân từ người già yếu cho đến người cô quả Hoàng hậu đều đem của cải trong nhà ra cứu giúp. Tất thảy nhân dân đều ca ngợi ân đức, đội ơn như trời biển, thân yêu như cha mẹ vậy.
Lại nói, bấy giờ Lý Nam đế ở ngôi đã được 7 năm. Nhà Lương lại sai Trần Bá Tiên đem quân xâm chiếm nước Nam để rửa mối nhục. Khi đó vua đóng quân ở hồ Triệt. Quân Lương không dám tiến lại gần, đã hơn năm mà chưa phân thắng bại. Bấy giờ vào tháng 6 mùa hè, nước sông dâng lên đổ vào đầy hồ. Bá Tiên thừa cơ chỉnh đốn thuyền bè theo dòng nước mà thẳng tiến vào hồ Triệt. Quân của vua bị thua. Vua bèn trao quyền lại cho Đại tướng Triệu Quang Phục, còn mình lui vào giữ động Khuất Liễu rồi qua đời (bấy giờ là ngày 15 tháng 7). Khi đó trời đất bỗng nhiên tối tăm. Qua 3 ngày thì trời quang mây tạnh. Tại nơi này đã thấy mối đắp thành gò lớn. 
Lúc này Khương Nương Hoàng hậu đang ở khu Tây Để, khóc lóc ầm trời, không ai ngăn nổi, lập tức truyền cho nhân dân xây dựng một đền ở bên bờ sông nơi cung doanh theo phương hướng cũ, viết thần vị của vua là: Tiền Lý Nam Đế Hoàng đế, để phụng thờ.
Công việc xong xuôi Khương Nương bèn ban cho nhân dân 10 hốt vàng để nhân dân mua nhiều ao ruộng làm vốn công. Lúc đó Khương Nương bảo với nhân dân rằng: 
- Ta với nhân dân đã thành tình nghĩa lâu rồi, chẳng phải một ngày mà nên há lại quên sao? Ví như ta về sau trăm tuổi thì nhân dân viết tên thần vị của ta để phụng thờ với Tiên đế, cùng được phối hưởng. Nhân dân nên tuân theo lệnh của ta không được thay đổi. 
Lúc đó nhân dân đều lạy tạ nhận lệnh. Việc xong Khương Nương và 6 người hầu gái cùng vào động Khuất Liễu thăm viếng lăng mộ của Tiên đế. Trên đường đi mới vào đến trong động, bỗng nhiên thấy trời đất mờ mịt, sấm chớp ầm vang. Trong một khoảnh khắc mây đen tan biến thì Khương Nương đã không còn thấy đâu nữa rồi. Chỉ thấy bên cạnh lăng mộ của Tiên đế lại nổi lên một gò đất (bấy giờ là ngày 16 tháng 2). 
Lúc đó mấy người thị nữ theo Nương đến đấy nhìn thấy sự tình như vậy tất cả đều kinh hãi. Khi trở về nói với nhân dân thì nhân dân đều nói ngày 16 tháng đó, nhân dân đều nhìn thấy có một vầng sáng lớn giống như dải lụa từ phương Nam bay ngang thẳng đến trước miếu rồi biến mất. Đến lúc này, khi nghe tin Hoàng hậu đã hóa thì nhân dân đều lấy làm kinh sợ. Hôm đó nhân dân làm lễ viết tên thần: Khương Nương Hoàng hậu, để phụng thờ cùng một nơi với Lý Nam Đế. 
Lại nói, từ khi Lý Nam Đế đã băng hà, Quang Phục đem quân về giữ đầm Dạ Trạch, lập đàn cầu đảo trời đất. Sau 3 ngày thấy một ông lão cưỡi rồng vàng từ trên trời bay thẳng xuống, tuốt móng rồng trao cho Quang Phục. Quang Phục đem làm lẫy nỏ, gọi là Nỏ thần móng rồng. Phàm có những khi nhanh hay chậm, mọi lúc đem hướng vào thì đều không có ai chống lại được. Vì thế mà bình định được giặc Lương. Quang Phục tự lập làm Triệu Việt Vương. 
Bấy giờ có con của anh trai Tiền Lý Nam Đế (tức là con của Đào Lang Vương) tên là Lý Phật Tử cùng con trai là Nhã Lang khởi binh ý đồ muốn khôi phục nhà Lý. Nhưng vì Triệu Việt Vương có nỏ thần móng rồng, nên khi giao chiến quân của Lý Phật Tử đều thua cả. Một ngày Phật Tử cùng với các tướng sĩ bàn âm mưu cầu hôn con gái của Triệu Việt Vương là Bạo Nương, xin cho Nhã Lang kết duyên vợ chồng. Việt Vương đồng ý, quần thần đều can ngăn nhưng vua không nghe. Thế là Lý Phật Tử sai con trai Nhã Lang nhập vào hàng quân để làm con tin. Từ đấy, Triệu Việt Vương rất tin yêu Nhã Lang. Trải qua thời gian 1 năm, một ngày Nhã Lang cùng Bạo Nương ngồi uống trà. Nhân đó Lang mới hỏi Cảo Nương rằng: 
- Xưa kia 2 nước cùng là kẻ thù giao chiến không ngừng. Nay đã nên duyên Tần – Tấn thì việc chiến tranh cũng có thể đã dứt rồi. Nhưng xưa kia Hoàng phụ có thuật lạ gì mà khiến cho phụ thân ta nhiều lần thua bại? 
Bạo Nương chẳng để ý đem nỏ thần móng rồng cho Nhã Lang xem. Nhã Lang trộm nhìn biết được như vậy. Một ngày khác hoán đổi lẫy nỏ, lấy trộm móng rồng cất giấu một nơi. Xong việc Nhã Lang xin vua cho về thăm cha. Vua cho về. Nhã Lang vội vàng phi ngựa chạy về đem tâu với cha mình. Lý Phật Tử biết vậy đem quân tới đánh Triệu Việt Vương. Triệu Việt Vương đã mất nỏ thần, đành bỏ thành mà chạy thẳng đến của biển Đại Áp mà mất. Tàn quân còn lại đều được dẹp yên. 
Phật Tử lên ngôi tự lập làm Hậu Lý Nam Đế. Ông bèn luận công ban thưởng các cấp bậc. Thế rồi tặng phong sắc chỉ, mỹ tự cho bách thần. Bèn tôn phong cho Tiền Lý Nam đế sắc chỉ là Thượng đẳng Tôn thần, lại tôn phong cho Khương Nương làm Linh Nhân Hoàng Thái hậu. Truyền cho các địa phương sở tại, trang khu có đồn doanh được thiết lập của Lý Nam Đế trước đây, nhanh chóng trở về kinh thành nghênh đón sắc phong mang về nhân dân để phụng thờ. Bấy giờ khu Tây Để nghe được chiếu chỉ, các bậc phụ lão tới kinh thành làm lễ rước sắc về, nhân dân sửa sang miếu điện để phụng thờ. Từ đấy về sau, nhân dân, đất nước cầu đảo đều có nhiều linh ứng.
Khi nước Nam trải qua các triều đại có Đinh, Lê, Lý, Trần 4 nhà khai sáng nghiệp lớn, đều thường giúp nước cứu dân. Đến cuối nhà Trần, họ Hồ tranh ngôi, giặc Minh làm loạn. Bấy giờ có người ở động Lam Sơn, huyện Lương Giang, phủ Thiệu Thiên, Ái Châu, họ Lê tên Lợi khởi nghĩa Lam Sơn với ba ngàn quân mạnh đã tiễu trừ được họ Hồ và dẹp yên giặc Minh. Liền lên ngôi Hoàng đế ở Lam Sơn, đó là Lê Thái Tổ, lấy niên hiệu là Thuận Thiên.
Truyền ngôi đến Chiêu Tông thì quyền thần họ Mạc chiếm ngôi. Bấy giờ có Đại thần là Nguyễn Thái úy dẫn quân đánh dẹp. Một ngày quan Thái úy dẫn quân qua nơi miếu khu Tây Để làm lễ cầu đảo, cầu âm phù đánh giặc giúp nước dẹp giặc, nếu sau này đất nước được thanh bình sẽ cùng nhau được hưởng phúc lành. Làm lễ xong đem quân tiễu trừ giặc Mạc. Đến khi thiên hạ thái bình Thái úy cùng Chiêu Tông trở về chính cung, lên ngôi Hoàng đế. Thế rồi ban thưởng công lao ba quân, gia phong tướng sĩ các cấp theo thứ bậc, cho đến việc truy phong bách thần giúp nước. Quan Thái úy dâng biểu tâu ngày trước đã cầu đảo ở nơi miếu khu Tây Để. Vua nghe biết bèn gia phong sắc chỉ, lệnh cho quan Thái úy rước sắc về khu Tây Để làm lễ tế tự. Thái úy phụng mệnh nghênh sắc về khu Tây Để, cho mổ trâu, làm lễ tế tự. Việc xong, truyền cho nhân dân sửa sang cung đền để giữ hương khói ngàn năm, cùng hưởng phúc lành với đất nước kéo dài mãi mãi là lệ thức vậy. Tốt thay!
Tôn phong Tiền Lý Nam đế Hoàng đế Thượng đẳng Tôn thần.
Phong cho Linh Nhân Hoàng Thái hậu triều Lý.
Ban cho khu Tây Để, trang An Để, huyện Thư Trì, phủ Kiến Xương, đạo Sơn Nam phụng thờ.
Theo các tiết Khánh hạ, ngày hóa, ngày sinh và tên húy tên tự: hai chữ Bí, Khương cùng tên Thánh phụ, Thánh mẫu xem trong tích trên, tất thảy đều phải tránh âm. Đền chính ở động Khuất Liễu.
– Ngày 12 tháng 7, ngày sinh của Hoàng đế. Lễ dùng trâu bò, ca hát.
– Ngày 15 tháng 7, ngày hóa của Hoàng đế. Lễ dùng lợn đen, xôi, rượu.
– Ngày mùng 10 tháng 11, ngày sinh của Hoàng hậu. Lễ dùng tế trên mâm chay oản, quả, mâm dưới dùng lợn đen, xôi, rượu.
– Ngày 16 tháng 2, ngày hóa của Hoàng hậu. Lễ dùng y như lệ trước trong ngày sinh của thần.
– Ngày Khánh hạ mùng 2 tháng Giêng, ngày mùng 2 tháng 12. Làm lễ tùy theo.
Phàm trong thiên hạ các trang, khu phụng thờ Lý Nam Đế tổng cộng có 87 nơi, mà khu Tây Để là thứ 28 trong đó.
Ngày tốt tháng đầu thu năm Hồng Phúc nguyên niên (1572), Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ, thần, Nguyễn Bính phụng mệnh soạn.
Ngày tốt tháng giữa mùa hè năm Hoàng triều Vĩnh Hựu thứ 4 (1738), Quản giám bách thần Tri điện Hùng lĩnh Thiếu khanh, thần, Nguyễn Hiền lại tuân theo bản chính triều cũ phụng mệnh sao chép.
Hoàng triều Tự Đức năm thứ 13 (1860) ngày tốt tháng cuối mùa ?, dân gốc của xã lại tuân theo đúng như bản chính mà vâng chép.


No comments:

Post a Comment