Thursday, December 7, 2023

Phả chép về một vị Đại vương thời Triệu Vũ Đế (Thần tích làng Ninh Sơn, tổng Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Đông)

Phả chép về một vị Đại vương thời Triệu Vũ Đế

Chi Cấn, bộ Trung đẳng.

Đất Việt xưa trời Nam khởi vận, núi sông chia cương vực theo sao Dực Chẩn, xe sách cuốn nối, các vùng đất An Nam đẹp tựa đuôi chim, phân cách thẳng hướng sao Đẩu Ngưu. Nam tới Minh đô Giao Chỉ, xếp vào hàng thư lễ. Sách Ngũ đế đức thời vua Nghiêu chép rằng Việt Thường Thị dâng một con rùa thần ngàn tuổi, lưng có chữ khoa đẩu, ghi lại từ khi khai mở đến nay. Vua Nghiêu sai chép làm lịch rùa. Sách Thượng thư Đại truyện chép thời Chu Thành Vương Việt Thường Thị vào cống chim trĩ trắng, một con trĩ đen, một cặp ngà voi. Quốc thống đến nay bền lâu vậy. Tuy vậy đến nay kể cũng đã xa xôi, Ngoại kỷ, Bản kỷ, Tiền biên, Hậu tục cho tới gần thời bây giờ mà tính đã vài ngàn năm. Quốc thống có lúc chia lúc hợp, chính trị có lúc được lúc mất. Phong tục thuần hậu hay ngang ngạnh khó mà luận được.

Lúc quốc sơ họ là Hồng Bàng, ban đầu nhận mệnh vua là Kinh Dương, là hậu duệ họ Thần Nông. Ban sơ Đế Minh phong vua là Kinh Dương Vương trị phương Nam, gọi là nước Xích Quỷ. Vua lấy tiên nữ Động Đình, sinh ra Lạc Long Quân, kế nối quốc thống Kinh Dương, có điềm sinh trăm trai, thực là thủy tổ của Bách Việt. Như khi khởi đầu của trời đất nếu đã có người nuốt trứng dẫm vết mà sinh ra Thương Chu, tất có thuyết sinh trăm trứng. Trưởng tử của Lạc Long lấy tên là Hùng Vương, đóng đô ở Phong Châu, dựng nước Văn Lang, bèn chia thành 15 bộ để thống trị, định ra tên quan để nhận chức, thường xăm hình lên thân mình để tránh các loài thủy tộc, dịch tiếng nhiều lần để thông hiếu với Trung châu. Truyền rằng bách thần sông núi thường có thể xuất thế, khó biết rõ ở nơi nào. Như thế mà truyền 18 đời, trải 2600 năm, tất phong tục trở nên đôn hậu, cũng có thể nghĩ đến vậy.

Sau này vua ỷ mình có sức thần mà không tu sửa việc võ nên mất. Lại truyền tới Thục An Dương Vương thắng được Văn Lang, do không tu đức để yên dân chúng, khinh suất tin vào con rể nên cuối cùng đã bại. An Dương có trí dũng nên Triệu Vũ không địch lại nổi. Tuy nhiên, Thục vì một nữ nhân mà có uy chiếm Văn Lang, lại cũng vì một nữ nhân mà bị họ Triệu thôn tính. Truyền rằng Vua bắt đầu thế nào thì kết thúc cũng như vậy, là lẽ đó vậy. Thục đế vong.

Trải tới thời đầu Tây Hán, ở trang Thụy Hương, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, đạo Sơn Tây người trong trang có một nhà họ Lý tên Phụng, lấy vợ là Đào Thị Thanh. Gia cảnh túng quẫn, nhưng tấm lòng vẫn đều có đức dày. Khi ấy vợ chồng cùng đến phủ Ninh Sơn ở trang Ninh Sơn ở lại đó, lấy việc kiếm củi làm nghề sinh nhai hàng ngày, dần dân trở nên giàu có. Tuổi đã gần 50 mà còn chưa có con trai. Một hôm nghe nói ở Ninh Sơn có một ngôi đền rất thiêng, thường có báo ứng, vợ chồng ông bèn sắm sửa lễ nghi vào trong đền làm lễ cầu khấn. Đêm đó Thái bà nằm mộng bỗng thấy có một người cao lớn đường đường, thân khoác áo hồng, đứng trước án mà nói:

- Gia đình khanh có đức dày. Trời đã định cho ta đầu nhập làm con, xuất thế giúp nước. Ngày sau sẽ được nhờ, xin chớ lo lắng.

Nói xong liền biến mất. Bỗng thấy một ánh sao hào quang rơi thẳng xuống miệng, bèn nuốt lấy. Bà sợ hãi tỉnh dậy, kể lại cho ông nghe. Ông nói rằng đó tất là điềm lành. Đến sáng ngày vợ chồng ông làm lễ tạ. Từ đò trở về cố hương ở Từ Liêm ở. Lại thấy bà Đào Thị có mang thai. 

Đến năm Giáp Tý tháng Giêng ngày mùng 9 sinh hạ được một người con trai, thiên tư cao lớn, thể mạo khôi kỳ, cao tới 2 trượng. Ông biết đó là thiên tướng giáng sinh, thần linh xuất thế bèn đặt tên là Trọng. Khi ông lên 7 tuổi học lực tinh thông, đọc hiểu binh thư, tài về võ lược. Mỗi khi ra nơi can trường thì có cái dũng vạn người không đương. Đến khi tuổi 20 cha mẹ đều mất. Sau 3 năm chịu tang ông bèn vào Tần làm quan, làm đến chức Tư lệ Hiệu úy, dẫn quân đánh giặc Hung Nô ở Lâm Thao. Quân Hung Nô thua to bỏ chạy. 

Đến khi Triệu Vũ Đế họ Triệu tên Đà, người Hán đất Chân Định, khi Tần loạn chiếm cứ Lĩnh Biểu, mưu lấy Âu Lạc. Xe mui vàng, cờ cắm trái tự xưng đế một phương, cũng là bậc có khí lược anh hùng. Thế rồi Triệu Đà gọi ông Lý Trọng cho tướng cầm quân phương Nam, dẫn quân đánh Thục. Ông Trọng nhận mệnh. Tức thì ông Trọng đem quân thủy bộ năm nghìn quân tiến đến huyện Ninh Sơn, phủ Quốc Oai, đạo Sơn tây (Ninh Sơn sau đổi thành An Sơn), đóng quân tập trung ở trang Ninh Sơn. Ông đến bái yết đền thần, cho gọi phụ lão trang Ninh Sơn đến nói: 

- Cha mẹ ta vốn ngày trước nghèo nàn, đến ở trang này, lấy nghề hái củi sinh sống. Cho nên ta chính là thần của bản trang giáng sinh xuất thế. Vì vậy ta đến đóng ở đây để xem tình trạng thế nào, không phải là quân lạ xâm phạm, xin đừng sợ.

Khi đó phụ lão nghe vậy rất vui mừng, đều làm lễ bái hạ, xin làm gia thần. Ngay hôm đó ông bèn truyền binh sĩ cùng nhân dân lập nên một đồn để sau này chống quân Thục. Rồi ông tìm người trong trang khỏe mạnh, được 50 người làm gia thần thủ túc. Ngày hôm sau thấy có sứ giả mang thư lệnh đến, gọi ông dẫn quân đánh đạo Bắc của giặc Thục. Ông bèn hôm đó giết mổ làm cỗ trâu, tế cáo trời đất sông núi bách thần, rồi cất quân tiến đến đạo Kinh Bắc, thành Cổ Loa, hội bàn kế tấn công. Ngày hôm đó cùng quân Thục đánh một trận lớn. Quân Thục thua to, chém được chính tướng cùng với các tì tướng và quân sĩ vài ngàn đầu. Giặc thua chạy không biết đi đâu. Từ đó họ Triệu là Đế, thần dân được yên bình. Lập nước quy mô. Ông mới than rằng:

- Sinh mệnh của hàng vạn người đều dựa vào đây, mà ta sở dĩ phá giặc Thục là do trời đã giúp ta vậy.

Ông bèn nói với gia thần trang Ninh Sơn rằng:

- Sau này ta trăm tuổi để cho việc thờ tế có 10 nén vàng, ngày sau hãy mua thêm đất đai cho việc thờ cúng.

Khi ấy đang trời mùa xuân vào ngày đầu thượng tuần tháng Hai thấy có sứ giả của Triệu đem thư tới, trong đó nói rằng khi giặc Thục đã thua chạy, hôm đó đã dâng tấu lên Triệu Vương, vua ban chiếu gọi ông về phụng mệnh. Vua mở tiệc mừng lớn, gia phong tướng sĩ các cấp, bèn cho ông nhận thực ấp ở huyện Ninh Sơn. 

Ông bái tạ, phản hồi về nơi ở tại Ninh Sơn (sau thuộc phủ Ứng Thiên thành Thăng Long). Ngay hôm đó ông truyền cho phụ lão và nhân dân trong trang tu sửa đền miếu, làm cho nghiêm trang. Ông bày tiệc mời phụ lão nhân dân Ninh Sơn đến. Đang lúc yến tiệc bỗng thấy trời đất nổi lên một đám mây vàng lớn, hình như dải lụa đỏ từ trên trời rơi thẳng xuống trước miếu. Lại thấy ông theo mây mà đi, tức hóa vậy. Khi đó là ngày mùng 10 tháng 8 giờ Ngọ. Nhân dân kinh sợ bèn làm lễ dâng biểu tấu lên triều đình. Vua sai quay về làm lễ tế, lại cho trang Ninh Sơn làm nơi hộ nhi để phụng thờ.

Đến khi Cao Biền đánh Nam Chiếu có hiển linh phù trợ. Biền cho tu sửa miếu đền để thờ. Từ đó trở thành thường lệ.

Đến thời Tống niên hiệu Thái Bình sai Hầu Nhân Bảo dẫn 20 vạn quân, thủy bộ cùng tiến, chia đạo xâm chiếm nước Nam. Khi ấy Lê Đại Hành tự dẫn đại quân mười vạn chống cự, tiến đến huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên thì gặp đạo quân thủy tiến đến. Đế bèn đóng quân ở bên bến sông. Đêm đó cần khấn ở đền thần để thần âm phù dẹp giặc Hầu, sẽ phong thêm là Trung đẳng phúc thần. Rồi vua xuất chiến, quân Nguyên quả nhiên thua, tướng Nhân Bảo cùng quân tùy tùng đều giết ngay. Lại bắt được đại tướng Biện Phụng Huân, dẫn về kinh, khải hoàn. Sau đó khi đãi tướng sĩ nhân đó nói rằng:

-  Giặc Nguyên dẹp sạch cũng có thần trợ giúp vậy.

Bèn phong thêm cho bách thần. Phong Lý Trọng Tế thế Hộ quốc Khang dân Phù vận Dương võ Bảo cảnh Hiển ứng Anh linh Hùng kiệt Đại vương. Màu áo hồng đỏ khi làm lễ đều cấm.

Lại nói, từ đó về sau có nhiều linh ứng, nên có nhiều đế vương phong thêm mỹ tự. Thời Trần Thái Tông giặc Nguyên đến xâm phạm, kinh thành bị vây hãm. Trần Quốc Tuấn vâng mệnh cầu đảo bách thần ở các đền. Qua một đêm Đại vương đã có hiển ứng, âm phù. Đến khi dẹp được giặc Mã Nhi, Thái Tông bèn bao phong mỹ tự là Linh ứng Anh triết Hiển hữu.

Đến khi Lê Thái Tổ khởi nghĩa dẹp giặc Minh Liễu Thăng, rồi có được thiên hạ, Thái Tổ bèn phong thêm là Phổ tế Anh linh. Sắc chỉ ban cho trang Ninh Sơn tu sửa đền miếu để thờ phing. Tốt thay! Lành thay!

Vâng khai sinh hóa các lễ và các húy tự nhất thiết cấm là Phụng, Thanh, Trọng. Đồng ý cho trang Ninh Sơn phụng thờ.

Ngày sinh thần là mùng 9 tháng Giêng. Lễ chính dùng trên là cỗ chay, dưới là cỗ trâu, xôi, rượu, bánh dày, ca hát, đấu vật các trò, ba ngày thì ngừng.

Ngày hóa là mùng 10 tháng 8. Lễ chính dùng trên là cỗ chay, dưới là trâu đen, xôi, rượu, bánh dày.

Niên hiệu Thành Thái năm thứ 10 tháng 3 nhuận ngày 19 xã Ninh Sơn vâng sao chính bản từ chính thể có niên hiệu Hồng Phúc năm thứ nhất của Hàn lâm bộ Lễ Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính đã vâng soạn, niên hiệu Vĩnh Hữu thứ 6 Quản giám Bách linh Tri điện Hùng lĩnh Thiếu khanh Nguyễn Hiền chính bản cũ.

Xã Ninh Sơn vâng sao chính bản sự tích.

Lý trưởng Nguyễn Huy.

1 comment:

  1. Ở đây Lý Ông Trọng lại là Triệu Việt vương. Bối rối nhỉ!

    ReplyDelete