Wednesday, January 3, 2024

Bảy quận núi sông nước Nam

 Hậu Hán thư ghi: Năm Nguyên Đỉnh thứ 5 (112 TCN) đời Hán Vũ Đế bèn diệt Nam Việt chia đặt thành 9 quận, do Thứ sử Giao Chỉ lĩnh lấy, trong đó 2 quận Châu Nhai, Đạm Nhĩ trên bãi ngoài biển. 9 quận chia ra từ nước Nam Việt cụ thể là nằm ở đâu?

Đến thời Sĩ Nhiếp thì Giao Châu chỉ còn 7 quận: Giao Chỉ, Cửu Chân, Hợp Phố, Thương Ngô, Uất Lâm, Nhật Nam, Nam Hải, gọi là "thất quận sơn hà", thường được nhắc đến trong các thần tích về nước Nam. Như thế rõ ràng 2 quận Châu Nhai và Đạm Nhĩ không thể nằm ở đảo Hải Nam, mà là vùng đất xa hơn về phía Bắc giáp biển.

Châu Nhai vốn là tên của đảo Đài Loan như được ghi trên tấm bia bài minh Mộ Chí tiến sĩ Thái Đình Lan của Lâm Hào đời nhà Thanh soạn: “Miền Chu Nhai hoang phục xa xôi,  đất Quỳnh Sơn tích học, khởi nghiệp." Do đó quận Châu Nhai phải là vùng tỉnh Phúc Kiến ngày nay.

Đạm Nhĩ tương tự sẽ là vùng Chiết Giang, nơi nhà thơ Tô Đông Pha từng đi lưu đày và làm bài thơ Cư Đam Nhĩ. 2 quận Châu Nhai và Đạm Nhĩ tương ứng là đất Mân Việt vào đầu thời Tây Hán. Do Mân Việt phục tùng nước Nam Việt nhà Triệu nên khi Hán Vũ Đế chia đất Nam Việt đã tính cả vùng đất Mân thành 9 quận.

Vị trí quận Nam Hải khả dĩ nhất là vùng Quảng Đông, không gây tranh cãi nhiều. Còn Hợp Phố là phía Nam Quảng Tây, nơi ngày nay vẫn còn địa danh huyện Hợp Phố. Uất Lâm hay Quế Lâm là phía Bắc Quảng Tây, nay còn thành phố Quế Lâm giáp với Hồ Nam. Quận Thương Ngô nằm gần với đất Mân Việt nên thuộc vùng Giang Tây ngày nay.

Vấn đề còn lại là 3 quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam thời Tây Hán nằm ở chỗ nào?

Quận Cửu Chân theo Truyện Nhâm Diên trong Hậu Hán thư thì giáp với Dạ Lang, mà Dạ Lang nằm ở Quý Châu. Theo Thái Bình hoàn vũ ký thì quận Cửu Chân Bắc giáp Ba Thục, Đông giáp Uất Lâm, Tây giáp Tường Kha, Nam giáp Nhật Nam. Ba Thục chính là đất Dạ Lang ở Quý Châu (không phải Xuyên Thục là Tứ Xuyên). Tường Kha là tên khác của Tượng quận, thuộc Vân Nam. Suy ra Cửu Chân nằm ở quãng phía Tây của Quảng Tây, giáp với Vân Nam.

Quận Nhật Nam là một quận mới xuất hiện khi Hán Vũ Đế chia Nam Việt thành 9 quận, vì trước đó thời nhà Triệu chỉ thấy nói đến cử người đến quản Giao Chỉ và Cửu Chân. Nhật Nam lúc này không ở vùng miền Trung Việt vì nó được biết là giáp với quận Cửu Chân ở trên.

Đặc biệt bản thần tích ở đất Thái Bình về bà Vương Chiêu Quân thời Hán Nguyên Đế cho một thông tin hết sức lạ: cha của bà là Vương Thức, người trang Bát Đồn (ở Thái Thụy, Thái Bình) làm Thái thú quận Lâm Ấp ở Nam thổ. Có thể thấy Lâm Ấp đây chính là chỉ quận Nhật Nam thời Tây Hán. Vị trí quận này khi đó bao gồm vùng tỉnh Thái Bình.

Bài vị Thái thú Vương Thức ở đền thờ bà Chiêu Quân tại thôn Diêm Tỉnh, Thụy Dũng, Thái Thụy, Thái Bình.

Từ thông tin này có thể đi đến nhận định rằng Giao Chỉ là phần phía Đông vịnh Bắc Bộ. Còn quận Nhật Nam như thế sẽ là phần Tây Bắc và một phần Bắc Trung Bộ Việt. Sự phân chia này còn thấy sau đó khi Sĩ Nhiếp cai quản vùng phía Đông Nam, Mạnh Hoạch chiếm giữ vùng Tây Bắc. Ranh giới Đông Tây lúc này theo truyền thuyết là bãi Quân Thần ở Thượng Cát - Từ Liêm. Nói cách khác quận Giao Chỉ thời nhà Triệu tới thời Tây Hán đã được tách thành 2 phần Tây Bắc và Đông Nam, là Giao Chỉ và Nhật Nam. Lý do sự chia tách này là bởi vùng phía Tây là địa bàn của hậu quân nhà Triệu Nam Việt chống lại nhà Tây Hán, được biết trong sử Việt với tên gọi Tây Vu Vương, hoặc sau đó là khởi nghĩa của Hai Bà Trưng ở Phong Châu phía Tây.

Việc xác định quận Giao Chỉ và Nhật Nam vào thời Tây Hán là 2 vùng Tây Bắc và Đông Nam nước ta là một nhận định mới, liên quan đến nhiều sự kiện lịch sử trong thời gian tiếp theo. Ví dụ như sự kiện Khu Liên, con một công tào địa phương đã nổi dậy ở Lâm Ấp. Rõ ràng Lâm Ấp lúc này gồm cả miền Bắc Việt, chứ không không chỉ là ở miền Trung.

Tiếp nữa là việc Sĩ Nhiếp có bố là Sĩ Tứ, vốn là Thái thú quận Nhật Nam thời Hán Hoàn Đế. Với việc xác định Nhật Nam là vùng phía Đông Nam miền Bắc nước ta thì việc Sĩ Nhiếp nối tiếp vị trí Thái thú Nhật Nam của cha là rất hợp lý. Nếu quận Nhật Nam lúc này mà ở tận Nam Trung Bộ thì làm sao Sĩ Nhiếp lại trở thành Thái thú ở miền Bắc?

Rồi còn những chuyện như thời Lý Nam Đế giặc Lâm Ấp vào xâm chiếm. Tả tướng Triệu Quang Phục được cử đi dẹp Lâm Ấp... Rõ ràng Lâm Ấp lúc này ở ngay cạnh khu vực miền Bắc nước ta chứ không phải ở tận miền Nam Trung Bộ, muốn đánh ra Bắc còn phải qua Bình Trị Thiên rồi Thanh Nghệ.

Một lý do nữa để xác định quận Nhật Nam - Lâm Ấp là Tây Bắc và Bắc Trung Bộ Việt là tư liệu về Truyện Nam Chiếu. Nước Nam Triệu, sau đổi là Nam Chiếu, là hậu quân của nhà Triệu Nam Việt, khi rút vùng Bắc Bộ đã chiếm cứ chính vùng Tây Bắc và Bắc Trung Bộ. Rất có thể cái tên Nam Chiếu cũng đã tương đương với Nhật Nam.


Vị trí các quận phía Nam thời Tây Hán. 
Chữ trắng là địa danh ngày nay. Chữ vàng là tên các quận thời Tây Hán. Chữ màu cam là tên quốc gia.

No comments:

Post a Comment