Wednesday, March 9, 2022

Thượng Nguyên giữa lòng Hà Nội

Ngày Rằm tháng Giêng là ngày Tết Nguyên Tiêu hay Tết Thượng Nguyên, là một lễ tiết lớn theo  truyền thống của người Việt trong dịp đầu xuân. Vào tiết Thượng Nguyên người ta thường làm lễ cầu an, cầu phúc, ước nguyện điều lành trong năm mới. Điều mà ít người biết đến là Tết Thượng nguyên vốn là ngày lễ vị Thiên Quan, là người ban phúc trời cho nhân gian. Đây không chỉ là tục thờ và cầu phúc của người Hoa ở Sài thành, mà ngay giữa lòng thủ đô Hà Nội từ lâu đã có một ngôi đền cổ thờ Thiên Quan Tứ phúc.

Đền Vũ Thạch ở số 13B phố Bà Triệu, nằm cách bờ hồ Gươm chỉ vài bước đi bộ. Đây là một ngôi đền cổ, rất may mắn đã không bị phá hủy trong thời gian chiến tranh và còn bảo tồn được nguyên vẹn  tới ngày nay. Ngoài cổng đền có đắp vòng bích tròn đề dòng chữ Nho “Đại Thiên hành hóa”, dịch là: “Thay Trời làm phép”. Đôi câu đối ở 2 bên cột ngôi đền nêu bật thêm ý nghĩa của ngôi đền: “Dữ Phật vi lân, từ chúc quang khai thành bất dạ/ Đại Thiên hành hóa, đức phong phổ phiến hải vô ba”. Nghĩa là: “Làm phép thay Trời, gió Đức thổi tràn yên sóng bể/ Kế bên cùng Phật, đuốc Từ soi rạng sáng đêm thành”.

Bước vào tòa chính đường của ngôi đền ta có thể chiêm ngưỡng bức cửa võng chạm khắc rồng chầu mặt trời rất tinh xảo, được sơn son thiếp vàng rực rỡ, ngăn tạo không gian thờ cúng linh thiêng bên trong. Phía trên cửa võng là bức hoành phi: “Đức lớn vô cùng”. Bên phải có bức hoành phi đề: “Giáo hóa vạn dân”. Bức hoành phi bên trái đề: “Che trùm bốn biển”. Tất cả đều nêu ý nghĩa đức hóa của thần bao trùm khắp muôn dân.

Hai bên ban thờ chính điện có 2 vị quan hầu khoác áo vàng đang chắp tay quỳ chầu. Bên cạnh là một đôi nghê gỗ, được chạm khắc quanh thân với những lớp vẩy và các đao lửa, tuy hình khối mộc mạc nhưng toát lên vẻ trang nghiêm và cổ kính.

Sâu trong nội điện là tượng một vị thần ngồi trên ngai rồng, khoác áo vàng có thêu rồng, đầu đội mũ cánh chuồn. Tay phải thần cầm một thẻ bài. Tay trái xòe ra như đang ban phúc lộc. Phía trên bức tượng có hoành phi đề: “Khắc tương Thượng Đế”, dịch là “Gánh vác, trợ giúp Thượng Đế”.

Không hiểu tại sao các tài liệu ngày nay về đền Vũ Thạch lại nói nơi đây thờ một vị tướng thời Trưng Vương, trong khi thần tượng hoàn toàn không thể hiện đây là võ tướng, mà là hình một vị tôn quan khá rõ nét. Chính xác hơn nữa, bản sắc phong năm Tự Đức thứ sáu (1852) của đền Vũ Thạch ghi: “Sắc cho thần Thiên Quan, nguyên tặng là thần Tứ phúc Diên hi Công chính”. Thiên Quan Tứ Phúc là tên phong hiệu của vị thần ở đền Vũ Thạch.

Tấm bia “Vũ Thạch bi ký” khắc năm Khải Định thứ chín (1924) có đoạn: “Thọ Xương huyện Vũ Thạch thôn ... Thiên Quan bảo điện, di tượng thanh cao, thần ư Phật tự chi tiền, hách hách quyết thanh, dương dương tại thượng, cầu tất ứng...”. Dịch là: “Thôn Vũ Thạch huyện Thọ Xương... có điện báu Thiên Quan, di tượng thanh cao, thời ở trước chùa Phật, tiếng thiêng hiển hách, rờ rỡ nơi trên, cầu tất ứng...”. Như thế, bức tượng thần ở đền Vũ Thạch là tượng cổ thờ Thiên Quan.

Thiên Quan là một trong Tam Quan Đại đế của Đạo Giáo gồm Thiên Quan, Địa Quan và Thủy Quan. Thiên Quan chủ về đường Sinh nên có ý nghĩa “Tứ phúc”, đem điều may mắn đến cho nhân gian. Ngày “Quan Trời ban phúc” là ngày Rằm tháng Giêng, hay còn gọi là Tết Thượng Nguyên. Còn Địa Quan xá tội vào ngày Trung Nguyên Rằm tháng Bảy. Thủy Quan giải ách vào ngày Hạ Nguyên Rằm tháng Mười.

Tín ngưỡng thờ Tam Quan khởi đầu từ thời Đông Hán bởi giáo chủ Trương Đạo Lăng và truyền xa mãi tới nay. Ở nước ta, Tam Quan là đối tượng thờ chính của Đạo Giáo Tam Phủ, từng rất phổ biến trước đây. Đền thờ Tam Quan được xây dựng ở nhiều nơi như trong quần thể di tích chùa Thầy ở Sài Sơn (Quốc Oai) hay ở thành phố Bắc Ninh, ở xã Cao Đức huyện Gia Bình... Một loạt các đình làng ở Thanh Hóa cũng thờ các vị Thiên Quan, Địa Quan, Thủy Quan làm thành hoàng làng.

Trong đền Vũ Thạch, ngoài chính điện thờ Thiên Quan thì điện bên trái là nơi thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh cùng với các vị thần tiên trong Công đồng Tứ phủ. Đặc biệt ở đây có bức hoành phi đề: “Hồi đầu thị ngạn”, nghĩa là “Quay đầu lại là bờ”. Bức hoành phi này không chỉ là lời cảnh tỉnh giác ngộ con người hướng thiện, mà  trong bối cảnh của đền Vũ Thạch thì nó có thể hàm ý nói tới cuộc đại chiến Sòng Sơn giữa Mẫu Liễu với Tam Quan Nội đạo tràng. Trong cuộc chiến này Mẫu Liễu đã bị bại bởi 3 vị quan – 3 đạo sĩ của phái Nội đạo, sau nhờ Phật Tổ hiện lên giải cứu mới thoát khỏi kiếp nạn và từ đó được tôn sùng là Thánh mẫu.

Bia ký Vũ Thạch có đoạn: “Mẫu đức bao hàm trạch biến Cửu thiên chi vũ. Tiên dung yểu điệu diễm khai Tam phủ chi hoa.” Nghĩa là: “Sự bao hàm đức của Mẫu như mưa từ Cửu thiên. Vẻ yểu điệu hình tiên như hoa nở đẹp của Tam phủ”. Từ sau cuộc đại chiến Sòng Sơn, Tam phủ của Đạo Giáo vốn chỉ thờ Tam Quan đã mở rộng ra thờ các nữ thần và trở thành Đạo Mẫu Tứ phủ như ngày nay.

Nằm ở phía sau đền Vũ Thạch là ngôi  chùa Quang Minh, cũng là một di tích cổ hiếm hoi còn bảo tồn được khá nguyên vẹn trong lòng Hà Nội. Làm lễ cầu phúc nơi điện Thiên Quan, dâng hương tới Thánh mẫu Liễu Hạnh ở đền Vũ Thạch xong có thể ghé chùa cổ trong ngày Thượng nguyên đầu xuân năm mới. Đôi câu đối ở nhà thờ tổ chùa Quang Minh như nhắc lại ký ức về một Hà thành hào hoa nhưng rất tâm thành tín lễ:

“Ngọc Đảo hương phong, cách phượng thải hoa hàm khẩu kệ/ Kiếm Hồ thu nguyệt, kim long xuất thủy phủng tâm kinh”.

Nghĩa là: “Hương gió Ngọc Sơn, phượng cách hoa tô ngâm lời kệ/ Trăng thu Hồ Kiếm, rồng vàng phun nước đỡ tâm kinh.”

Bài đăng báo Lao Động cuối tuần số 7-9 từ 13 đến 27 tháng 2 năm 2022
 

 
 

No comments:

Post a Comment