Wednesday, January 10, 2024

Ngọc phả Tiền Lý Nam Đế, Đức Vua bà cùng con gái Đàn Bang

Thần tích thôn Đại Phúc, xã Đạo Đức, huyện Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, có đối chiếu với ngọc phả của làng Kim Thanh, Tiến Thắng, Mê Linh, Hà Nội. 

Ngọc phả ghi chép về ba vị bản thuộc thành hoàng (bản thuộc nghĩa là nước ta, thành hoàng nghĩa là ? ?  thành hoàng), sau đổi là Quốc vương [Thiên tử Tiền Lý Nam Đế], Đức Vua Bà cùng con gái Đàn Bang

Chi Càn, bộ đế vương thứ nhất. Chính bản bộ Lễ quốc triều

Xưa đất Việt định vị Càn Khôn, một phương Ly Khảm phân giới hạn tại Sách trời, là ứng hướng các sao Dực, sao Chẩn. Ban đầu xưng là nước Lạc, tôn núi Tản sông Lô là sơn hà. Từ triều Hùng đổi vận, thánh tổ dựng cơ đồ tương truyền 18 đời hơn 2000 năm thịnh trị, đời đời cha truyền con nối đều xưng là Hùng Vương. Ngọc lụa, xe sách, núi sông một dải, chính là tổ đất Việt ta vậy.

Đến nhà họ Hùng truyền 18 đời mới nhường ngôi báu cho Thục An Dương Vương. Dương Vương được nước trong 50 năm thì có người Chân Định họ Triệu tên Đà cất quân đến xâm chiếm. Nhà Thục mất. Triệu Đà được nước, cha truyền con nối 5 đời làm vua. Từ đó đất Việt ta thuộc vào Hán cùng Tấn, Tống, Tề, Lương. [Đến Lương Võ Đế cho] Tiêu Tư làm Thái thú đất Việt ta. Tư là kẻ tham tàn bạo ngược, nặng hình pháp. Sinh dân đất Việt ta rơi vào cảnh lầm than chưa từng có vậy. May thay, lòng người không muốn cảnh loạn, ý trời cũng cho thay đổi nên thanh bình. Sông núi nước Nam vua Nam ở, chính đúng là như vậy.

Trước đó có một nhà họ Lý, vốn là người Bắc Hán di cư đến Việt ta ở đất Long Biên, Thái Bình, được 4 đời tới Lý Công Quang sống ở bến Thái Bình, lấy việc chèo thuyền đưa người qua sông làm nghề nghiệp. Gặp ai cũng chở mà không đòi hỏi lấy tiền. Địa phương nơi đó đều gọi là người có lòng tốt bụng vậy.

Sau này có một thuyền khách buôn phương Bắc đi qua đây, chẳng may gặp gió lớn nổi lên, của cải đều mất cả. Ông xuất tâm cứu giúp, dẫn về nhà nuôi dưỡng. Trong số các khách phương Bắc có một người tên là Lý Sinh, tinh thông địa lý, xem được một thế cục ở núi Ất Lý tại Long Biên, có thể phát 2 đời làm vua Nam Việt, sau khi mất còn là phúc thần vạn đời. Thấy Công Quang cũng mang họ Lý, lại có lòng tốt nên tìm cho một huyệt để chôn táng trên đỉnh núi Ất Lý, dựa Đinh hướng Quý. Chôn xong thì người khách trở về nước phương Bắc.

Sau Công Quang sinh được Công Đạt. Công Đạt có vợ tên là Lã Thị Hương, gia thế vốn giàu mạnh. Vợ chồng đều rất trung hậu, nửa điểm không có ý hại người, chút lợi cũng không động lòng riêng. Một tối Lã Thị nằm mộng thấy tự nhiên bay lên trên trời, muốn xuống mà không được, rồi lại có một con rồng vàng, mà cưỡi để hạ xuống, nhổ một chiếc râu rồng mang về nhà. Bỗng nhiên tỉnh lại. Từ đó cảm mà có mang thai.

Mùa xuân năm sau đó ngày 11 tháng giêng sinh hạ được một người con trai, phong thái chỉnh tề, khí chất khôi ngô, vượt hơn người thường rất nhiều. Đang lúc sinh có khí lành bao phủ, hương thơm ngào ngạt. Sinh được trăm ngày thì người cha đặt tên là Lý Công Bôn. Quả nhiên Hoàng thiên không phụ, đất lành hưng vượng, sông biển đúc thiêng, núi sông nuôi dưỡng. Ông khi sinh đã có tính linh, tròn tuổi đã biết nói, 5 tuổi đã hiểu âm luật. Đến năm 7 tuổi thì chẳng may cha bị bệnh mất. Ông tuy còn nhỏ nhưng lanh lợi, đối với cha mẹ thì hiếu kính, với họ hàng làng xóm thì ôn hòa, ai cũng đều khen ngợi. 

Đến năm 16 tuổi ông làm quan cho nhà Lương. Năm 21 tuổi trở về nuôi dưỡng mẹ. Khi ấy Tiêu Tư có một người mưu sĩ tên là Chu Năng, thạo việc xem thiên văn, thường nói với Tiêu Tư là:

- Nước Nam có một người lạ, nhưng người này không được thọ lâu.

Tiêu Tư cười rằng:

- Lạ mà không thọ thì lạ làm gì.

Một hôm Tiêu Tư ở trong nhà, mơ màng như mộng, thấy có một thiếu niên tự xưng là Ất Lý bản thuộc, tay cầm song kiếm đuổi Tiêu Tư mắng rằng:

- Đất của ngươi là nước phương Bắc. Hãy trả lại nước Nam nơi đây của ta.

Tiêu Tư trong mộng chạy dài cho tới lúc thoát. Bỗng nhiên bàng hoàng tỉnh dậy, biết là nằm mộng. Bèn gọi Chu Năng đến giải giấc mộng đó. Chu Năng nói:

- Thần đã xem sao trên trời và báo với chúa công, nhưng chúa công không chú ý. Nay chúa công đã mộng thấy như vậy, tất là trời cho điềm báo trước. Sự thể như vậy, thần xin được đi vi hành thăm dò tình hình mà định kế.

Tiêu Tư đồng ý như thế. Thế là Chu Năng chọn một người tùy tùng xem hướng mây mà đi. Hai tháng sau đi đến Long Biên, quả nhiên thấy một ngọn núi có tên là Ất Lý. Chu Năng xem xét nơi đó thấy địa linh tất sinh nhân kiệt. Ngẩng mặt lên xem mây trên trời bỗng thấy hoa mắt, hôn mê, trong lòng đau đớn, nôn ra máu, ngã ra mà chết. Đó chính là sơn thần muốn giúp Lý Bôn nên đã đánh chết Chu Năng. Câu chữ để đời là:

Nam quốc sơn hà khai thái vận

Thiên tâm giáng phúc thái bình quân.

Dịch là:

Núi sông nước Nam mở vận lớn

Lòng trời giáng phúc vua thái bình.

Chu Năng bị sơn thần đánh chết, còn người tùy tùng chạy về nói với Tiêu Tư. Tiêu Tư bèn dẫn thủ hạ hai trăm người thẳng đến Long Biên, bắt hết già trẻ, nam nữ. Hôm ấy mẹ con Công Bôn cùng họ hàng hơn 20 người may mắn thoát được, chạy ra bên ngoài. Anh Bắc em Tây, ẩn trốn nơi đất khách. Mẹ con Công Bôn không biết phải chạy về nơi nào, cứ liên tục chạy qua mấy ngày, trong người mệt mỏi bèn vào nghỉ nơi miếu ở bên đường, rồi ngủ thiếp đi. Bỗng nhiên nằm mộng thấy một người thân mặc áo xanh, tay cầm cờ vàng, tự xưng là sử giả nhà trời, quỳ xuống mà đọc rằng:

Quân kim nghi tẩu Sơn Tây đạo

Tam Đới Châu Diên Táo Tuyến hương

Tiền đắc quang huân đồng tán trợ

Hậu ư thử xứ ức niên hương.

Dịch là:

Nay vua nên đến Sơn Tây đạo

Phủ Tam Đái, Táo Tuyến, Chu Diên

Trước được ánh quang cùng trợ giúp

Sau đó là nơi thờ vạn niên.

Công Bôn tỉnh lại, nhớ lại bài thơ thần báo mộng rõ ràng. Sơn Tây, Tam Đái thì đã từng nghe, nhưng Táo Tuyến, Chu Diên thì không biết là nơi nào. Nhưng nghĩ rằng đã có sự hiển báo, tất sẽ có âm phù. Bèn dẫn mẹ là Lã thị tìm đường mà đi. Không đến mấy ngày quả nhiên đến được trang Táo Tuyến, huyện Chu Diên, phủ Tam Đái, đạo Sơn Tây.

Đang khi đó trang Táo Tuyến có ông Triệu Quang Hành trụ trì chùa ở làng đó. Ông Quang Hành tuổi đã gần 60, sống cùng với một người cháu tên là Quang Phục. Đêm hôm ấy [Quang Phục nằm mộng thấy Long thần của chùa đến bảo trụ trì phải quét dọn cửa chùa sạch sẽ vì ngày mai sẽ có mẹ con của quốc vương đến. Quang Phục chợt tỉnh dậy thì trời đã rạng sáng, bèn đem việc trong mộng nói cho người bác nghe. Ông Quang Hành bèn sai đồ đệ quét dọn sạch sẽ. Đến giờ Ngọ quả nhiên có mẹ con Công Bôn đến xin nghỉ nhờ.]

Ông Quang Hành thấy Công Bôn là người có tướng lạ, bèn mời mẹ con ông cùng về ở, bố trí riêng một phòng, cho Quang Phục đến phục vụ. Khi ấy Công Bôn 23 tuổi. Quang Phục 11 tuổi. Thật là đã có vua tất có thần tử. Quân thần hợp nhau như cá nước có duyên. Lúc xem võ bị, lúc đọc binh phù, có hùng tài mưu văn lược võ, có chí lớn như Hán Cao Tổ, Đường Thái Tông. Ngày đêm tính kế, làm việc vì đất nước, chiêu dụ các hào kiệt dẹp loạn cứu dân.

Khi ấy ở bên kia bờ sông đối diện Táo Tuyến có một làng, tên là Đông Lỗ, thấy Công Bôn có lòng như Thôi Đới, nên cứ mỗi tháng hai lần lại đem rượu thịt đến dâng, cùng nói rằng kẻ nước Bắc tàn nhẫn, quý ông có chí dẹp trừ, thần dân đều xin được làm thủ hạ.

Từ đó ông thường đến Đông Lỗ, xem xét địa thế, thấy cùng với trang Táo Tuyến đều không phải đất dụng võ, bèn rút về Long Biên cùng hội quân với anh họ là Lý Phật Tử, gửi hịch đi các nơi phủ huyện kêu gọi hào kiệt đồng tâm dựng nước, vì nghĩa dẹp tàn. Sau này nếu yên định được sẽ cùng hưởng phúc thanh bình. Khi ấy các chi binh mã đến ứng mộ cộng được hơn ba vạn người. Bèn lấy Triệu Quang Phục làm Tả tướng, Lý Phật Tử làm Hữu tướng. Trong vòng ba bốn năm đuổi được Tiêu Tư về Bắc, dẹp sạch bụi trần bốn phương, khôi phục núi sông nước Nam. Công Bôn bèn lên ngôi, tự xưng là Lý Nam Đế, đóng đô ở Long Biên, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân.

Khi đó nội cung của Đế có 1 Hoàng hậu, 6 quý phi, 70 cung tần. Một hôm Đế xa giá đi tuần du ở Nam Hải gặp một người con gái tuổi khoảng ngoài 20, hình dung nhan sắc tựa như Hằng Nga trên trời. Đế tự nghĩ đây là tiên giáng, là phong nữ hay là kiều hoa, sao ở chốn này lại có người như vậy.  Bèn gọi lại trước mặt mà hỏi. Người con gái ấy đáp rằng:

- Thiếp vốn là người Nam Hải, nhà ở chốn này. Khi thiếp lên 3 tuổi, cha mẹ đều mất, nên không biết tên họ như thế nào. Đến năm 10 tuổi trước đây có một ông lão đầu bạc từ biển đến nói rằng thiếp khi ngoài 20 tuổi sẽ gặp được đấng quân vương. Nay thiếp đã tròn 22 tuổi, gặp được thiên nhan, tất là lão ông đầu bạc chính là bậc chân tiên vậy.

Đế nghe vậy vô cùng thích thú bèn cùng về triều, nhân nàng là người Nam Hải nên đặt tên là Nam Hải nương, lập làm Đệ nhất cung phu, tình yêu quý ngày càng thêm sâu sắc.

Khi ấy Đế ở ngôi được 3 năm, chỉ có Hoàng hậu sinh được hai người con gái, không có con trai. Một hôm Đế cùng với Hoàng hậu và các quý phi, cung tần hơn 20 người đi vãng du các danh lam thắng cảnh, cầu đảo mà vẫn chưa được linh nghiệm. Bèn ở trong cung, ngày đêm thắp hương đến các chư Phật trên trời giáng cho điều lành, cùng bách thần sơn thủy sớm ứng cho điềm tốt, sinh được người kế nối.

Đến đúng đêm Trung thu tháng 8 Đế cùng với Hoàng hậu, quý phi, cung tầm ngắm trăng. Đế bỗng nhiên thấy tâm thần mỏi mệt, bèn dựa án mà nằm, mơ màng thiếp đi, thấy mình cùng với cung phi Nam Hải nương cùng đến một nơi có đền đài nguy nga, quan hầu vô số, nghênh đón Đế cùng cung phi Nam Hải vào ngồi trên lầu cao. Trước mặt có một cuốn sách đỏ, bèn mở ra xem, thấy đều là chuyện các đời đế vương, lời lẽ tươi đẹp. Ở cuối chương có bốn câu rằng:

Thất niên chủ tể tác Nam giang

Thiên sổ an bài nữ hữu tam

Hoàng hậu quý phi giai nhất tuế

Cung phi Đông Lỗ dữ Đàn Bang.

Dịch là:

Bảy năm làm chủ ở Nam giang

Số trời an định nữ ba nàng

Hoàng hậu, quý phi cùng năm mất

Cung phi Đông Lỗ với Đàn Bang.

Đế lật lại muốn xem kỹ thì bỗng nhiên tỉnh giấc. Nghĩ lại bài thơ trong mộng không khỏi lấy làm lạ. Khi ấy có vị quý phi thứ ba là người động Hoa Lư, phủ Trường An, châu Ái, tên là Hoàng Thị Chung, gả cho Đế từ khi 21 tuổi, đến nay đã được 27 tuổi. Đêm hôm đó nằm mộng thấy một ông lão dắt đến một con rồng và nói rằng:

- Con rồng này là con rồng cái. Nương tới giờ vẫn chưa sinh nở nên ta ban cho con rồng cái này, tất sẽ sinh được.

Quý phi tỉnh lại đem việc trong mộng tâu lên. Đế nghe vậy nói rằng:

- Rồng cũng có rồng cái sao? Quả nhiên rồng cái là điềm sinh con gái. Cứ như mộng này tất sẽ sinh ra con gái.

Từ đó thấy quý phi mang thai, đến kỳ quả nhiên sinh hạ được một người con gái. Đế nhân giấc mộng của quý phi bèn đặt tên là Rồng Nương, như là ý trời vậy, mệnh Mão. Rồng Nương sinh được 5 tháng thì mẹ đẻ Hoàng Thị bị bệnh mà mất. Còn Hoàng hậu cùng với 5 vị quý phi cùng trong một năm đều qua đời. Đế đem người con Rồng Nương giao cho cung phi Nam Hải phu nhân tìm nhũ mẫu để nuôi. Nam Hải nương mười phần yêu thương như con mình sinh ra vậy.

Khi Rồng Nương được hơn 2 tuổi, Lương Võ Đế lại sai Bá Tiên, Dương Sàn cất quân đến đánh. Đế đánh trận gặp bất lợi nên lùi về ở động Khuất Liêu, rồi bị mắc bệnh đau dạ dày, phong khí nhập vào trong tâm can, không thể làm gì được. Mệnh Đế chỉ còn trong ngày đêm, nhìn quanh chỉ thấy cung phi Nam Hải nương ôm con gái Rồng Nương cùng với mấy người Đông Lỗ, huyện Chu Diên, phủ Tam Đái đứng hầu. Đế lấy trong túi riêng 40 lạng vàng, đem chia đều thành hai phần. Một phần cho cung phi Nam Hải, một phần ban cho người ở Đông Lỗ, rồi dặn rằng:

- Trẫm nay bị bệnh rất nặng, vạn phần sẽ mất. Duy chỉ muốn người con gái út Rồng Nương cùng với cung phi Nam Hải giao phó lại nhờ các ngươi. Sau khi Trẫm mất, các ngươi hãy dẫn trở về quê của các ngươi để nuôi dưỡng.

Lại nhân đó nói với Nam Hải nương rằng:

- Ta bất hạnh không có con trai, chỉ được ba người con gái. Hai người đã đều có nơi chốn, chỉ còn lại người con út cho nàng làm mẹ. Sau khi chôn cất ta xong mẹ con nàng hãy về ở Đông Lỗ.

Nói xong thì Đế băng hà vậy (khi đó là mùng 8 tháng 10). Nam Hải nương khóc lóc động trời, nhưng sự thể không thay đổi được. Bèn cùng với Lý Phật Tử, Triệu Quang Phục làm lễ chôn cất. Sự xong Lý Phật Tử vào động Dã Năng, Triệu Quang Phục về đầm Nhất Dạ. Nam Hải nương theo lời di chúc đem con gái út Rồng Nương cùng người Đông Lỗ trở về Đông Lỗ. Người Đông Lỗ đó kể lại rõ ràng việc Đế cho vàng và di chúc lại với phụ lão nhân dân. Vị Nam Hải là cung phi của Đức vua ông Lý Nam Đế. Rồng Nương là con gái út của Đức vua ông. Nhân dân nghe lời không khỏi cảm động, bèn lập một ngôi miếu nhỏ, viết thần hiệu Đức Vua Ông Lý Nam Đế để phụng thờ. Từ đó nhân dân tôn gọi Nam Hải là Đức Vua bà, gọi Rồng Nương là Đức Vua con, hiệu là Ả Toát, mà không gọi tên.

Từ đó cung phi Nam Hải cùng với Rồng Nương sống ở Đông Lỗ, khuyến khích nghề cấy trồng dệt vải, tạo điều tiện lợi, trừ dẹp điều hại, thật là có nhiều công lao với dân vậy. Đến khi Rồng Nương lên 14 tuổi thì xuất gia ở trong chùa Đông Lỗ thờ Phật, cải tên là Đàn Bang.

Khi ấy Triệu Quang Phục trở về ở Dạ Trạch, có được móng rồng để trên mũ đâu mâu, hướng vào đầu thì khắc chế được nơi đó, là điềm trời ứng vậy, bèn tự lập là Triệu Việt Vương. Bèn lệnh các tô thuê và phục dịch của Đông Lỗ làm bổng lộc cho cung phi Nam Hải nương cùng với Ả Toát Rồng Nương Đàn Bang. Đến khi Nam Hải nương 50 tuổi, Rồng Nương 27 tuổi thì đều không bệnh mà mất. Nhân dân Đông Lỗ dâng tấu lên Triệu Việt Vương. Vương dùng lễ hậu sai cùng đón về quê Đế ở Thái Bình, chôn cùng với Đế một nơi. Chôn cất xong nhân dân Đông Lỗ trở về, nhớ đến công đức bèn viết thần hiệu Đức vua bà Lý Nam Đế cung phi Nam Hải phu nhân, Đức vua con Lý Nam Đế con gái út tên Ả Toát Rồng Nương Đàn Bang tôn thần, mà lập các miếu để phụng thờ.

Thời Việt Vương có truy tặng mỹ tự Ngọc bệ hạ. Hậu Lý Nam Đế cũng truy tôn mỹ tự Chí Di [Quốc vương Thiên tử Ất] Lý Nam Đế v.v. Thời Tùy Văn Đế cho Lưu Phương làm Thái thú đất Việt ta. Lưu Phương đến đất Việt tới đền Đông Lỗ, giáng Đế xuống là Nam Giang Đại vương, nhưng vẫn cho Đông Lỗ phụng thờ.

Nhân dân vâng ghi:

Vâng chép sinh hóa các tiệc cùng với các chữ húy nhất thiết cấm là năm chữ Bôn, Nam, Hải, Rồng, Nương.

Ngày sinh của Đế là 11 tháng Giêng, dùng lợn đen, xôi, rượu, ca hát.

Ngày hóa là mùng 8 tháng 10, dùng cỗ trâu, xôi, rượu.

Ngày sinh của vị Nam Hải không rõ. Ngày hóa là 20 tháng 3, dùng gà, lợn, xôi, rượu.

Ngày sinh của Đức Vua con là mùng 10 tháng 8. Ngày hóa là 20 tháng 2.

Hoàng triều niên hiệu Hồng Phúc năm thứ 9 ngày tốt tháng cuối xuân, Hàn lâm viện Đông các Học sĩ, thần là Nguyễn Bính vâng soạn.

Hoàng triều niên hiệu Vĩnh Hựu năm thứ 2, ngày tốt tháng đầu thu, Quản giám bách thần Tri điện Hùng lĩnh Thiếu khanh, thần là Nguyễn Hiền tuân theo bản chính mà vâng chép.

Một trang ngọc phả thôn Đại Phúc.


No comments:

Post a Comment