Thursday, October 19, 2023

Hai vị nữ chủ của người Việt cổ

Nếu không kể đến những vị mẫu chủ thời kỳ huyền thoại như mẫu Tây Thiên, mẫu Thần Long Động Đình, mẫu Âu Cơ, mẫu Ma Thị Cao Sơn thì sử Việt còn kể đến những vị nữ thủ lĩnh thiên hạ khác, với công tích, sự nghiệp cũng rất hiển hách, không kém gì các vị đế vương.

Ân Hậu Ma Cô Tiên

Vị nữ thủ lĩnh rất cổ được biết là từ thời nhà Ân. Truyện Giếng Việt trong Lĩnh Nam chích quái kể thời Tần, Thôi Vĩ ở chân núi Trâu Sơn đã đến Ân Vương thành, được Ân Hậu tiếp đãi, rồi được Ma Cô Tiên ban cho phúc lộc ra về. Ma Cô Tiên đã trở thành vị phúc thần, thọ thần phổ biến trong văn hóa truyền thống, thường được thể hiện trong bức vẽ Ma Cô hiến thọ.

Ở chùa Ma Cô Tiên tại làng Châu Cầu, xã Châu Phong, Quế Võ, Bắc Ninh còn có tấm bia Thánh Tổ Cô Tiên tự bi ký, cho biết Ma Cô Tiên được tôn xưng là Thánh tổ tại đây. Sắc phong của làng Châu Cầu gọi bà là Thiên tiên Thánh mẫu Đệ nhất Cửu trùng Công chúa.

Ân Hậu Ma Cô Tiên cũng chính là Bạch Kê tinh trong truyền thuyết ở chân núi Ma Lôi (núi Sái, Đông Anh) khi An Dương Vương xây thành Cổ Loa. Mẫu Bạch Kê còn được thờ trên núi Thất Diệu (Yên Phong, Bắc Ninh) gần đó với sự tích là một công chúa con vua Hùng. Cũng ở vùng này còn có sự tích các Cô tiên đã giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa nhưng không thành.

Câu đối ở đền mẫu Bạch Kê:

Hồng Lạc di phong trang thể thế
Tiên Long dư duệ khải hồng cơ.

Nghĩa là:

Hình thể trang nghiêm, di dấu từ Hồng Lạc
Cơ đồ to lớn, dòng dõi vốn Tiên Rồng.

Ma Cô Tiên còn hiển linh dưới thời Hai Bà Trưng, giúp các vị nữ tướng của Trưng Vương. Như ở Bồng Mạc, Liên Mạc, Mê Linh bà đã tặng cho các tướng Ả Nang, Ả Nương chiếc áo tảng hình để chống giặc. Trong các sự tích này bà được gọi là Ma Bà.

Ma Bà ở Phùng Dị, Quế Võ, Bắc Ninh

.

Thánh Tổ Cô Tiên tự bi ký ở chùa Châu Cầu, Châu Phong, Quế Võ, Bắc Ninh.

Nhự Nương Trình Thị Hoàng Hậu

Vị nữ chủ công nghiệp hiển hách khác là bà Trình Thị Hoàng Hậu, vợ của vua Triệu Đà. Văn tế ở đền Đồng Sâm (Kiến Xương, Thái Bình) ca ngợi:

Huy nguyệt phủ nhi hùng, kiêm thất quận đế thuỷ Viêm bang
Hoành ngọc thoa nhi nghi, biểu lục cung mẫu nghi thiên hạ.

Dịch nghĩa:

Vung búa nguyệt hào hùng, gồm thâu bảy quận, là Đế mở Viêm bang
Nâng thoa ngọc uy nghi, biểu chính sáu cung, là Mẫu nghi thiên hạ.

Ở Đồng Sâm có lễ tục hát ca trù là lễ Chầu Cử vào ngày giỗ của Triệu Vũ Hoàng Đế. Tư liệu của đền Đồng Sâm còn lưu lại được 8 bài ca trù chầu thánh và có một bài văn tế tổ nghề ca công. Những tư liệu này đã được đưa vào hồ sơ công nhận của UNESCO cho Ca trù là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp năm 2009.

Lời một bài ca trù ở Đồng Sâm ca ngợi Triệu Vũ Hoàng Đế và Trình Thị Hoàng Hậu:

Cơ khai thất quận, quy mô không thị Hạng Tần
Biểu chính lục cung, nghi phạm viễn đồng Cơ Tự.

Nghĩa là:

Bảy quận mở nền, quy mô không thua Tần Hạng
Sáu cung chính tỏ, khuôn phép sâu như Tự Cơ.

Trình Thị Hoàng Hậu còn được thờ ở làng Nhự Nương (Trực Ninh, Nam Định). Theo thần tích Nhự Nương tại đây bà đã xây dựng căn cứ kháng chiến,  tích trữ quân lương, chiêu dụ anh hùng để chống giặc. Bà cũng đã từng thoát vòng vây của kẻ thù ở khu vực này mà về với Triệu Vương.

Câu đối ở đền Nhự Nương:

Thục thận khuê nghi, thất quận sơn hà tư nội trị
Thanh cao miếu mạo, thiên thu hương hỏa hiển anh linh.

Dịch nghĩa:

Vẻ ngọc thục hiền, non sông bảy quận riêng nội trị
Miếu mạo cao sáng, hương lửa nghìn thu tỏ anh linh.

Tên Nhự Nương còn trùng với tên vị Vua bà Nhữ Nương là Thủy tổ Quan họ ở làng Diềm (xã Hòa Long, huyện Yên Phong, Bắc Ninh). Vua bà có tên phong là: Đương cảnh thành hoàng Thiên tử Nhữ Nương nam nữ Nam Hải Đại Vương. Tên Nam Hải Đại vương, cũng trùng với tên hiệu thờ của Triệu Vũ Đế ở Đồng Sâm, là Nam Hải Tôn ninh Triệu Đại vương. Cụm tên “Thiên tử … nam nữ” tương ứng chỉ rằng đây là cặp vợ chồng làm vua Triệu Vũ Đế và Trình Thị Hoàng Hậu.

Cùng làng Diềm có ngôi đình nổi tiếng có bức cửa võng chạm khắc tinh xảo. Làng Diềm thờ 5 vị thành hoàng là Đô Thống, Giáp Ngọ, Nhữ Nương Nam Hải, thánh Tam Giang (Trương Hống) và Ngũ Vị. Theo ghi chép tại đây thì thánh Tam Giang Trương Hống là vị tướng có công theo Triệu Việt Vương đánh giặc. Thần Nam Hải là một nữ thần đã báo mộng âm phù cho thánh Tam Giang dẹp giặc. Như vậy mối liên hệ về thời gian giữa Vua bà Nhữ Nương Nam Hải với nhà Triệu rất rõ. Có thể nhận định rằng Vua bà Thủy tổ Quan họ Nhữ Nương Nam Hải cũng chính là Trình Thị Hoàng Hậu, người được coi là tổ nghề ca công ở Đồng Sâm.

Cùng với nhận định Triệu Vũ Đế là Hiếu Cao Tổ Lưu Bang thì Trình Thị Hoàng Hậu chính là Lữ Hậu. Trình Thị thiết Trĩ, là tên cúng cơm của bà Lữ Hậu. Lữ Hậu mới là người đã “biểu chính lục cung”, mở đầu các nghi lễ tam cung lục viện từ thời nhà Hiếu (Tây Hán).

Cái tên Nhữ Nương hay Nhự Nương khi đọc phản thiết cho chữ Nữ hay Lữ, là chỉ họ của Lữ Hậu. Nhự Nương Trình Thị do đó tương đương với Lữ Trĩ, không ai khác chính là Hoàng Hậu họ Lữ của nhà Hiếu.

Lữ Hậu còn là bậc “tiền bối” của Ả Lã, tức Trưng Vương vào thời sau này. Truyền thống “nữ trung hào kiệt” của người Việt đã có từ thời trước Công nguyên.


Việc tôn thờ các vị nữ chủ là một truyền thống lâu đời của người Việt và trong sử Việt đã không ít lần xuất hiện những vị nữ chủ hiển hách. Đây hoàn toàn chẳng phải chế độ “mẫu hệ” gì. Đơn giản là thời thế tạo anh hùng, các nữ anh hùng cũng không ngoại lệ. Thiên hạ chuyển mình, xã hội phát triển qua những cuộc “cách mạng”. Vai trò của các nữ chủ nổi lên vào thời thế đó, ngược lại, cho thấy sự tiến triển vượt bậc của xã hội Việt thời cổ.

Tượng Trình Thị Hoàng Hậu ở đền Đồng Sâm, Kiến Xương, Thái Bình.

Một trang chép bài ca trù ở đền Đồng Sâm.



No comments:

Post a Comment