Saturday, August 12, 2023

Thần tích về Triệu Việt Vương ở làng Nhuế Dương, tổng Phù Khê, huyện Khoái Châu, Hưng Yên

Ngọc phả chép về vua Việt ta là Triệu Việt Vương

Chi Càn, thứ nhất, bộ quốc tế

Xưa ngả Việt ta trời Nam mở vận, núi sông phân ngang theo sao Dực Chẩn. Nước Bắc ban đầu phong thẳng hướng phân theo sao Đẩu Ngưu. Từ triều Hùng Kinh Dương Vương thừa mệnh phân phong của vua cha là dòng dõi đế vương nước Việt ta, đời đời cha truyền con nối, đều xưng là Hùng. Ngọc lụa xe sách, núi sông thống nhất, chính là tổ của ngả Việt ta vậy. Đến khi nhà Hùng được 18 đời mới giao lại vận nước cho Thục An Dương Vương. Dương Vương trị nước được 50 năm lại có người Chân Định nước Bắc họ Triệu tên Đà dẫn quân đến đánh nên nhà Thục mất. Triệu Đà được nước truyền 5 đời hơn trăm năm.

Từ đó ngả Việt ta thuộc về Hán, Ngô, Đường, Tống, Tấn, Tề, Lương. Đến thời Lương Võ Đế cho Tiêu Tư làm thái thú ngả Việt ta. Tư là người hình pháp khắc nghiệt, sai dịch nặng nề. Triệu dân tang thương, người người đồ thán. May sao trời có lòng, nước Nam có vua Nam ở. Ngả Việt ta tại Long Biên có người Thái Bình, họ Lý tên là ông Bôn, theo trời thuận người thừa thời thế mà khởi nghĩa. Nhưng đang khi đó chưa có nam nhi nào có tài thao lược. Ông Bôn tích trữ binh lương, thần phong chưa động.

Tin thay! có Thiếu Khang dẹp loạn tất có Thần Mĩ dẹp loạn cùng. Rồng lên ở trên đầm không có ý với mây mà mây tự nhiên bay đến. Đương khi ấy ở xã Hương Canh, huyện Châu Diên, phủ Tam Đới, đạo Sơn Tây có một nhà họ Triệu tên Túc. Tổ tiên nhà đó vốn họ Việt, giúp Triệu Võ Đế (tức Triệu Đà) có công nên được ban cho họ Triệu. Ba bốn đời đều làm quan lớn cho triều Triệu Vũ Đế.  Đến ông Túc cũng là bậc nho y có tiếng trên đời, lấy vợ là Trưng Thị Đàm. Gia thế tuy giàu mạnh nhưng vợ chồng đều là những người trung hậu, nửa điểm hại người đều không có ý, một hào tư lợi cũng không có lòng. Địa phương nơi đó đều nói là nhà tích thiện tất có nhiều điều may mắn.

Một tối trời quang đãng, thái bà nằm ở phòng hoa, mơ màng thiếp đi. Bỗng thấy một ông lão dắt lên trên trời, ôm được một con rồng vàng. Đến lúc trở về nhìn trời lại thấy sao Thái dương rơi vào người Thái bà. Bỗng nhiên tỉnh lại. Đem giấc mộng kể với ông Triệu. Ông nói:

-          Ta xem gia phả các đời của nhà ta có tổ tiên tìm được một nơi đất quý, trước là phát 4 đời công khanh, hơn ba trăm năm lại phát đế vương từ nơi đất đó. Nay nàng nằm mộng như vậy tất con rồng đó là điềm đế vương, lại rơi vào thân, tất sẽ sinh được người con đế vương.

Thế là Thái bà có mang. Từ khi mới mang thai cho đến lúc mãn nguyệt ở nơi Thái bà nằm thường trên mình có vầng ánh sáng đỏ chiếu rọi. Đến năm Giáp Dần ngày 10 tháng 3 thì sinh hạ được một người con trai. Đang lúc sinh khí lành bốc lên, hương thơm ngào ngạt. Sinh được trăm ngày, ông Triệu đặt tên là Quang Phục.

Quang Phục khi 15 tuổi đã có khí tiết lớn, thường than rằng:

-          Là con người trên phải như Hán Tổ, Đường Tông, dưới phải như Tống Dương, Đường Tiết mà lập công nêu danh, chiêu tập nhân dân, tạo nên đức lớn, để lưu danh thơm cho hậu thế. Chứ không thể để lại tiếng xấu trăm năm mà làm uổng phí kiếp sinh ra trong trời đất.

Đến tuổi 20 cha mẹ đều mất, ông bèn làm lễ chôn cất. Trong lúc chịu tang đã âm thầm nuôi chí lạ, trữ lương luyện binh, chiêu nạp chúng bạn, dốc lòng đãi sĩ, hết sức cầu hiền, tập hợp chúng nhân được hơn vạn người. Ông thường nói rằng:

-          Người Bắc Tiêu Tư xâm chiếm nước ta, nếu không đuổi được về Bắc thì chết vì hận vậy.

Sau nghe ông Lý Bôn khởi binh ở Long Biên, anh hùng thiên hạ phần nhiều đến quy phục, ông bèn dẫn chúng quân đến theo. Ông Bôn thấy người này có văn võ dồi dào, có tài an dân ngự chúng, bèn vui mừng nói:

-          Chúng ta đều là ngang sức ngang tài, chỉ tiếc là gặp nhau hơi muộn.

Bèn ngay hôm đó bái làm Tả tướng, cùng với người anh cùng họ là Lý Phật Tư truyền hịch đi các hào kiệt ở các chư phủ huyện, cùng các quan phụ đạo, đồng lòng mở nước, vì nghĩa dẹp hung tàn. Nếu sau này yên định được đất nước sẽ cùng hưởng điều tốt lành. Khi ấy người đến ứng mộ ở các chi quân mã cộng được 20 vạn người. Bèn chia thành các đạo tiến thẳng đến cùng với Tiêu Tư giao chiến một trận, thế mạnh như chẻ tre, oai lớn như đốt củi khô nỏ. Tiêu Tư thua to, chạy về nước Lương.

Ông Bôn lên ngôi, tự xưng là Tiền Lý Nam Đế, đóng đô ở Long Biên, quốc hiệu Vạn Xuân, mở tiệc mừng lớn, rồi phong cho các tướng sĩ các cấp. Bèn phong Lý Phật Tử là chủ bộ Sơn Tây, thực ấp ở Sơn Tây. Triệu Quang Phục là chủ bộ Sơn Nam, thực ấp là Sơn Nam.

Quang Phục vâng mệnh bái tạ, đi đến nhận việc ở Sơn Nam, ngắm xem đất đai có hình thắng hiểm trở để  lập cung doanh mà ở. Một hôm đi đến nơi đất đầu xã Nhuế Dương, xứ Nhất Dạ Trạch, huyện Đông An Khoái Lộ. Bốn bề đất Nhuế Dương, trước có sông lớn, ba mặt đầm nước, núi không cao mà đất bãi như gìn giữ. Nước có sâu mà nguồn giếng êm chảy. Trái phải xung quanh có rồng hổ ôm chầu, thật đúng là nơi đất hiểm yếu. Ngay hôm đó bèn truyền quân xây dựng cung doanh vài mươi gian. Chính cung dựa Càn hướng Tốn. Quang Phục ở đó. Ngày sau gọi phụ lão nhân dân Nhuế Dương đến, khuyến khích nông tang, nam học hành, nữ may dệt, thêm điều tiện lợi, trừ bớt điều hại. Nhân dân Nhuế Dương đều yêu mến, hân hoan.

Được vài năm Đế lại triệu hồi về cùng với họ Lý. Khi đó Quang Phục cùng với Đế Bắc đuổi Tiêu Tư, Nam dẹp Lâm Ấp, đặt nên cảnh thái bình như cuốn sách trâu trắng. Trời tự có số mệnh. Lý Đế ở ngôi được khoảng 10 năm, Lương Võ Đế lại sai Bá Tiên, Dương Sàn dẫn 20 vạn quân sang đánh để rửa mối hận trước đây. Khi ấy Lý Đế đóng quân ở hồ Điển Triệt. Quân Lương không dám tiến gần. Một hôm nước hồ dâng cao chảy vào giữa hồ. Bá Tiên đốc quân theo dòng nước mà tiến. Quân của Đế thua, Đế bèn ủy phó cho Tả tướng Triệu Quang Phục giữ nước, còn mình vào động Khuất Liêu, sau đó ít lâu bị bệnh lam chướng mà mất.

Quang Phục tự thấy Long Biên bốn mặt có giặc, bèn rút hết quân về nơi chốn cũ ở Nhuế Dương, trong đầm Nhất Dạ huyện Đông An mà ở, cùng với quân Lương cự chiến, qua một năm mà không phân thắng thua.

Một hôm Quang Phục lập đàn cầu đảo trời đất bách thần. Được một lúc thì thấy có một ông lão, râu tóc xanh tốt, cưỡi rồng từ trên trời hạ xuống, tháo móng rồng giao cho Quang Phục và dặn:

-          Quốc gia hưng vong là ở số trời. Nay ta cho khanh vật này dùng làm đâu mâu, đặt vào trong lẫy nỏ. Cứ hướng vào đâu là giặc tất phải cúi rạp dẹp ra.

Dặn xong, ông Phục bái hỏi họ tên. Người đó cười nói:

-          Ta chính là Chử Đồng Tử đây.

Rồi lại cưỡi rồng bay lên không mà đi. Quang Phục làm lễ bái tạ, rồi lệnh tạo lẫy nỏ đâu mâu, gọi là thần nỏ vuốt rồng. Một trận đánh đã chém được tướng Lương là Dương Sàn. Quân Lương thua to, chạy về nước Bắc. Quang Phục cho đó là điềm trời bèn lên ngôi, tự lập là Triệu Việt Vương.

Ở cung Nhuế Dương mở tiệc mừng lớn khao hưởng tướng sĩ. Cùng với nhân dân Nhuế Dương ăn uống, lại miễn cho Nhuế Dương binh dong, tô thuế để làm dân thang mộc. Lại cho tiền bạc để mua thêm ruộng vườn để ngày sau giữ hương lửa vậy. Sau Vương sai người cùng quận là Nhã Lang đang là Tạp bộ Đại phu giữ đầm Nhất Dạ, Đông An.

Vương lại về thành Long Biên ở. Trong sửa văn đức, ngoài phòng biên cương, dốc lòng hưng bình để yên Trung Quốc. Cảnh tượng thái bình ở đời rạng rỡ. Bèn xa giá đi chu du khắp thiên hạ. Núi Nhân dạo bộ, biết sông hỏi bến. Núi sông tụ Thần Phù, Yên Tử, Cao Đê, mặt trời hồng, mây trắng, trăng gió cuốn Hoa Quật, Long Biên. Trên dưới núi xanh nước biếc. Phàm đến nơi nào thấy sơn thủy hữu tình đều lập hành cung, cho miễn binh dao để ngày sau làm nơi hộ nhi.

Một ngày nọ lại trở về Nhuế Dương thăm xem cung điện. Khi ấy người ở Nhuế Dương tranh nhau mang trâu rượu đón tiếp, làm lễ mừng lớn. Vương ở lại Nhuế Dương mấy chục ngày rồi lại trở về ở thành Long Biên.

Lại nói, khi ấy tướng cùng tộc với Tiền Lý Nam Đế là Lý Phật Tử thấy Triệu Quang Phục xưng vương, bèn vào động Dã Năng ở 15 năm. Đến khi ấy dẫn quân đến đánh Triệu Việt Vương. Mỗi khi ra trận, Việt Vương lại dùng nỏ thần. Quân Phật Tử đều sợ hãi mà chạy. Trong tướng sĩ của Phật Tử có người hiểu biết nói với Phật Tử rằng:

-          Thần xem Triệu Việt Vương tất nỏ thần có lẫy có thuật lạ. Nếu không lo việc này thì quân ta càng đánh càng thua. Chi bằng hãy treo giáp ngừng quân để dùng mưu mà lấy. Thần nghe nói con gái Triệu Việt Vương là Gạo nương cùng với con của minh công là Nhã Lang xấp xỉ cùng tuổi. Nay có kế này Ngài có thể sai sứ cầu hòa và câu hôn sự. Việt Vương mà đồng ý thì tất sẽ cho Nhã Lang vào Triệu ở rể, rồi tùy ý mà hành động, tất thiên hạ có thể dựng lại về nhà họ Lý vậy.

Phật Tử vui mừng bèn viết thư rồi chọn hậu lễ thỉnh hòa và cầu hôn. Triệu Vương nghĩ Phật Tử là dòng tộc Tiền Nam Đế, không nỡ tận tuyệt, bèn đồng ý. Phật Tử lại đưa sinh lễ xin cho Nhã Lang vào làm con tin. Từ đó Việt Vương chia nước làm hai mà cùng trị. Chỗ phân cắt giới là bãi Quân Thần ở Thượng Cát, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, đạo Sơn Tây. Từ Thượng Cát về phía Tây Phật Tử trị. Từ Thượng Cát về Nam Việt Vương trị. Vương sau lại yêu mến Nhã Lang, gọi là rể hiền, tin tưởng cho ra vào mà không nghi ngờ gì.

Một hôm Việt Vương nằm ở gác Đông, bỗng mơ màng như mộng, thấy Chử Công Đồng Tử tiến lại. Việt Vương trong mộng chay ra ngoài sân nghênh đón. Thấy Đồng Tử vén tay áo lên lấy ra một bức thư giao cho Việt Vương. Vương bèn mở ra xem, chỉ thấy trong có 6 chữ là:

-          Việc thời Thục An Dương Vương.

Vương định nghênh bái đón tiếp thì bỗng nhiên tỉnh lại, mới biết là nằm mơ. Vương tưởng trong mơ là thấy lại mộng cũ gặp ông Chử Đồng Tử, cho nên không để ý. Đến khi Vương ở ngôi được khoảng 23 năm. Con trai của Phật Tử là Nhã Lang ngầm dụ Gạo nương rằng:

-          Xưa kia hai cha của chúng ta từng là thù địch, nay lại kết giao Tấn Tần, theo đó mà tránh được nỗi khổ của chiến tranh. Ngày ấy  khi cha nàng cùng với cha ta giao chiến, cha nàng có phép thần gì mà có thể thường đẩy lùi được quân của cha ta vậy

Gạo nương bèn lấy nỏ thần vuốt rồng ra cho xem. Nhã Lang bèn tráo đổi lấy cắp đâu mâu vuốt rồng. Nhân đó nói với Gạo nương rằng:

-          Tuy tình vợ chồng không thể mất nhưng nghĩa cha con cũng không thể xa rời. Ta muốn về thăm thân, chưa biến ngày nào cùng nàng gặp lại.

Nàng nói:

-          Vạn nhất mà hai nước thất hỏa, khi đó chồng Bắc vợ Nam làm sao mà gặp lại?

Nhã Lang nói:

-          Nếu có như vậy nàng hãy giấu lông ngỗng trong người, chạy đến đâu thì rắc lông ngỗng ở đường. Ta nhận được dấu đó sẽ đến gặp lại.

Thế rồi Nhã Lang giấu vuốt rồng trở bề báo với Phật Tử. Phật Tử vui mừng, bèn cất quân đến đánh Việt Vương. Vương vẫn chơi cờ vây mà cười rằng:

-          Phật Tử không sợ nở thần của ta sao Không nghĩ đến nghĩa hôn nhân hay sao?

Phật Tử nói:

-          Phật há lại sợ thần hay sao?

Bèn dẫn quân bức đến. Việt Vương mang nỏ ra mới biết là đã mất vuốt rồng, thế cùng lực tận, không biết làm thế nào. Bèn đặt Gạo nương lên ngựa, sau cưỡi ngựa chạy đến cửa biển Đại Nha ở xã Lục Bộ, huyện Giao Tủy. Còn Phật Tử cứ theo lông ngỗng mà truy sát đến. Trước là cửa biển, sau là quân truy kích. Việt Vương đang lúc quẫn bách

thì thấy Chử Công Đồng Tử cưỡi hạc bay đến trước Việt Vương hô to:

-          Vương không nhớ ta đã ứng trong mộng cho 6 chữ sao? Nữ tử sau ngựa chính là giặc đó.

Việt Vương tự biết, than rằng:

-          Hối không kịp rồi.

Bèn rút gươm chém Gạo nương. Vương tự mình nhảy xuống cửa biển Đại Nha mà mất (khi đó là ngày 12 tháng 8). Vương từ khi mất thường có nhiều linh ứng. Nơi mà Vương hóa xã Lục Bộ lập đền ở trên cửa biển để thờ phụng. Còn xã Nhuế Dương, huyện Đông An từ khi Vương mất nhân dân đều mang bệnh tật không yên, thường mơ thấy một người thân mặc áo xanh tay cầm cờ vàng nói rằng:

-          Ta là thiên sứ xuống báo cho dân các ngươi xây dựng cung miếu để thờ Triệu Việt Vương.

Người dân không biết như thế nào. Lại thấy Phật Tử lên ngôi tự lập là Hậu Lý Nam Đế. Con trai Nhã Lang đến nơi dân truyền rằng Việt Vương đã hóa. Dân phải lập miếu phụng thờ. Lại thấy Tạp bộ Đại phu ở xã Đại Lan bản huyện cũng tự đến tận nơi cung sở chính, lập làm đền miếu, vâng chép thần hiệu Triệu Việt để phụng thờ. Từ đó bệnh tật đều yên hết. Cảm tất thông, cầu tất ứng. Nên nhân dân phụng thờ nghiêm cẩn.

Lại nói khi Hậu Lý Nam Đế ở ngôi được 20 nằm thì hàng Tùy mà mất. Trải qua Mai Hắc Đế, Phùng Bố Cái, Khúc Tiên Chủ, Khúc Trung Chủ, Khúc Hậu Chủ, Dương Chính Công, Tiền Ngô Vương, Hậu Ngô Vương, Mười hai sứ quân cùng nhau tranh giành, cát cứ các nơi. Sinh dân do đó thật lầm than. Lại có người ở Hoa Lư động, châu Đại Hoàng họ Đinh tên Bộ Lĩnh khởi binh dẹp trừ 12 sứ quân. Khi dẫn quân đánh Phạm Bạch Hổ ở Đằng Châu Đinh Bộ Lĩnh tự đến xã Nhuế Dương  cầu ở nơi đền miếu Việt Vương. Việt Vương cũng có hiển ứng âm phù. Khi dẹp được 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, tự lập là Đinh Tiên Hoàng đế, bèn truy phong Việt Vương Hoàng đế, ban cho mĩ tự sắc chỉ về Nhuế Dương, trùng tu miếu điện để thờ phụng. Xuân thu sai quan đến tế. Bốn mùa hương lửa cùng quốc gia hưởng yên. Thịnh sao!

Truy tôn Triệu Việt Vương Khai quốc Dực vận Quảng tế Thần võ Nguyên công Chí  Thánh Triệu Hoàng đế. Cho xã Nhuế Dương phụng thờ.

Lại nói, từ đó về sau trải đời Lý 8 nhánh, Trần 12 vua cùng với Hoàng gia ta khai sáng hồng đồ thường có hộ quốc cứu dân, cầu mưa cầu nắng, đều có nhiều linh ứng, nên có nhiều đế vương gia phong mĩ tự để làm vạn năm hương lửa vô cùng. Tốt thay, đẹp thay!

Vâng khai sinh hóa các lễ cùng với các chữ húy hai chữ Quang Phục, màu áo vàng nhất thiết cấm khi làm lễ không được mặc.

Sinh thần ngày mồng 10 tháng 3 (lễ dùng trên mâm chay, dưới cỗ trâu, xôi, rượu, ca hát ba ngày).

Ngày hóa thần 12 tháng 8 (lễ dùng trên chay bàn bánh chè oản hương hoa. Dưới cỗ trâu xôi rượu, đấu vật ba ngày).

Ngày khánh hạ là mồng 10 tháng Giêng (lễ dùng lợn đen, xôi, rượu, ca hát một ngày).

Xuân thu hai kỳ lệ được ban cho tiền đồng 60 quan, sai quan đến tế, làm lễ tam sinh, ca hát một ngày.

Niên hiệu Hồng Phúc năm thứ nhất tháng đầu xuân ngày tốt, Hàn lâm viện Đông các đại học, thần, Nguyễn Bính phụng soạn.

Hoàng triều Vĩnh Hữu năm thứ nhất tháng giữa thu nguyệt ngày tốt, Quản giám bách thần Tri điện Hùng lĩnh Thiếu khanh, thần, Nguyễn Hiền tuân theo chính bản vâng sao.

Bát phẩm thư lại, thần, Hoàng Công Độ vâng chép.



No comments:

Post a Comment