Wednesday, August 9, 2023

Thần tích làng Bùi Xá, tổng Phù Khê, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên

Phả lục công thần thời Tiền Lý Nam Đế họ Triệu tên Phục, sau là Triệu Việt Đại Vương.

Xưa nước Việt ta mở cơ đồ Nam phục, phân giới theo sao Ngưu Đẩu. Triều Hùng mở vận, thánh tổ ứng đồ. Nước biếc một dòng, khởi vận thánh đế minh vương. Núi xanh vạn dặm, dựng nền cung điện thành đô. 18 đời truyền hơn hai ngàn năm thịnh trị. Đời đời cha truyền con nối, đều xưng là Hùng. Ngọc lụa, núi sông vạn dặm thống nhất, chính là tổ của Bách Việt vậy. Truyền đến đời Duệ Vương không có người kế tự, bèn nhường ngôi cho Thục An Dương Vương. Dương Vương có nước trị được 50 năm. Có người Chân Định họ Triệu tên Đà dẫn quân đến xâm chiếm. Nhà Thục mất. Triệu Đà chiếm được nước, cha truyền con nối 5 đời làm vua.

Từ đó nước Việt ta thuộc về Hán, Ngô, Tấn, Tống, Tề, Lương. Khi ấy nước Việt ta có ông Lý Bôn, có tài văn võ của bậc đế vương, có chí dẹp loạn khôi phục non sông, thừa vận theo trời thuận người mà khởi dưỡng chí lớn, chọn tìm tướng tài. Tin thay! đã có vua tất sẽ có bề tôi. Rồng lên ở đầm không có ý với mây mà mây tự đến.

Đương khi đó tại huyện Châu Diên phủ Tam Đới đạo Sơn Tây có một người xử thế theo kinh sách, lo liệu việc nhà bằng hiếu đễ. Người đó họ Triệu tên Túc, cùng với bà Lê Thị Minh kết duyên cầm sắt, xướng hợp uyên ương, ba sinh hương lửa, một mối phong quang êm đềm, dư giả vậy. Gia thế vốn giàu có. Vợ chồng cùng là những người trung hậu, giúp nghèo cứu yếu, tích đức làm việc nhân, nửa điểm hại người cũng không làm, một ý tham lợi nhỏ cũng không theo. Phàm là việc giúp người tạo phúc, đều cố hết sức lực để làm. Nhân dân địa phương ai ai cũng nói là gia đình tích thiện tất sẽ có nhiều may mắn.

Khi ấy vợ chồng ông đều đã ngoài 40 tuổi mà chưa thấy có sinh nở nên cùng nhau đến đền thiêng trên núi Tam Đảo để cầu đảo. Đêm đó ông nằm mơ thấy ánh sáng tràn đầy nhà, chốc lát có rồng vàng trườn tới. Ông bắt được một con rồng vàng. Đến khi tỉnh lại mới biết là một giấc mộng Hoàng Lương bên gối. Rạng ngày ông làm lễ bái tạ, trở về nhà.

Từ đó bà Lê Thị thấy trong người có mang. Mang thai được 12 tháng đến mùa hè năm Mậu Thìn ngày 1 tháng 5 giờ Thân thì sinh hạ một người con trai, thân hình đẹp đẽ chỉnh tề, khí chất khôi ngô kỳ lạ. Trong lúc sinh khí lành tụ thành hình, hương thơm bay ngào ngạt, cuốn bám đầy phòng. Sương mù rạng rỡ ở nơi nằm. Người cha rất vui mừng cho đó là trời ban cho, bèn đặt tên là Quang Phục.

Ngày qua tháng lại, đến khi trưởng thành thì tìm thầy đi học. Học được vài năm thì đã hiểu thấu văn chương, trí tuệ hơn người, tinh thông võ bị, tài năng cái thế, cùng với lục giáp, thần phù không gì là không tinh thông. Đang khi còn đi học, thầy dạy thường nói rằng:

-          Gia đình người này đúng là có được điều phúc lớn, sinh được một người con trai tốt như vậy. Ngày sau sẽ là người trải trời rải đất, bày lập thời đại kinh kỷ, là người quý của nước Nam vậy.

Đến năm Ngài 12 tuổi thì sách vở của trăm nhà không gì là không nắm được. Mỗi khi bàn luận cùng với bạn bè cùng trang lứa, bằng hữu đều sợ phục. Ngài thường than rằng:

-          Làm người phải như các bậc thánh hiền thời cổ, sáng lập công danh, không thì cũng là chốn sa trường da ngựa bọc thây, mới đúng là bậc đại trượng phu. Đâu thể chỉ yên phận với việc nghiên bút được.

Từ đó không quan tâm đến sản nghiệp mà nuôi chí lớn. Thường hận là nước Nam phải phụ thuộc vào người ngoài, không tự quản thủ (khi ấy Lương sai Tiêu Tư là thái thú ở Việt ta). Bèn ngày đêm tích trữ binh lương, âm thầm nuôi chí lạ, chỉ còn tìm thánh quân đợi thời mà phát động. Một hôm ngài Quang Phục nghe có ông Lý Bôn ở đất Quảng Đông Long Biên, có chí lớn lao, anh hùng trí dũng, có khí tượng lớn của bậc đế vương, chiêu tập binh mã khôi phục đất đai. Ngài bèn chọn ngày dẫn quân tìm đến bái yết. Ông Lý thấy người này văn võ toàn tài, bèn nói:

-          Ta cùng ngươi khó phân tài cao thấp, nhưng có được tướng tài không khi nào là muộn cả.

Ngày hôm đó bèn bái Quang Phục là Đại tướng quân, chọn ngày lập đàn cầu đảo trời đất, bách thần, đãi hưởng quân sĩ, rồi chia quân thành các đạo cùng tiến thẳng đến quân Lương. Đánh một trận lớn. Quân Lương thua to. Tiêu Tư chạy về nước Lương. Ông Lý lên ngôi, tự lập là Tiền Lý Nam Đế. Phong Triệu Quang Phục làm Đại tướng quân. Quân thần hợp đức, thiên hạ thái bình. Vạn dân no đủ vui ca. Bốn biển thấy cảnh tượng thái hòa. Nhà Lý làm Đế, họ Triệu làm bề tôi.

Được quãng 8-9 năm, nhà Lương lại cử Tiêu Tư làm tiên phong, Bá Tiên làm Đại tướng, dẫn quân 20 vạn đến đánh để rửa mối hận trước đây. Nam Đế bèn cùng với Quang Phục cự chiến, mấy trận không phân thắng thua. Nam Đế bèn cho Quang Phục dẫn một đại quân trở về giữ huyện Đông An, phủ Khoái Châu. Còn Nam Đế giữ vùng Dã Năng. Quân Lương lại tiến đánh. Nam Đế lại chạy về động Khuất Liêu, bị phát bệnh lam chướng mà mất.

Còn Quang Phục ở huyện Đông An, thấy trong huyện có đầm Nhất Dạ tại đất xã Vĩnh Hưng (tức xã An Vĩnh). Đầm này chu vi không biết bao nhiêu dặm, cỏ lác mọc rậm rạp. Bốn bề bùn lầy sình trũng. Bên trong có một chỗ nhỏ có thể ở. Quang Phục bèn lập đồn lớn ở trong đầm.

Ngài lại đi khắp nơi trong huyện (tức huyện Đông An) tìm nơi đất nào có hình thế tiện lợi để lập cung mà ở. Một hôm đi đến xã Bùi Xá tổng Đại Quan, thấy hình rồng rắn bao bọc, núi sông quanh co, bèn lập một ở nơi đó để năm tháng có thể nhàn du thưởng ngoạn.

Việc xong lại đóng đồn quân ở đầm Dạ Trạch, thường cùng tướng Lương là Trần Bá Tiên cự chiến vài chục trận. Quân Lương đều thua. Thường khi dẫn quân đánh quân Lương thì thấy có một lão ông, râu tóc dài khỏe, thân thể kỳ dị, cao hơn 9 thước, cầm một cây chùy sắt, theo khói sương trong đầm mà lên, tiếng như chuông lớn, hình như sắt trắng, đánh quân Lương thua to.

Sự việc xong ông lão lại cùng với Quang Phục đi dạo, nói cười vui vẻ như anh em cùng một bọc đến chơi vậy. Phàm khi Quang Phục có việc bị quân Lương tập kích thì đều đến báo trước thời gian. Nếu Quang Phục gạn hỏi họ tên, duyên cớ thì đều không báo sự thực. Một hôm Quang Phục đi đến cung sở ở xã Bùi Xá. Nhân dân đang làm lễ đón mừng thì bỗng thấy lão ông từ bên ngoài đi đến. Quang Phục bèn mời vào trong ngồi. Lão ông nói rằng:

-          Tôi vốn là thanh khí chốn bèo nước, là dòng dõi một bầu trăm trứng họ Hùng trước đây, cũng là phúc thần của Bùi Xá (xem tích Lạc Long Quân lấy tiên nữ Âu Cơ, sinh hạ một bầu trăm trứng, nở ra điềm trăm trai, đều có tư chất hơn người, anh hùng vượt đời. Đến khi trưởng thành Vua bèn phong hầu lập bình phong, chia nước làm 15 bộ. 50 người con theo cha về biển làm thủy thần. 50 người con theo mẹ lên núi làm sơn thần). Tôi là Đông Hải Đại vương, là người con thứ 10 trong số 50 người con về biển, họ Hùng tên Chiểu, ở giữ biển Đông nên gọi là Đông Hải Đại vương. Sau lại kiểm giữ đầm Nhất Dạ ở Sơn Nam, làm thần ở Bùi Xá trong đầm Dạ Trạch. Sau này cùng ngài được cùng hưởng trong dân nên mới đến báo tin. Nay là lúc nghiệp làm vương tất sẽ thành. Ngài nên chọn ngày trai giới cầu đảo với Trời. Tất Hoàng thiên sẽ cho Quý Minh Đại vương là Hữu kiên thần của Tản Viên Sơn Thánh, cưỡi rồng đến để cho ngài móng rồng làm đồ quý thiên ban, tất nghiệp vương có thể thành. Còn quân Lương không thể vây được. Nếu được như vậy thì cùng phụng thờ vị Quý Minh Đương Lai, có việc lành dữ như thế nào thì tôi cùng với Quý Minh tất báo cho, lại càng tăng thêm điều tốt. Từ nay, tôi có việc trên thiên đình, không thể cùng nhau gặp mặt như ngày trước.

Nói xong, ông lão bay lên không mà đi. Ngài Quang mới biết đó là thủy thần cùng mình đi dạo, nay đến giảng dạy cho. Bèn gọi nhân dân Bùi Xá đến hỏi. Dân đều nói trước đây quả có phụng thờ Đông Hải Đại vương. Nguyên là vì dân nghèo không thể sửa chữa được đền miếu nên trải qua thời gian đã bị hỏng nặng. Ông Phục nghe lời bèn khấn rằng:

-          Nếu quả đúng như lời, thần xin sửa chữa đền miếu để cùng phụng thờ.

Bèn chọn ngày trai giới, lập đàn dâng lễ cáo tế trời đất, cầu đảo bách thần. Ba ngày đèn hương không dứt. Bỗng thấy trời đất mù mịt, mây gió nổi lên. Có một vị thần tướng cưỡi rồng vàng từ trên trời hạ xuống, đứng trên đàn. Ông Phục đại bái ở trước. Thần tướng mới nói rằng:

-          Ta là Quý Minh Đương Lai (Xét xưa cha của ông Quý họ Nguyễn, mẹ họ Tạ, nằm mộng thấy hai con hổ nhập vào, có thai mà sinh một bọc hai con trai. Người anh tên Sùng công, là Cao Sơn Đại vương. Người em tên Hiển công, là Quý Minh Đại vương. Tản Viên Sơn cùng là ba người anh em, là con chú con bác. Sau gọi là Tả hữu lưỡng kiên thần), cho khanh một vật để làm nỏ thần báu vật trời ban. Cho dù có giặc mạnh cũng không phải lo lắng vậy.

Bèn tháo móng rồng mà trao cho ông Phục. Ông làm lễ bái tạ. Quý Minh cưỡi rồng biến mất. Ông Quang Phục rất mừng, bèn lệnh cho chế tạo nỏ thần vuốt rồng, tự lập là Triệu Việt Đại vương, hướng nỏ vào đâu thì quân Lương đều tự khắc dạt ra, không dám đến gần.

Do cảm đức lớn của đức Đông Hải, Quý Minh và từ lời không thể đổi của đức Đông Hải nên Ngài cho trùng tu miếu điện ở xã Bùi Xá, viết thần hiệu hai vị Đông Hải, Quý Minh để phụng thờ (thời cổ người còn thuần phác, theo sự việc thật mà đến, nên có chữ Đương Lai, có lẽ là theo nghĩa thứ hai là đến), để sau này khi ngài trăm tuổi làm nơi hương lửa hưởng thần. Cho phép Bùi Xá dùng tô thuế, phục dịch, mua thêm ruộng công để làm dân thang mộc, cùng phụng thờ hai vị Đông Hải, Quý Minh. Bốn mùa tám tiết hương lửa theo như nghi thức. Người đời sau có thơ rằng:

Sơn thuỷ tòng lai tương biệt thú

Như hà sơn thuỷ đắc đồng nguyên

Giả lệnh tại đương thì giả

Cảm vấn chư công đắc minh.

Dịch nghĩa:

Sông núi theo đi mà chia biệt

Tại sao sông núi lại cùng nguồn?

Nếu là thủ lĩnh đương thời đó

Dám hỏi các ngài rõ không?

Vua từ đó lấy làm đắc chí, mới đi chu du thiên hạ, xem sông hỏi bến, tản bộ núi rừng. Lúc thì thổi sáo đánh đàn, thơ sách đối với trời đất, phượng hát loan ca, thanh sắc Bồng Lai, chủ trương ba lá vượt bồng, năm hồ trăng gió, dấu tiên tại đình thuyền câu, hai gương cảnh tượng xe mây nếp cũ. Nước xanh, núi đẹp đều tụ lại với đất trời. Thánh ở Tây, thần ở Bắc, ra vào chốn phong cảnh trời Nam. Theo dấu tiên ông mà đi khắp quê nhà nước cũ. Núi sông Thần Phù, Yên Tử, Cao Đê, mặt trời hồng, đám mây trắng, gió trăng cuốn Hoa Quật, Long Biên. Trên dưới non xanh nước biếc. Ở ngôi được khoảng 10 năm, thiên hạ thái bình, xem thấy lũ cướp đều lánh xa, bọn giặc đều yên. Không người nào không thỏa lòng sinh. Không vật nào không yên mà không dưỡng. Công thành, trị định. Việc cơ yếu thành hòa hợp, hưng khởi mà trị. Cũng đều do có nỏ rồng trời ban xếp đặt vậy.

Vua từ khi có được báu vật của trời đâm ra thêm kiêu ngạo, lại đam mê yến tiệc, không lo việc quốc chính. Thiên tai báo nguy cũng là điềm báo trước. Thiên mệnh đến mức trọng thì không thể dùng trí lực mà tranh giành được. Người em của Tiền Lý Nam Đế là Lý Phật Tử với con trai tên Nhã Lang có tấm lòng đế vương, kiêm tài văn võ, tích trữ quân lương để khôi phục họ Lý, trí mưu đều lớn, dũng lược hơn người, dẫn quân đến đánh Triệu Việt Vương, mấy trận đều bị thua.

Nhã Lang trong lòng biết vua Triệu có báu vật trời ban, tuy có trí dũng cũng không thể vây được, bèn nói với cha rằng:

-          Thần xem nước Triệu tất có cơ thần, thuật lạ. Nay nếu hết sức mà công đánh tất sẽ hao tướng mất quân, cũng không thể thành công được. Chi bằng hãy dùng mưu mà lấy. Thần sẽ cầu hôn với con gai vua Triệu là Quả Nương, rồi thần vào ở rể làm con tin, tất sẽ biết được thực hư vậy.

Phật Tử đồng ý, bèn mang lễ cống đến giảng hòa với vua Triệu, nói:

-         Xưa Vương cũng là danh thần của Nam Đế ta. Nay Vương có con gái Quả Nương cùng với Nhã Lang đồng tuổi. Dám xin cầu để kết nghĩa Tấn Tần, mà tăng thêm tình thân vậy.

Triệu Vương đồng ý. Khi ấy có các đình thần ra sức can gián, nhưng cuối cùng Vương không nghe, nói:

-          Ta có nghĩa với Tiền Lý Đế, lại có thần nỏ vuốt rồng, ai làm gì được?

Một hôm Vương nằm ở Bùi Xá miếu sở phụng thờ hai vị Đông Hải, Quý Minh, bỗng mơ thấy hai vị đến ban cho Vương một bài thơ. Vương trong mộng mở ra xem, thấy trong có 4 câu thơ:

Nhị thập niên gian tắc du vương

Thiên hạ dĩ định khả tri tường

Nam bang hồi Lý gia Phật tử

Long trảo hoàn quy tại Nhã Lang.

Dịch nghĩa:

Hai mươi năm đó đã xưng Vương

Thiên hạ định rồi, biết rõ ràng

Nước Nam về tay Lý Phật Tử

Móng rồng quay trả ở Nhã Lang.

Khi ấy Vua ở ngôi đã được 20 năm. Một hôm Nhã Lang tráo đổi, lấy trộm vuốt rồng, rồi quay về báo với Phật Tử. Phật Tử bèn dẫn quân đến đánh. Triệu Vương thua chạy. Phật Tử lên ngôi tự lập là Hậu Lý Nam Đế. Nam Đế nghĩ đến chữ nghĩa cha con, quân thần bèn cắt giới từ Thượng Cát, huyện Từ Liêm về phía Tây cho Nhã Lang ở. Từ Thượng Cát về phía Đông Nam Việt ở, gọi là Quân Thần.

Sau khi Vương mất ở nơi yên nghỉ cuối cùng thì nhân dân xã Bùi Xá cảm ơn đức bèn viết thần hiệu mà lập miếu thờ phụng, giữ được hương lửa vạn đại vô cùng. Từ đó về sau trải Đinh, Lê, Lý, Trần bốn họ khai sáng cơ đồ, thường có việc hộ quốc bảo dân nên có nhiều đế vương gia phong mỹ tự để muôn năm cùng an hưởng với nước nhà. Tốt thay!

Xã Bùi Xá phụng thờ.

Tiệc lớn cùng với các chữ húy Đông, Hải, Quý, Minh, Quang, Phục cùng màu đỏ và tía là húy kỵ.

Chính lệ sự thần ngày 1 tháng 5.

Ngày 2 tháng 2 là tiệc lớn mở sắc.

Năm Hồng Phúc thứ nhất ngày tốt tháng giữa xuân, niên hiệu vua Lê Anh Tôn.

Hoàng triều Vĩnh Hựu năm thứ nhất ngày tốt đầu xuân niên hiệu vua Lê Ý Tông.

Chánh hội Hoàng Văn Tiệp, Thư ký Lê Văn Chấn, Lý Trưởng Lê Văn Trong ký.

No comments:

Post a Comment